See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Thành phố Hồ Chí Minh – Wikipedia tiếng Việt

Thành phố Hồ Chí Minh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thành phố Hồ Chí Minh
Bản đồ Việt Nam với Thành phố Hồ Chí Minh được tô đậm
Địa lý
Vùng: Đông Nam Bộ
Diện tích: 2.095 km²
Số quận/thị xã/huyện: 24 (19 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành)
Dân số
Số dân: 8.500.000 (2007)
 - Nông thôn 14,2%
 - Thành thị 85,8%
Mật độ: 3.067 người/km²
Dân tộc: Việt, Hoa
Chính trị và Hành chính
Kiểu hành chính: Thành phố trực thuộc trung ương
Bí thư Thành ủy: Lê Thanh Hải
Chủ tịch HĐND: Phạm Phương Thảo
Chủ tịch UBND: Lê Hoàng Quân
Thông tin khác
điện thoại: 8
Mã bưu chính: 70
Địa chỉ web: http://www.hochiminhcity.gov.vn/
Mã ISO 3166-2: VN-65
Bảng số xe: 50 - 59

Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt TP.HCM) là thành phố lớn nhất đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa, giáo dục lớn nhất của Việt Nam, với dân số 8.5 triệu người. Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1976 trên cơ sở thủ đô Sài Gòn cũ của Việt Nam Cộng hòa gồm ba khu là Sài Gòn, Chợ LớnGia Định.

Mục lục

[sửa] Phân chia hành chính

[sửa] Năm 1976

Năm 1976, sau khi đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố được chia thành 13 quận và 5 huyện gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp, Quận Bình Thạnh, Quận Phú Nhuận, Quận Thủ Đức, Huyện Bình Chánh, Huyện Nhà Bè, Huyện Củ Chi, Huyện Hóc MônHuyện Cần Giờ.

[sửa] Hiện nay

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, được mở rộng và chia thành 19 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành; cấp quận được chia thành nhiều phường, cấp huyện chia thành nhiều xã, và thị trấn.

Danh sách các đơn vị hành chánh Thành phố Hồ Chí Minh
Tên Quận/Huyện
(từ tháng 12 năm 2003)
Đơn vị trực thuộc
(từ tháng 12 năm 2006)
Diện tích (km²)
(từ tháng 12 năm 2006)
Dân số
(Điều tra dân số 1/10/2004)
Dân số
(tính đến giữa năm 2005)
Dân số
(tính đến giữa năm 2006)
Các Quận
Quận 1 10 phường 7,73 198.032 199.899 200.768
Quận 2 11 phường 49,74 125.136 126.084 130.189
Quận 3 14 phường 4,92 201.122 199.297 199.172
Quận 4 15 phường 4,18 180.548 185.268 189.948
Quận 5 15 phường 4,27 170.367 192.157 191.258
Quận 6 14 phường 7,19 241.379 243.416 248.820
Quận 7 10 phường 35,69 159.490 163.608 176.341
Quận 8 16 phường 19,18 360.722 366.251 373.086
Quận 9 13 phường 114 202.948 207.696 214.345
Quận 10 15 phường 5,72 235.231 235.370 238.799
Quận 11 16 phường 5,14 224.785 225.908 227.220
Quận 12 11 phường 52,78 290.129 299.306 306.922
Quận Gò Vấp 16 phường 19,74 452.083 468.468 496.905
Quận Tân Bình 15 phường 22,38 397.569 394.281 387.681
Quận Tân Phú 11 phường 16,06 366.399 372.519 376.855
Quận Bình Thạnh 20 phường 20,76 423.896 435.300 449.943
Quận Phú Nhuận 15 phường 4,88 175.293 175.716 175.825
Quận Thủ Đức 12 phường 47,76 336.571 346.329 356.088
Quận Bình Tân 10 phường 51,89 398.712 403.643 447.173
Cộng các Quận 259 phường 494,01 5.140.412 5.240.516 5.387.338
Các Huyện
Huyện Củ Chi 20 xã và 1 thị trấn 434,50 288.279 296.032 309.648
Huyện Hóc Môn 11 xã và 1 thị trấn 109,18 245.381 251.812 254.598
Huyện Bình Chánh 15 xã và 1 thị trấn 252,69 304.168 311.702 330.605
Huyện Nhà Bè 6 xã và 1 thị trấn 100,41 72.740 73.432 74.945
Huyện Cần Giờ 6 xã và 1 thị trấn 704,22 66.272 66.444 67.385
Cộng các Huyện 58 xã và 5 thị trấn 1.601 976.839 999.422 1.037.181
Toàn Thành phố 259 phường, 58 xã và 5 thị trấn 2.095,01 6.117.251 6.239.938 6.424.519

Về chính quyền, thành phố có Hội đồng Nhân dân (HĐND) gồm 95 đại biểu do dân chúng bầu trực tiếp. Đứng đầu HĐND là Chủ tịch, có 1 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên thường trực giúp việc. Hội đồng nhân dân cử ra Ủy ban Nhân dân trực tiếp quản lý mọi hoạt động chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa trên địa bàn thành phố. Ủy ban Nhân dân thành phố có 13 thành viên, gồm: Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 7 Ủy viên. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố có vai trò tương đương chức vụ Thị trưởng của các thành phố lớn khác trên thế giới.

Do tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện mọi hoạt đông, nên trong thực tế vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố[1].

[sửa] Lịch sử

Bài chi tiết: Lịch sử Sài Gòn

Thành phố Hồ Chí Minh khi xưa là một khu vực của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 đến thế kỷ 7), rồi đến Chân Lạp (thế kỷ 8 đến thế kỷ 17) có tên gọi là Prey Nokor. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền tại khu vực này. Kể từ thời điểm đó, khu vực Gia Định đã trở thành lãnh thổ của Đàng Trong. Trong thời kỳ quân Tây Sơn tấn công Nguyễn Ánh, khu vực Cù Lao Phố (Tp.Biên Hòa) sầm uất của người Hoa bị tàn phá, người Hoa đã chuyển qua lập phố chợ buôn bán ở Chợ Lớn. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, chính quyền thực dân đã quy hoạch thành phố Sài Gòn làm thủ phủ Nam Kỳ và đã phát triển nơi này thành một thương cảng phục vụ cho việc xuất nhập cảng của chính quyền thuộc địa. Từ năm 1956, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa, thành phố đã được nâng cấp phát triển và bùng nổ dân số. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 Việt Nam thống nhất và đến năm 1976 thì thành phố Sài Gòn được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

[sửa] Tên gọi Sài Gòn

Có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi “Sài Gòn”

[sửa] Đề Ngạn

Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 người Pháp là Aubaret và Francis Garnier. Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine, và Garnier, Cholen, thì năm 1778 người Hoa ở Cù lao Phố (Biên Hòa) vì giúp đỡ nhà Nguyễn nên bị quân nhà Tây Sơn tàn sát phải rút lui theo con sông Tân Bình (Bến Nghé), chọn vùng đất ở giữa đường Mỹ Tho đi Cù lao Phố mà xây dựng tân sở, ngày sau thành phố Chợ Lớn. Năm 1782 họ lại bị quân nhà Tây Sơn tàn sát một lần nữa. Ít lâu sau họ xây dựng lại, đắp đê cao nên đặt tên chỗ mới là "Tai-Ngon", hoặc "Tin-Gan", phát âm theo giọng Quảng Đông là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn", đọc theo âm Hán-Việt là "Đề Ngạn" (堤岸). Họ dùng danh từ "Tây Cống" hoặc "Xây-cóon", "Xi-cóon" để ám chỉ vùng người Việt ở tức chợ Bến Thành ngày nay.

Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì "Thầy Ngòn", "Xi Coón" rất giống "Sài Gòn". Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải, vì lịch sử chứng minh rằng Sài Gòn có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coon.

Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ "Lũy Sài Gòn" (theo Hán Nho viết là "Sài Côn"). Đây là lần đầu tiên chữ "Sài Gòn" xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán "Côn" được dùng thế cho "Gòn". Nếu đọc theo Nôm là "Gòn", còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là "Côn".

Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Sài Gòn, không phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cống.

Ngoài ra, về nghĩa thì cả hai chữ này hầu như vô nghĩa theo tiếng Hán. Nếu dịch sát thì "Đề Ngạn" là "nắm lấy (đề), bờ sông cao dốc (ngạn)". Theo Nguyễn Đình Đầu trong Địa Chí Văn Hoá, tr 219, tập 1, thì "thành phố trên bến dưới thuyền nào mà không có bờ sông cao dốc, mà không là đề ngạn".

Cuối cùng, nếu tính theo hiện tượng thì việc người Tàu đặt tên cho địa danh ở miền Nam hầu như không có. Ngược lại, họ gọi theo địa danh của Việt Nam bằng tiếng của họ thì có. Thí dụ như "Đồng Nai" biến thành "Nông Nại" theo tiếng Tàu.

[sửa] Củi và Bông gòn

Có thuyết nói rằng "Sài Gòn" bắt nguồn từ chữ "Sài" theo chữ Hán là củi và "Gòn" là chữ Nôm chỉ cây bông gòn.

"Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ, Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn. Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận.... Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó." [2]

Tương tự có nhiều thuyết cho rằng "Sài Gòn" từ chữ "Prey Kor" (Rừng Gòn) hay "Kai Gon" (Cây Gòn) mà ra. Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn.

Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ "rừng gòn" ở vùng Sài Gòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam, kể cả Trương Vĩnh Ký. Ngay vào thời của Trương Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng của thứ rừng này, mặc dù lúc đó không có phát triển gì lắm. Ngay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có dấu vết gì của một rừng gòn ở Sài Gòn.

Thêm nữa là cây gòn thời đó dùng làm hàng rào chứ không làm củi. Và theo Lê Trung Hoa trong Địa Danh thì "sài" chỉ xuất hiện trong các từ ghép Hán-Việt, như "sài Tân" chứ chưa bao giờ được dùng như một từ đơn, nên không thể nói "củi" được, là "sài" được, hay là "củi gòn" là "Sài Gòn" được.

Vậy, thuyết Sài Gòn là "củi gòn" đã bị bác bỏ bởi thực tế địa lý và ngữ học.

[sửa] Prei Nokor

Dựa theo lịch sử và phát âm có thuyết cho là "Sài Gòn" là được phiên âm từ "Prei Nokor" hay từ "Thầy Ngồn" mà ra. Prei Nokor nguyên là dinh của phó vương Chân Lạp thuộc vùng Chợ Lớn tới chùa Cây Mai, là dấu vết của một "thành phố" có từ thời Tiền Angkor (theo nhà sử học Pháp Louis Malleret). Tuy nhiên không có tài liệu nào khẳng định rằng nơi đây từng tồn tại khu dân cư trước thế kỷ 16.

Ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này. Trong tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ, ông đã công bố một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokor.

Hai ông Nguyễn Đình Đầu và Lê Trung Hoa đều đồng ý với thuyết này, dựa theo lịch sử và ngữ âm.

Theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế. Tới năm 1674, Cao Miên có biến, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đánh và phá luỹ Sài Gòn. Vậy, từ 1623 tới 1674, vùng Prei Nokor, hay Sài Gòn, đã phát triển lắm.

Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Launay, Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi "Rai Gon Thong" (Sài Gòn Thượng) và "Rai Gon Hạ" (Sài Gòn Hạ).

Đó la theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng", "Prei" hay "Brai" là "rừng", "Nokor" hay "Nagara" là "thị trấn". Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế.

Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "gòn".

[sửa] Bến Củi

Dọc theo con đường Nam tiến của dân tộc Việt Nam có nhiều bến bên các dòng sông: Bến Vân đồn, Bến Thủy, Bến Hải, Bến Quan, Bến Ván, Bến Thóc, Bến Đình, Bến Tranh, Bến Tre, Bến Súc, Bến Tắm Ngựa, Bến Thành, Bến Củi.

Bến Ván đã được đổi ra Bản Tân, Bến Thóc đã đổi ra Mễ Tân. Bến Thành nay vẫn lưu tên ở chợ Bến Thành. Bến Củi có thể đã được đổi ra Sài Tân, Sài Ngạn do người Quảng Đông sống ở khu vực này gọi chữ bến (bờ) là ngạn. Chữ Sài Ngạn có lẽ sau này được đọc thành Sài Gòn.

[sửa] Điều kiện tự nhiên

Khí hậu thành phố có hai mùa rõ rệt:

Thành phố có hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam đổ ra biển Đông.

Thành phố có một khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã được UNESCO công nhận năm 2000.

Bảng khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh
T1 T2 T3 T4 T5 T6 T7 T8 T9 T10 T11 T12 Tổng
Nhiệt độ
trung bình cao (°C)
31,6 32,9 33,9 34,6 34,0 32,4 32,0 31,8 31,3 31,2 31,0 30,8 32,3
Nhiệt độ
trung bình thấp (°C)
21,1 22,5 24,4 25,8 25,2 24,6 24,3 24,3 24,4 23,9 22,8 21,4 23,7
Lượng mưa
trung bình (mm)
13,8 4,1 10,5 50,4 218,4 311,7 293,7 269,8 327,1 266,7 116,5 48,3 1931,0
Ngày mưa
trung bình
2,4 1,0 1,9 5,4 17,8 19,0 22,9 22,4 23,1 20,9 12,1 6,7 155,6
Nguồn: World Weather Information Service

[sửa] Dân số

Theo thống kê sơ bộ dân số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 là khoảng 8.5 triệu người, so với 6,43 triệu người trong năm 2006. Tuy nhiên có khoảng 8 triệu người đăng ký hộ khẩu tại thành phố lớn nhất Việt Nam này và số dân có mặt trong thành phố thường cao hơn, thêm khoảng 2 triệu dân ngoại tỉnh làm ăn tại thành phố theo mùa vụ[3]. Bên cạnh người Việt, cộng đồng người Hoa gồm hơn 600.000 người đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thành phố.

Dự báo, đến năm 2020 dân số của thành phố sẽ khoảng 20-22 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 16-17 triệu người, với tỷ lệ đô thị hoá khoảng 77-80%. Và đến năm 2050 dân số sẽ khoảng 28-30 triệu người với tỷ lệ đô thị hoá khoảng 90% và trở thành 1 siêu đô thị.

Khoảng 30% số doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tay 23.000 người Hoa. Ngoài ra, trên 190.000 người Hoa khác tham gia kinh doanh buôn bán nhỏ. Xem thêm Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh

[sửa] Kinh tế

Bài chi tiết: Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi được xem là trung tâm của thành phố
Góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi được xem là trung tâm của thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương đứng đầu về tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài và trong nước. Trong năm 2007, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu hút một lượng vốn FDI 2,5 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2007, Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 14.100 doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký 106.600,7 tỷ đồng (xấp xỉ 6,7 tỷ USD). Đến thời điểm đầu tháng 11 năm 2007, Thành phố Hồ Chí Minh có 90.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 384.000 tỷ đồng (xấp xỉ 24 tỷ USD). Đến đầu tháng 11 năm 2007, tổng số vốn nước ngoài đã được cấp phép tại thành phố này là 16,6 tỷ USD, chiếm 20% tổng lượng vốn FDI cả nước[4][5].

Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 18,3 tỷ, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Số lượng du khách quốc tế đến thành phố này năm 2007 là 3 triệu lượt người, chiếm 70% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2007. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 đạt gần 84.500 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2007. Năm 2007, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 18.500 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đăng ký là 160.000 tỷ đồng. Đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự chuyển hướng từ các dự án sử dụng nhiều lao động sang các dự án có kỹ thuật công nghệ cao, các dự án bất động sản. Năm 2007, tổng thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 30,37% so với năm 2006, giá trị tăng tuyệt đối 20.600 tỷ đồng so năm 2006. Lượng hàng hóa vận chuyển qua hệ thống các các tại Thành phố Hồ Chí Minh 50,5 triệu tấn[6][7]. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu: điện, điện tử (bao gồm điện tử kỹ thuật cao), cơ khí, hoá chất, phần mềm, dệt may, giày da, luyện kim, dầu khí, sản xuất ô tô, đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến nông, lâm sản và nhiều ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, cho đến thời điểm 2007, công nghệ sản xuất nhìn chung của Thành phố Hồ Chí Minh hiện rất lạc hậu, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có 10% cơ sở công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại, trong số đó, có 21/212 cơ sở sản xuất của ngành dệt may; 4/40 cơ sở sản xuất của ngành da giày; 6/68 cơ sở ngành hóa chất; 14/144 cơ sở chế biến thực phẩm, 18/96 cơ sở cao su nhựa, 5/46 cơ sở chế tạo máy... có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Trong thời gian từ năm 1997-2007, ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt mức bình quân trên 13%. Đến thời điểm 2007, Thành phố Hồ Chí Minh đã có trên 38.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 35,9% so với năm 2000. Từ năm 1995 đến nay, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng nhiều biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có có hàm luợng tri thức, hàm luợng khoa học công nghệ cao và có hiệu quả kinh tế. Ngành hóa chất tăng từ 12,9% lên 18,7%, điện tử-tin học từ 2,9% lên 3,2%... Đồng thời, tỷ trọng của các ngành công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động trong tổng sản lượng công nghiệp của thành phố được giảm xuống như ngành dệt may từ 14,3% xuống còn 13,1%, chế biến thực phẩm-đồ uống giảm từ 28,9% xuống còn 17%... Tuy nhiên, giá trị gia tăng của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại thành phố trên đơn vị sản phẩm vẫn còn chưa cao. Phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh là các cơ sở dân doanh có qui mô nhỏ, vốn đầu tư vào sản xuất ít, thiết bị lạc hậu... nên việc đầu tư trang thiết bị mới, ứng dụng công nghệ mới ở các ngành công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các cơ sở công nghiệp thuộc khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài có tốc độ đổi mới công nghệ sản xuất khá nhanh do được chuyển giao công nghệ từ các công ty mẹ từ các nước có nền công nghệ tiên tiến. Một ví dụ điển hình là lĩnh vực điện tử-công nghệ thông tin: trong tổng số 296 cơ sở điện tử-công nghệ thông tin của thành phố thì chỉ có 18 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại chiếm trên 80% giá trị sản xuất toàn ngành tại thành phố. Nhiều công ty nhựa lớn của Nhà nước khi chuyển thành các công ty cổ phần như các công ty: Bình Minh, Tân Phú... đã đầu tư hàng triệu USD để nhập công nghệ hoặc mua sắm các máy móc thiết bị mới để sản xuất các sản phẩm nhựa có chất luợng cao.

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chụp từ quận Bình Thạnh
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chụp từ quận Bình Thạnh

Trong những năm qua, nhiều ngành công nghiệp liên tục phát triển, trong đó có những ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng đến 50% sản xuất của ngành đó tại Việt Nam. Để đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã có nghị quyết tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp mũi nhọn là: điện-điện tử-công nghệ thông tin; cơ khí; hóa chất và chế biến tinh lương thực thực phẩm giai đoạn 2006-2010 với tổng kinh phí 3,5 tỷ USD. Các cơ sở này được nhanh chóng đầu tư về mọi mặt chuyển sang phát triển về chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và giá cả có tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế, với mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Thành phố công nghiệp có công nghệ cao của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của Việt Nam vào năm 2015-2017 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề ra[8].

Thành phố cũng là nơi tiếp nhận lượng kiều hối lớn nhất nước, khoảng 60% lượng kiều hối gửi về nước hàng năm. GDP năm 2005 tăng 12,2% và GDP đầu người đạt 1,850 USD (hoặc 8,900 theo chỉ số PPP), gấp 3 lần mức bình quân cả nước và xếp hàng đầu cả nước, thành phố là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sang năm 2006, GDP tăng 12,2% so với năm 2005, bằng tốc độ tăng của năm 2005 và cao hơn tốc độ năm 2004. Năm 2007, tăng trưởng GDP đạt mức 12,6%, GDP bình quân đầu người đạt 2100 USD và dự tính đạt 3000 USD vào năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập dưới 6 triệu đồng mỗi người một năm còn 1,9%.

Thành phố Hồ Chí Minh có 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ caocông viên phần mềm Quang Trung.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, có mã giao dịch là VN-Index, được thành lập vào ngày 11 tháng 7 năm 1998. Cho đến cuối tháng 1 năm 2007, tại Trung tâm có 107 công ty niêm yết với tổng vốn hóa thị trường gần 245,000 tỷ đồng, chỉ số VN-Index tăng trưởng 144% khiến thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh nhất thế giới)[9].

Thành phố có hệ thống nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng. Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm tiêu thụ lớn với mức tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ gấp 10-13 lần so với các tỉnh Tây Bắc, 6 lần các tỉnh Tây Nguyên, gấp 1,5 lần Hà Nội[10]. Lĩnh vực kinh doanh địa ốc, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng phục vụ cho kinh doanh thương mại, văn phòng đang được đầu tư ồ ạt. Hiện tại, tòa nhà cao tầng nhất tại thành phố là Trung tâm thương mại Sài Gòn cao 33 tầng trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 và cũng là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, kỷ lục này sẽ bị sớm phá vỡ khi tòa nhà The Times Square 42 tầng, được dự kiến hoàn thành trong năm 2007 và đặc biệt là khi The Financial Tower (Tháp Tài chính), 72 tầng, được hoàn thành.

[sửa] Giao thông vận tải

Ùn tắc giao thông trên phố phường Sài Gòn
Ùn tắc giao thông trên phố phường Sài Gòn
  • Đường bộ: Hệ thống đường bộ dày đặc nhưng do sự gia tăng dân số quá nhanh và qui hoạch chưa hợp lý nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông, Thành phố đã triển khai và hoàn tất nhiều dự án giao thông quan trọng như: đại lộ Đông Tây, cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường xuyên Á, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây và Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, đường Trường Chinh, đường cao tốc đi Trung Lương, đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Một số dự án lớn đang giai đoạn chuẩn bị triển khai: Các đường vành đai 1, 2, 3; đường trên cao Thị Nghè - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; cầu Bình Triệu... và đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn dự kiến lên tới trên 30 tỷ đô la. Khi dự án này hoàn thành sẽ kết nối thành phố với tất cả các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.
  • Đường thủy: Các hệ thống cảng Sài Gòn, Tân Cảng đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận các tàu trọng tải lớn. Tuy nhiên, do nằm trong nội đô nên ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị và đang được di dời ra khỏi nội thành. Các cảng container mới, hiện đại đang được triển khai có: cụm cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái...
  • Đường sắt: Ga Sài Gòn là đầu mối giao thông quan trọng và nhộn nhịp nhất nước, phục vụ các tuyến vận tải Bắc Nam. Do mật độ giao thông nội thị cao, việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt trên cao (monorail) đang được triển khai như các tuyến: Bến Thành - Biên Hoà, Bến Thành - Bến xe Miền Tây, Bến Thành - Tân Sơn Nhất - An Sương... đang được các đối tác nước ngoài như (Nhật, Pháp, Nga, Đức) đệ trình phương án đầu tư. (Xem thêm Tàu điện ngầm Thành phố Hồ Chí Minh)
  • Đường hàng không: Thành phố có Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 850 ha, công suất nhà ga từ 15-17 triệu khách/năm, năm 2007, có lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm 2/3 tổng số lượng khách đến các sân bay quốc tế tại Việt Nam, sân bay này phục vụ 11 triệu khách thông qua, chiếm 55% trong tổng số 20 triệu khách sử dụng sân bay tại Việt Nam. Nhà ga quốc tế mới T2 với năng lực 15-17 triệu khách/ năm vừa hoàn thành vào tháng 8 năm 2007 là nhà ga hàng không lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Trong tương lai không xa, Sân bay quốc tế Long Thành với công suất 80-100 triệu khách năm sẽ được xây dựng 40 km về phía Đông Bắc thành phố.

Ngoài ra, thành phố còn đang đầu tư vào hệ thống xe buýt, với hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh, xe buýt ở Thành phố Hồ Chí Minh họat động với mục tiêu giảm thiểu số lượng phương tiện giao thông cá nhân.

[sửa] Văn hóa, xã hội, âm nhạc và thể thao

Bài chi tiết: Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh
Bưu điện Sài Gòn
Bưu điện Sài Gòn
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa (Việt, Hoa, Âu, Chăm, Khmer), thuộc vùng văn hóa Nam bộ với đặc trưng con người năng động, nhạy bén, sắc sảo.

Thành phố có 11 bảo tàng và nhiều nhà lưu niệm, nhà truyền thống, phòng truyền thống ở các quận, huyện: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là bảo tàng lớn nhất và là bảo tàng đầu tiên của thành phố; Bảo tàng Hồ Chí Minh nơi xưa kia là Bến Nhà Rồng; Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Thành phố là nơi đầu tiên đề xướng và triển khai thực hiện các phong trào xã hội đầy tính nhân văn như: "nhà tình thương", "xóa đói giảm nghèo", "ánh sáng văn hoá hè", "chiến dịch mùa hè xanh" của thanh niên, đào tạo nghề cho người sau cai nghiện trên cả nước. Thành phố hiện có tỷ lệ người nghèo thấp nhất nước: 1,8%.

Thành phố có các trung tâm tôn giáo lớn: chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà, chùa Giác Lâm là chùa cổ nhất của thành phố. Ngoài ra còn có các thánh thất Cao Đài, thánh đường Hồi giáo, thánh địa Hòa Hảo...

Thành phố 22 đơn vị nghệ thuật, 9 rạp hát. Nhà hát Lớn thành phố là rạp hát nổi tiếng nhất. Rạp hát truyền thống có: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát múa rối Thành phố Hồ Chí Minh. Các sân khấu và các đoàn kịch nói của của thành phố, khác với các tỉnh thành khác được Nhà nước bao cấp kinh phí, tự chủ hoạt động và tự chủ kinh phí và hoạt động liên tục suốt các ngày trong tuần. Các sân khấu kịch nói, ca nhạc hoạt động sôi động nhất nước. Thành phố là trung tâm ca nhạc, giải trí lớn của cả nước quy tụ các ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ khắp đất nước đến biểu diễn và sinh sống. Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm rạp chiếu phim với doanh thu chiếm từ 60-70% tổng doanh thu chiếu phim của cả nước[11].

Thành phố là một trong những trung tâm thể thao lớn của cả nước, từng là nơi tổ chức SEA Games 22. Sân vận động lớn nhất là sân vận động Thống Nhất. Ngoài ra còn có các sân khác như: Sân vận động Quân khu 7, Thành Long, Hoa Lư; Nhà thi đấu Phú Thọ, Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng...

Thành phố là nơi ra báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ: Gia Định báo. Báo lớn nhất của thành phố là báo Sài Gòn giải phóng; các báo có số ấn bản lớn nhất nước như: Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Ngoài ra còn hàng chục tờ báo và tạp chí lớn khác như: Công an thành phố, Người lao động, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thời trang, Thế giới mới, Kiến thức ngày nay... Báo tiếng Anh có: Saigon Times daily, Thanhniennews (báo điện tử). Báo tiếng Hoa: Sài Gòn giải phóng. Thành phố có Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Thư viện trung tâm của thành phố là Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố là địa phương tiêu thụ các ấn phẩm xuất bản lớn nhất nước, có hệ thống các nhà sách quy mô lớn, phân bố đều khắp các quận huyện.

[sửa] Ẩm thực

Bài chi tiết: Ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh

Là một thành phố có dân cư nhiều dân tộc (chủ yếu là Việt, Hoa) và dân cư từ khắp cả nước hội tụ về, ẩm thực của thành phố rất phong phú đa dạng. Người ta có thể thưởng thức phở và bún thịt nướng Hà Nội; bún bò và các món bánh Huế; mì Quảng; các món ăn miền Tây; các món ăn của Trung Hoa, Indonesia, Pháp, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Các món ăn đặc trưng nhất của thành phố là: hủ tiếu Nam Vang, mì vịt tiềm, nem Sài Gòn... các món lẩu dê, đà điểu, cá sấu... đặc biệt là hàng trăm món nướng theo phong cách Nam Bộ.

[sửa] Du lịch

Chợ Bến Thành là biểu tượng không chính thức của thành phố
Chợ Bến Thành là biểu tượng không chính thức của thành phố

Khẩu hiệu du lịch của thành phố là "TPHCM - điểm đến an toàn và thân thiện". Năm 2005, thành phố đón 2 triệu khách du lịch quốc tế. Khách du lịch đến thành phố được tham quan ở các di tích lịch sử khu vực trung tâm như: dinh Xã Tây (tòa nhà UBND thành phố), bến Nhà Rồng, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà hát lớn Thành phố, bưu điện Thành phố, dinh Độc Lập, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, nhà thờ Huyện Sỹ và hàng chục viện bảo tàng, viện nghiên cứu lớn nhỏ, hay ra ngoại thành thăm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ ở đường Đồng Khởi, chợ Bến Thành. Thành phố có "khu phố Tây" ở Khu phố Phạm Ngũ Lão, thưởng thức ẩm thực khẩn hoang Nam bộ ở khu du lịch Bình Quới. Nếu đến vào dịp Tết, du khách sẽ được ngắm nhìn đường hoa Nguyễn Huệ và tham dự vào lễ hội bánh tét thành phố.

Các khu vui chơi giải trí như: khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên; công viên nước Đại thế giới; công viên giải trí Đầm Sen; Công viên Kỳ Hòa; công viên Văn Thánh; công viên nước Sài Gòn... Các điểm tham quan hấp dẫn như: khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, Thảo Cầm Viên.

Thành phố vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống có giá trị lớn về ý nghĩa văn hóa, tạo được nhiều việc làm cho lao động. Đó là làng hoa Gò Vấp, làng bánh tráng Phú Hòa Đông, làng dệt Bảy Hiền...

[sửa] Giáo dục và y tế

Bài chi tiết: Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Thành phố có các trường phổ thông quốc tế. Về đào tạo đại học, thành phố có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (là trường đại học đào tạo đa ngành lớn nhất). Ngoài ra, còn có hàng chục trường đại học danh tiếng khác như: Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Royal Melbourne Institute of Technology, còn được gọi là Đại học quốc tế RMIT) của Úc, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hàng không, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh... và hàng trăm trường cao đẳng, trung học dạy nghề khác. Về chăm sóc y tế, thành phố là một trong những trung tâm hàng đầu về dịch vụ y tế chất lượng cao của Việt Nam. Thành phố có gần 100 bệnh viện và trung tâm y tế công lập (2005) và hàng trăm bệnh viện và trung tâm y khoa tư nhân, 8 bác sĩ/10.000 dân (2003). Bệnh viện lớn nhất và hiên đại nhất từ đèo Ngang trở vào là bệnh viện Chợ Rẫy do Chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng.

[sửa] Tương lai

Bài chi tiết: Thành phố Hồ Chí Minh - Tầm nhìn 2020

Theo quy hoạch đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một đại đô thị (mega city) với dân số khoảng 20 triệu người, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, là một trong những trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ và dịch vụ của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Trung tâm thành phố vẫn ở khu vực Quận 1 cũ, nhưng có mở rộng ra ở Thủ Thiêm, Quận 2. Đô thị sẽ được phát triển theo quan điểm "thành phố mở", là một đô thị đa trung tâm, nối kết với các tỉnh trong khu vực bằng những hành lang đô thị hóa, mở rộng ra theo 4 hướng: Đông (hướng về Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai), Nam (từ Nhà Bè, Cần Giờ hướng ra biển Đông), Bắc (từ Củ Chi hướng tới Tây NinhCampuchia), Tây (hướng về đồng bằng sông Cửu Long).

[sửa] Các cơ hội

[sửa] Vị thế

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, sự ổn định về chính trịkinh tế vĩ mô, việc gia nhập WTO, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là cơ hội tốt để thành phố tiếp tục phát triển kinh tế hơn nữa.

Sự quan tâm nhiều hơn của thế giới vào châu Á-Thái Bình Dương, sự nổi lên của các cường quốc mới ở châu Á như Trung QuốcẤn Độ, cũng như việc nâng cao vị thế của tổ chức ASEAN mà Việt Nam là thành viên cũng sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc biến Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực.

[sửa] Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố cũng là một nguồn động lực quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu trở thành trung tâm phần mềm và có thể là trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính của khu vực.

[sửa] Các thách thức

[sửa] Nạn nhân mãn và ô nhiễm môi trường

Do sự tăng dân số cơ học nhanh và có nhiều khu công nghiệp nằm trong thành phố nên tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sông, nước ngầm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy hoạch và tình trạng xây dựng hiện tại, thượng lưu sông Sài Gòn - con sông cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố đã có những khu công nghiệp nhưng khả năng xử lý nước thải công nghiệp có hạn nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Ngoài ra, hệ thống xử lý vệ sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng chỉ pha loãng nước thải đổ ra sông Sài Gòn, kết hợp với triều cường cũng là nguy cơ rất cao đối với nguồn nước sông Sài Gòn.

Ô nhiễm không khí: Bầu không khí của thành phố ô nhiễm nặng, chỉ tính riêng các lò hơi và lò nung tại thành phố, hàng năm thải vào không khí 578 tấn bụi, 78 tấn SO2, 84 tấn CO2. Ngoài ô nhiễm do bụi ra, trong không khí thành phố còn chứa nhiều hơi khí độc phổ biến là anhydrít sylfurơ (SO2), oxyt carbon (CO), carbua hydro, amoniắc (NH3), sulfua hydro (H2S)... và một số hơi kim loại độc như chì, cadmi, antimoan... Số lượng xe cơ giới cao của Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Ô nhiễm nước: Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm kênh rạch. Mỗi ngày, hệ thống kênh rạch và sông Sài Gòn phải hứng chịu trên 1 triệu m³ nước thải sinh hoạt, gần 400.000 m³ nước thải công nghiệp; 4.000–5.000 tấn rác thải sinh hoạt và 7 tấn rác y tế chưa qua xử lý...

Nước ngầm: Theo báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước ngầm Thành phố Hồ Chí Minh năm, nước ngầm Thành phố Hồ Chí Minh đang có chiều hướng ô nhiễm hữu cơ gia tăng cả về số lượng giếng và mức độ ảnh hưởng. Đặc biệt trong tháng 9 năm 2002, có đến 8/22 lỗ khoan trong thành phố không có nước, điều này cho thấy lượng nước ngầm bị triệt để khai thác ngày càng tăng khiến cho mực nước ngầm bị hạ thấp nghiêm trọng.

Rác thải: Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 7.000 tấn rác, phải mất trên 235 tỷ đồng/năm để xử lý chất thải, trên 250.000m³ nước rỉ rác chưa được xử lý. Hiện tại, công nghệ xử lý rác thải tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn lạc hậu. Hàng ngày, riêng rác sinh hoạt và xây dựng đã lên tới trên 6.000 tấn, rác công nghiệp khoảng 1.000 tấn/ngày. Công nghệ xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minhh đến thời điểm 2007 rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp, chiếm 98%. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang có có 5 bãi rác đang hoạt động.

Ô nhiễm công nghiệp: Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm 2003 có khoảng 800 nhà máy, xí nghiệp lớn và hơn 30.000 cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ nằm xen lẫn trong các khu dân cư đang gây nên những vấn đề môi trường nghiêm trọng; trong đó có 260 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà máy này có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa có biện pháp xử lý chất thải triệt để. Các đơn vị này sản xuất những sản phẩm gây ô nhiễm nặng như: giấy, thuộc da, cơ khí, nhựa... [12]

[sửa] Tình trạng ùn tắc giao thông

Do hạ tầng giao thông phần lớn đã trở nên lạc hậu, cùng với sự gia tăng chóng mặt của số lượng phương tiện giao thông nên ùn tắc là chuyện thường xuyên xảy ra, nhất là trong giờ cao điểm.

[sửa] Thành phố kết nghĩa

Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập)
Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập)

[sửa] Hình ảnh thành phố trong nền văn hóa hiện nay

[sửa] Nhạc

  • Vở nhạc kịch Miss Saigon (Hoa hậu Sài Gòn)
  • Những bài hát nói về Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân
  • Ban nhạc rock "Saigon kick" (Cú đá Sài Gòn) từ Florida, Mỹ
  • Ca sĩ nhạc rap người Mỹ với nghệ danh "Saigon"

[sửa] Phim

[sửa] Truyện

  • L'Amant của Marguerite Duras
  • L'adieu à Saïgon của Jean Lartéguy
  • Les civilisés của Claude Farrère

[sửa] Xem thêm

[sửa] Tham khảo

  1. ^ Các số liệu về kinh tế, văn hóa, xã hội tham khảo của Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trang web chính thức [1]
  2. ^ Trương Vĩnh Ký, Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, trong Excursions et Reconnaissance X. Saigon, Imprimerie Coloniale 1885
  3. ^ Số liệu của Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
  4. ^ ”Đầu tư trực tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh” trên báo Thanh Niên ngày 7 tháng 11 năm 2007 [2]
  5. ^ ”Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu thu hút FDI vì biết các bứt phá” trên báo Sài Gòn Giải Phóng online ngày 3 tháng 11 năm 2007 [3]
  6. ^ mofahcm
  7. ^ [4]
  8. ^ Các số liệu về trình độ công nghệ tham khảo Thông tấn xã Việt Nam ngày 6 tháng 8 năm 2007
  9. ^ Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Đưa TTCK thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế" trên báo Thanh Niên online ngày 30/11/2007
  10. ^ [5]
  11. ^ [6]
  12. ^ Nguồn: Các số liệu môi trường được tham khảo từ "Hệ thống thông tin quản lý môi trường Lưu vực sông Sài Gòn Đồng Nai" của Cục Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam năm 2003

[sửa] Liên kết ngoài

[sửa] Hình ảnh Sài Gòn cổ xưa


Đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam Cờ của nước CHXHCN Việt Nam
Thành phố (5): Cần ThơĐà NẵngHải PhòngHà NộiTP. Hồ Chí Minh
Tỉnh (59): An GiangBà Rịa-Vũng TàuBạc LiêuBắc GiangBắc KạnBắc NinhBến TreBình DươngBình ĐịnhBình PhướcBình ThuậnCà MauCao BằngĐăk LăkĐăk NôngĐiện BiênĐồng NaiĐồng ThápGia LaiHà GiangHà NamHà TâyHà TĩnhHải DươngHậu GiangHoà BìnhHưng YênKhánh HòaKiên GiangKon TumLai ChâuLạng SơnLào CaiLâm ĐồngLong AnNam ĐịnhNghệ AnNinh BìnhNinh ThuậnPhú ThọPhú YênQuảng BìnhQuảng NamQuảng NgãiQuảng NinhQuảng TrịSóc TrăngSơn LaTây NinhThái BìnhThái NguyênThanh HóaThừa Thiên-HuếTiền GiangTrà VinhTuyên QuangVĩnh LongVĩnh PhúcYên Bái



aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -