Phí Y
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phí Y (費禕) hay Phí Vĩ (費偉) hoặc Phí Huy (費褘) (khoảng sau 200 - 253), tự hiệu Văn Vĩ (文偉), là một quan lại cao cấp của nhà nước Thục Hán trong thời kỳ Tam Quốc, ông làm nhiếp chính cho Lưu Thiện sau khi Tưởng Uyển mất.
Mục lục |
[sửa] Sự nghiệp
Phí Y là người Giang Hạ (江夏, ngày nay là phía đông Hồ Bắc), cha ông mất sớm và được một người họ hàng xa là Phí Bá Nhân (費伯仁) nuôi dạy. Phí Bá Nhân là anh em con cô con cậu với lãnh chúa Lưu Chương, là người khi đó đang kiểm soát Ích Châu (益州, ngày nay là Tứ Xuyên và Trùng Khánh). Vào khoảng năm 211, Lưu Chương mời Phí Bá Nhân tới khu vực do ông ta cai quản, và mặc dù Phí Bá Nhân đã từ chối lời mời nhưng ông vẫn gửi Phí Y tới Ích Châu. Phí Y còn ở lại Ích Châu sau khi Lưu Bị chiếm vùng đất này năm 214 và được biết đến như là một học giả trẻ. Ông và Đổng Doãn là bạn với nhau từ lâu và cả hai người sau này đều là trợ thủ cho Lưu Thiện sau khi Lưu Bị tự xưng làm hoàng đế vào năm 221 và lập Lưu Thiện làm thái tử. Sau khi Lưu Thiện kế nghiệp vào năm 223, Phí Y vẫn tiếp tục phục vụ cho ông này.
[sửa] Trong thời kỳ nhiếp chính của Gia Cát Lượng
Người ta vẫn chưa rõ là Gia Cát Lượng, quân sư và nhiếp chính của Lưu Thiện, đã biết tới năng lực của Phí Y bằng cách nào, nhưng vào thời gian sau khi Gia Cát Lượng trở về từ cuộc nam chinh để chống lại các bộ lạc thiểu số ở khu vực thuộc Quý Châu và Vân Nam ngày nay thì ông đã nhìn nhận thấy ở Phí Y như là một quan lại trẻ tuổi có năng lực. Ông thường xuyên ủy thác cho Phí Y đi làm sứ giả sang Đông Ngô, và trong những chuyến đi sứ này thì cả hoàng đế Đông Ngô là Tôn Quyền cũng có ấn tượng rất tốt về Phí Y. Gia Cát Lượng dần dần thăng chức cho Phí Y trong thời gian nhiếp chính của mình. Khi không phải đi sứ sang Đông Ngô thì Phí Y là một trong những người vạch ra chiến lược quân sự cho Gia Cát Lượng.
Là một quan chức dưới trướng Gia Cát Lượng, Phí Y được biết đến như là một người dễ chịu trong cư xử và sự mong muốn giữ hòa thuận trong số các đồng nghiệp. Khi Ngụy Diên và Dương Nghi (楊儀) thường xuyên có mâu thuẫn với nhau, Phí Y luôn là trung gian hòa giải, và mặc dù ông đã thất bại trong việc hòa giải họ khỏi việc xung đột vũ trang ngay sau khi Gia Cát Lượng chết vào năm 234 (kết quả là Ngụy Diên cũng chết) nhưng trong thời kỳ Gia Cát Lượng còn sống thì ông đã có thể giúp cho họ có thể làm việc cùng nhau.
Năm 234, khi Gia Cát Lượng ốm nặng trong chiến dịch bắc phạt cuối cùng của mình chống lại nhà nước Tào Ngụy thì Lưu Thiện đã cho hỏi ai có thể là người kế tục ông. Gia Cát Lượng đã giới thiệu Tưởng Uyển và sau đó là Phí Y, như là người kế tục của Tưởng Uyển. Sau khi Gia Cát Lượng chết vào cuối năm đó thì Tưởng Uyển đã trở thành nhiếp chính và Phí Y là phụ tá chính của ông này.
[sửa] Trong thời kỳ nhiếp chính của Tưởng Uyển
Là phụ tá chính cho Tưởng Uyển, Phí Y phụ trách chủ yếu là các công việc nội chính. Ông được miêu tả là người nhanh nhạy trong nhận thức và trong các quyết định nên chỉ cần các buổi sáng để làm việc còn buổi chiều là dành để tiếp khách. Ông cũng là người giỏi chơi cờ, đặc biệt là cờ vây (hoặc là trò chơi tương tự đã sinh ra cờ vây ngày nay). Khi Đổng Doãn kế tục ông trong vai trò này vào năm 243 thì ông này cũng cố gắng học theo lịch trình của Phí Y, nhưng chỉ sau vài ngày thì công việc giấy tờ đã ùn tắc, buộc ông ta phải làm việc cả ngày. Vì thế Đổng Doãn rất phục khả năng của Phí Y.
Tưởng Uyển nói chung rất hay ốm và vì thế vào năm 243 ông đã chuyển giao phần lớn chức trách của mình cho Phí Y và Đổng Doãn trong khi ông vẫn là nhiếp chính. Năm 244, khi nhiếp chính của nước Tào Ngụy là Tào Sảng tấn công thành phố quan trọng gần biên giới là Hán Trung (漢中, ngày nay cũng là Hán Trung thuộc Thiểm Tây), Phí Y là người chỉ huy quân đội chống lại Tào Sảng và đã đánh bại quân Tào Ngụy. Sau khi Tưởng Uyển chết vào năm 245 thì Phí Y trở thành nhiếp chính.
[sửa] Nhiếp chính
Một trong những nhiệm vụ mà Phí Y phải đối mặt gần như ngay sau khi Tưởng Uyển chết là tìm phụ tá chính cho mình, do Đổng Doãn, người đóng vai trò này kể từ năm 243, cũng đã chết vào năm 246. Ông đã lựa chọn tướng Khương Duy. Tuy nhiên, cả ông lẫn Khương Duy đều chủ yếu tham gia vào các công việc quân sự nên công việc nội chính đã rất nhanh chóng rơi vào tay Hoàng Hạo, một thái giám được Lưu Thiện tin cậy. Ông này được miêu tả như là một kẻ xảo trá và tham nhũng. Chính quyền hoạt động có hiệu quả do Gia Cát Lượng tạo ra và Tưởng Uyển nối tiếp đã bắt đầu bị suy thoái, mặc dù các tác hại chính chưa lộ rõ trong thời kỳ nhiếp chính của Phí Y.
Trong vai trò của một nhiếp chính, Phí Y không phải là người không thích gây hấn về mặt quân sự như Tưởng Uyển, nhưng cũng không nối lại các vụ đối đầu quân sự ở quy mô lớn như Gia Cát Lượng đã chủ trương và tiến hành. Ông sai Khương Duy quấy rối biên giới với Tào Ngụy bằng những vụ đột kích mang tính chu kỳ, nhưng chưa bao giờ cho phép Khương Duy thực hiện những cuộc tấn công lớn.
Một nét đặc trưng chính của Phí Y mà người ta biết tới và ca tụng chính là lòng khoan dung. Tuy nhiên, nó có thể đã gây ra cái chết của ông. Khi ông mở tiệc chiêu đãi các quan lại chính trong triều tại tư gia, một trong các vị khách mời là Quách Tuần (郭循), một viên tướng của Tào Ngụy bị ông bắt được năm 250, bề ngoài tỏ ra thần phục Thục Hán, nhưng thực ra vẫn trung thành với Tào Ngụy. Sau khi phần lớn mọi người đã uống say thì Quách Tuần nắm lấy cơ hội hạ sát ông. Nhà sử học Ngu Hy (虞喜) đã bình luận: "Phí Y là người quá cởi mở và chân thật nên đã không lo ngại về những người khác, và cuối cùng ông đã bị hạt sát bởi bàn tay của Quách Tuần, một kẻ đầu hàng. Đó chẳng phải là khuyết điểm trong đức tính của ông hay sao?". Phí Y được truy tặng thụy hiệu "Kính hầu" (敬侯, nghĩa văn chương là kính trọng hay thận trọng), nhưng dường như nó có lẽ không thích hợp với ông khi xét theo nghĩa thận trọng.
[sửa] Tham khảo
- Trần Thọ, Tam Quốc Chí, chương 44
- Tư Mã Quang, Tư Trị Thông Giám
Một số nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc | |
Cai trị | nhà Hán: Hán Linh Đế - Hán Thiếu Đế - Hán Hiến Đế Ngụy: Tào Tháo - Tào Phi - Tào Duệ - Tào Phương - Tào Mao - Tào Hoán |
Quân sư | Ngụy: Quách Gia - Giả Hủ - Tư Mã Ý - Tư Mã Sư - Tư Mã Chiêu - Hứa Du - Từ Thứ - Tuân Du - Tuân Úc - Đổng Chiêu - Di Hành Thục: Bàng Thống - Gia Cát Lượng - Khương Duy - Phí Y - Tưởng Uyển |
Tướng | Ngụy: Bàng Đức - Điển Vi - Hạ Hầu Đôn - Hạ Hầu Uyên - Hứa Chử - Tào Hồng - Tào Nhân - Từ Hoảng - Trương Cáp - Trương Liêu - Vu Cấm Thục: Hoàng Trung - Mã Siêu - Nghiêm Nhan - Ngụy Diên - Quan Bình - Quan Hưng - Quan Vũ - Trương Bào - Trương Phi - Triệu Vân |
Khác | Điêu Thuyền - Quản Lộ - Hoa Đà - Tư Mã Huy - Tôn Thượng Hương |