Chiến tranh Việt Nam (miền Nam, 1954-1959)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Loạt bài Chiến tranh Việt Nam |
---|
Giai đoạn 1954–1959 |
Miền Bắc – Miền Nam |
Thuyết Domino |
Giai đoạn 1960–1965 |
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam |
Kế hoạch Staley-Taylor |
Sự kiện Phật Đản, 1963 |
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm |
Giai đoạn 1965–1968 |
Miền Bắc Các chiến dịch Tìm-Diệt Chiến dịch Phượng Hoàng |
Diễn biến Quốc tế |
Tết Mậu Thân, 1968 |
Giai đoạn 1968–1972 |
Diễn biến Quốc tế |
Việt Nam hoá chiến tranh |
Chiến dịch: Lam Sơn 719 – Hè 1972 – Linebacker II |
Hiệp định Paris |
Giai đoạn 1973–1975 |
Chiến dịch: Tây Nguyên – Huế - Đà Nẵng |
Xuân 1975 – Hồ Chí Minh |
Sự kiện 30 tháng 4, 1975 |
Hậu quả chiến tranh |
Chất độc da cam |
Thuyền nhân |
sửa tiêu bản |
Tình hình Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1959 là một giai đoạn của Chiến tranh Việt Nam ở miền Nam Việt Nam.
Mục lục |
[sửa] Việt Nam Cộng hòa
Ở miền Nam, với sự trợ giúp tích cực của Hoa Kỳ, thủ tướng vừa được bổ nhiệm Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng ổn định được tình hình. Quốc trưởng Bảo Đại, vì không phải là đối thủ của Ngô Đình Diệm, đã phải ra đi. Sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23 tháng 10 năm 1955 Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống và miền Nam (lúc đó có tên là Quốc Gia Việt Nam) trở thành Việt Nam Cộng hòa với nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Với mục đích xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, phi cộng sản và đối trọng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ lớn cho Việt Nam Cộng hoà. Giai đoạn 1954-1959 là thời đỉnh cao của chế độ tại miền Nam. Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đạt được một số thành quả quan trọng: kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, đời sống của dân chúng khá sung túc... Chính phủ của ông đã thực hiện rất tốt việc tái định cư cho dân di cư từ miền Bắc và dân chạy nạn chiến tranh.
Tổng thống Diệm, với sự trợ giúp của người em là Cố vấn Ngô Đình Nhu, đã nhanh chóng thanh lọc bộ máy cầm quyền, đưa những người trung thành với họ vào các vị trí quan trọng trước kia vẫn dành cho người Pháp. Việc loại bỏ ảnh hưởng của Pháp làm cho ông Diệm có tiếng là người theo chủ nghĩa dân tộc. Việt Nam Cộng hoà cũng thành công trong việc thống nhất lại các lực lượng quân đội quốc gia vốn là nhiều mảnh vụn, nhiều phe cánh khác nhau khi còn là quân đội của Quốc Gia Việt Nam trong thành phần quân đội Pháp. Nổi bật nhất là việc chính phủ Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng bình định các lực lượng vũ trang cát cứ của nhóm Bình Xuyên, của các giáo phái và các toán cộng sản còn sót lại. Quân lực Việt Nam Cộng hòa được cấp tốc trang bị và huấn luyện với sự giúp đỡ của các cố vấn Hoa Kỳ. Quân đội này, vào thời điểm đó về trang bị, trình độ huấn luyện được xem là đứng đầu khu vực Đông Nam Á, vượt trội hơn Quân đội Nhân dân Việt Nam - đối thủ đang tiềm tàng ở miền Bắc của họ.
Là tổng thống đầu tiên ông Diệm đã để lại nhiều dấu ấn cho chính trị của miền Nam, kể cả sau khi chết. Trong một nhà nước tập quyền như Việt Nam Cộng hoà lúc bấy giờ thì chính trị của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các đặc tính cá nhân của tổng thống. Ông Diệm, ngay trong thời kỳ sơ khởi này của chế độ, đã bộc lộ những điểm yếu chí mạng mà sau đó đã bị đối thủ khai thác tối đa để dùng trong các chiến dịch phản tuyên truyền làm bất ổn chính thể của ông và, cuối cùng, đưa đến sự thất bại của chính thể đó.
Tất cả các nhà lãnh đạo của Việt Nam Cộng hoà, từ Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh sau này, không ai có được uy tín cao trong dân chúng như là những người hy sinh đấu tranh cho độc lập cho dân tộc. Phần nhiều, họ là những quan chức cũ của bộ máy nhà nước thuộc Pháp. Đã thế, họ lại xuất thân là các công chức, trí thức chịu nhiều ảnh hưởng Tây phương, xa rời với tâm lý của nông dân. Họ rất yếu trong công tác dân vận, thậm chí khi xuống địa phương gặp quần chúng họ lại nói tiếng Pháp. Ông Diệm còn thụ hưởng nghi lễ rửa chân làm Hoàng đế của người Thượng. Trong khi đó cách dân vận của phe Cộng sản thì lại hợp lý hơn: cán bộ của họ "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân, cán bộ người kinh của họ "cà răng căng tai" cùng người thượng. Chính phủ Nam Việt Nam dùng tiền của trợ cấp cho nông dân, phe cộng sản thì không nhưng nông dân nghe tuyên truyền của cộng sản hơn nghe khuyến dụ của nhà nước.
Việc Việt Nam Cộng hoà cự tuyệt tổng tuyển cử và phải đấu tranh chống với miền Bắc vì bản năng tự vệ của chính thể đó nhưng các chiến dịch tố cộng, diệt cộng, liên gia phòng vệ, dồn dân lập ấp chiến lược... đã diễn ra tàn bạo không tính đến các đặc điểm tâm lý và quyền lợi của dân chúng cũng như hoàn cảnh lịch sử: Việt Nam vừa thắng trong chiến tranh chống Pháp (xem Chiến tranh Đông Dương). Bằng cách này chính phủ Ngô Đình Diệm đã phủ nhận niềm tự hào của dân chúng, làm biến dạng mô hình xã hội dân chủ tự do và đẩy những người kháng chiến cũ ra rừng lập chiến khu. Đồng thời đây là cơ hội rất tốt cho những người Cộng sản phản tuyên truyền coi chính quyền miền Nam như "tay sai đế quốc".
Ông Diệm có lực lượng chính trị hậu thuẫn mạnh ở thành thị là lực lượng Công giáo, nhất là các giáo dân di cư từ miền Bắc vào. Ông đã quá thiên vị theo tôn giáo của mình, có tham vọng đưa Công giáo thành quốc giáo trong khi đó phần lớn người Việt Nam có truyền thống theo đạo Phật. Chính phủ của ông chủ yếu gồm người Công giáo, các quyền lợi nhiều nhất cũng giành cho tôn giáo của ông. Bằng cách này ông đã tự làm mất đồng minh, trong và ngoài nước, và gây ra những xáo trộn rất lớn cho chính trường và xã hội. Sau này chính lý do tôn giáo đỉnh cao là Sự kiện Phật Đản, 1963 đã làm khởi phát cuộc đảo chính của Quân lực Việt Nam Cộng hoà chống lại Tổng thống Diệm vào tháng 11 năm 1963.
Hoa Kỳ, lúc đó, là đồng minh "sống còn" của Việt Nam Cộng hoà. Thiếu sự viện trợ của họ Việt Nam Cộng hoà không thể chống chọi được với miền Bắc. Quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ đòi hỏi họ phải xây dựng một miền Nam Việt Nam phi cộng sản, độc lập, tự do theo tiêu chuẩn của thế giới và có thể đối đầu với miền Bắc. Khi các rối loạn xảy ra, khi mô hình dân chủ bị biến dạng thì tất yếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho chính phủ Ngô Đình Diệm cũng sẽ xấu đi.
Sau 3-4 năm đỉnh cao, bắt đầu từ năm 1958, chính phủ Việt Nam Cộng hoà bắt đầu phải đối phó với những khó khăn chính trị, quân sự ngày càng khó giải quyết, nhất là khi phe Cộng sản gia tăng các hoạt động của họ.
[sửa] Cộng sản miền Nam
Cộng sản miền Nam Việt Nam là bộ phận cấu thành của Cộng sản Việt Nam; Cộng sản Việt Nam là "bộ phận hữu cơ của phong trào Cộng sản và Công nhân toàn thế giới" (điều lệ đảng). Hệ thống Cộng sản có tổ chức chặt chẽ từ cơ sở đến cấp quốc gia lên đến khu vực, châu lục và đến cấp toàn thế giới. Nhưng Cộng sản miền Nam Việt Nam có những đặc trưng của người miền Nam. Những người Cộng sản Nam Việt Nam, do lịch sử khai hoang xứ Nam Bộ và ảnh hưởng văn hoá Pháp, mang cách sống, suy nghĩ và tác phong đặc trưng của người Nam Bộ: thoáng đạt, thực tế, chân thành, bộc trực và không thích bị gò ép. Họ có sự độc lập tương đối với Trung ương Đảng tại Hà Nội. Cộng sản Nam Việt Nam không thích dùng các lý luận như "Ba dòng thác cách mạng thế giới" hay "Bốn mâu thuẫn lớn của thời đại", không thích các tranh cãi giáo điều đặc trưng của những người Cộng sản đương thời; họ thích mọi việc rõ ràng và đơn giản. Trong hành động họ không bị ràng buộc bởi nguyên lý Mác-Lênin (Marxism-Leninism). Điều dễ nhận thấy là trong các lãnh tụ Cộng sản không có "nhà lý luận" nào là người Nam Bộ. Họ là những người thực tiễn.
Trong giai đoạn 1954-1959 những người Cộng sản miền Nam đã có các đối sách rất lợi hại, gây khó khăn cho chính phủ của Tổng thống Diệm. Từ chỗ bị truy sát ráo riết mà chỉ trong hai năm họ, không những hồi phục về tổ chức mà còn, phát triển thế chủ động tấn công cả về chính trị và về quân sự. Về chính trị, họ đã làm chính quyền lao đao bằng các cuộc đấu tranh chính trị rầm rộ ở nông thôn và thành thị do họ điều khiển từ xa. Về quân sự, họ đã phát triển chiến tranh du kích và đã đánh được những trận lớn như trận Tua Hai (Tây Ninh) vào căn cứ cấp trung đoàn của quân chính phủ.
[sửa] Về chính trị
Có thể nói rằng trong Chiến tranh Việt Nam điểm mạnh về đấu tranh chính trị luôn thuộc về phía Cộng sản vì họ là những người đã kháng chiến chín năm. Họ có uy tín và được dân chúng công nhận là những người hy sinh cho độc lập của dân tộc, là người của "Cụ Hồ". Ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chín năm và thắng lợi của nó rất to lớn và sâu rộng trong lòng người dân miền Nam. Việt Minh rất được cảm tình của người dân nhất là ở nông thôn, miền núi. Những điểm yếu của xã hội Cộng sản như cải cách ruộng đất, đấu tranh giai cấp hay đấu tố địa chủ, mất tự do cá nhân... thì chỉ mới thể hiện ở miền Bắc. Người dân miền Nam, do các lý do khác nhau, chưa chứng kiến những sự kiện trên nên các tuyên truyền của chính phủ ít có tác dụng và dễ bị phản tuyên truyền của phe Cộng sản bẻ gẫy. Chính phủ miền Nam, trái lại, không có uy thế chính trị như vậy; lực lượng chính trị của họ, chủ yếu, chỉ ở các thành phố lớn mà thôi. Sau này thì phía Cộng sản lại kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Đó không phải là một khẩu hiệu suông mà đã được họ kết hợp rất nhuần nhuyễn và bài bản.
Ngay sau khi quân Việt Minh tập kết ra Bắc, những người Cộng sản Nam Việt Nam không còn chính quyền, quân đội và đã trở thành những phần tử hoạt động bí mật bị truy sát. Nhưng họ vẫn còn những cơ cấu đảng hoạt động bí mật tại nông thôn. Cộng sản Nam Việt Nam nhận thức được ngay rằng đó là thời điểm đấu tranh chính trị và chuyển tất cả mọi nỗ lực sang đấu tranh chính trị. Trong bối cảnh mới họ nhanh chóng thay đổi phương châm đấu tranh. Họ không tuyên truyền về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Cộng sản như "đấu tranh giai cấp", "chuyên chính vô sản", "liên minh công-nông" hay "sứ mạng của giai cấp công nhân"... vì chúng sẽ không hấp dẫn hoặc gây phản cảm trong dân chúng. Họ khai thác tình cảm dân tộc và lòng tự hào về cuộc kháng chiến chín năm, đòi thực thi Hiệp định Genève, đòi tổng tuyển cử. Với các phương pháp dân vận tuyên truyền đúng tâm lý vào đúng thời điểm, những người Cộng sản miền Nam đã vô hiệu hoá các nỗ lực chính trị của chính phủ Nam Việt Nam. Khai thác mọi sai lầm và dùng các thế yếu về xuất thân của các lãnh tụ của chính phủ này, Cộng sản miền Nam đã phản tuyên truyền về bản chất "tay sai đế quốc" của chính quyền và, từ đó, quy kết bản chất đấu tranh của họ là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, chống lại "Đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai". Phương pháp tổ chức đấu tranh chính trị của họ cũng rất tinh vi theo từng tuyến rõ ràng:
- Binh vận, địch vận: vận động trong quân đội đối phương, đưa người vào làm tình báo và làm phân rã ý chí chiến đấu của binh sĩ địch, kêu gọi họ bỏ ngũ, làm binh biến...
- Phụ vận: vận động các tầng lớp phụ nữ, thuyết phục họ không cho con em đi lính và tham gia vào đấu tranh chính trị chống chính quyền.
- Trí vận: vận động trong giới trí thức, chức sắc tôn giáo,... lôi kéo họ đứng về phía Cộng sản hoặc không chống lại Cộng sản. Nếu có thể, đưa người có cảm tình với Cộng sản vào cơ cấu chính quyền.
- Nông vận: vận động trong giới nông dân
- Thanh vận: vận động thanh niên
- ...
Khi cần họ còn kết hợp đấu tranh chính trị với hoạt động ám sát ("diệt ác ôn") để vô hiệu hoá và hù dọa những người không cùng phía với mình. Hậu quả của các hoạt động này là nhiều vùng nông thôn ở miền Nam chỉ còn vỏ của chính phủ còn xã trưởng, ấp trưởng... nếu không là Việt Cộng thì cũng bị Việt Cộng kiểm soát. Thậm chí phe Cộng sản còn thu được thuế trong vùng của chính phủ kiểm soát.
Phe Cộng sản cũng đã khôn khéo chia rẽ các lực lượng quốc gia vốn thường bất hoà với nhau. Người của Cộng sản có ở khắp nơi, họ tranh thủ mọi lực lượng, mọi người bằng các tình cảm anh em, đồng hương hay các hội tương thân tương ái. Ngay trong lực lượng Công giáo di cư cũng có rất nhiều người theo Cộng sản. Khi cần tổ chức các cuộc biểu tình, mít tinh các cán bộ Cộng sản dùng người mình đã móc nối để kích động tụ tập.
[sửa] Về quân sự
Trong thời gian 1954-1956 Cộng sản miền Nam không chống nổi quân đội chính phủ trong các hoạt động vũ trang và họ chủ động chỉ rút lui vào rừng để bảo toàn lực lượng. Hơn nữa, Hà Nội không cho phép đấu tranh vũ trang có thể phương hại đến việc đòi tổng tuyển cử và dân chúng miền Nam lúc đó cũng không ủng hộ đánh nhau vào lúc hoà bình mới được lập lại.
Vì các chiến dịch tiễu trừ cộng sản của chính phủ, các lực lượng vũ trang Cộng sản đã phân tán thành các toán nhỏ và trà trộn vào các đội quân giáo phái như Cao Đài, Hoà Hảo. Khi quân các giáo phái bị tan rã, các bộ phận Cộng sản liền lùi sâu vào chiến khu, nhất là ở khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực giáp biên với Campuchia. Họ tự khai hoang, tự nuôi sống và chờ cơ hội. Quân số thì chủ yếu lấy từ số thanh niên tự nguyện - vì căm thù chính phủ đã giết người thân của họ trong các chiến dịch tố cộng, diệt cộng. Trong thời kỳ này quân Cộng sản thực sự là của người miền Nam, hầu như không có lính người miền Bắc. Vũ khí nhẹ họ lấy từ các hầm chôn giấu trước đây do Việt Minh để lại và thu mua từ các nguồn người nhà binh sĩ và có cả đường dây từ Thái Lan mua về. Họ còn lập công binh xưởng để đúc khí giới, nhất là hoả lực tự tạo. Họ cũng chưa có quân phục; tổ chức cao nhất chỉ đến cấp đại đội, còn các tên tiểu đoàn, trung đoàn... cốt là để khuếch trương thanh thế. Nhưng họ đang chuẩn bị rất nỗ lực vì chẳng bao lâu nữa họ sẽ phát động chiến tranh du kích khắp nơi.
Sau 1956, khi không còn cơ hội tổng tuyển cử nữa, phe Cộng sản bắt đầu phát động chiến tranh du kích từ đánh nhỏ quấy rối đi lên đánh tập trung, đánh lớn. Vì còn chưa có tiếp tế từ miền Bắc nên cách xây dựng quân đội cũng có nhiều nét đặc trưng. Họ xây dựng quân đội theo mô hình của kháng chiến chống Pháp, cũng theo "ba thứ quân": bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Du kích thì tự nuôi lấy mình, sinh hoạt như là dân địa phương và hoạt động ngay trong địa bàn. Vì du kích không có các chiến thuật kỹ thuật nên hoạt động chính là hỗ trợ đấu tranh chính trị và quấy rối trị an, "Diệt ác phá kìm", chống càn. Nếu địch mạnh thì dấu quân vào hầm bí mật hoặc giải tán về nhà nằm chờ. Lúc thường thì làm giao liên, tải thương, tiếp đạn...
Bộ đội địa phương là bộ đội tập trung của huyện, tỉnh, ăn mặc quân phục tự may, có hoạt động chủ yếu là tập kích đánh giao thông, bao vây đồn bót. Cấp tổ chức chỉ lên đến đại đội, tiểu đoàn vì phần lớn các địa phương chỉ có đủ kinh phí đến thế thôi.
Bộ đội chủ lực hoạt động tập trung dưới quyền Khu uỷ (miền Nam lúc đó được phe Cộng sản chia làm 6 khu: Khu Trị-Thiên, Khu 5, 6, 7, 8 và 9). Bộ đội chủ lực đã có các đơn vị hoả lực độc lập khả dĩ có thể đánh công kiên, đánh vận động nhưng còn chưa mạnh nên quân Cộng sản tránh giao chiến mặt đối mặt mà dùng cách đánh tập kích của đặc công. Ngay như trận Tua Hai nổi tiếng, đánh vào căn cứ Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 13 của chính phủ, cách đánh của họ chủ yếu là đưa người và vũ khí thâm nhập bí mật vào nội tuyến và lợi dụng sự chủ quan của địch để trong đánh ra ngoài đánh vào.
Một chiến thuật rất hiệu quả của quân Cộng sản áp dụng từ thời đó làm bó tay các cấp chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hoà là chiến thuật "Kết hợp quân sự với chính trị". Cách đánh này có mô hình điển hình như sau:
- Việt Cộng phục kích đường giao thông.
- Quân chính phủ kéo đến giao chiến.
- Việt Cộng yếu thế rút vào xóm ấp cố thủ.
- Quân chính phủ bao vây và pháo kích.
- Lập tức các cán bộ nằm vùng của Cộng sản liền lôi kéo dân chúng ra biểu tình cản đường thiết giáp, kêu gào đòi bồi thường hoa màu, chống bắn pháo vào làng... Nếu có người thương vong thì vấn đề trở nên quá phức tạp cho quân chính phủ.
- Khi quân chính phủ đang rối trí thì quân Việt Cộng hoặc tập kích lại hoặc đã rút lui an toàn.
Trong hoàn cảnh một cuộc nội chiến và tình hình chính trị phức tạp như miền Nam Việt Nam lúc ấy thì chiến thuật này làm bó tay quân chính phủ và hạn chế được sức mạnh quân sự của họ. Quân đội chính phủ, khi đó, chưa được chuẩn bị để đối phó với kiểu chiến tranh này.
Một đặc điểm chiến sự khác là phe Cộng sản thiếu khả năng quản lý các vùng của họ vì họ rất nghèo. Họ không thể chăm lo cho hệ thống an sinh xã hội nên họ thường không đánh để chiếm đất mà chỉ cốt giành quyền làm chủ trên thực tế. Họ không xoá bỏ chính quyền địa phương của địch mà thao túng khống chế hệ thống đó để làm việc cho họ. Sau khi quân Cộng sản rút đi vùng đó vẫn cắm cờ của chính phủ và chính phủ vẫn phải trợ cấp vùng đó. Các vùng như vậy vẫn có bốt đóng nhưng quân chính phủ chỉ làm chủ trong đồn mà thôi, bên ngoài phe Cộng sản hoạt động tự do trong các việc như thu thuế và tuyển quân. Trong đồn và bên ngoài còn có liên lạc thoả thuận với nhau. Kiểu chung sống "hoà bình" như vậy rất phổ biến ở những vùng xa thành phố, nhất là sau khi thanh thế quân Cộng sản mạnh lên. Do vậy những thống kê về số dân hay diện tích đất đai mỗi bên kiểm soát đều rất khác nhau và khó có thể xác minh được.