See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Chiến tranh Việt Nam (miền Bắc, 1954-1959) – Wikipedia tiếng Việt

Chiến tranh Việt Nam (miền Bắc, 1954-1959)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Loạt bài
Chiến tranh Việt Nam
Giai đoạn 1954–1959
Miền Bắc – Miền Nam
Thuyết Domino
Giai đoạn 1960–1965
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam
Kế hoạch Staley-Taylor
Sự kiện Phật Đản, 1963
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm
Giai đoạn 1965–1968
Miền Bắc
Các chiến dịch Tìm-Diệt
Chiến dịch Phượng Hoàng
Diễn biến Quốc tế
Tết Mậu Thân, 1968
Giai đoạn 1968–1972
Diễn biến Quốc tế
Việt Nam hoá chiến tranh
Chiến dịch:
Lam Sơn 719 – Hè 1972 – Linebacker II
Hiệp định Paris
Giai đoạn 1973–1975
Chiến dịch:
Tây Nguyên – Huế - Đà Nẵng
Xuân 1975 – Hồ Chí Minh
Sự kiện 30 tháng 4, 1975
Hậu quả chiến tranh
Chất độc da cam
Thuyền nhân
sửa tiêu bản

Tình hình Miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1959 là một phần của Chiến tranh Việt Nam, (Xem Hiệp định Genève). Đây là thời kỳ miền Bắc phục hồi các vết thương chiến tranh, xây dựng tổ chức lại đất nước, và tích lũy để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới.

Sau Kháng chiến chống PhápHiệp định Genève, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám chỉ còn quyền lực trên miền Bắc. Các thế lực chống Cộng và thân Pháp đã rời miền Bắc vào tập trung tại miền Nam. Do đó, chính trị ở miền Bắc vững mạnh, dân chúng tuyệt đối tin tưởng ủng hộ chính quyền.

Chiến tranh chủ yếu diễn ra trên miền Bắc trước đây đã tàn phá nặng nề cơ sở vật chất, các công trình cầu đường bị phá hủy, nhiều làng xóm bị đốt trụi. Sau năm 1954, miền Bắc đứng trước những khó khăn rất lớn về kinh tế, vượt qua được chỉ bởi sự ủng hộ hết lòng của dân chúng và sự lãnh đạo của chính phủ. Lúc này viện trợ nước ngoài chưa nhiều, chủ yếu dừng ở mức đào tạo.

Mục lục

[sửa] Phục hồi và đặt nền móng cho một xã hội mới

Miền Bắc không thuận lợi về nông nghiệp như miền Nam. Trước đây, nông nghiệp miền Bắc thậm chí còn không đủ để nuôi sống, chứ không nói đến lãi thặng dư. Trong khi những nông dân trung lưu miền Nam có thể sinh sống khá giả trên đất của họ. Những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như gạo, cao su, hạt tiêu, cà phê nằm hầu hết ở miền Nam. Điều này gây khó khăn cho miền Bắc về ngoại thương.

Miền Bắc có thuận lợi về đa dạng khoáng sản, thuận tiện phát triển công nghiệp đa dạng. Nhưng trước chiến tranh công nghiệp rất nhỏ lẻ yếu ớt. Thời kỳ này (1954-1960) là thời kỳ phục hồi. Giai đoạn này được nhà nước chia làm hai kế hoạch 3 năm 1954-1957 và 1958-1960.

[sửa] Nông nghiệp

Chính quyền tập trung việc phục hồi nông nghiệp. Bản chất nông nghiệp miền Bắc vẫn lạc hậu do thiếu vốn và máy móc. Tuy vậy, việc hợp tác hóa tạo ra những tổ chức kinh tế nông nghiệp lớn cấp làng xã, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực và phát triển thủy lợi, áp dụng kỹ thuật mới. Lúc đó, các hợp tác xã nông nghiệp chưa bị đình đốn như sau này, có thể thấy những tranh ảnh hồi đó miêu tả hàng đoàn người dàn hàng ngang tát nước cứu lúa, điều không thể thực hiện được trước đây. Phân hóa học nhanh chóng được sử dụng rộng rãi, dù trước đó còn xa lạ với đại bộ phận nông dân. Hệ thống thủy lợi cấp xã huyện ngày nay về cơ bản đã được hình thành thời kỳ này. Các công trình thủy lợi lớn thời cổ như Kênh nhà Lê (đời Lê)[1], Kênh Thái Sư (đời Trần)[2] được nạo vét và đào thêm các kênh nhánh. Xây dựng rất nhiều các công trình hồ đập nhỏ và vừa như Cấm Sơn, Quan Thần. Công trình lớn Đại thủy nông Bắc Hưng Hải đảm bảo nước tưới cho Bắc Ninh, Hải DươngHưng Yên được xây dựng chủ yếu bằng sức người, đến nay vẫn có vai trò sống còn với nông nghiệp ở đó. Đê điều được củng cố, thời kỳ này các đê xung yếu sông Hồng như Đê Đìa[3] được đắp cao rộng gấp đôi trước đây, toàn bộ các điếm canh đê thời cổ được xây lại kiên cố.

Nhìn chung, hệ thống thủy lợi hiện nay của Đồng Bằng Bắc Bộ được xây dựng trong thời kỳ này. Đây là hệ thống quy mô rất lớn và mật độ dày đặc so với thế giới, kế thừa từ cổ đại, một niềm tự hào của người Việt. Sau này mới có máy móc, còn đến hết thời kỳ này, hệ thống vẫn được xây dựng bằng sức người.

Những vùng vành đai trắng[4] rộng lớn được gỡ mìn và phục hóa. Nhà nước tổ chức lực lượng thanh niên và bộ đội phục viên khai hoang những vùng đất mới có do thủy lợi, thành lập những nông trường lớn, thí điểm xây dựng nông nghiệp tiên tiến, ví dụ Nông trường Tam Thiên Mẫu[5], Nông trường Ba Sao. Nhà nước động viên một số lượng lớn người di cư, huy động các trí thức y tế giáo dục, điều động các đơn vị bộ đội đến những vùng xa xôi để khai khẩn phát triển. Ví dụ như phát triển Sơn La, Lai ChâuĐiện Biên (hiện nay hội những trí thức Hà Nội di cư lên Tây Bắc vẫn sinh hoạt). Một ví dụ nữa là tiễu phỉ và xây dựng Hà Giang. Thị xã Hà Giang xây hoàn toàn mới, đến nay vẫn phần đông là người gốc xuôi, Đường Hạnh Phúc[6] lên vùng cao Hà Giang, phải treo công nhân khoan lên vách đá dựng đứng. Các vùng núi thấp Bắc Bộ và đất đỏ Phủ Quỳ cũng thành lập các nông trường trồng cây công nghiệp. Ví dụ Nông trường Lục Nam[7] trồng dứa, hàng xuất khẩu rất giá trị hay Nông trường Phủ Quỳ trồng cao su.

Nhà nước khuyến khích và cộng tác với các lái buôn gia súc để chuyển trâu về miền xuôi làm sức kéo. Vấn đề này có tầm quan trọng lớn, vì trong chiến tranh, trâu bò bị chết, nhiều nơi nông dân phải đeo ách kéo cầy thay trâu bò. Thông thường, nhà nước không thu thuế và hỗ trợ tiền vận chuyển. Có những lái buôn ở Hưng Yên mỗi chuyến mang đến vài toa xe chở trâu. Việc nhiều gia đình nông dân mua chung trâu bò cũng được khuyến khích để tăng tốc độ phát triển đàn sức kéo. Sau này, việc khuyến khích buôn trâu bò mới được hạn chế. Nhà nước dùng phương pháp truyền thống thời phong kiến để quản lý trâu bò, chống giết thịt[8].

Ngay năm 1955, nạn đói cơ bản đã được giải quyết[9], sau đó là những năm được mùa liên tiếp cho đến vụ chiêm 1960 mất mùa. Hết thời kỳ này, miền Bắc đã bắt đầu thu hoạch các cây công nghiệp, sau đó sản lượng tăng cao trong thời kỳ 1960-1964, phục vụ công nghiệp mới và xuất khẩu[10]. Nếu như năm 1955 được gọi là "năm rách", dân chúng phải lột cả vải sơn trên xác máy bay để mặc, thì đến năm 1960 mỗi người dân đã có vài bộ quần áo một năm, hơn thời trước chiến tranh.

[sửa] Giao thông

Đường Hạnh Phúc dài 140 km, khởi công 1959, vừa làm vừa tiễu phỉ. Nguồn [[1]]
Đường Hạnh Phúc dài 140 km, khởi công 1959, vừa làm vừa tiễu phỉ. Nguồn [[1]]

Sau chiến tranh, hầu như các cầu nhỏ và vừa bị phá hủy, đường sắt bị lột ray, đường bộ bị đào bới cản phá xe địch. Thời kỳ này, công nghiệp phát triển chậm vì phải đợi phục hồi giao thông. Các công ty công trình giao thông lớn ngày nay hầu hết được thành lập thời đó. Trung Quốc đã giúp đỡ nhiều trong việc này (tại đầu cầu Việt Trì cũ vẫn còn bia tưởng niệm liệt sỹ Trung Quốc hy sinh trong khi xây dựng cầu này). Đường giao thông lớn được phục hồi và chuyển từ 6 mét trước chiến tranh thành 8 mét và hơn nữa. Thiết bị được nhập khẩu số lượng lớn. Tiêu chuẩn giao thông thời kỳ này rất nhỏ so với ngày nay, nên toàn bộ các cầu đường xây dựng ngày đó nay đã làm lại.

Hết thời kỳ này, hệ thống giao thông đã hoạt động như trước chiến tranh, khổ đường và các cầu mở rộng so với trước đây. Đường sắt đến Vinh, các cảng biển và đường sắt quốc tế là yếu tố tiên quyết để nhập khẩu hàng hóa trong thời kỳ xây dựng lớn sau đó[11].

Các phương tiện giao thông bộ hết sức khan hiếm, đáng kể nhất là số xe tải thu được của Pháp trong chiến tranh và số xe tải có được do viện trợ. Việc tổ chức sản xuất xe đạp, xe máy, máy kéo... mới trên kế hoạch. Các nhà máy đóng tầu thuyền ít và hoạt động chậm. Nhà nước thành lập các hợp tác xã đóng tầu thuyền, chủ yếu là thủ công khắc phục dần.

Cảng Hải Phòng được lắp thiết bị mới. Rất nhiều cảng bí mật như Mũi Chùa, Cái Lân được xây dựng phục vụ chiến tranh. (Cảng Mũi Chùa ở Tiên Yên Quảng Ninh có kho nằm trong lòng núi, nay đã bị bịt kín. Cảng Cái Lân nay trở thành khu công nghiệp lớn). Các cảng bí mật này đảm bảo nhập hàng hóa và chuyển vũ khí vào Nam khi Mỹ đánh phá ách liệt. Một số cảng dân sự lớn được nạo vét như Hạ Long, Cửa Ông, Cảng nổi Bái Tử Long, Bến Thủy, mực nước sâu, luồng lạch tốt hơn cảng Hải Phòng - cảng duy nhất trước chiến tranh.

Có một sự kiện đặc biệt là việc hàng vạn dân được huy động đào con tầu chở khách chạy hơi nước tuyến Nam Định Hải Phòng bị chìm năm 1944[cần chú thích]. Con tầu sau đó phục vụ hàng chục năm trước khi được thay thế bởi các tầu kiểu "Giải Phóng" chạy nhanh hơn.

Trong thời kỳ này cũng đã mở Đường hạnh phúc năm 1959, con đường dài 140 km trên vách đá nhưng chỉ có hai xe tải chạy than là công cụ cơ giới khi làm đường, nó nói lên những khó khăn và dũng cảm của ngày đó[12].

[sửa] Khai khoáng

Các mỏ lớn dễ phục hồi hơn vùng nông thôn, do các công nhân có kỷ luật và các cơ sở công nghiệp xa những vùng có chiến sự. Tuy vậy, giao thông bị phá hủy cản trở tốc độ xây dựng lại các mỏ. Việc mất khách hàng truyền thống tiêu thụ than đá cũng làm chậm sản lượng than và thiếu vốn đầu tư. Tuy vậy, hết thời kỳ này than đá đã sản xuất gần đạt mức trước chiến tranh, năm 1938.

Nhà nước xây dựng đội ngũ trí thức trắc điạ và địa chất quy mô có nhiệt tình lao động. Nhờ đó, một số mỏ lớn được phát hiện như mỏ Apatit Lào Cai, các mỏ sắt, mangan cho công nghiệp. Tuy nhiên, phát triển địa chất chỉ mạnh mẽ sau thời này, khi những nhà địa chất mới học xong về nước làm việc.

Các mỏ mới được xây dựng phục vụ kế hoạch phát triển thời kỳ 1960-1965, như các mỏ sắt, mangan, thiếc, than mỡ ở Đông Bắc Bộ phục vụ cho "thành phố gang thép" Thái Nguyên đang xây dựng[13].

[sửa] Xây dựng nền móng công nghiệp

Trước chiến tranh (1938), công nghiệp miền Bắc rất lạc hậu và nhỏ bé. Thời kỳ này, một kế hoạch đồng bộ xây dựng công nghiệp mới rất lớn được vạch ra và tiến hành. Song song với việc phục hồi giao thông là tổ chức các nông trường, mỏ khoáng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sẽ xây trong kế hoạch. Đến cuối thời kỳ này, một vài nhà máy mới đã đi vào hoạt động, nhưng phần lớn đang được xây dựng. Ví dụ: khu công nghiệp Thượng Đình, Nhà máy Trần Hưng Đạo, Trung Qui Mô, Dệt Nam Định. Những khu công nghiệp lớn chưa từng thấy được động thổ, như thành phố gang thép Thái Nguyên hay liên hợp các nhà máy dệt Nam Định[14].

Nhìn chung, việc phát triển công nghiệp mới gặp thuận lợi vì đây là thời kỳ thịnh trị của chế độ xã hội chủ nghĩa. Liên Xô đang chứng minh tính ưu việt của mình bằng ngành công nghiệp khổng lồ và hiện đại, Trung Quốc chưa rơi vào tình trạng đấu đá trong Cách mạng Văn hóa.

Thời kỳ này công nghiệp chưa phát triển nhưng đã giúp người dân sau chiến tranh đỡ cơ cực, các kế hoạch thời này về sau trở thành xương sống của công nghiệp Việt Nam. Việc phục hồi kinh tế với tốc độ cao và các kế hoạch đúng đắn đã làm tốc độ phát triển năm 1960-1964 cao vọt, đến năm 1964, công nghiệp miền Bắc đã vượt hàng chục lần trước chiến tranh (1938)[15].

[sửa] Thương mại

Lúc này, nội thương vẫn trong tay những cửa hàng cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu trong các chợ như thời cổ. Các chính sách cải tạo vì thế ít ảnh hưởng đến nội thương cho đến khi xuất hiện các hợp tác xã mua bán và công ty thương nghiệp của nhà nước với nguồn hàng dồi dào hơn các cá nhân. Việc xuất hiện các tổ chức thương nghiệp này cùng chính sách phân phối hạn chế chặt chẽ thương nghiệp. Thực chất, người dân cầm phiếu mua hàng được phân bổ đến các cửa hàng. Chính sách này thực chất là một hình thức phân phối theo đầu người của thời chiến. Chỉ có những hàng hóa bình dân tối cần thiết được sản xuất và mua bán. Các hàng hóa được coi là xa xỉ bị cấm đoán.

Tuy thắt chặt nội thương, nhưng lượng hàng hóa tăng cùng phát triển kinh tế vẫn làm dân chúng dễ chịu hơn những năm tháng trước chiến tranh và chiến tranh. Các cơ sở thương mại này sau năm 1975 bị tha hóa và biết mất sau năm 1985[16].

Ngoại thương phát triển nhảy vọt do nhu cầu nhập khẩu thiết bị. Tuy nhiên, giao thông chưa được phục hồi không cho phép số lượng hàng hóa lớn. Chủ yếu các hàng nhập lúc này là phương tiện và vật liệu cho các công trình và giao thông. Một số hàng nhập khẩu là thiết bị nông nghiệp, công nghiệp cho các cơ sở cung cấp nguyên liệu, dành cho các nhà máy sắp được xây dựng trong kế hoạch. Nguồn thanh toán chủ yếu là viện trợ không hoàn lại. Chính quyền đã sớm nhìn ra những lợi thế ngoại thương. Cuối giai đoạn này, một số hàng xuất khẩu đã xuất hiện, như hoa quả nhiệt đới, cao su... nhưng còn rất ít.

[sửa] Y tế, giáo dục

Trong Kháng chiến chống Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập Việt Nam Học Hiệu ở gần biên giới, bên trong lãnh thổ Trung Quốc để duy trì ngành giáo dục.

Đến những năm 1954-1960, một kế hoạch khổng lồ cho phát triển y tế và giáo dục được xây dựng, bắt đầu được tiến hành và hoàn thành khoảng đầu những năm 1970. Kết quả: số lượng giáo viên, y bác sỹ, trường học, bệnh viện, số giường bệnh và chỗ ngồi học tăng 30-50 lần. Giáo dục toàn dân từ một tỷ lệ lớn mù chữ đến phổ cập giáo dục cấp 3 (11 năm)[cần chú thích].

Khẩu hiệu của Hồ Chí Minh là: "Vì mục đích mười năm phải trồng cây, vì mục đích trăm năm phải trồng người". Khẩu hiệu này đã động viên dân chúng tham gia vào dậy và học, kể cả trong hoàn cảnh thời đó nhiều gia đình nông dân lúc đó không muốn cho con cái đi học mà để chúng ở nhà làm việc, họ chưa từng biết chữ và chưa nhận thấy giá trị của kiến thức.

Các trường Đại học Sư phạm, Đại học Bách Khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Y, Đại học Dược được thành lập và mở rộng. Việc học hoàn toàn miễn phí, chỉ cần một yêu cầu để học lên cao là thi qua. Sinh viên có tiêu chuẩn lương thực và vải mặc như người đi làm. Những học sinh giỏi nhất được cử đi học ở nước ngoài từ trong Kháng chiến chống Pháp. Điều này giải phóng một nguồn lực tri thức lớn trong nông dân. Những trí thức trưởng thành giai đoạn này về sau là lực lượng lãnh đạo kinh tế-kỹ thuật của Việt Nam. Với người lớn, tổ chức Bình dân học vụ của nhà nước và các lớp bổ túc, xóa nạn mù chữ mở rộng khắp, hết thời kỳ này về cơ bản đã xóa được nạn mù chữ lưu cữu hàng ngàn năm.

Các trí thức đi du học thời này khi trở về đã đặt nền móng cho khoa học của nước Việt Nam mới. Những nước đào tạo nhiều cho Việt Nam là Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc. Thời kỳ sau thì gần như tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đào tạo cho Việt Nam. Từ thời kỳ này, người Việt Nam có cơ hội học tập nghiên cứu trong những viện hàng đầu thế giới.

Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã đến miền Bắc tìm hiểu và giúp xây dựng kế hoạch phát triển các cán bộ có trình độ cao.

Trước đây, nhiều tỉnh đông dân như Thái Bình chưa có trường cấp 3 (trung học), điều này gây khó khăn cho học sinh, do phải đi trọ học tốn kém. Cùng với số lượng thầy giáo mới được đào tạo, số lượng các trường tăng theo cấp số nhân. Việc tăng số lượng các trường diễn ra cùng mới việc tăng mức phổ cập giáo dục, từ xóa nạn mù chữ đến hết cấp 3. Hệ thống trường giáo dục phổ thông ngày nay hoàn tất việc hình thành khoảng những năm 1970.

Khoa học y tế Việt Nam khá phát triển, ngay từ thời kỳ này đã chế tạo được các sản phẩm tiên tiến như vắc-xin, kháng sinh. Tốc độ xây dựng các bệnh viện cũng nhanh như trường phổ thông. Trước chiến tranh nhiều tỉnh chưa có bệnh viện, hệ thống các bệnh viện ngày nay được hình thành xong khoảng những năm 1970. Việc chữa bệnh thời kỳ này hoàn toàn miễn phí.

Ở miền núi, y tế và giáo dục được các đơn vị bộ đội, biên phòng đảm nhiệm. Nhà nước động viên những đợt giáo viên và y bác sỹ di cư đến vùng núi xa xôi, như Tây Bắc, Hà Giang.

Sự phát triển về y tế giáo dục trong thời kỳ này là một thành công nhảy vọt có tầm quan trọng ảnh hưởng lớn tới các mặt khác trong xã hội, để đến những năm 1960 sau đó có được các cán bộ trình độ cao[17][18][19].

[sửa] Tổng kết về kinh tế

Các kế hoạch phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi, đến hết thời kỳ này đã có các chỉ tiêu ngang mức trước chiến tranh. Cuối thời kỳ này, các nền móng của hàng loạt các công trình lớn được xây dụng, chuẩn bị cho thời kỳ phát triển công nghiệp rất mạnh 1960-1964.

Mức sống nhân dân đã ổn định cùng với việc phát triển phúc lợi xã hội. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chú trọng xây dựng con người hơn là phát triển nóng sức mạnh, điều này đóng góp cho sức phát triển lâu dài của miền Bắc.

[sửa] Phát triển quân đội

Khoa học quân sự Việt Nam rất phát triển, thực tiễn 9 năm kháng chiến đã kết hợp chặt chẽ binh thư cổ đại và chiến tranh hiện đại. Những năm hòa bình lập lại, khoa học quân sự được đúc kết từ thực tiễn vào sách vở thành tài liệu, nghiên cứu, giảng dạy cùng với quân đội đang được hiện đại hóa. Quân đội Nhân dân Việt Nam từ đó hết sức thiện chiến ở cả hai mức, cá nhân từng chiến sỹ và khoa học chỉ huy. Phương pháp xây dựng công sự hình râu tôm phân nhánh, phương pháp tiến quân ba mũi là những độc đáo đặc sắc của khoa học quân sự này.

Cũng như dân sự, hệ thống các trường quân đội được thành lập để phát triển nhân sự. Cũng rất nhiều cán bộ trí thức được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Phát triển xã hội là nền tảng phát triển quân đội. Ví dụ, các phi công MiG-17 rất khó tuyển, chủ yếu lấy từ quân đội, nhưng sau đó, các phi công MiG-21 lại lấy chủ yếu từ học sinh, sinh viên[20].

Thời kỳ này, do ngoại thương chưa phát triển nên số lượng vũ khí mới ít. Các trí thức còn khan hiếm dẫn đến sự phát triển rất chậm của các binh chủng hiện đại. So sánh với miền Nam thì thời này Việt Nam Cộng hòa được trang bị nhiều phương tiện hiện đại hơn. Nhưng việc phát triển vững chắc dựa trên nòng cốt là phát triển con người đem lại những thuận lợi cho tương lai. Ví dụ, đến năm 1965, miền Bắc đã có những đơn vị máy bay tiêm kích, radar, tên lửa của Liên Xô viện trợ [2] trong khi Việt Nam Cộng hòa cũng lệ thuộc các kỹ thuật đó ở người Mỹ.

Khi kết thúc chiến tranh, 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ yếu trang bị súng chiến lợi phẩm theo tiêu chuẩn phương Tây (xem Kháng chiến chống Pháp). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có một số cối pháo tiêu chuẩn Liên Xô viện trợ như: cối 82mm, pháo phản lực, pháo phòng không 37mm, nhưng tỷ lệ vẫn rất thấp. Súng cầm tay cũng đã có một lượng không đáng kể hàng viện trợ, như PPSh-41 (tên Việt Nam là K-50).

Một trong những thành công của thời kỳ 1954-1960 là tìm được phương án biên chế súng đạn tiêu chuẩn cho bộ binh. Các vũ khí bộ binh chỉ được nhập khẩu dủ sau đó, nhưng cơ cấu sử dụng súng đạn đã có. Các súng bộ binh phương Tây chiến lợi phẩm (là vũ khí chủ yếu đến lúc này) dần đổi sang các súng của khối Xã hội chủ nghĩa dùng tiêu chuẩn Liên Xô.

Chính vì phải thay đổi tiêu chuẩn vũ khí nên cần nhập khẩu số lượng rất lớn vũ khí, đạn dược, khí tài và tổ chức dự trữ đạn dược, đào tạo nhân sự. Điều này đến trong khi giao thông còn tồi tệ dẫn đến hiện đại hóa quân đội chậm chạp, các vũ khí nặng càng chậm hơn, chỉ tương đối hoàn thành năm 1966.

Đến năm 1958 thì cơ cấu vũ khí tương lai đã hình thành. Khối quân chủ lực trung ương là những đơn vị đầu tiên đổi súng đạn chiến lợi phẩm sang tiêu chuẩn mới, nguồn viện trợ không hoàn lại. Năm 1958, 2/3 súng của khối quân chủ lực đã đổi tiêu chuẩn[21]. Chính vì vậy, năm 1966 Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trang bị đều súng trường tấn công AK-47. Từ năm 1958 đến năm 1966 trang bị cá nhân bộ binh vượt quân Mỹ (năm 1966 còn rất hiếm súng trường tấn công M16), vượt xa Việt Nam Cộng hòa (đến năm 1966 vẫn sử dụng chủ yếu là cạc bin M4).

Các kế hoạch thiết kế và chế tạo vũ khí mới vẫn được duy trì từ trước Kháng chiến chống Pháp, nhưng thời điểm này chậm phát triển do vũ khí nhập khẩu đã xuất hiện. Các đại bác và súng chống tăng không giật (RPG) mới nhập rất thích hợp. Chuyển sang nghiên cứu sử dụng và sao chép, cải tiến các súng nhập khẩu. Nhưng chỉ sau 1960 mới sản xuất được số lượng lớn vũ khí, do công nghiệp thời này còn yếu.

Trong khi súng trường tấn công mới chưa phổ biến, các binh chủng hiện đại chưa về nước[22] thì pháo binh và phòng không đã phát triển trước. Quân đội Nhân dân Việt Nam từ bỏ các pháo phương Tây chiến lợi phẩm như lựu pháo 105mm, cối 81mm, thay bằng các pháo khối Xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn Liên Xô như cối 82mm, pháo nòng dài chống tăng 85mm Đ44, lựu pháo 122mm... Các cán bộ kỹ thuật, kế toán, trinh sát, thông tin được chọn trong số các trí thức quân đội và cử đi du học. Sau này có những vũ khí được thiết kế riêng cho chiến trường Việt Nam như ĐKB của Liên Xô. Trong giai đoạn này, số lượng pháo tăng gấp nhiều lần. Lực lượng phòng không tách khỏi pháo binh năm 1956 trở thành một binh chủng độc lập. Trong khi đó các đơn vị bộ binh dần xây dựng kiểu hợp thành, gồm các thành phần pháo binh, phòng không riêng, đóng vai trò lực lượng cơ động mạnh.

Khối lượng hàng quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa (bao gồm Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Romania, Đông Đức, Bắc Triều TiênCuba) viện trợ từ năm 1955 đến 1975, qua từng giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1955-1960: tổng số 49.585 tấn, gồm: 4.105 tấn hàng hậu cần, 45.480 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: viện trợ 29.996 tấn, Trung Quốc viện trợ 19.589 tấn.
  • Giai đoạn 1961-1964: tổng số 70.295 tấn, gồm: 230 tấn hàng hậu cần, 70.065 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 47.223 tấn: Trung Quốc 22.982 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 442 tấn.
  • Giai đoạn 1965-1968: tổng số 517.393 tấn, gồm: 105.614 tấn hàng hậu cần, 411.779 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 226.969 tấn, Trung Quốc: 170.798 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác 119.626 tấn.
  • Giai đoạn 1969-1972: tổng số 1.000.796 tấn, gồm: 316.130 tấn hàng hậu cần, 684.666 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô 143.793 tấn, Trung Quốc 761.001 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác 96.002 tấn.
  • Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724.512 tấn, gồm: 75.267 tấn hàng hậu cần, 49.246 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 65.601 tấn, Trung Quốc: 620.354 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 38.557 tấn.

Như vậy, qua 20 năm, các nước xã hội chủ nghĩa đã viện trợ cho Bắc Việt Nam tổng khối lượng hàng hóa là 2.362.581 tấn; khối lượng hàng hóa quân sự trên quy đổi thành tiền, tương đương 7 tỉ rúp.[3] Có thể nói, kinh tế Bắc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ từ các quốc gia đồng minh của nó.

[sửa] Chính trị

Quân đội Nhân dân Việt Nam được tổ chức lại về mặt chính trị để bảo đảm trung thành tuyệt đối với đảng. Một cán bộ lý luận cộng sản cấp cao nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được biệt phái thành lập Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm thực hiện chính sách của đảng trong quân đội. Công tác chính trị được đặt cao hơn công tác quân sự. Nhiều sĩ quan xuất thân từ thành thị, có kinh nghiệm tác chiến và học vấn tốt đã bị thay thế vì các tiêu chuẩn như thành phần lý lịch và không đủ độ tin tưởng của đảng. Thay vào đó là lớp sĩ quan xuất thân từ nông dân. Tuy đó là một xáo trộn không lớn, chủ yếu chỉ diễn ra trong hàng ngũ cán bộ sơ cấp và trung cấp. Hàng ngũ tướng lĩnh chỉ huy của quân đội không bị xáo trộn nhiều. Sau này, cùng với sửa sai, việc thanh lọc này được phục hồi, chỉ còn những cán bộ có anh em, bố mẹ theo đối phương mới bị loại bỏ. Trong chuyện này có sự can thiệp của những lãnh tụ cấp cao nhất có tư tưởng thực tế và ít cực đoan như Hồ Chí MinhVõ Nguyên Giáp.

Những người lãnh đạo miền Bắc lúc đó là những người cộng sản được dân chúng tin tưởng và tung hô vì họ vừa chiến thắng cuộc chiến giành độc lập cho Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp. Sau khi thắng Pháp, họ từng bước bắt tay vào việc tổ chức đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên XôTrung Quốc, đặc biệt là vận dụng các phương pháp cực đoan của Mao Trạch Đông trong các "công tác phát động quần chúng" để đấu tranh giai cấp, thực hành chuyên chính vô sản và các công tác tuyên truyền khác. Các chiến dịch cải cách ruộng đất, hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo tư bản tư doanh, chống Nhân văn-Giai phẩm đã san bằng các thành phần xã hội, tiêu diệt giai cấp hữu sản và không cho phép các chính kiến đối lập với Đảng Cộng sản. Các chiến dịch đó khi thực hiện có nhiều sai lầm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Sai lầm lớn nhất là trong cải cách ruộng đất. Những đơn vị cán bộ được huấn luyện trước đến làng xã xa lạ, tìm "địa chủ áp bức" theo tỷ lệ dân số rồi đấu tố. Sửa sai diễn ra phục hồi một phần những tổn thất này, dẫn đến Tổng bí thư Trường Chinh mất chức.

Đời sống xã hội dựa trên nguyên tắc kỷ luật hoá cao độ, các quyền tự do cá nhân và các tổ chức bị hạn chế đến mức chỉ còn là hình thức trong một "nhà nước-đảng". Xã hội nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc sống quân sự hoá toàn diện khi "mỗi người dân đều là một chiến sĩ".

Tuy nhiên, nhìn chung, xã hội miền Bắc trong thời gian 1954-1959 là một xã hội chính trị rất mạnh, các chính sách của Đảng Lao động Việt Nam có gây ra bất bình và phẫn uất trong dân chúng nhưng về cơ bản người dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn chấp nhận những mất mát và coi đó như điều cam chịu[23]. Uy tín của Đảng Cộng sản vẫn rất cao, dân chúng vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của họ và họ vẫn động viên được sự hy sinh của dân chúng để chuẩn bị cho mục tiêu thống nhất đất nước mà tất yếu sẽ phải giải quyết bằng chiến tranh. Hồ Chí Minh đã công khai chỉ trích nhưng lệch lạc quá tả này, gay gắt điều chỉnh vào cuối thời kỳ 1954-1960.

Thời kỳ này, tính dân chủ bắt đầu được thử nghiệm[cần chú thích]. Thời 1945-1946, chính quyền dân chủ mới được thành lập và chưa ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, xã hội, việc lãnh đạo vẫn do Đảng. Thời kỳ 1956-1960 các hội đồng địa phương do dân bầu và các Đảng viên sinh sống ở địa phương tạo thuận lợi cho dân chủ phát triển.

Sự tuyệt đối trung thành của dân chúng đạt được trong Cách mạng tháng Tám, được duy trì và củng cố bởi tình hình kinh tế, mức sống thực tế, trình độ giáo dục tăng và tăng vọt. Do kinh tế cũ nhỏ lẻ, nên những chấn chỉnh chính trị ít mang lại hậu quả với kinh tế.

[sửa] Chuẩn bị chiến tranh

Những nỗ lực thực hiện Hiệp định Genève của miền Bắc bất thành. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thẳng tay đàn áp những người cộng sản ở miền Nam và từ chối tất cả các đề nghị hợp tác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lực lượng Cộng sản miền Nam hoạt động ngày càng mạnh, đòi hỏi sự hỗ trợ của miền Bắc.

Giai đoạn này miền Bắc bắt đầu bí mật cho tiến hành phát triển tuyến đường tiếp vận chiến lược: Đường Trường Sơn - còn được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây sẽ là một tuyến vận chuyển chiến lược đảm bảo nhu cầu chiến tranh sẽ được mở rộng tại miền Nam sau này. Nhưng vào lúc đó tuyến đường này vẫn chỉ là các lối mòn trong rừng cho giao liên và các toán cán bộ vào Nam.

Các hoạt động ngoại giao đảm bảo một con đường thuận lợi qua Campuchia, hàng đến Campuchia bằng đường biển và chuyển vào miền Nam bằng đường bộ.

Thời kỳ này là thời kỳ khủng bố trắng đen tối, nhiều đoàn cán bộ miền Nam đã vượt biển về trung ương xin vũ khí bằng tầu nhỏ. Tuyến đường biển hình thành, quan trọng với vùng ven Trung Bộ như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. (xem Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển).

Nói chung, các nỗ lực tranh đấu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào thời kỳ này là đấu tranh chính trị và ngoại giao để đòi tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève, mà nếu nó xảy ra chắc chắn các lãnh tụ cộng sản sẽ thắng cử. Miền Bắc ở giai đoạn này đang tích luỹ nhưng chưa đủ khả năng để tiến hành chiến tranh tại miền Nam.

[sửa] Ngoại giao

Ngay từ trong Kháng chiến chống Pháp, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nỗ lực tranh thủ ngoại giao. Chiến dịch Biên giới năm 1950 kết thúc thắng lợi, nối liền miền Bắc với khối Xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc, Liên XôĐông Âu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Mao Trạch Đông đến dự sinh nhật thứ 70 của Stalin, sau đó ký các hiệp định hợp tác. Trung Quốc và Liên Xô đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1950. Sau này, đây là nguồn hỗ trợ lớn để Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa duy trì cuộc chiến lấu dài thống nhất đất nước. Trong thời kỳ này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn được nhiều nước khác đặt quan hệ ngoại giao.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quan hệ mật thiết với Campuchia, nước này sau này sẽ trở thành hậu phương lớn của chiến trường miền Nam, đường vận chuyển đầu tiên vào Nam. Một số hoàng thân Lào để gia đình của họ trú tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khi họ hoạt động cách mạng tại Lào.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một tấm gương lớn cho các nước Á Phi giải phóng dân tộc. Nhưng quan hệ còn rất ít. Lúc này mới có những bước đi đầu tiên với Phong trào Không liên kết.

[sửa] Xem thêm

[sửa] Chú thích

  1. ^ Kênh đào ở Ninh Bình. Kênh được nạo vét, nối vào hệ thống kênh sông mới. Kênh sử dụng nhiều để chuyển hàng vào Nam sau này
  2. ^ Kênh ở huyện Hưng Hà, Vũ Thư nối vùng quê Trần Thủ Độ và sông Duyên Hà. Kênh này và các kênh nhánh, sông nhỏ đảm bảo tưới tiêu một số huyện ở Thái Bình
  3. ^ Đê Đìa là đoạn đê sông Hồng dưới ngã ba sông Luộc, đoạn này nhièu lần vỡ gây lụt lớn cho Thái Bình
  4. ^ Pháp lập các vùng vành đai trắng quanh các đồn bốt, đốt phát chặt hết cây cối để nhìn, gài mìn dày đặc, thương xuyên bắn phá. Các đồn lớn vành đai trắng này có bán kính 3-4 km
  5. ^ Tam Thiên Mẫu là một vùng đầm lầy lớn ở Hưng Yên, nhờ có thủy lợi nên sử dụng được.
  6. ^ Đường Hạnh Phúc là con đường nối vùng cao Hà Giang và thị xã, đường do nhân dân bản địa đóng góp công sức, miền xuôi hỗ trợ phương tiện, Khu tự trị Việt Bắc hỗ trợ dân công.
  7. ^ Lục Nam, Bắc Giang
  8. ^ Thời phong kiến, nhà nước hạn chế di chuyển trâu bò, một phần để chống dịch, nhưng phần lớn để chống thịt. Chính quyền cấm thịt trâu bò còn cày được, nhưng người dân rất thích thịt. Người thịt trâu bò đãi làng xóm trong cỗ khao vọng giỗ chạp lễ tết được cộng đồng kính trọng ủng hộ. Xuất hiện tình trạng dân chúng mua trâu bò từ làng này sang làng khác, biến trâu bò cày thành trâu bò thịt. Việc buôn trâu bò ở miền Bắc đến thời cải tạo tư bản tư doanh thành thị cũng bị hạn chế, sau khi đã phục hồi đàn trâu bò ở đồng bằng.
  9. ^ Nǎm 1955 miền Bắc sản xuất 3.893.000 tấn lương thực, nǎm 1959 sản xuất 5.700.000 tấn lương thực. Lương thực bình quân đầu người tǎng từ 286,8 kg lên 367,2 kg. Nǎng suất thóc bình quân mỗi hécta cũng tǎng từ 16,2 tạ lên 22,84 tạ[cần chú thích]
  10. ^ Từ nǎm 1955 đến nǎm 1959 tỷ trọng của cây công nghiệp từ 1,7% tǎng lên 3,2%[cần chú thích]
  11. ^ Cuối nǎm 1959: khôi phục và làm mới 720 km đường sắt, 2.910 km đường bộ[cần chú thích].
  12. ^ http://www.vnn.vn/psks/nhanvat/2003/3/6664/
  13. ^ Trong 6 nǎm, điện 3,8 lần, than đá 2,8 lần, xi mǎng 3,5 lần, gỗ khai thác tǎng gấp đôi, phốt phát tǎng hơn 6 lần[cần chú thích]
  14. ^ Hết 1960 so với 1954: vải tǎng hơn 8,5 lần, đường mật tǎng hơn 3 lần, muối tǎng gấp rưỡi, thuốc lá tǎng hơn gấp đôi, diêm tǎng 5,5 lần, giấy viết tǎng 4,5 lần[cần chú thích].
  15. ^ đã có một số cơ sở (công nghiệp) đầu tiên, sản xuất được một số loại máy công cụ hạng nhỏ và hạng vừa, máy dập gạch ngói, máy xát gạo, tàu kéo, ca nô, toa xe hỏa, máy phát điện...; cung cấp cho nông nghiệp hàng vạn nông cụ cải tiến, một số máy bơm nước và máy móc nông nghiệp nhỏ và một số loại phụ tùng trước vẫn phải mua ở nước ngoài. Về gang thép, đi đôi với việc xây dựng nhà máy liên hợp Thái Nguyên, chúng ta đã xây dựng 6 lò cao cỡ nhỏ ở các địa phương, với dung tích tính chung là 56 mét khối, có thể sản xuất hàng nǎm khoảng một vạn tấn gang...Chúng ta đã sản xuất được nhiều mặt hàng mới về vải, hàng dệt kim, đồ nhựa, đồ sắt tráng men, đồ dùng gia đình, vǎn phòng phẩm, sǎm lốp xe đạp, một số loại dược phẩm. Tài liệu lưu trữ. Báo cáo Đại hội 3 Đảng Cộng sản Việt Nam
  16. ^ Chỉ số vật giá bán lẻ nǎm 1959 bằng 89,2% so với nǎm 1957, trong khi đó sức mua của nhân dân tǎng 15,1%.[cần chú thích]
  17. ^ Hòa bình lập lại có 700 cán bộ chuyên môn có trình độ đại học, trong sáu nǎm đào tạo 2.500 cán bộ có trình độ đại học và trên 10.000 cán bộ chuyên nghiệp trung cấp[cần chú thích].
  18. ^ Năm 1960 có 1.815.000 học sinh phổ thông, 2.400 lưu học sinh đang học ở nước ngoài, trong nước có 9 trường đại học với 11.070 sinh viên, có 50 trường chuyên nghiệp trung cấp với 26.330 học sinh[cần chú thích]
  19. ^ Trong 5 nǎm, sẽ có thêm gần 25.000 cán bộ tốt nghiệp đại học và gần 10 vạn cán bộ tốt nghiệp chuyên nghiệp trung cấp. Kế hoạch 1961-1965. Tài liệu lưu trữ. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiệm vụ và phương hướng của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961-1965). Báo cáo bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Nguyễn Duy Trinh trình bày, ngày 7-9-1960
  20. ^ Trước đây, do ít người học được đến cấp 3 nên phi công lấy từ quân dội, rồi cử đi học văn hoá cùng huấn luyện chuyên môn. Sau này, phi công được tuyển chủ yếu từ học sinh, rất ít từ sinh viên. Hàng năm đều có các đợt tuyển phi công trong các trường cấp 3. Do số lượng học sinh tăng lớn, nên việc tuyển chọn dễ dàng, người ta chỉ lấy những người có thể chất và trí tuệ tốt nhất. Nhiều học sinh đủ điều kiện nhưng lúc khám tuyển trượt chỉ vì lúc đó có mụn nhọt.[cần chú thích]
  21. ^ bộ binh là lực lượng chủ yếu có 7 sư đoàn, 6 lữ đoàn, 12 trung đoàn độc lập...Hai phần ba số đơn vị được trang bị mới bằng súng CKC, AK, RPĐ, đại liên Coriolốp của các nước XHCN sản xuất bắn cùng cỡ đạn 7,62mm. Sư đoàn được trang bị 6.645 súng bộ binh, 200 khẩu pháo mặt đất và cối, 42 khẩu pháo và súng cao xạ, 281 xe vận tải và kéo pháo, 37 máy vô tuyến điện. Tài liệu lưu trữ tổng cục kỹ thuật, báo cáo 1958
  22. ^ Như nhóm các phi công, nhân viên kỹ thuật đi học ở Tiệt Khắc.
  23. ^ Cũng vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xây dựng lên từ thảm họa nạn đói 1945, từ Kháng chiến chống Pháp gian khổ nên những sai lầm chính trị dẫu có đau đớn cũng không tàn bạo như quân Pháp Nhật. (Ví dụ, người Pháp đã dồn toàn bộ dân Điện Biên Phủ vào một trại tập trung, phá toàn bộ nhà dân lấy được 2200 tấn gỗ tốt làm công sự - báo cáo quân Pháp)[cần dẫn chứng].

[sửa] Tham khảo


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -