See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Chiến tranh Việt Nam (miền Nam, 1960-1965) – Wikipedia tiếng Việt

Chiến tranh Việt Nam (miền Nam, 1960-1965)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Loạt bài
Chiến tranh Việt Nam
Giai đoạn 1954–1959
Miền Bắc – Miền Nam
Thuyết Domino
Giai đoạn 1960–1965
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam
Kế hoạch Staley-Taylor
Sự kiện Phật Đản, 1963
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm
Giai đoạn 1965–1968
Miền Bắc
Các chiến dịch Tìm-Diệt
Chiến dịch Phượng Hoàng
Diễn biến Quốc tế
Tết Mậu Thân, 1968
Giai đoạn 1968–1972
Diễn biến Quốc tế
Việt Nam hoá chiến tranh
Chiến dịch:
Lam Sơn 719 – Hè 1972 – Linebacker II
Hiệp định Paris
Giai đoạn 1973–1975
Chiến dịch:
Tây Nguyên – Huế - Đà Nẵng
Xuân 1975 – Hồ Chí Minh
Sự kiện 30 tháng 4, 1975
Hậu quả chiến tranh
Chất độc da cam
Thuyền nhân
sửa tiêu bản
Thanh niên sinh viên Sài gòn
Thanh niên sinh viên Sài gòn
Sinh viên Sài Gòn biểu tình phản đối Charles de Gaule và Hồ Chí Minh nhân dịp 10 năm sau Hiệp định Genève
Sinh viên Sài Gòn biểu tình phản đối Charles de Gaule và Hồ Chí Minh nhân dịp 10 năm sau Hiệp định Genève

Tình hình Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1965 là một giai đoạn của Chiến tranh Việt Nam ở miền Nam Việt Nam.

Mục lục

[sửa] Miền Bắc ủng hộ

Sau vài năm kiềm chế, năm 1959 chính quyền miền Bắc và Đảng Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết 15 công khai cổ vũ đấu tranh vũ trang tại miền Nam. Năm 1960, Đại hội đảng thứ 3 tại Hà Nội đã bầu ông Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất (tương đương Tổng bí thư). Ông là người chủ trương đấu tranh bằng vũ trang với mọi hy sinh để "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội". Ngay lập tức chiến trường miền Nam có sự đột biến. Phía Cộng sản phát động ngay một đợt tiến công quy mô kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà trong đó chính trị vẫn đóng vai trò chủ đạo. Họ dùng quân bao vây các đồn bốt ở các vùng xa bị cô lập, phát động nông dân ở nông thôn nổi dậy giành chính quyền, phá ấp chiến lược, lùng bắt và thủ tiêu các nhân viên chính quyền tại địa bàn. Các hoạt động nổi dậy này được phối hợp nhịp nhàng cùng lúc với lực lượng vũ trang. Họ đánh hoặc bao vây các vị trí quân sự để không cho quân chính phủ kéo về can thiệp và, đồng thời, họ phát động dân chúng biểu tình; nếu thấy đối phương yếu thế thì biểu tình phát triển thành nổi dậy cướp chính quyền, nếu chưa thể thì kéo dài đưa ra các yêu sách quấy rối làm tê liệt chính quyền. Nếu chính phủ điều quân tới thì những người biểu tình bao vây lấy quân đội bắt đầu binh vận ngay tại chỗ. Phương cách này được phía Cộng sản đúc kết thành phương châm "Ba mũi giáp công" (quân sự, chính trị, binh vận). Phong trào được có tên là Đồng khởi và bắt đầu được thí điểm tại tỉnh Bến Tre. Sau khi thấy chính phủ Ngô Đình Diệm lúng túng trong việc lập lại trật tự các vùng khác cũng theo nhau đồng khởi. Đến cuối năm 1960 một phần đáng kể của nông thôn miền Nam đã thành vùng do Cộng sản kiểm soát.

Để cho cuộc chiến có chính danh, ngày 20 tháng 12 năm 1960 phía Cộng sản thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam gồm nhiều đại diện các thành phần tôn giáo, tầng lớp xã hội, dân tộc khác nhau nhưng thực tế là tổ chức do những người Cộng sản điều khiển. Ngày 15 tháng 2 năm 1961, họ thành lập Quân Giải phóng Miền Nam. Kể từ lúc này tại miền Nam đã chính thức tồn tại hai chính quyền, hai quân đội đối địch. Phía Cộng sản đã đủ mạnh để đánh được chỗ nào là họ thành lập "chính quyền cách mạng".

[sửa] Chiến tranh đặc biệt của Hoa Kỳ

Đứng trước tình hình trên Hoa Kỳ thấy cần hành động gấp giúp Việt Nam Cộng hoà đẩy lùi phía Cộng sản. Tướng Maxwell D. Taylor được phái sang Việt Nam đánh giá tình hình. Kế hoạch Staley-Taylor được soạn thảo và đem thi hành để chống lại chiến tranh du kích, bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Người Mỹ luôn suy nghĩ theo cách cân đong vật chất, đối với họ sự thắng thua trong chiến tranh được quyết định bằng súng đạn. Kế hoạch trên tuy có tính đến khía cạnh chính trị nhưng còn quá sơ sài, nó tập trung nhiều nhất đến khía cạnh quân sự: tăng quân số, tăng lương binh sĩ, tăng cường binh lực trang thiết bị...

Kế hoạch Staley-Taylor, hay còn gọi là kế hoạch chiến tranh đặc biệt, có công thức tổng quát là: Quân đội Việt Nam Cộng hoà + Cố vấn Mỹ + Vũ khí Mỹ + Viện trợ kinh tế Mỹ. Viện trợ Mỹ bao gồm các kế hoạch tăng cường sức mạnh cho quân đội miền Nam: gấp rút tăng quân số, cung cấp xe thiết giáp và máy bay, nhất là trực thăng, đưa cố vấn quân sự Mỹ xuống đến đơn vị chiến đấu để giúp các sĩ quan Nam Việt Nam vạch kế hoạch hành quân và chỉ huy chiến đấu. Chiến thuật của quân đội Nam Việt Nam là trực thăng vận và thiết xa vận: khi phát hiện các đơn vị của địch lập tức dùng trực thăng đổ quân bao vây chặt lấy, sau đó gọi thiết giáp đến đánh giải quyết chiến trường (chiến thuật "tung lưới-phóng lao"). Trong thời gian đầu chiến tranh đặc biệt đã phát huy tác dụng khá tốt, tình hình quân sự được ổn định, quân Cộng sản bị chiến thuật cơ động nhanh "tung lưới-phóng lao" làm thương vong, họ phải chuyển hoạt động ra xa, hành quân và đánh đêm là chính. Để chống chiến thuật "Chính trị kết hợp với quân sự" của phía Cộng sản và cách ly họ ra khỏi dân chúng, chính phủ Nam Việt Nam quyết tâm tiến hành quyết liệt "Quốc sách Ấp chiến lược". Ở thời điểm đó thì các khu trù mật, ấp chiến lược ở nông thôn miền Nam đã thực sự trở thành các trại tập trung có rào thép gai, dãy chông, tháp canh xung quanh, người dân đã bị giam trong các ấp chiến lược. Điều này đã làm méo mó hình ảnh dân chủ và Hoa Kỳ đã phải nhiều lần khuyến cáo Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng không được tiếp thu.

[sửa] Miền Bắc tham chiến

Về phía Cộng sản thời gian này việc lấy quân tại miền Nam không còn đủ để đáp ứng cho nhu cầu quân số mở rộng, họ đã dùng binh lính miền Bắc hành quân vào theo đường Trường Sơn. Lúc này, và cho đến khi kết thúc chiến tranh, tại chiến trường miền Nam có hai quân đội chính quy của Cộng sản. Thứ nhất là Quân đội Nhân dân Việt Nam, gồm các thanh niên miền Bắc nhập ngũ vào Nam, dưới chỉ huy trực tiếp của Bộ tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân tại Hà Nội (còn gọi là quân Bắc Việt). Thứ hai là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc bộ chỉ huy quân Giải phóng tại rừng Tây Ninh (thường gọi là quân Việt Cộng). Đầu tiên thành phần quân lính miền Bắc trong quân Việt Cộng còn ít, khoảng 20-30%. Sau này, khi đến 1965, thì số đó khoảng 60-70%. Trong thời kỳ 1960-1965 tại chiến trường miền Nam các hoạt động tác chiến chủ yếu là Quân Giải phóng còn các đơn vị quân đội Bắc Việt chủ yếu đang đứng chân vòng ngoài tại tuyến đường Trường Sơn, Tây Nguyên họ đang xây dựng các căn cứ để đánh lớn sau này.

Việt Cộng đặt bom nổ trên đường năm 1965 tại Sài Gòn
Việt Cộng đặt bom nổ trên đường năm 1965 tại Sài Gòn

Sau gần hai năm kinh nghiệm chiến đấu Quân Giải phóng đã biết cách xử lý các nhược điểm của chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Ngày 2 tháng 1 năm 1963 tại tỉnh Tiền Giang đã xảy ra trận Ấp Bắc và quân đội Việt Nam Cộng hoà đã thất bại nặng. Trận đánh này được báo chí thế giới miêu tả kỹ lưỡng và cho thấy quân Cộng sản không còn là các nhóm quân nhỏ bất lực trước trực thăng vận, thiết xa vận nữa mà họ đã lớn mạnh đủ để đánh bại quân cơ động của đối phương.

Trong các năm 19631964 quân Cộng sản thắng thế tiến công trên toàn chiến trường và đến tháng 12 năm 1964 họ tiến hành chiến dịch Bình Giã tại tỉnh Bà Rịa. Trong vòng một tháng họ dùng cấp sư đoàn liên tục làm thiệt hại các chiến đoàn thiết giáp cơ động và các đơn vị dự bị chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Cùng với các trận đánh lớn khác họ ép quân đội Nam Việt Nam lui về thế thủ gần các thành phố lớn. Ở nông thôn chỗ nào quân Cộng sản đến là họ cho phá dỡ ấp chiến lược. Cuối năm 1963, khi Tổng thống Diệm bị lật đổ, chỗ nào còn ấp chiến lược thì cũng bị dân chúng tự nổi lên phá hết.

Chính phủ Hoa Kỳ lập tức can thiệp từ chỗ đưa lính kỹ thuật không quân vào các sân bay miền Nam đến việc đưa lục quân vào trực tiếp tham chiến với phe Cộng sản vào giữa năm 1965.

[sửa] Cuộc đảo chính năm 1963

Ngày 8 tháng 5 năm 1963 xảy ra sự kiện Phật Đản tại Huế. Sự kiện này bắt nguồn từ sự kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm và là hậu quả của sự lộng hành của gia đình Tổng thống. Từ một vụ lộn xộn cảnh sát không cho treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật Đản, chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm tình hình trở nên khủng hoảng trầm trọng bất chấp những khuyến cáo của Hoa Kỳ. Cho đến khi Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính phủ, rồi một loạt các cuộc tự thiêu khác của Phật tử, đã làm chấn động tình hình trong nước và quốc tế (Xem Sự kiện Phật Đản, 1963). Tình thế đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ Nam Việt Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh và sự im lặng không phản đối của Hoa Kỳ, đã làm đảo chính lật đổ và giết chết ba anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (ông Diệm và Nhu bị giết chết ngày 2 tháng 11 năm 1963; riêng ông Cẩn bị xử tử ngày 9 tháng 5 năm 1964). Sự kiện này được biết ở miền Nam với cái tên "Cách mạng 1/11".

Ngay sau đó miền Nam Việt Nam rơi vào khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng trong một thời gian gần hai năm. Cho đến khi nhóm quân nhân của hai tướng Nguyễn Văn ThiệuNguyễn Cao Kỳ lên chấp chính thành lập Hội đồng lãnh đạo Quốc gia (tháng 6 năm 1965) thì tình hình mới tạm yên.

Lực lượng biệt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công, đánh bom tại Sài Gòn và trong các thành phố như vụ Đánh bom cư xá Brink 1964, đánh bom sứ quán Mỹ 1965.

Vào giữa năm 1965, với các thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn, chính phủ Hoa Kỳ quyết định huỷ bỏ kế hoạch Staley-Taylor và đem quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến để giữ miền Nam khỏi rơi vào tay Cộng sản.

[sửa] Phong trào sinh viên những năm 60

[sửa] Xem thêm


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -