Tư Mã Viêm
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tấn Vũ Đế (晉武帝, jìn wǔ dì) | |
---|---|
Họ: | Tư Mã (司馬, sī mǎ) |
Tên: | Viêm (炎, yán) |
Miếu hiệu: | Thế Tổ (世祖, shì zǔ) |
Thụy hiệu: | Vũ hoàng đế (武皇帝, wǔ huáng dì) |
Tấn Vũ Đế, tiếng Hoa giản thể 晋武帝, Tiếng Hoa phồn thể 晉武帝, bính âm jìn wǔ dì, wg. Chin Wu-ti, tên riêng Tư Mã Viêm (司馬炎), tên tự An Thế (安世) (236-17 tháng 5 năm 290). Ông là hoàng đế đầu tiên của Tây Tấn (265-316), có công thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời chia cắt Tam Quốc.
Mục lục |
[sửa] Thừa hưởng cơ nghiệp cha ông
Tư Mã Viêm là cháu nội của Tư Mã Ý, con trai của Tư Mã Chiêu. Khi Tư Mã Viêm lớn lên, dòng họ Tư Mã đã nắm quyền thao túng triều đình nhà Ngụy thời Tam Quốc.
Năm 251, Tư Mã Ý mất, bác Tư Mã Viêm là Tư Mã Sư lên thay, nắm quyền trong triều. Tư Mã Sư không có con nên Tư Mã Chiêu cho người con thứ là Tư Mã Du (em Viêm) làm con anh mình. Tư Mã Sư thấy Phế Đế Tào Phương có ý chống đối, bèn truất ngôi và lập Tào Mao lên thay.
Năm 254, Tư Mã Sư ốm chết, Tư Mã Chiêu lên thay. Tào Mao cũng định chống đối Chiêu, bị Chiêu giết chết và lập Tào Hoán kế vị, tức là Ngụy Nguyên Đế.
Năm 263, Tư Mã Chiêu điều binh diệt nước Thục Hán, được vua Ngụy phong tước Tấn vương. Năm 265, Chiêu ốm nặng, có người khuyên nên lập Tư Mã Du là người hương hỏa của Tư Mã Sư, nhưng Chiêu không nghe theo mà lập con cả là Tư Mã Viêm.
Tư Mã Viêm lên ngôi Tấn vương, không lâu sau đó đã bắt hoàng đế Tào Hoán của Tào Ngụy thoái vị và giao lại triều đình cho mình. Ông trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Tấn.
Các lực lượng chống đối trung thành với nhà Ngụy đều không còn, các đại thần khuyên ông nên đánh nốt nước Ngô vì vua Ngô là Tôn Hạo là kẻ tàn bạo đang mất lòng dân. Sau mấy lần do dự, cuối cùng Tư Mã Viêm sai Đỗ Dự, Vương Tuấn cùng Tư Mã Du mang quân nam tiến đánh Ngô (280). Quân Tấn nhanh chóng đánh bại quân Ngô và tiêu diệt nước Ngô, bắt sống Tôn Hạo.
[sửa] Cai trị
Trước sự hùng mạnh của Tây Tấn, những sự cướp phá chống Trung Quốc của Hung Nô và những bộ tộc khác tạm dừng trong một thời gian. Và chính sách định cư các bộ tộc bên trong Trung Quốc đã có kết quả. Triển vọng về một nền hoà bình, thống nhất và thịnh vượng bắt đầu.
Năm 280, Tấn Vũ Đế bắt đầu thi hành chính sách mới. Quân đội được nghỉ ngơi, và các vũ khí kim lại bị đúc thành tiền. Nhưng cố gắng của Tấn Vũ Đế nhằm giải ngũ quân đội không có nhiều kết quả. Một số binh sỹ giải ngũ nhưng vẫn giữ vũ khí, các binh sỹ buôn bán vũ khí của họ với Hung Nô để đổi lấy đất, còn các hoàng thân ở vùng xa không chịu giải giáp hay giản tán quân đội của mình.
Vũ đế tìm cách quay lại thời kỳ vĩ đại của triều Hán, khi hoà bình và thịnh vượng có ở khắp đất nước và nhà Hán có được quyền lực trung ương mạnh. Tấn Vũ Đế đặt ra các cải cách nhằm mục đích kiềm chế quyền lực địa phương - quyền lực của các gia đình lớn. Nhưng những cải cách đó không thành công.
[sửa] Người kế vị
Ngoài một số cố gắng thay đổi chính sách không thành công, Tấn Vũ Đế được xem là người hoang dâm. Sau khi đánh chiếm được Đông Ngô, ông bắt rất nhiều cung nữ của Tôn Hạo về Lạc Dương, số lượng lên tới vài ngàn. Hằng ngày ông thường cưỡi xe dê kéo chạy đi các buồng cung nữ, nếu xe dừng lại ở đâu thì ông dừng lại ngủ ở đó. Vì thế các cung nữ đều thi nhau để cành dâu trước cửa để hấp dẫn con dê kéo xe cho vua, hy vọng vua sẽ ghé vào chỗ mình.
Việc triều đình, Tấn Vũ Đế dựa vào hai đại thần Giả Sung và Vệ Quán là hai người từng theo giúp Tư Mã Chiêu cuối thời Nguỵ trước kia. Sau khi Dương thị được lập làm hoàng hậu, Vũ Đế cất nhắc cha Dương hậu là Dương Tuấn làm đại thần.
Tấn Vũ Đế có con cả là Tư Mã Trung vốn là người đần độn. Vũ Đế muốn chọn con gái Vệ Quán cho Trung nhưng lại nghe Dương hậu khuyên nên lấy con gái Giả Sung là Giả Nam Phong. Trước khi lấy Giả thị, Trung đã sinh được con trai là Tư Mã Duật, con của cung nhân Tạ thị.
Vũ Đế sắp qua đời, lo lắng vì thái tử Trung đần độn. Vệ Quán từng khuyên thay thái tử nhưng Vũ Đế không nghe vì thấy cháu là Duật có tư chất thông minh, hy vọng cháu có thể giúp được con.
Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, thọ 54 tuổi. Thái tử Tư Mã Trung lên thay, tức là Tấn Huệ Đế, Giả thị được làm hoàng hậu. Ngay sau cái chết của ông, nhà Tấn bắt đầu suy yếu vì Huệ Đế không điều hành nổi triều đình, các hoàng thân đồng loạt nổi lên làm loạn, gây ra loạn bát vương dẫn tới sự diệt vong của nhà Tây Tấn.
[sửa] Xem thêm
- Tư Mã Chiêu
- Tư Mã Ý
- Tư Mã Sư
- Nhà Tấn
- Tư Mã Trung
Một số nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc | |
Cai trị | nhà Hán: Hán Linh Đế - Hán Thiếu Đế - Hán Hiến Đế Ngụy: Tào Tháo - Tào Phi - Tào Duệ - Tào Phương - Tào Mao - Tào Hoán |
Quân sư | Ngụy: Quách Gia - Giả Hủ - Tư Mã Ý - Tư Mã Sư - Tư Mã Chiêu - Hứa Du - Từ Thứ - Tuân Du - Tuân Úc - Đổng Chiêu - Di Hành Thục: Bàng Thống - Gia Cát Lượng - Khương Duy - Phí Y - Tưởng Uyển |
Tướng | Ngụy: Bàng Đức - Điển Vi - Hạ Hầu Đôn - Hạ Hầu Uyên - Hứa Chử - Tào Hồng - Tào Nhân - Từ Hoảng - Trương Cáp - Trương Liêu - Vu Cấm Thục: Hoàng Trung - Mã Siêu - Nghiêm Nhan - Ngụy Diên - Quan Bình - Quan Hưng - Quan Vũ - Trương Bào - Trương Phi - Triệu Vân |
Khác | Điêu Thuyền - Quản Lộ - Hoa Đà - Tư Mã Huy - Tôn Thượng Hương |
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |