Địa đạo Củ Chi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, 70 km phía tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công Sài Gòn.
Mục lục |
[sửa] Lịch sử
Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Cũng có ý kiến cho rằng việc đào địa đạo khởi đầu do dân cư khu vực này tự phát thực hiện vào năm 1948.
Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng, sau đó do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thanh một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp, về sau phát triển rộng ra nhiều nơi, nhất là 6 xã phía Bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn hầm, địa đạo được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể liên lạc, hỗ trợ nhau.
Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là "xương sống", sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.
Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí...
[sửa] Đặc điểm
Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần (bị hơi ngạt, bơm nước).
[sửa] Cuộc sống dưới địa đạo
Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt và nóng bức và điều kiện vệ sinh kém nên hầu như đa số những người sống ở địa đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương. Ngoài ra, việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là vấn đề lớn nhất của cư dân địa đạo.
[sửa] Sự tấn công của quân đội Mỹ và đồng minh vào địa đạo
Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt... nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều. Quân đội Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện các cửa vào (được ngụy trang) và phát hiện các cửa thông gió (thường được đặt giữa các bụi cây). Biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng chó nghiệp vụ. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông gió bị chó nghiệp vụ phát hiện do chó ngửi được hơi người. Tuy nhiên, sau đó, những người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng của Mỹ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió nên chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra.
[sửa] Địa đạo Củ Chi ngày nay
Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách, đặc biệt là cựu chiến binh, thường chọn điểm thăm quan này khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những cư dân thực thụ trước đây (được thăm quan, ăn uống những món ăn của cư dân địa đạo trước đây).
Khu địa đạo Củ Chi (thuộc xã Phú Mỹ Hưng - huyện Củ Chi) đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia (theo quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa). Hệ thống địa đạo Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức - căn cứ của Huyện ủy Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến) cũng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia (theo quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin).
[sửa] Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi
Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi hiện nay được Công ty Minh Thành (trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh) quản lý trực tiếp. Khu di tích gồm có hệ thống địa đạo (Bến Dược, Bến Đình), đền Bến Dược, khu quản trị, khu dịch vụ, khu vực tái hiện vùng giải phóng và vành đai diệt quân Mỹ, khu du lịch sinh thái - giải trí ven sông Sài Gòn.
[sửa] Tên gọi Đền Bến Dược
Trước đây, nơi đây là địa điểm vượt qua sông Sài Gòn để đi qua các tỉnh Đông Nam Bộ khác. Nhưng do người ở đây là người Nam bộ nên từ "Bến Vượt" đã bị nói trại đi thành "Bến Dược" ("Bến Dược" ở đây không là bến, hay trung tâm, cung cấp thuốc).
[sửa] Xem thêm
- Địa đạo thử
- Địa đạo Tân Phú Trung
- Địa đạo Vịnh Mốc
- Địa đạo chiến khu Đ
Xin điều chỉnh 2 ý: 1/. Khu Di tich Lich su Địa đạo Củ Chi hôm nay không con trưc thuộc Công ty Minh Thành, mà trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự TP.HCM
2/. Bến Dược: Xưa kia ở bến sông này là điểm tập kết dược liệu chở từ rừng Tây Ninh xuống, sơ chế sau đó đưa về SG-Chợ Lớn bằng đường sông. Năm 1966-1967, quân đội Hoa Kỳ đánh phá vùng này (Căn cứ quân khu SG-GĐ)bằng 2 cuộc hành quân cấp sư đoàn là Crymp (1-1966) và Cedar Falls (1-1967). Do đó vùng Bến Dược (nơi tập kết dược liệu- cây lá thuốc Nam) và Bến Súc (nơi tập kết những súc gỗ trên rừng kéo về bằng đường sông nên có tên gọi như vậy)đều tan hoang,bình địa không thể nào có chỗ ẩn nấp cho du kích hay quân GP tập kết mà "vượt" sông. Hơn nữa dọc 2 bên sông SàiGòn, vùng giải phóng và vùng trắng... nơi nào cũng có thể vượt sông được, nếu sông yên tĩnh và giao liên báo là không có tàu tuần của lính SG, tàu Mỹ.
3/.Người Củ Chi (vùng An Nhơn, PHú Mỹ Hưng= Hố Bò) và bên kia là Bến Súc, Dầu Tiếng đôi lúc dùng chữ "vượt sông" nhưng thường thì dùng chữ "qua sông" theo ngữ điệu Nam bộ.Do đó nói Bến Dược là Bến Vượt là sai. Có 1 vị sĩ quan cao cấp ở QK7 (quê Củ Chi)nói Bến Dựợc là Bến Vượt gây hiểu lầm cho giới báo chí TP.HCM, mãi sau này ông sĩ quan muốn đính chính lại mà không biết phải làm sao? Rõ ràng là "Nhứt ngôn ký xuất-Tứ mã nan truy"