See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 – Wikipedia tiếng Việt

Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chiến dịch Hồ Chí Minh
Thời gian 13 tháng 12 năm 1974 - 30 tháng 4 năm 1975
Địa điểm Việt Nam Cộng hoà
Kết quả Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến thắng
Tham chiến
Quân đội Nhân dân Việt Nam,
Quân giải phóng miền Nam
Quân lực Việt Nam Cộng Hoà
Chỉ huy
Văn Tiến Dũng
Lê Trọng Tấn
Hoàng Minh Thảo
Trần Văn Trà
Hoàng Cầm
Nguyễn Hữu An
Đinh Đức Thiện
Lê Đức Anh
Nguyễn Văn Thiệu
Ngô Quang Trưởng
Phạm Văn Phú
Dư Quốc Đống
Lực lượng
Khoảng 1 triệu quân chủ lực và du kích, trong đó có 200.000-270.000 quân chính quy[1] 229.000 quân chính quy
Địa phương quân:gần 500.000[1].
Thương vong
Không rõ Không rõ

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 là tên gọi của những cuộc tấn công quân sự cuối cùng của các lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 3 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc tấn công cuối cùng này chia thành ba chiến dịch liên tiếp nhau gọi là Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3), Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng (từ 21 tháng 3 đến 29 tháng 3) và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4). Những trận đánh này được thực hiện sau khi Hoa Kỳ rút hẳn khỏi cuộc chiến, cán cân lực lượng đã nghiêng hẳn sang phía lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kết quả thắng lợi quân sự của quân giải phóng trong chiến dịch này đã dẫn đến sự kiện 30 tháng 4, 1975 kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Mục lục

[sửa] Lực lượng

Quân đội Nhân dân Việt Nam tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 (kể cả các sư đoàn phòng thủ miền Bắc, không tham gia chiến đấu trực tiếp) gồm 23 sư đoàn bộ binh và các lực lượng khác. Tổng quân số gần 1 triệu [2]

Bộ binh:

  • Quân đoàn 1 Quyết Thắng gồm: các sư đoàn 308, 312, 320b.
  • Quân đoàn 2 Hương Giang gồm: các sư đoàn 304, 324, 325.
  • Quân đoàn 3 Tây Nguyên gồm: các sư đoàn 10, 316, 320a
  • Quân đoàn 4 Cửu Long gồm: các sư đoàn 6, 7, 341
  • Đoàn 232 gồm: các sư đoàn 5, 8, 9
  • Các sư đoàn độc lập (không thuộc quân đoàn):
  • Các đơn vị khác :
  • Lữ đoan 52 chủ lực QK5, các trung đoàn 95a, 24, 88, 866, trung đoàn 25 Tây Nguyên, trung đoàn 335 quân tình nguyện Lào
  • Đoàn 559 (binh đoàn Trường Sơn) gồm :
    • 4 sư đoàn công binh 470, 472, 473, 565
    • 2 sư đoàn ô tô vận tải 471, 571
    • Sư đoàn phòng không 377,
    • Sư đoàn bộ binh 968
  • Lực lượng trực thuộc gồm 6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoan bộ binh, 4 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn cầu, 1 trung đoàn vận tải song, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện an dưỡng va 4 đoàn TNXP.

Xe tăng thiết giáp:

  • Trung đoàn 202 thuộc quân đoàn 1.
  • Lữ đoàn 203 thuộc quân đoàn 2.
  • Trung đoàn 273 thuộc quân đoàn 3.
  • Trung đoàn 206 thuộc quân đoan 4.
  • Trung đoàn 574 trực thuộc QK5.

Lực lượng tăng thiết giáp của QĐNDVN được trang bị cac loại xe tăng T-34, T-54/55, T-62, tăng lội nước PT-76, thiết giap BTR-40/50/60/152, phao tự hanh SU-76 của LX; T-59, tăng nhẹ Type-62, tăng lội nước PT-85 (Type-63), thiết giap K-63 (Type-63) của TQ.

Quân lực Việt Nam Cộng Hoà Có 10 sư đoàn bộ binh tham chiến trên tổng số 13 sư đoàn gồm:

2 sư đoàn tổng trừ bị là sư đoàn Dù và sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến.

  • Liên đoàn 81 biệt kích dù.
  • 18 liên đoàn biệt động quân.
  • 65 tiểu đoàn pháo binh (1.500 khẩu).
  • 22 thiết đoàn va 57 chi đội xe tăng thiết giáp.

Sư đoàn 7, 9 và 21 trấn đóng tại Vùng IV Chiến thuật cùng 200.000 binh sĩ Địa phương quân tại đây không tham chiến trận nào. Sau khi Tổng thống Minh đầu hàng ngày 30 tháng 4 thì các đơn vị này cũng tan rã.

Loạt bài
Chiến tranh Việt Nam
Giai đoạn 1954–1959
Miền Bắc – Miền Nam
Thuyết Domino
Giai đoạn 1960–1965
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam
Kế hoạch Staley-Taylor
Sự kiện Phật Đản, 1963
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm
Giai đoạn 1965–1968
Miền Bắc
Các chiến dịch Tìm-Diệt
Chiến dịch Phượng Hoàng
Diễn biến Quốc tế
Tết Mậu Thân, 1968
Giai đoạn 1968–1972
Diễn biến Quốc tế
Việt Nam hoá chiến tranh
Chiến dịch:
Lam Sơn 719 – Hè 1972 – Linebacker II
Hiệp định Paris
Giai đoạn 1973–1975
Chiến dịch:
Tây Nguyên – Huế - Đà Nẵng
Xuân 1975 – Hồ Chí Minh
Sự kiện 30 tháng 4, 1975
Hậu quả chiến tranh
Chất độc da cam
Thuyền nhân
sửa tiêu bản

[sửa] Diễn biến

[sửa] Chiến dịch Tây Nguyên

Chiến dịch Tây Nguyên đã được lãnh đạo quân sự của Bắc Việt Nam trù tính và chuẩn bị kỹ theo kế hoạch ban đầu là giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Kế hoạch 2 năm đó hoạch định trong năm 1975 chiếm hoàn toàn cao nguyên Trung phần và phát triển từ đó xuống dải đồng bằng ven biển miền Trung của Quân khu 2, tiêu diệt Quân khu 2 Nam Việt Nam, cắt Nam Việt nam thành hai phần: Quân khu 1 (với Quảng Trị, Thừa Thiên-HuếĐà Nẵng) bị cô lập ở phía bắc và Quân khu 3, 4 ở phía nam. Còn trong năm 1976 sẽ tổng tấn công kết thúc chiến tranh. Như vậy chiến dịch Tây Nguyên có vai trò trọng tâm trong kế hoạch tấn công của quân Cộng sản năm 1975.

[sửa] So sánh lực lượng trên chiến trường Tây Nguyên

Phương án tiến công chiến dịch Tây Nguyên của Bộ tổng tư lệnh quân Bắc Việt Nam chỉ rõ lấy nam Tây Nguyên làm trận đột phá mà thị xã Buôn Ma Thuột là trận then chốt. Để thực hiện chiến dịch phía Cộng sản đã đưa thêm 2 sư đoàn (316 và 968) lên Tây Nguyên nâng lực lượng của họ tại đây lên 4 sư đoàn (10, 320, 316 và 968) và các lữ đoàn, trung đoàn độc lập của bộ binh, pháo binh, thiết giáp, đặc công, phòng không, công binh... Và chưa kể Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tại Bình Định đánh chia cắt đường 19 và tấn công Sư đoàn 22 Nam Việt Nam không cho ứng cứu để phục vụ trực tiếp chiến dịch này.

Tại Tây Nguyên, lực lượng phòng thủ của Nam Việt Nam chỉ có Sư đoàn 23 bộ binh (gồm 3 trung đoàn số 44, 45 và 53), Sư đoàn 6 không quân và 7 liên đoàn biệt động quân. Ngoài ra còn các tiểu đoàn bảo an đồn trú. Ưu thế lực lượng của quân Cộng sản tại Tây Nguyên đã là 6:1. Sự bố trí quân lực của quân đội Nam Việt Nam tại Tây Nguyên cũng rất sơ hở: hầu hết lực lượng của họ bố trí tại phía bắc Tây Nguyên để bảo vệ các thị xã PleikuKon Tum trong khi phía nam Tây Nguyên có thị xã Buôn Ma Thuột đóng vai trò trụ cột phòng thủ lại chỉ có Trung đoàn 53 và Liên đoàn 21 biệt động quân. Các hành động nghi binh của Cộng sản đã củng cố thế nguy hiểm của Buôn Mê Thuột khi họ pháo kích và hư trương thanh thế tại phía bắc cao nguyên và bí mật điều 2 sư đoàn (320 và 10) xuống khu vực Buôn Ma Thuột. Lúc khởi đầu chiến dịch, tại điểm quyết chiến Ban Ma Thuột, tỷ lệ áp đảo của phía Cộng sản đã là 3 sư đoàn (320, 10 và 316) chống lại 1 trung đoàn bộ binh và 1 liên đoàn biệt động đồn trú. Tỷ lệ áp đảo 25.000 có xe tăng và pháo lớn yểm trợ đánh 4.000 quân trang bị nhẹ cho họ khả năng thắng lợi chớp nhoáng và không cho phép địch cầm cự lâu dài chờ quân phản kích ứng cứu. Và thực tế đã diễn ra như vậy.

[sửa] Tiến công Buôn Mê Thuột

Trước khi tiến công Buôn Ma Thuột, các động tác chia cắt chiến trường của quân Cộng sản đồng thời có hai tác dụng: thứ nhất, việc cắt các đường 19, 21, 14 trong thời gian từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 3 là hành động nghi binh tạo cảm giác là họ chuẩn bị đánh Pleiku hoặc Kon Tum; thứ hai, hành động này đã cách ly Ban Ma Thuột với phần còn lại của các lực lượng Nam Việt Nam, không cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ứng cứu nhanh chóng và ồ ạt trong trường hợp Buôn Mê Thuột bị thất thủ.

Buôn Ma Thuột ngày 11.3.1975 (Nguồn: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng- NXB Thông tin 2004)
Buôn Ma Thuột ngày 11.3.1975 (Nguồn: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng- NXB Thông tin 2004)

2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam tiến công Buôn Ma Thuột với lực lượng chủ công là Sư đoàn 316, một đơn vị có truyền thống tác chiến rừng núi của phía Cộng sản. Cuộc tiến công có pháo binh yểm hộ mãnh liệt và xe tăng xung phong. Quân phòng ngự Buôn Ma Thuột đã kháng cự quyết liệt và co cụm phòng thủ nhưng dưới áp lực quá mạnh của đối phương họ chỉ cầm cự được trong hơn một ngày. Quân Cộng sản đã hoàn thành nhanh gọn bước 1 của chiến dịch.

Sư đoàn 10 của phía Cộng sản, sau khi tiến công chật vật quận lỵ Đức Lập phía nam Buôn Ma Thuột trong 2 ngày, đến ngày 10 tháng 3 đã đánh chiếm xong mục tiêu liền nhanh chóng cơ động đến phía Đông Bắc thị xã Buôn Ma Thuột đứng chân chờ đánh quân phản kích.

Sau khi mất Buôn Ma Thuột, Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 2 Việt Nam Cộng hòa liền đưa 2 trung đoàn (44 và 45) còn lại của Sư đoàn 23 về tái chiếm lại hậu cứ của mình. Do Sư đoàn 320 quân Bắc Việt đã cắt đường 14 không cho phép quân phản kích đi đường bộ với số lượng lớn và vũ khí nặng nên quân đội Việt Nam Cộng hòa phải trực thăng vận trong 2 ngày (12 và 13 tháng 3) xuống khu vực Phước An. Sư đoàn 10 của Bắc Việt Nam đã chờ sẵn và tiến công các lực lượng ứng cứu chưa kịp đứng chân. Các lực lượng này chưa hề có hành động phản kích nào mà phải lo bảo vệ mình, bị đẩy lùi xa dần khỏi Buôn Ma Thuột và cuối cùng bị đánh tan tại Chư Cúc ngày 18 tháng 3. Buôn Mê Thuột đã mất hẳn vào tay quân Bắc Việt.

[sửa] Bước ngoặt của chiến cuộc 1975

Mất căn cứ phòng thủ cao nguyên và trong tay không còn lực lượng dự bị cơ động khả dĩ nào để có thể xoay chuyển tình thế (2 sư đoàn dự bị chiến lược là Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến là quá ít và chính họ cũng đang bị uy hiếp, dính chặt ở Quân khu 1 như các đơn vị đồn trú). Đến ngay như việc mất tỉnh Phước Long cách Sài Gòn chỉ khoảng 100 km trước đó khoảng hai tháng mà quân Nam Việt Nam cũng không còn lực lượng để tái chiếm). Điều đó cho thấy tình thế rất bị bó buộc của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Thêm nữa các lực lượng tại bắc Tây Nguyên đang chịu nguy cơ bị tấn công tiêu diệt, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ Tây Nguyên, rút các lực lượng còn lại về cố thủ dải đồng bằng ven biển miền Trung. Tuyến hành quân sẽ là theo đường 14 từ Pleiku đi xuống phía nam sau đó rẽ vào đường 7 (đã bỏ từ lâu) và xuôi về thị xã Tuy Hoà thuộc tỉnh Phú Yên. Mệnh lệnh này được ban ra bằng lời sau cuộc họp của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Nha Trang với Tổng Tham mưu trưởng và Tư lệnh Quân khu 2. Đây là quyết định chết người dành cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quyết định này có lẽ là hệ quả tất nhiên của tình trạng suy kiệt lực lượng của Nam Việt Nam lúc đó.

Quân phòng thủ Bắc Tây Nguyên chỉ có 2-3 ngày để chuẩn bị cuộc hành quân. Thực tế cuộc hành quân này không có kế hoạch, không có yểm trợ và phó mặc tất cả vào sự may rủi của số phận. Một lực lượng quân hàng vạn người chuẩn bị trong 2-3 ngày, đi hàng trăm kilômét không có yểm trợ với tinh thần chiến đấu xuống rất thấp sau khi Ban Ma Thuột thất thủ, và đặc biệt họ đi cùng gia đình và dân chạy nạn. Tất cả đã làm cho cuộc hành quân thành đoàn xe cộ khổng lồ ùn tắc không đội hình, không tổ chức, không thể chỉ huy và chiến đấu được.

Khi được tin quân Nam Việt Nam bỏ Tây Nguyên, Bộ chỉ huy Quân Giải phóng Miền Nam tại Tây Nguyên ra lệnh cho Sư đoàn 320 đang phong toả đường 14 đuổi theo. Bộ phận đi đầu của đơn vị này chạy đua, tắt núi đón đầu và kịp chặn đường tại bên ngoài thị xã Cheo Reo tỉnh Phú Bổn. Chỉ một lực lượng rất nhỏ quân Nam Việt Nam đi thoát còn toàn bộ đoàn quân và dân chạy nạn đã bị tan rã không tổ chức lại được nữa.

Kế hoạch di tản của Nam Việt Nam đã không cứu được lực lượng quân bố phòng Tây Nguyên. Tây Nguyên mất vào tay phia Cộng sản gây ra làn sóng hoảng loạn lan khắp mọi nơi và làm tan rã tinh thần toàn bộ binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quân đội Nam Việt Nam bắt đầu tan rã nhanh chóng và sụp đổ.

[sửa] Chiến dịch Huế-Đà Nẵng

Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 3 năm 1975 trong khi chiến dịch Tây Nguyên còn chưa kết thúc. Chiến dịch này đã xoá bỏ Quân khu 1 Quân đoàn 1 của Việt Nam Cộng hoà.

Dòng người bỏ trốn khỏi Đà Nẵng khi quân giải phóng tấn công
Dòng người bỏ trốn khỏi Đà Nẵng khi quân giải phóng tấn công

Khi nhận được tin quân Nam Việt Nam ở Tây Nguyên di tản tan vỡ, lãnh đạo phía Cộng sản tại Hà Nội đã nhận định rằng đối phương đang tan vỡ, không còn chiến đấu có tổ chức chặt chẽ nữa. Họ liền chuyển ngay sang phương án thời cơ cho Quân đoàn 2 (hay còn gọi là Binh đoàn Hương Giang, được thành lập từ các đơn vị chiến đấu trên mặt trận Trị - Thiên và Khu 5, gồm 3 sư đoàn 304, 324, 325 và các trung đoàn, lữ đoàn độc lập các binh chủng phối thuộc) tiến công chiếm cố đô HuếĐà Nẵng - thành phố lớn thứ hai của miền Nam và là trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế lớn nhất của Quân khu 1. Chiến dịch này mang tính ứng tác, ngẫu hứng của quân Bắc Việt: gần như tiến hành theo chỉ thị từ xa trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh tại Hà Nội. Tư lệnh và Chính uỷ của chiến dịch thậm chí chưa gặp mặt nhau, không có Bộ Tư lệnh chiến dịch, mọi thông tin mệnh lệnh truyền đạt đều trên vô tuyến. Quân Bắc Việt Nam tiến đánh không cần chuẩn bị chiến trường, không trinh sát, thậm chí đánh tràn lan không cần pháo binh yểm hộ.

Tinh thần quân đội Nam Việt Nam đã hoàn toàn tan vỡ sau cuộc di tản ở cao nguyên Trung phần và họ không còn kháng cự có tổ chức nữa. Trước tình hình nguy ngập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút các sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến ra khỏi Quân khu 1 về bảo vệ các mục tiêu quan trọng hơn. Việc này lại càng làm Quân khu 1 thêm hoang mang hoảng loạn. Quân khu 1 ra lệnh cho rút bỏ Quảng Trị để kéo hết binh lực ở đó về phòng thủ Huế. Nhưng khi quân Cộng sản đến gần Huế, quân Nam Việt Nam lại quyết định bỏ Huế kéo về Đà Nẵng tử thủ. Nhưng quân Bắc Việt Nam đã cắt đường trên đèo Hải Vân do đó quân Nam Việt Nam tại Huế chỉ còn cách chạy ra cửa biển Thuận An và Tư Hiền để chờ tàu hải quân đến cứu. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hoảng loạn vô tổ chức. Quân Bắc Việt Nam đã pháo kích cửa biển. Những lực lượng Nam Việt Nam đã được lên tàu chạy vào đến Đà Nẵng lên bờ cũng không còn là đơn vị chiến đấu nữa mà còn làm cho rối loạn thêm tình hình tại Đà Nẵng. Các lực lượng còn lại bỏ vũ khí hoặc đầu hàng hoặc tan rã. Ngày 26 tháng 3, Huế thất thủ.

Ngay sau Huế, Quân Giải phóng Miền Nam liền kéo đến Đà Nẵng từ phía Nam và phía Bắc. Với mức độ rối loạn như thế thì quân Nam Việt Nam có quyết tâm tử thủ cũng chẳng được. Thành phố hỗn loạn, quân lính đang cướp bóc, quân lính và dân đang cố gắng thoát khỏi thành phố bằng tàu hải quân. Các đơn vị phòng thủ phía ngoài cũng đang tan rã. Quân Cộng sản bỏ qua vòng ngoài nhanh chóng thọc sâu vào thành phố mà không gặp kháng cự nào đáng kể. Ngày 29 tháng 3, Đà Nẵng thất thủ. Tại đây khoảng 10 vạn sĩ quan, binh lính Nam Việt Nam đã ra hàng. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc.

Trong nửa đầu tháng 4, lần lượt các tỉnh thành phố ven biển miền trung gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú YênKhánh Hoà rơi vào tay quân Bắc Việt. Quân Bắc Việt từ phía Bắc tràn vào (Quân đoàn 2) và từ trên cao nguyên đổ xuống (Quân đoàn 3: ngày 26 tháng 3 năm 1975, phía Cộng sản thành lập quân đoàn này từ các đơn vị mặt trận Tây Nguyên nên đặt tên là binh đoàn Tây Nguyên gồm 3 sư đoàn 10, 316, 320 và các trung đoàn, lữ đoàn độc lập).

Quân đội Nam Việt Nam gom tất cả các đơn vị còn lại của các các quân đoàn, quân khu 1 và 2, lập phòng tuyến ngăn chặn tại Phan Rang và giao cho Quân đoàn 3 Nam Việt Nam chỉ huy. Nhưng phòng tuyến này cũng nhanh chóng bị đập tan, Tư lệnh chiến trường bị bắt sống. Quân Bắc Việt tràn xuống đồng bằng Nam Bộ và chỉ còn cách Sài Gòn khoảng 100 km, các cánh quân của họ đang rầm rập hướng vào phía Sài Gòn.

[sửa] Trận Xuân Lộc

Bài chi tiết: Trận Xuân Lộc
Binh sĩ VNCH thuộc sư đoàn 18 bắn cháy xe tăng của quân giải phóng ngày 11/4 trong giai đoạn đầu của trận Xuân Lộc năm 1975
Binh sĩ VNCH thuộc sư đoàn 18 bắn cháy xe tăng của quân giải phóng ngày 11/4 trong giai đoạn đầu của trận Xuân Lộc năm 1975

Mọi cố gắng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trông vào tuyến phòng thủ Xuân Lộc của Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa đang chống lại đối phương là Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long - bao gồm các đơn vị từ mặt trận Đông Nam Bộ của quân Cộng sản gồm 3 sư đoàn 6, 7, 341 và các lữ đoàn, trung đoàn độc lập). Ngày 9 tháng 4, Quân đoàn 4 Cộng sản định đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh trên hành tiến, nhưng Sư đoàn 18 đã kháng cự dũng cảm, ác liệt, có tổ chức và đã giữ vững được thị xã. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Quân Việt Nam Cộng hòa tiếp viện cho Xuân Lộc bằng Lữ đoàn 1 Dù và Lữ đoàn 3 Thiết giáp - những lực lượng dự bị cuối cùng - với hy vọng bằng tấm gương Xuân Lộc sẽ cổ vũ toàn thể lực lượng còn lại vững tin chống lại quân địch đang xốc tới và gây tiếng vang để Hoa Kỳ tin tưởng tiếp tục viện trợ. Quân đoàn 4 Quân giải phóng không lấy được thị xã trong hành tiến buộc phải dừng lại xây dựng trận địa tiến công, họ không đánh trực diện vào quân phòng thủ mà triệt ứng cứu từ phía Biên Hoà. Đồng thời họ không mất thì giờ với Xuân Lộc mà đi vòng để tiến đến Biên Hoà. Biên Hoà bị uy hiếp, phòng tuyến Xuân Lộc không còn ý nghĩa phòng thủ nữa. Ngày 21 tháng 4, quân phòng thủ Việt Nam Cộng hòa bỏ Xuân Lộc rút lui có trật tự sang bên kia sông Đồng Nai cố thủ. Tại mặt trận Xuân Lộc, Không lực Việt Nam Cộng hòa đã ném bom cháy CBU-55 xuống ngã ba Dầu Giây gây thương vong lớn cho phía Cộng sản (mỗi quả có bán kính sát thương 50 m và được cho là đã giết khoảng 250 người. Liên XôTrung Quốc đã phản đối mạnh mẽ với việc sử dụng loại bom sát thương cao này[3]). Với việc bỏ Xuân Lộc, Sài Gòn không còn được phòng thủ từ xa nữa, Quân Giải phóng Miền Nam đang áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi.

Ngày Xuân Lộc thất thủ, không còn gì để cứu vãn nữa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để người khác đàm phán với phía Cộng sản. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng phía Cộng sản không chấp nhận nói chuyện với ông. Các lực lượng chính trị thứ ba đã dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống ngày 28 tháng 4 năm 1975.

[sửa] Chiến dịch Hồ Chí Minh

Để đảm bảo chắc thắng với quân số áp đảo, quân đội Bắc Việt đưa thêm cả Quân đoàn 1 (hay còn gọi là Binh đoàn Quyết thắng, thành lập từ các sư đoàn đứng chân trên miền Bắc gồm các sư đoàn 308, 312 và 320B) bằng tầu biển và máy bay vào chiến trường cho trận cuối cùng. Quân đoàn này chỉ để lại một sư đoàn là Sư đoàn 308 - đây là đơn vị mạnh nhất của Quân đội Nhân Dân Việt Nam - ở lại giữ miền Bắc.

Lúc đó tại khu vực xung quanh Sài Gòn, quân Bắc Việt Nam có 15 sư đoàn và rất nhiều lữ đoàn, trung đoàn độc lập của các binh chủng bộ binh, pháo binh, thiết giáp, phòng không, đặc công, công binh... Tất cả lực lượng này tương đương 20 sư đoàn - số quân phía Cộng sản lớn nhất được huy động trong cuộc chiến tranh này. Quân Cộng sản bố trí theo bốn quân đoàn: Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232 (tương đương một quân đoàn) sẽ đánh theo 5 mũi vào Sài Gòn. Để kích thích khí thế và nhấn mạnh ý nghĩa cuối cùng của trận đánh, Hà Nội đã đặt tên chiến dịch này là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch này kéo dài 4 ngày từ ngày 26 tháng 4 đến khi Tổng thống Việt Nam Cộng hoà đầu hàng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Người tỵ nạn lên máy bay trực thăng để rời khỏi Việt Nam
Người tỵ nạn lên máy bay trực thăng để rời khỏi Việt Nam

Ngày 26 tháng 4, sau loạt trận bắn pháo mãnh liệt nhiều giờ đồng hồ, quân Bắc Việt dùng bộ binh kèm thiết giáp xung phong ồ ạt đánh đồng loạt trên hướng đông bắc - hướng xa Sài Gòn nhất. Đến ngày 27 tháng 4 tất cả các lực lượng còn lại đồng loạt tiến công. Tuy ở một số hướng, quân phòng thủ đã kháng cự ác liệt đặc biệt các trận đánh rất ác liệt của quân phòng thủ đánh nhau với đặc công Cộng sản tiềm nhập chiếm các cầu dẫn vào thành phố. Nhưng sức áp đảo của quân Cộng sản quá lớn và quân Nam Việt Nam đã thế cùng lực kiệt không thể chống cự lâu dài được nữa. Đến cuối ngày 28 tháng 4 tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng tại tất cả các hướng, quân Cộng sản có thể đi ngay vào thành phố. Trong ngày 28 tháng 4 ngay khi nhậm chức để tiến hành đàm phán Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi.

Trong các ngày 28, 29 tháng 4, từ các tàu sân bay ngoài biển, lính thuỷ đánh bộ Mỹ dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác sâu sắc với họ. Cuộc di tản đã diễn ra trong lộn xộn, có rất nhiều người muốn ra đi nhưng không thể đáp ứng hết được. Các điểm đỗ của trực thăng trở nên hỗn loạn. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã rất vất vả mới duy trì được trật tự, họ dùng sức mạnh thô bạo gạt phăng các bạn đồng minh cũ đang trong cơn hoạn nạn. Người Mỹ đã phải bỏ lại nhiều người bạn lâu năm của mình. Hình ảnh di tản đã in đậm trong trí óc nhiều người Mỹ và người Việt như một kỷ niệm rất buồn. Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi.

Để không gây các rắc rối với Hoa Kỳ, tránh động chạm đến tự ái dân tộc của họ, quân Bắc Việt Nam dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để cho người Mỹ di tản hết thì mới vào. 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng thống Dương Văn Minh hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân đối phương vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền. Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh ngừng kháng cự để đàm phán bàn giao chính quyền. Quân Cộng sản tiến nhanh vào Sài Gòn không gặp kháng cự có tổ chức. 11 giờ 30 phút 30 tháng 4 1975 các sĩ quan Cộng sản đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm đã chấm dứt. Chiến dịch mùa xuân của phía Cộng sản hoàn toàn thắng lợi.

Dù không có tắm máu trong ngày phe Cộng sản đánh chiếm Sài Gòn nhưng sau đó tác giả Jean Louis Margolin xác nhận là 200 ngàn người bị giam giữ theo xác nhận của Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên "Những ước tính nghiêm chỉnh nói từ 500 ngàn đến một triệu tù nhân trong tổng số dân là 20 triệu"[4].

[sửa] Nhận định

  • "Toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đưa Việt Nam tới đỉnh cao của giải phóng dân tộc và uy tín của quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một tác nhân đưa đến những thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn mà còn làm chuyển đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á." (Trần Quang Cơ)[5]
  • "Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta." (Văn Tiến Dũng)[6]
  • "Mùa Xuân năm 1975, quân và dân cả nước ta đã hái bó hoa Toàn Thắng tươi ngát sắc hương nở trong ánh hào quang chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"...Từ chân trời, đã ánh lên vừng dương sáng hồng như chân lý cách mạng và Mùa Xuân Đại thắng mà dân tộc ta đã sống." (Văn Tiến Dũng)[7]
  • "Không còn nghi ngờ gì nữa đối với các ý đồ của Bắc Việt. Họ sẽ tấn công Nam Việt Nam khi nào có thời cơ thuận lợi; nhưng lần này sẽ là 1 cuộc tấn công quân sự với khí thế áp đảo!" (William Colby)[8]
  • "Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt Nam đi vào cõi chết, chúc mừng Việt Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật đến ở Việt Nam."(Nguyễn Thị Thảo An)[9]

[sửa] Chú thích

  1. ^ a b William E. Le Gro, From Cease Fire to Capitulation. Washington DC: U.S. Army Center of Military History, 1981, p. 28.
  2. ^ Spencer Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social, and Military History, ABC-CLIO, 1998, tr. 770. Trích: "At war's end in 1975, the PAVN numbered nearly 1 million troops, despite the loss..."
  3. ^ Frank Snepp, Decent Interval, Random House; 1st edition (November 12, 1977)
  4. ^ Le Livre Noir du Communisme: Crimes, Terreur, Répression do Robert Laffont, S.A, Paris xuất bản lần đầu năm 1997-Phần IV về Á Châu
  5. ^ Hồi ức và Suy nghĩ - Trần Quang Cơ-Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ 20
  6. ^ Mùa Xuân Đại Thắng chương 17-Văn Tiến Dũng
  7. ^ Mùa Xuân Đại Thắng chương 17-Văn Tiến Dũng
  8. ^ Một chiến thắng bị bỏ lỡ-William Colby NXB CAND p 400
  9. ^ Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa-Nguyễn Thị Thảo An

[sửa] Xem thêm

[sửa] Liên kết ngoài

Ngôn ngữ khác


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -