Chiến dịch Bagration
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến dịch Bagration | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến tranh Xô-Đức trong thế chiến II
|
|||||||
|
|||||||
Tham chiến
|
|||||||
Đức Quốc Xã |
Liên Xô |
||||||
Chỉ huy
|
|||||||
Ernst Busch Walther Model Ferdinand Schorner |
Ivan Bagramian Ivan Chernyakhovsky Georgy Zakharov Konstantin Rokossovsky Georgy Zhukov Aleksandr Vasilevsky |
||||||
Lực lượng
|
|||||||
800.000 người 900 xe tăng |
2.331.700 người 5.200 xe tăng |
||||||
Thương vong
|
|||||||
Theo Liên Xô đánh giá: 400.000 chết trận, 158.000 bị bắt, 590.000 bị thương. Theo Đức đánh giá: 260.000 chết trận, 250.000 bị thương, 116.000 bị bắt |
Theo Liên Xô đánh giá:178.507 chết trận và mất tích, 587.308 bị thương, Tổng cộng thương vong: 765.815 cho cả hai giai đoạn chiến dịch 2.957 xe tăng 2.447 khẩu pháo 822 máy bay[1] |
Chiến dịch Belorussia hay mật danh là chiến dịch Bagration là chiến dịch tấn công chiến lược vào mùa hè năm 1944 từ 22 tháng 6 đến 29 tháng 8 năm 1944 trong chiến tranh Xô-Đức. Đây là thắng lợi rất to lớn của Liên Xô trong thế chiến II, chiến dịch đã vượt xa mọi mục tiêu đề ra: đã đánh tan lực lượng chủ lực của quân đội Đức Quốc Xã là cụm tập đoàn quân Trung tâm, giải phóng hoàn toàn Belorussia, đại bộ phận các nước cộng hoà Baltic, miền đông bắc Ba Lan và quân đội Xô Viết tiếp cận Đông Phổ đưa chiến tranh vào đất đai của đối phương. Thắng lợi của chiến dịch Belorussia cùng với thắng lợi của chiến dịch Lvov-Sandomir (tiếng Nga: Львов – Сандомир) và chiến dịch Yassko-Kishinev (Ясс – Кишинёв) cũng diến ra trong mùa hè năm 1944 đã giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và bắt đầu giai đoạn quân đội Xô Viết giải phóng Đông Âu khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức và các chế độ thân phát xít.
Chiến dịch này mang tên Bagration để kỷ niệm nhà cầm quân nổi tiếng của Đế quốc Nga Piotr Bagration trong chiến tranh chống Napoleon năm 1812, người đã bỏ mạng trong trận Borodino.
Mục lục |
[sửa] So sánh lực lượng trên chiến trường Belorussia đến tháng 6 năm 1944
Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức luôn là một lực lượng mạnh nhất. Trước đây trong các năm 1942, 1943 các chiến dịch Rzhev – Viazma (Ржев – Вязьма) của Hồng quân dưới sự chỉ huy của nguyên soái Xô Viết G.K. Zhukov với các lực lượng tấn công to lớn đều chịu thương vong rất nặng nề mà không thể đánh thắng nổi[1]. Giờ đây chiều dài trận tuyến đã thu lại, mật độ phòng thủ của quân Đức tăng lên nhiều. Và quân Đức có lợi thế dựa vào trận tuyến phòng thủ có chiều sâu, rất kiên cố, được chuẩn bị lâu năm dựa vào bờ tây các con sông lớn của Belorussia, phía sau lưng là địa bàn có hệ thống đường sắt và đường bộ tương đối phát triển dễ dàng cơ động các lực lượng dự bị. Khu vực địa hình rừng rậm Polesie (Полесье) phía nam Belorussia lại là vùng nhiều rừng có nhiều khu đầm lầy lớn không thuận lợi để triển khai các lực lượng xe tăng, thiết giáp tấn công.
Ngoài những lợi thế phòng ngự nêu trên, tuy nhiên những đất đai mà cụm tập đoàn quân Nam của Đức đã mất tại Ukraina trong các trận đánh trước đây làm cho sườn phía nam của cụm tập đoàn quân Trung tâm không còn được cụm tập đoàn quân Nam che chắn và trở nên nguy hiểm. Tình thế này càng trở nên nghiêm trọng khi cụm tập đoàn quân nam của Đức càng ngày càng bị đẩy lùi sâu về phía tây và phía nam không thể bảo đảm cho sườn nam của cụm Trung tâm được nữa, trong khi đó Adolf Hitler ra mệnh lệnh không cho phép cụm Trung tâm rút lui về phía tây. Đến thời điểm đầu chiến dịch Bagrachion hình thế chiếm đóng của cụm tập đoàn quân trung tâm là bất lợi: nó tạo thành một vòng cung lồi sâu vào lãnh thổ đối phương trong đó sườn phía nam kéo rất dài luôn chịu nguy cơ bị đối phương đánh thọc sâu vào lưng cụm trung tâm và thực hiện bao vây chiến dịch.
Lực lượng của cụm tập đoàn quân trung tâm dưới quyền thống chế Ernst Busch (từ 28 tháng 6 1944 là thống chế Walther Model) bao gồm tập đoàn quân xe tăng số 3, tập đoàn quân bộ binh dã chiến số 2, số 4, và số 9 được yểm trợ của hạm đội không quân số 4. Tổng cộng quân Đức có 34 sư đoàn khoảng 80 vạn quân (1 sư đoàn Đức thường có biên chế 1,5 vạn quân xấp xỉ hai sư đoàn Xô Viết 8.000 quân). Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng Hồng quân sẽ tiếp tục tổng tấn công tại cánh nam chiến trường (Ukraina và Moldavia) vì tại đó tập trung đại bộ phận các tập đoàn quân xe tăng Xô Viết và tại khu vực Polesie phía sườn nam của cụm tập đoàn quân trung tâm là địa hình rừng và đầm lầy không thuận lợi cho chiến dịch tấn công cơ giới lớn. Nếu Hồng quân Xô Viết có tấn công tại Belorussia thì đó cũng chỉ là mũi tấn công phụ trợ và quân Đức đủ sức bẻ gẫy cuộc tấn công. Do đó tại Belorussia chỉ có 11 sư đoàn trong số 34 sư đoàn xe tăng và cơ giới dự bị của Đức trên chiến trường Xô – Đức.
Về phía quân đội Xô Viết để tấn công chiến dịch Belorussia đã huy động 4 phương diện quân bố trí từ bắc xuống nam là:
- Phương diện quân Baltic 1 của đại tướng Bagramian gồm tập đoàn quân xung kích số 4, tập đoàn quân cận vệ số 6, tập đoàn quân số 43, quân đoàn xe tăng số 1.
- Phương diện quân Belorussia 3 của tư lệnh đại tướng I. D. Chernyakhovsky gồm tập đoàn quân số 5, 31 và 39, tập đoàn quân cận vệ số 11, tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5, quân đoàn xe tăng cận vệ số 2, khối cơ giới – kỵ binh độc lập.
- Phương diện quân Belorussia 2, tư lệnh thượng tướng G. F. Zakharov, gồm tập đoàn quân số 33, số 49 và số 50.
- Phương diện quân Belorussia 1, tư lệnh đại tướng K.K. Rokossovsky, là phương diện quân chủ đạo được biên chế rất mạnh gồm tập đoàn quân xe tăng số 2, tập đoàn quân cận vệ số 8, các tập đoàn quân số 3, 48, 65, 28, 61, 69, 70, 47, tập đoàn quân số 1 của Ba Lan và các quân đoàn xe tăng và kỵ binh độc lập khác.
Tổng cộng 4 phương diện quân Xô Viết có 2 tập đoàn quân xe tăng và 20 tập đoàn quân bộ binh với 166 sư đoàn, 12 quân đoàn xe tăng và cơ giới. Tổng cộng lực lượng Xô Viết có 2,4 triệu quân với 36.000 đại bác và súng cối, 5.200 xe tăng và pháo tự hành, 5.300 máy bay chiến đấu.
Hai đại điện đại bản doanh Xô Viết Nguyên soái Liên Xô G.K. Zhukov phụ trách phối hợp hai phương diện quân Belorussia 1 và Belorussia 2, Nguyên soái A.M. Vasilevsky – phụ trách phối hợp hai phương diện quân Belorussia 3 và Baltic 1.
[sửa] Diễn biến chiến dịch
Chiến dịch lớn Belorussia có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ 22 tháng 6 đến 4 tháng 7 là giai đoàn Hồng quân chọc thủng phòng tuyến đối phương, bao vây và tiêu diệt khối quân chủ lực của cụm tập đoàn quân Trung Tâm tại Belorussia. Giai đoạn hai từ 5 tháng 7 đến 29 tháng 8 năm 1944: Hồng quân tấn công truy kích các lực lượng Đức rút lui, không cho đối phương kịp đứng chân lập tuyến phòng thủ mới ở các vùng đất phía sau. Cuộc tấn công của Hồng quân chỉ dừng lại khi các đơn vị tấn công đã ở quá xa các lực lượng tiếp vận.
[sửa] Bao vây các khối quân Đức tại Belorussia
Ngày 22 tháng 6 năm 1944 đúng ngày bắt đầu chiến tranh giữ nước vĩ đại ba năm trước, bốn phương diện quân Xô Viết tạo thành sáu mũi nhọn đồng loạt tấn công tuyến phòng thủ của cụm tập đoàn quân Trung tâm:
- Phương diện quân Baltic 1 của đại tướng Bagramian kết hợp cùng phương diện quân Belorussia 3 của Chernyakhovski ngày 22 tháng 6 tấn công trên hướng Vitebsk (Витебск): ngay ngày đầu tiên đã chọc thủng tuyến phòng ngự Đức và 25 tháng 6 hai phương diện quân Xô Viết đã hợp vây được khối quân Đức tại Vitebsk. Ngày 27 tháng 6 khối quân Đức tại đây bị tiêu diệt. Ngày 28 phương diện quân Bagramian chiếm thành phố Lepel (Лепель). Cuộc tấn công này được gọi là chiến dịch Vitebsk-Orsha (Витебск – Орша). Sau đó phương diện quân Baltic 1 tiếp tục thực hiện chiến dịch Polosk (Полоцк) tấn công mạnh mẽ về hướng Shyaulyai (Шяуляй).
- Phương diện quân Belorussia 3 của đại tướng Chernyakhovsky có hướng tấn công chính vào trung tâm phòng ngự Borisov (Борисов). Tập đoàn quân xe tăng số 3 của Đức bị đánh tách khỏi tập đoàn quân số 4. Ngày 1 tháng 7 phương diện quân Chernyakhovsky đã giải phóng thành phố Borisov bao vây và tiêu diệt khối lớn quân Đức phòng thủ tại đây.
- Phương diện quân Belorussia 2 của thượng tướng Zakharov thực hiện chiến dịch Moghiliev (Могилёв): sau khi đè bẹp quân phòng thủ Đức trên sông Pronya và Basia, Phương diện quân Belorussia 2 đã tấn công bao vây, tiêu diệt khối quân Đức tại Moghilev và ngày 28 tháng 6 giải phóng thành phố này.
- Phương diện quân Belorussia 1 của đại tướng Rokossovski tấn công Bobruisk (Бобруйск), ngày 27 tháng 6 đã bao vây được khối lớn quân Đức khoảng 10 vạn quân và ngày 29 tháng 6 đã hoàn thành tiêu diệt khối quân này, đây là chiến dịch Bobruisk rất nổi tiếng.
Sau khi đã chọc thủng tuyến phòng thủ, bao vây và tiêu diệt các khối quân Đức tại chiến tuyến ngoại vi các phương diện quân Xô Viết của Rokossovsky từ bàn đạp Bobruisk và Chernyakhovsky từ bàn đạp Borisov tung các lực lượng cơ động thực hiện chiến dịch Minsk: các mũi xe tăng cơ giới cực mạnh của Hồng quân phát triển các mũi tấn công thọc sâu chớp nhoáng và hợp vây tại phía tây thành phố Minsk Ngày 3 tháng 7 năm 1944, thủ đô Minsk của Belorussia được giải phóng. Gần như toàn bộ lực lượng chính của cụm tập đoàn quân Trung tâm là các đơn vị của tập đoàn quân số 4 và số 9 đã lọt vào vòng vây của Hồng quân tại phía đông thành phố Minsk.
Sau 12 ngày tấn công của giai đoạn 1 Hồng quân đã tiến lên 250 – 300 km giải phóng đại bộ phận Belorussia. Đến đây mục tiêu ban đầu của chiến dịch đã hoàn thành. Phòng tuyến quân Đức bị thủng một lỗ rộng đến 400 km, các nỗ lực của Đức điều các lực lượng từ nơi khác đến lấp lỗ hổng phòng ngự đã không thu được kết quả gì đáng kể. Quân đội Xô Viết đã mở ra khả năng tấn công liên tục truy quét các lực lượng còn lại đã bị đánh tan và đang tháo chạy của đối phương.
[sửa] Giai đoạn tấn công truy kích
Nhận thấy các thắng lợi tại Belorussia trong những ngày đầu tiên là rất to lớn, Bộ tổng tư lệnh tối cao Xô Viết chỉ đạo các phương diện quân tấn công liên tục về phía tây. Đây là giai đoạn hai của chiến dịch Belorussia và nó không còn đóng khung trong phạm vi Belorussia nữa mà lan rộng ra lãnh thổ các nước cộng hoà Baltic và Ba lan, giai đoạn này kéo dài gần hai tháng từ 5 tháng 7 đến 29 tháng 8 năm 1944. Trong vòng một tuần từ 5 tháng 7 đến 11 tháng 7 lực lượng Đức bị bao vây tại phía đông Minsk đã bị tiêu diệt, hầu hết số quân Đức tại đây khoảng trên 10 vạn bị bắt sống. Số quân này sau đó đã được đưa về Moskva để giải đi trên đường phố thủ đô Xô Viết dưới sự chứng kiến của người dân Moskva và thông tấn, báo chí nước ngoài.
Các phương diện quân Xô Viết phối hợp với nhau tổ chức 5 chiến dịch tấn công liên hoàn là các chiến dịch Shaulai (Шяуляй), Vilnius (Вильнюс – thủ đô Litva), Kaunas (Каунас), Belostok (Белосток) và chiến dịch Liublin-Brest (Люблин – Брест) Các phương diện quân Xô Viết truy đuổi và đánh tan các đơn vị còn lại của cụm tập đoàn quân Trung tâm. Tại khu vực Vilnius và Brest quân Đức lại sa vào 2 vòng vây lớn. Bộ chỉ huy Đức vội vã đưa các đơn vị khác từ Ý, Hà Lan, từ cụm tập đoàn quân Bắc và cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina đến để ngăn chặn đà tấn công của Hồng quân nhưng vì từ nay mặt trận thứ hai đã mở ở Tây Âu nên quân Đức không thể tự do điều chuyển các lực lượng dự bị và số lượng cũng như chất lượng quân dự bị Đức đã không còn sung sức như hồi những năm trước đây, các lực lượng này đều bị đánh thiệt hại nặng nề và phải rút lui mà không ngăn nổi đà tấn công của quân đội Xô Viết.
Ngày 20 tháng 7 Hồng quân đã tiến vào lãnh thổ Ba Lan và đến 17 tháng 8 năm 1944 đã đến biên giới Đông Phổ. Chiến dịch tấn công của Hồng quân chỉ dừng lại khi các mũi tấn công tiên phong đã đi quá xa khỏi cơ cấu hậu cần. Trong giai đoạn hai của chiến dịch quân đội Xô Viết đã giải phóng hoàn toàn Belorussia, một phần lớn Latvia và Litva. Hồng quân chiếm đông bắc Ba Lan bên bờ đông sông wisla tiến sát thủ đô Ba Lan Warszawa.
Trong giai đoạn hai của chiến dịch đã xảy ra sự kiện có vai trò rất sâu sắc trong lịch sử Ba Lan và gây nhiều tranh luận sau này. Đó là sự kiện khởi nghĩa Warszawa. Cuối tháng 7 năm 1944 khi Hồng quân chỉ còn cách thủ đô Ba Lan một con sông Wisla, Chính phủ kháng chiến Ba Lan lưu vong tại London vốn bất hoà sâu sắc với chính quyền Xô Viết, quyết định tổ chức khởi nghĩa tại thủ đô sau lưng quân chiếm đóng Đức, với hy vọng khi quân đội Xô Viết tiến vào thủ đô thì Ba Lan đã có chủ. Ngày 1 tháng 8 năm 1944 đã nổ ra khởi nghĩa Warszawa quân khởi nghĩa chiếm thành phố, quân đội và SS Đức kéo đến đàn áp. Trái với trông đợi của những người khởi nghĩa: tại hướng Warszawa quân đội Xô Viết bất động không hề có ý định vượt sông tiếp ứng, chỉ có một số nỗ lực không đáng kể của tập đoàn quân Ba Lan số 1 trong thành phần Hồng quân và không được sự ủng hộ của lãnh đạo Hồng quân. Các đồng minh Anh, Mỹ cũng không thể trợ giúp gì được cho quân khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã bị quân Đức dìm trong biển máu: ngoài hàng vạn quân khởi nghĩa chết, bị thương và bị bắt quân SS Đức thi hành lệnh của Hitler làm cỏ Warszawa thảm sát hàng loạt hơn 25 vạn người Ba Lan và san bằng thành phố Warszawa thành đống gạch vụn.
Sau chiến tranh đại bộ phận người Ba Lan có cơ sở để tin rằng Stalin khi đó cố tình không giúp đỡ quân khởi nghĩa để cho phát xít Đức tàn sát đồng bào họ và đó cũng là một chủ đề gây ác cảm sâu sắc sau này của người Ba Lan đối với Liên Xô.
[sửa] Đánh giá
Chiến dịch tấn công chiến lược Bagrachion là chiến dịch tấn công thắng lợi lớn nhất của Hồng quân trong chiến tranh Xô-Đức. Trong cuộc chiến tranh này quân đội Xô Viết đã có rất nhiều chiến thắng quan trọng vang dội ở các khía cạnh khác nhau như trận Moskva, trận Stalingrad, trận Kursk... và cuối cùng là trận Berlin, nhưng trong rất nhiều những trận thắng của Hồng quân thì do nhiều nguyên nhân thương vong của quân đội Xô Viết thường cao hơn thương vong của quân đội Đức có khi gấp nhiều lần, nhất là trong những thời kỳ quân đội Đức còn mạnh và trong các chiến dịch tấn công của Hồng quân. Còn từ chiến dịch Belorussia là chiến dịch tấn công chiến lược có quy mô rất to lớn trải rộng trên chiến trường nhiều quốc gia với số thiệt hại của Hồng quân thấp hơn nhiều so với đối phương. Nó cho thấy nghệ thuật quân sự của Hồng quân đã đạt được trình độ rất cao trong chiến dịch tấn công.
- Quân đội Xô Viết đã thành công trong việc dấu kín ý đồ chiến lược, cuộc tấn công huy động một lực lượng khổng lồ nhưng đã được giữ bí mật hoàn toàn, đối phương khi hiểu được thực chất của hành động tấn công thì đã quá muộn. Về mặt bất ngờ chiến dịch: mũi chủ lực của chiến dịch – phương diện quân Belorussia 1 – tấn công tại khu vực địa hình Polesie là vùng rừng, đầm lầy phía nam Belorussia nơi đối phương cho rằng không thể triển khai các lực lượng xe tăng thiết giáp lớn là nơi quân Đức loại trừ khả năng tấn công lớn của Hồng quân. Cuộc tấn công của phương diện quân Rokossovsky đã làm quân Đức bất ngờ cao độ và không kịp có ứng phó nào, kết quả một khối lớn quân Đức lọt vào vòng vây tại Bobruisk.
- Lần đầu tiên quân đội Xô Viết đã áp dụng một điểm mới trong tấn công thọc sâu bằng xe tăng, thiết giáp: khác với các đòn đánh bằng xe tăng của Đức là khi toàn bộ lực lượng xe tăng tấn công được tung ngay từ đầu vào nhiệm vụ đánh chọc thủng tuyến phòng ngự đối phương và sau đó phát triển tấn công vào chiều sâu chiến thuật. Kiểu tấn công này sẽ gây tổn thất cho lực lượng xe tăng vì nhiệm vụ đánh chọc thủng vỏ cứng phòng ngự đối phương là không đúng sở trường cơ động của xe tăng, thiết giáp: lực lượng xe tăng thiết giáp không thể cơ động tự do trên các bãi mìn và các trận địa chống tăng và sẽ bị thiệt hại vì mìn và pháo binh chống tăng của đối phương như kinh nghiệm phòng ngự của trận Kursk đã cho thấy. Tại chiến dịch Belorussia các lực lượng cơ động Xô Viết chỉ được tung vào chiều sâu chiến thuật và phát triển tấn công khi bộ binh và pháo binh với sự trợ giúp của không quân đã chọc thủng được lớp vỏ cứng phòng thủ của quân Đức. Điều này cho phép các cuộc tấn công bằng xe tăng thiết giáp sau đó có xung lực rất mạnh, rất nhanh, cho phép tấn công truy đuổi chính diện và song song làm tan vỡ hàng loạt các đơn vị đối phương. Quân đội Đức là người sáng tạo ra đòn đánh thọc sâu của xe tăng, cơ giới và hiểu rất rõ lợi hại của đòn đánh cơ động, thế mà tại chiến dịch này đã không thể phản ứng kịp đà tấn công nhanh mạnh của lực lượng cơ động Xô Viết: hàng loạt các khối quân lớn liên tiếp mắc vào vòng vây của lực lượng tấn công... Sau này chiến thuật chiến dịch tấn công chiều sâu này được tổng kết và coi như kinh điển của lực lượng xe tăng thiết giáp của các quân đội trên thế giới.
[sửa] Kết quả
Chiến dịch này đã giải phóng một vùng rất rộng của Liên Xô và Ba Lan. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là tiến sâu 200-250 km, nhưng trên thực tế quân đội Xô Viết đã tiến sâu được đến 500-600 km trên diện rộng đến 1.100 km. Đến 29 tháng 8 năm 1944 Hồng quân đã tiến đến tuyến Elgava – Dobele – Shyaulyai – Suvalka – sông Wisla. Cuộc tấn công được Bộ chỉ huy Xô Viết chủ động dừng lại vì Hồng quân đã đi quá xa lực lượng hậu cần của mình.
Chiến dịch tấn công đã tiêu diệt khoảng nửa triệu quân Đức trong đó 17 sư đoàn và 3 lữ đoàn Đức bị tiêu diệt hoàn toàn, 50 sư đoàn khác mất hơn 50% biên chế.
Với thất bại của cụm tập đoàn quân Trung tâm và quân Đức bị quét sạch khỏi Belorussia thì cụm tập đoàn quân Bắc của Đức với gần 30 vạn quân bị cô lập hoàn toàn, bị dồn vào mũi đất Courland sát biển và mất hết vai trò nguy hiểm về mặt chiến lược. Quân đội Xô Viết để tiết kiệm binh lực đã không tấn công tiêu diệt cụm quân này mà giam cụm tập đoàn quân Courland tại đây cho đến hết chiến tranh.
Chiến thắng Belorussia đã tạo tiền đề để quân đội Xô Viết triển khai các chiến dịch tấn công Lvov-Sandomir và Yass-Kishinev cũng rất thành công tại cánh nam chiến trường vào tháng 8 tháng 9 cùng năm 1944, giải phóng hoàn toàn đất đai Xô Viết và bắt đầu giải phóng Đông Âu.
[sửa] Ghi chú
- ^ Theo chương 6 hồi ký của Sudoplatov P.A. trưởng phòng "các chiến dịch đặc biệt" của tình báo Xô Viết trực thuộc NKVD thì tình báo Xô Viết đã duy trì một "điệp viên hai mang" vừa làm cho tình báo Liên Xô vừa làm cho quân báo Đức (Abwehr) trong vai trò sỹ quan phụ trách thông tin trong ban tham mưu của tướng K.K. Rokossovsky. Tình báo Xô Viết đã cung cấp nhiều tin tức tình báo thật cho điệp viên này để lấy uy tín với trung tâm quân báo Đức. cuối năm 1942 qua điệp viên này phía Xô Viết chủ định cho Đức biết trước kế hoạch tấn công chiến dịch Rzhev – Viazma lần thứ hai coi đó như đòn tấn công chính của Hồng quân tại Rzhev và bắc Kavkaz để che dấu ý đồ tấn công lớn tại Stalingrad. Chiến dịch phản công tại Stalingrad đã gây bất ngờ lớn cho quân Đức nhưng để đổi lại chiến dịch Rzhev đã bị định trước thất bại mà chính các tư lệnh chiến trường Hồng quân không hề hay biết. Bản tiếng Nga tại Dự án hồi ký Судоплатов Павел Анатольевич: Спецоперации. Лубянка и Кремль 1930-1950 годы