Belarus
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Рэспубліка Беларусь Республика Беларусь Respublika Biełaruś |
||||||
---|---|---|---|---|---|---|
|
||||||
Quốc ca Мы, беларусы (My Belarusy) |
||||||
Thủ đô (và là thành phố lớn nhất) |
Minsk |
|||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Belarus và tiếng Nga | |||||
Chính phủ | Cộng hòa | |||||
- | • Tổng thống • Thủ tướng |
Alexander Lukashenko Sergei Sidorsky |
||||
Độc lập | ||||||
- | • Công bố • Chính thức |
|||||
Diện tích | ||||||
- | Tổng số | 207,600 km² |
||||
- | Nước (%) | không đáng kể (183 km²) | ||||
Dân số | ||||||
- | Ước lượng 2005 | 10.300.483 (hạng 65) | ||||
- | Điều tra 1999 | 10.045.200 (hạng 65) | ||||
- | Mật độ | 49 /km² (hạng 142) |
||||
GDP (PPP) | Ước tính 2005 | |||||
- | Tổng số | $70,524 tỷ Mỹ kim (hạng 65) | ||||
- | Theo đầu người | 6.646 Mỹ kim (hạng 89) | ||||
HDI (2003) | 0,786 (trung bình) (hạng 67) | |||||
Đơn vị tiền tệ | Ruble Belarus¹ (BYB ) |
|||||
Múi giờ | EET (UTC+2) | |||||
- | Mùa hè (DST) | EEST (UTC+3) | ||||
Tên miền Internet | .by | |||||
Mã số điện thoại | +375 | |||||
¹ Ruble Nga sẽ được nhận bắt đầu từ năm 2008. |
Belarus (tiếng Belarus: Беларусь, Biełaruś), hay Cộng hòa Belarus (Рэспубліка Беларусь, Respublika Biełaruś), là quốc gia nằm ở phía đông châu Âu. Diện tích tổng cộng 207.600 km².
Belarus đã từng là một trong 15 nước cộng hòa của Liên Xô trong 70 năm cho đến khi tách ra và tuyên bố độc lập năm 1991. Tuy nhiên đất nước này vẫn giữ mối quan hệ về chính trị gần gũi với Nga. Ngày 8 tháng 12 năm 1999, Belarus và Nga ký một thỏa thuận song phương nhằm phát triển hơn nữa các mối quan hệ chính trị và kinh tế.
Tên gọi cũ của quốc gia là Byelorussia (Белоруссия) và vẫn còn được sử dụng, chủ yếu trong các hoàn cảnh liên quan đến lịch sử. Một bộ phận dân cư người Belarus thường cảm thấy bị xúc phạm khi gặp phải việc sử dụng tên gọi "người Byelorussia" vì theo họ nó gợi nên những hồi ức về thời gian bị Nga hóa. Tên gọi này bị dịch sai thành "Bạch Nga" trong khi thực ra nó chỉ là một vùng đất.
Belarus là một thành viên của Cộng đồng các Quốc gia độc lập (là СНГ trong tiếng Nga hay CIS trong tiếng Anh) cùng với Azerbaizan, Armenia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Ukraina.
Cộng hòa Belarus thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 24 tháng 1 năm 1992.
Mục lục |
[sửa] Lịch sử tên gọi
Về mặt lịch sử, nước này được gọi theo tiếng Anh là "Bạch Nga" tức "Nga Trắng" (White Russia), dù đây là sự phiên dịch sai. Nghĩa dịch đúng là "White Rus'", vừa miêu tả vùng Đông Âu nơi người Slavơ sinh sống hay nhiều quốc gia khác nhau hiện diện trong vùng.[1] Tuy vậy việc sử dụng thuật ngữ 'Nga Trắng' vẫn tiếp diễn tới tận năm 2007 trong các ngôn ngữ: "Weißrussland" trong tiếng Đức, "Beyaz Rusya" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hay "Λευκορωσία" (Levkorosía) trong tiếng Hy Lạp (xem tại đây để có danh sách đầy đủ).
Lần đầu thuật ngữ "Nga Trắng" được dùng để chỉ Belarus là bởi Sir Jerome Horsey người Anh hồi cuối thế kỷ mười sáu. Ông dùng nó để miêu tả các vùng đất của Đế chế Ivan Hung bạo. Trong thế kỷ mười bảy, các Sa hoàng Nga đã dùng "White Rus'", xác nhận rằng họ đang tìm cách chiếm lại di sản từ Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania.[2]
Belarus được đặt tên "Belorussia" thời Đế quốc Nga, và các Sa hoàng Nga thường được gọi là "Vua của Tất cả người Nga — Đại Nga, Tiểu Nga, và Bạch Nga". Điều này kéo dài tới tận thời kỳ Xô viết, khi nước này lấy tên chính thức là "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Belorussia". Một số người Belarus coi cái tên "Byelorussia", là cách nhắc nhở lại thời kỳ cầm quyền Xô viết.[3] Theo chính thức, tên đầy đủ của quốc gia này là Cộng hoà Belarus (Республика Беларусь, Respublika Byelarus'). [4]
Năm 2002, một cuộc điều tra không chính thức do Web site pravapis.org tiến hành để xem tên gọi nào được dùng phổ biến nhất trên các trang web. Khi sử dụng Google, Pravapis.org thấy rằng "Belarus", tên chính thức rút gọn, được dùng trên 93% Web site đã được kiểm tra. Các cách đánh vần khác sử dụng "Belorussia", "Bielorussia" và "Byelorussia," chỉ được dùng trong 1%–2% trường hợp.[5]
[sửa] Lịch sử
Giữa thế kỷ thứ 6 và thế kỷ thứ mười hai, nước Belarus hiện đại ngày nay là nơi sinh sống của người Slavơ, hiện họ vẫn chiếm đa số trong nước. Người Slavơ thời kỳ đầu (Early East Slavs) dần tiếp xúc với người Varangians và được họ tổ chức dưới nhà nước Kievan Rus'.[6]
Ở thế kỷ thứ mười ba, nhiều công quốc Ruthenian riêng biệt bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc xâm lược từ phía Đế chế Mông Cổ. Sau này, nhiều phần của Rus bị sáp nhập vào Đại Lãnh địa Công tước Lithuania.[7] Đa số dân cư là người thuộc sắc tộc Slavơ. Những vùng đất slavơ được hưởng quyền tự trị hạn chế bên trong nhà nước Lithuania. Tuy thỉnh thoảng có ý kiến không chính xác rằng tiếng Belarusia là ngôn ngữ chính thức quốc gia, tiếng La tinh, tiếng Nga cổ (Ruthenian), và tiếng Ba Lan được đồng thời sử dụng trong công việc nhà nước. Tiếng Belarusia phát sinh vào giữa thế kỷ 19 khi những người nói tiếng Nga ở lãnh thổ Belarus hiện đại ngày nay chịu ảnh hưởng văn hoá mạnh từ Ba Lan. Đầu thế kỷ 17 tiếng Nga cổ bị từ bỏ tại Lithuania và được thay thế bằng tiếng Ba Lan, ngôn ngữ đã giành địa vị thống trị trong nhiều thế kỷ. Việc sử dụng tiếng Nga cổ (tiếng Slavonic-Ruthenian cổ) được cho phép tại các lãnh địa Ruthenian tự trị (công quốc). Các vùng đất Belarusia nhanh chóng bị sáp nhập vào Lãnh địa Công tước trong hai trăm năm sau đó, vì sức mạnh của Lithuania và mối đe doạ từ phía người Mông Cổ trên những vùng đất là Belarus ngày nay. Trong thời gian đó, Lãnh địa Công tước đã tham gia vào các trận đánh giữa nhiều lực lượng khác nhau. Một trong những trận đánh lớn là Trận Grunwald giữa Lãnh địa Công tước và Các hiệp sĩ Giéc manh năm 1410. Lãnh địa Công tước thắng trận và chiến thắng cho phép họ kiểm soát các biên giới phía tây bắc của Đông Âu.[8] Các trận đánh khác diễn ra giữa Lãnh địa Công tước và người Mông Cổ và người Turk, và đều là những chiến thắng cho Lãnh địa Công tước.[9] Tới thế kỷ mười lăm, Đại Lãnh địa Công tước Lithuania trải dài hầu hết vùng Đông Âu, từ Biển Baltic tới Biển Đen.
Ngày 2 tháng 2 năm 1386, Đại Công tước Lithuania Jogaila lên ngôi Vua Ba Lan, và liên minh Đại Lãnh địa Công tước với Vương quốc Ba Lan trở thành một liên minh cá nhân. Liên minh hình thành sau cuộc hôn nhân giữa Jogaila và con gái Vua Luis Ba Lan, Jadwiga. Hành động này được người Ba Lan coi là sự chấm dứt liên minh với Hungary.[10] Liên minh cá nhân này cuối cùng dẫn đến Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania, một liên bang được thành lập năm 1569. Những người Muscovites, dưới sự lãnh đạo của Sa hoàng Ivan III, bắt đầu các chiến dịch chinh phục quân sự năm 1486 nhằm giành lấy những vùng đất Kievan Rus', chính xác là Belarus và Ukraine.[11] Liên minh giữa Ba Lan và Lithuania chấm dứt năm 1795, với việc khối thịnh vượng chung bị phân chia và sáp nhập bởi Đế quốc Nga, Phổ, và Áo. Các lãnh thổ Belarusia vẫn tiếp tục là một phần của Đế chế Nga tới khi bị Đức chiếm trong Thế chiến thứ I.[12]
Belarus lần đầu tuyên bố độc lập ngày 25 tháng 3 năm 1918, hình thành nên nhà nước Cộng hoà Nhân dân Belarusia. Tuy nhiên, nhà nước cộng hoà tồn tại ngắn ngủi và chế độ bị lật đổ ngay sau khi quân Đức rút lui. Năm 1919, Belarus trở thành nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Byelorussia (BSSR). Sau khi Nga chiếm phần phía đông và phía bắc Lithuania, chúng được gộp với nhau để hình thành nên nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Lithuania-Byelorussia. Sau khi Chiến tranh Ba Lan-Xô viết chấm dứt năm 1921, các vùng đất Byelorussia được đem ra chia nhau giữa Ba Lan và những người Bolsheviks, và nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Byelorussia mới tái thành lập trở thành một thành viên của Liên bang các nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết năm 1922.[13]
Tháng 9 năm 1939, theo Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, Liên bang Xô viết xâm lược Ba Lan và sáp nhập những vùng đất phía đông nước này, gồm cả đa phần lãnh thổ Byelorussia do Ba Lan kiểm soát.[14] Năm 1941, Phát xít Đức tiến hành xâm lược Liên bang Xô viết. Byelorussia bị chiếm ngay sau đó và tiếp tục nằm trong tay quân Đức cho tới năm 1944. Hơn một triệu ngôi nhà đã bị phá huỷ và hơn hai triệu người Belarusia thiệt mạng.[15] Người Do Thái tại Belorussia đã bị tàn sát trong Cuộc tàn sát người Do Thái. Dân số Belarus chỉ đạt mức trước chiến tranh vào năm 1971. Tuy nhiên, số lượng người Do Thái không bao giờ khôi phục lại được như cũ.[16] Sau khi chiến tranh chấm dứt, Byelorussia là một trong năm mốt nước ký kết Hiến chương Liên hiệp quốc năm 1945. Sau chiến tranh, Belarus bắt đầu một chương trình tái thiết, với sự trợ giúp của Mátxcơva. Trong thời gian này, Belarus trở thành một trung tâm sản xuất chính ở vùng phía tây Liên bang Xô viết. Sự gia tăng việc làm đã mang lại một làn sóng di cư lớn từ Cộng hoà Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga.[17]
Dưới sự kiểm soát của Joseph Stalin, một chính sách Xô viết hoá được khởi động để “bảo vệ” nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Byelorussia khỏi những ảnh hưởng từ phương Tây. Chính sách này dẫn tới việc gửi hàng nghìn người Nga từ nhiều vùng khác nhau tại Xô viết tới giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ Belorussia. Việc sử dụng chính thức tiếng Belarusia và các khía cạnh văn hoá khác bị hạn chế bởi Mátxcơva. Sau cái chết của Stalin năm 1953, người kế tục ông, Nikita Khrushchev, tiếp tục chương trình này, phát biểu, "Ngày tất cả chúng ta cùng nói tiếng Nga đến càng sớm, chúng ta càng nhanh chóng xây dựng chủ nghĩa cộng sản."[16] Khi người đứng đầu Liên Xô Mikhail Gorbachev bắt đầu đưa ra kế hoạch cải tổ, người dân Belarusia đã gửi đơn thỉnh cầu tới ông vào tháng 12 năm giải thích sự mất mát văn hoá của họ. Sự kiện này được các nhà sử học coi là vụ "Chernobyl văn hoá". (Đầu năm ấy, Belarus vừa bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ từ vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl tại nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine láng giềng.)[18] Tháng 6 năm 1988, những ngôi mộ tập thể được nhà khảo cổ học Zyanon Paznyak phát hiện tại Kurapaty. Những ngôi mộ này được cho là nơi chôn cất 250,000 xác nạn nhân của Stalin.[18] Một số người cho rằng khám phá này là bằng chứng cho thấy chính phủ Xô viết đã tìm cách xoá sổ dân tộc Belarus, và dẫn tới một số nỗ lực tìm cách khôi phục độc lập.[19]
Hai năm sau, tháng 3 năm 1990, những cuộc bầu cử Xô viết Tối cao Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Belorussia diễn ra. Tuy Mặt trận Nhân dân Belarusia chỉ chiếm 10 phần trăm số ghế, nhân dân tỏ ra hài lòng với kết quả này. Belarus tuyên bố chủ quyền ngày 27 tháng 7 năm 1990, bằng việc ra Tuyên bố Chủ quyền Quốc gia Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Belarusia. Với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản, tên nước được thay đổi thành Cộng hoà Belarus ngày 25 tháng 8 năm 1991.[20] Chủ tịch Xô viết Tối cao Belarus Stanislav Shushkevich, cùng với Boris Yeltsin tại nước Nga và Leonid Kravchuk của Ukraine, gặp gỡ ngày 8 tháng 12 năm 1991, tại Belavezhskaya Pushcha chính thức tuyên bố giải tán Liên bang Xô viết và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Năm 1993, một thoả thuận trong Xô viết tối cao chấp nhận giảm thời hạn hoạt động một năm, mở đường cho việc tổ chức bầu cử năm 1994.[20] Tháng 3 năm 1994, một hiến pháp quốc gia được thông qua, thay thế chức thủ tướng bằng chức tổng thống. Những cuộc bầu cử tổng thống dẫn tới chiến thắng của một nhân vật chính trị còn chưa được biết tới nhiều Alexander Lukashenko với hơn 80% số phiếu.[20] Từ cuộc bầu cử này, Lukashenko đã luôn giữ chức vụ tổng thống, được bầu lại năm 2001 và năm 2006.
[sửa] Chính trị
Belarus là một nước cộng hoà tổng thống, được lãnh đạo bởi Tổng thống và một nghị viện lưỡng viện -Quốc hội. Quốc hội gồm một hạ viện, Viện đại biểu 110 ghế, và thượng viện, Hội đồng Cộng hoà 64 ghế. Viện đại biểu có quyền chỉ định Thủ tướng Belarus, sửa đổi hiến pháp, đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng, và đề xuất các chính xác đối nội cũng như đối ngoại của Belarus. Hội đồng Cộng hoà có quyền lựa chọn nhiều vị trí chính phủ, tiến hành buộc tội tổng thống, và có khả năng chấp nhận hay từ chối những dự luật đã được Hạ viện thông qua. Mỗi viện đều có quyền phủ quyết bất cứ dự luật nào đã được các địa phương thông qua nếu chúng trái ngược với Hiến pháp Belarus.[21] Tổng thống Belarus từ năm 1994 là Alexander Lukashenko. Chính phủ là một Hội đồng Bộ trưởng, do Thủ tướng thủ tướng lãnh đạo. Các thành viên Hội đồng Bộ trưởng không cần phải là thành viên của nghị viện, và được Tổng thống chỉ định. Nhánh tư pháp gồm Toà án tối cao và nhiều toà án đặc biệt khác, như Toà hiến pháp, giải quyết các vấn đề đặt trưng liên quan tới hiến pháp hay luật doanh nghiệp. Các thẩm phán của Toà án hiến pháp được tổng thống chỉ định và được Hội đồng Cộng hoà xác nhận.[21]
Ba đảng chính trị hiện có ghế trong Viện đại biểu: Đảng cộng sản Belarus (tám ghế), Đảng ruộng đất Belarus (ba ghế), và Đảng dân chủ tự do Belarus (một ghế). Các đảng chính trị ủng hộ tổng thống Lukashenko, Đảng xã hội thể thao Belarus và Đảng lao động và công bằng cộng hoà, và các đảng đối lập, như Mặt trận nhân dân Belarus (BPF) và Đảng dân sự thống nhất Belarus (UCPB) không giành được ghế nào trong cuộc bầu cử năm 2004. UCPB và BPF là hai đảng gồm Liên minh 5 Plus nhân dân, một nhóm các đảng chính trị phản đối Lukashenko. Nhiều tổ chức, gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), đã tuyên bố cuộc bầu cử là "không tự do" vì các đảng chính trị đối lập giành được kết quả âm và sự thiên vị của truyền thông Belarus giành ưu ái cho chính phủ.[22] Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất diễn ra ngày 19 tháng 3 năm 2006. Đối thủ của Lukashenko lần này là Alexander Milinkevich, một ứng cử viên đại diện cho liên minh các đảng đối lập và Alaksandar Kazulin đại diện cho phe Xã hội Dân chủ. Kazulin đã bị cảnh sát đánh đập và giam giữ trong những cuộc tuần hành phản đối quanh Quốc hội của mọi người dân Belarus. Tuy Lukashenko đạt 80% số phiếu bầu, OSCE và các tổ chức khác cho rằng cuộc bầu cử không công bằng.[23]
Lukashenko được trích dẫn là đã phát biểu rằng ông có "kiểu cầm quyền độc tài" để nắm quyền trong nước.[24] Hội đồng Châu Âu đã ngăn cản Belarus trở thành thành viên từ năm 1997 vì sự bỏ phiếu không dân chủ và những gian lận bầu cử trong cuộc trưng cầu dân ý theo hiến pháp tháng 11 năm 1996 và cuộc bầu cử bổ xung nghị viện. [25] Chính phủ Belarus cũng bị chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền trong những hành động chống lại các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo độc lập, các cộng đồng thiểu số, và các chính trị gia đối lập.[26] [27] Belarus là quốc gia duy nhất tại Châu Âu còn duy trì hình phạt tử hình cho một số tội trong thời gian chiến tranh và hoà bình. [28] Để làm chứng trước Uỷ ban quan hệ nước ngoài Thượng viện Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã nêu tên Belarus, cùng sáu quốc gia khác, như một phần trong danh sách "quốc gia độc tài".[29] Bộ ngoại giao Belarus đã thông báo rằng những lời tuyên bố của Ngoại trưởng Rice "là nền tảng tồi" để xây dựng liên minh Belarus-Hoa Kỳ.[30]
Trong lĩnh vực ngoại giao, Belarus và Nga có mối quan hệ liên minh thân cận từ khi Liên bang Xô viết tan rã. Nga cung cấp cho Belarus không chỉ nguyên liệu thô, mà còn yêu cầu cộng đồng quốc tế nhìn nhận Belarus với quan điểm tốt hơn, làm việc với Belarus về hội nhập kinh tế từ năm 1996. Những quan hệ giữa Belarus và Cộng đồng các quốc gia độc lập đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc cách mạng màu diễn ra tại Georgia, Ukraine và Kyrgyzstan. Dù Liên minh Châu Âu đã ra lệnh cấm đi lại với Lukashenko và các quan chức quan trọng trong chính phủ, Belarus có các thoả thuận thương mại với nhiều quốc gia thành viên EU. Các quốc gia láng giềng như Lithuania và Ba Lan cùng nước cộng hoà thuộc Liên xô cũ Latvia cũng có thoả thuận thương mại với Belarus.[31] Trước năm 1997 quan hệ song phương với Hoa Kỳ diễn ra bình thường, khi Bộ ngoại giao Mỹ bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp cho các tổ chức phi chính phủ có định hướng thị trường tự do và chính phủ Belarus cũng đưa ra các biện pháp nhằm khiến các tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ khó hoạt động hơn.[32] Năm 2004, Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật gọi là Luật Dân chủ Belarus, cho phép Hoa Kỳ cung cấp tài chính cho các nhóm đối lập với Lukashenko và những nỗ lực làm mất ổn định tình hình nước này; không cần biết tới việc hai quốc gia đang hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề buôn người, tội ác kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các thảm hoạ tự nhiên cũng như do con người gây ra.[33] Belarus đã phát triển hợp tác với các quốc gia Châu Phi, Trung Đông và Châu Á. Trung Quốc và Belarus đã xây dựng các mối quan hệ thân thiện với nhau, được tăng cường thêm bởi chuyến thăm của Tổng thống Lukashenko tới Trung Quốc tháng 10 năm 2005.[34] Ngoài Cộng đồng các quốc gia độc lập, Belarus còn là thành viên của các tổ chức cấp vùng như Cộng đồng Kinh tế Âu Á và Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung.[31] Trong các tổ chức quốc tế, Belarus là thành viên của Phong trào không liên kết[35] từ năm 1998 [36] và Belarus từng là một trong những thành viên sáng lập Liên hiệp quốc năm 1945.[37]
[sửa] Tỉnh và quận
Belarus được chia thành sáu tỉnh ("voblast"), được đặt tên theo các thành phố thủ phủ. Thành phố Minsk, nằm tại tỉnh Minsk, có vị thế đặc biệt trực tiếp phụ thuộc quốc gia, bởi nó không bị gộp vào trong bất kỳ một voblast náo. Phân chia hành chính thành các voblasts là di sản từ thời Xô viết. Các voblast được chia nhỏ tiếp thành các raion (thường được dịch thành "quận" hay "vùng"). Các cơ quan lập pháp địa phương (raisovet, "hội đồng quận") do người dân sống tại đó bầu ra. Các cơ quan hành pháp địa phương (hành chính quận) được chỉ định bởi các cơ quan hành pháp cấp cao hơn. Tương tự, mỗi voblast có cơ quan lập pháp của riêng mình (oblsovet), do người dân bầu ra, và một cơ quan hành pháp (voblast administration), lãnh đạo cơ quan này do Tổng thống chỉ định.
(Các trung tâm hành chính trong ngoặc đơn)
- Minsk (thủ đô)
- Tỉnh Brest (Brest)
- Tỉnh Homyel (Homyel)
- Tỉnh Hrodna (Hrodna)
- Tỉnh Mahilyow (Mahilyow)
- Tỉnh Minsk (Minsk)
- Tỉnh Vitsebsk (Vitsebsk)
[sửa] Địa lý
Belarus là nước nằm kín trong lục địa, khá phẳng và có những dải đất đầm lầy rộng. Những con sông và hồ chằng chịt trong nước. Đầm lầy lớn nhất là Polesie, đây cũng là một trong những đầm lầy lớn nhất Châu Âu. Có 11,000 hồ tại Belarus, nhưng đa số hồ nhỏ hơn 0.5 kilômét vuông (124 acre). Ba sông chính chảy xuyên đất nước; Sông Neman, Sông Pripyat, và Sông Dnepr. Điểm cao nhất tại Belarus là Dzyarzhynskaya Hara (Đồi Dzyarzhynsk), 345 mét (1,132 ft), và điểm thấp nhất nằm trên sông Neman, 90 mét (295 ft). Belarus cùng với Ba Lan là quê hương của Belavegskaya Pushcha (Белавежская пушча) hay, theo tiếng Ba Lan là Rừng Białowieża, vùng rừng rộng lớn duy nhất còn lại của khu rừng từng một thời che phủ Đồng bằng Châu Âu.
Khí hậu thay đổi từ khắc nghiệt trong mùa đông (trung bình nhiệt độ tháng 1 trong khoảng −8 °C(18 °F) tới −2 °C (28 °F)) tới mát và ẩm trong mùa hè (nhiệt độ trung bình 15 °C (59 °F) tới 20 °C(68 °F)). Trung bình, 15 tới 30 centimét tuyết rơi trong nước, chủ yếu ở phía đông bắc. Belarus có lượng mưa khoảng 600 tới 700 milimét với hơn 70% lượng mưa rơi trong giai đoạn nóng trong năm. [38] Vì các mô hình thời tiết, các thảm họa tự nhiên như hạn hán và lũ lụt thỉnh thoảng xảy ra tại Belarus. Trong giai đoạn 1881 tới 2005, nhiệt độ trung bình tại Belarus đã tăng 1 độ Celsius, nhiệt độ tăng đáng kể trong các tháng mùa đông và mùa xuân. Từng có ý kiến rằng Belarus sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng từ 3 đến 4 độ vào cuối thế kỷ 21.[39]
Rừng che phủ khoảng 34% tổng diện tích, khiến các sản phẩm lâm nghiệp trở thành một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhất tại Belarus. Các nguồn tài nguyên tự nhiên khác tại Belarus gồm than bùn, một lượng nhỏ dầu mỏ và khí tự nhiên, đá granite, khoáng chất dolomite (đá vôi), marl, chalk, cát, sỏi, và đất sét. Khoảng một phần năm lãnh thổ, chủ yếu tại các tỉnh phía đông nam Homyel và Mahilyow, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl, Ukraine năm 1986. Tuy lượng phóng xạ đã giảm từ sau thảm hoạ, đa phần diện tích này vẫn được coi là không thể ở được. Xấp xỉ 70% tổng lượng phóng xạ thoát ra từ nhà máy điện Chernobyl đã rơi xuống lãnh thổ Belarus.[40]
Belarus giáp biên giới với các nước: Latvia (phía bắc), Lithuania (tây bắc), Ba Lan (tây), Nga (bắc và đông) và Ukraine (nam). Từ khi rút khỏi Liên bang Xô viết, Belarus đã ký hiệp ước với Latvia và Lithuania phân chia ranh giới lãnh thổ giữa ba nước. Ukraine đã ký một hiệp ước tương tự với Belarus, dù việc phê chuẩn bên phía Belarus còn chưa được tiến hành.[41] Tới năm 2006, Belarus và Lithuania đã bắt đầu phân định biên giới.[42]
[sửa] Kinh tế
Kinh tế Belarus chủ yếu vẫn thuộc nhà nước kiểm soát như thời Xô viết. Hơn một nửa doanh nghiệp thuộc kiểm soát nhà nước và công ty thuộc sở hữu nước ngoài chỉ chiếm dưới 4%.[43] Nước này có nền kinh tế khá ổn định, nhưng phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung nguyên liệu, như dầu mỏ, từ đồng minh thân cận là Nga. Công nghiệp và nông nghiệp chủ yếu vẫn là thủ công. Nông nghiệp phần lớn là các hợp tác xã, và những sản phẩm mũi nhọn là khoai tây và chăn nuôi gia súc.
Các ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong lịch sử gồm dệt may và chế biến gỗ. Sau năm 1965, các ngành công nghiệp nặng mới xuất hiện và cơ khí máy (máy cày, tủ lạnh, vân vân) đã tăng cường đáng kể sự phát triển của đất nước. Bên trong Liên bang Xô viết, Belarus từng là một trong những nước cộng hòa có nền công nghiệp phát triển nhất. Về kinh tế, Belarus là một thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Cộng đồng kinh tế Âu Á, và Liên minh với Nga. Ngay sau năm 1990, sản xuất công nghiệp đã rơi vào tình trạng giảm sút vì những kế hoạch tái cơ cấu theo hướng thị trường tự do tại Liên Xô cũ. Tăng trưởng kinh tế đã quay trở lại năm 1996, và vào năm 2001 Belarus là nước cộng hòa đầu tiên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập quay trở lại mức sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thời Liên xô. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2005 đạt $79.13 tỷ (ước tính), hay khoảng $7,700 trên đầu người. Năm 2005, tổng sản phẩm quốc nội tăng khoảng 8-9%, với tỷ lệ lạm phát trung bình khoảng 8%. Theo Liên hiệp quốc, mức thu nhập trung bình hàng tháng đã tăng từ US$20 lên US$225 trong mười năm qua.
Hơn bốn triệu người đang ở độ tuổi lao động tại Belarus, phụ nữ hơi chiếm đa số hơn nam giới. Năm 2005, gần một phần tư dân số làm việc trong các nhà máy công nghiệp. Số lượng nhân công trong nông nghiệp, bán hàng sản xuất, hàng thương mại và giáo dục cũng khá cao. Theo các con số thống kê của chính phủ Belarus, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 1.5% năm 2005. Tổng số người thất nghiệp là 679,000, với khoảng hai phần ba là phụ nữ. Tỷ lệ thất nghiệp đã liên tục giảm từ năm 2003, và về tổng thể nó cũng giảm so với những con số thống kê từ năm 1995.[43]
Đồng tiền tệ Belarus là đồng ruble Belarus (BYR). Đồng tiền này được đưa vào sử dụng tháng 5 năm 1992, thay thế đồng ruble Xô viết. Đồng ruble được tái đưa ra thị trường với giá trị mới năm 2000 và đã được sử dụng từ thời điểm đó.[44] Như một phần trong kế hoạch Liên minh Nga-Belarus, đã có những cuộc thảo luận giữa hai quốc gia về một đồng tiền tệ chung tương tự đồng Euro. Theo ITAR-TASS kế hoạch này đã khiến có đề xuất ngừng sử dụng đồng ruble Belarus thay bằng đồng ruble Nga (RUB), bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2008.[45] Hệ thống ngân hàng Belarus gồm ba mươi ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và một ngân hàng tư nhân.[46]
Kinh tế Belarus từng bị tác động bởi tình hình chính trị bên trong nhà nước cộng hoà. Sự tác động chủ yếu diễn ra dưới hình thức những lệnh trừng phạt chống lại giới lãnh đạo Belarus. Ví dụ, Liên minh Châu Âu đã thông qua Quy định Hội đồng (EC) Số 765/2006 ngày 18 tháng 5 năm 2006. Quy định buộc đóng băng các khoản tiền của Tổng thống Lukashenko cùng 30 tới 35 viên chức cao cấp Belarus. Lệnh trừng phạt cũng ngăn cản sự đi lại của các vị lãnh đạo đó. Lệnh này được EU đưa ra sau khi họ tuyên bố cuộc bầu cử ngày 19 tháng 3 năm 2006 không công bằng và có sự đàn áp phe đối lập.[47]
[sửa] Nhân khẩu
Đa phần dân số Belarus là người Belarus bản xứ, chiếm 81.2% tổng số dân 10,293,011 người. Người Nga là nhóm sắc tộc lớn thứ hai, chiếm 11.4% dân số. Người Ba Lan và Người Ukraine chiếm 3.9% và 2.4% dân số. Các ngôn ngữ thường được dùng tại Belarus là tiếng Nga và tiếng Belarus. Cả hai đều là ngôn ngữ chính thức của Belarus.
Mật độ dân số khoảng 50 người trên kilômét vuông (127/dặm vuông) và 71.7% tổng dân số sống tại các khu vực đô thị. Trong số dân thành thị, 24% sống tại Minsk, thủ đô và là thành phố lớn nhất nước.[48] Tổng số dân tại Minsk xấp xỉ 1,741,400 người. Homel, với 481,000 người, là thành phố lớn thứ hai tại Belarus và là thủ phủ của Honel Oblast. Các thành phố lớn khác là Mogilev (365,100), Vitebsk (342,400), Hrodna (314,800) và Brest (298,300).[49]
Đa phần dân số, 69.7%, ở giữa độ tuổi 14 và 64. Mười sáu phần trăm dân số dưới 14 tuổi, trong khi 14.6% trên 65 tuổi. Độ tuổi trung bình của dân cư là 37. Tuổi thọ trung bình của người dân Belarus là 68.72; nam giới là 63.03 và nữ là 74.96. Tỷ lệ biết chữ tại Belarus (số lượng người từ 15 trở lên biết đọc, viết) là 99%, nam giới là 99.8% và phụ nữ là 99.3%. Tỷ lệ nam trên nữ năm 2005 được ước tình là .88.
Đa phần các chỉ số dân cư Belarus tương tự như các quốc gia Châu Âu, đáng chú ý nhất là cả tỷ lệ tăng trưởng dân số và tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên của người bản xứ. Tăng trưởng dân số hiện tại ở mức −0.06% năm 2005, với tỷ lệ sinh là 1.43. Dân số đang ngày càng già đi, và tới năm 2050, đa số dân sẽ trên 50 tuổi.[50] Tỷ lệ di dân là +2.3 trên mỗi 1,000 người dân Belarus.
Theo tổ chức báo cáo của Tổ chức Cứu giúp Trẻ em quốc tế (so sánh 167 quốc gia), Belarus có tỷ lệ chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em tốt nhất trong mọi nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ. Belarus xếp hạng 16 về chất lượng cuộc sống bà mẹ, 14 về chất lượng cuộc sống phụ nữ, và 20 về chất lượng cuộc sống trẻ em. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có chất lượng xếp sau là Estonia (18 cho phụ nữ), Ukraine (21/31/26) và Nga (27/34/64).[51]
[sửa] Văn hoá
Trang phục truyền thống Belarus xuất phát từ giai đoạn Kievan Rus. Vì đặc điểm khí hậu, trang phục tại đây giữ ấm cho mọi người. Trang phục tại Belarus được chế tạo từ hoặc sợi lanh hay len và được trang trí các mô hình tùy theo thời kỳ, và đã gây ảnh hưởng tới các nền văn hóa lân cận: Ba Lan, Lithuania, Lativa, Nga và các quốc gia Châu Âu khác. Mỗi vùng trong Belarus đều có kiểu thiết kế và trang trí riêng.[52] Một kiểu trang trí thường thấy trên các loại trang phục thời kỳ đầu hiện đang được dùng trên lá cờ quốc gia Belarus.[53]
Ẩm thực Belarus chủ yếu gồm rau, thịt và bánh mì. Thực phẩm thường được coi là những món ăn chính tại Belarus gồm thịt lợn, cải bắp, khoai tây và bánh mì. Vì các phong cách nấu ăn truyền thống thời tiền Xô viết, thực phẩm thường được nấu chín từ từ hoặc hầm. Kiểu ăn uống thông thường nhất tại Belarus gồm bữa sáng nhẹ, hai bữa chính, và bữa tối là bữa ăn chủ yếu nhất trong ngày. Bột mì và bánh mì lúa mạch đều là món ăn thường thấy tại Belarus, nhưng lúa mạch xuất hiện nhiều hơn vì khí hậu ở đây không thích hợp lắm cho cây lúa mì. Khi đón khách, một chiếc bánh mì với muối thường được mời để tỏ lòng hiếu khách.[54] Các đồ uống cũng thường gặp tại các gia đình Belarus, chủ yếu là rượu vodka Nga nấu bằng lúa mạch và nước kvass. Kvass là kiểu nước giải khats được làm từ bánh mì xám hay bột lúa mạch ủ. Kvass cũng có thể dùng kèm với rau thái lát tạo thành món súp gọi là okroshka.[55]
Trong lịch sử, Belarus từng là quốc gia theo Nhà thờ chính thống Nga với một thiểu số nhỏ tín đồ Cơ đốc giáo, Do thái giáo và các tôn giáo khác. Người Belarus đã cải theo Nhà thờ chính thống nga sau khi Belarus bị tách khỏi Ba Lan sau sự phân chia Ba Lan. Thiểu số Cơ đốc giáo La Mã Belarus, chiếm khoảng 10% dân số sống tập trung ở vùng phía tây đất nước, đặc biệt xung quanh Hrodna, là nhóm người pha tạp giữa người Ba Lan và người Lithuania. Một thiểu số nhỏ (khoảng 1%) thuộc Nhà thờ Thiên chúa Hy Lạp Belarus. [56] Người Do Thái từng chiếm 10% dân số Belarus cho tới Thế chiến II, là một trung tâm Do thái lớn tại Châu Âu, nhưng trong cuộc chiến số lượng người Do Thái đã giảm sút nhiều, vì nạn đói, nạn diệt chủng , hiện chỉ còn 1% hoặc ít hơn. Tình trạng di cư từ Belarus cũng là nguyên nhân làm giảm số người Do Thái. [57] Trong Điều 16 Hiến pháp Belarus, không có tôn giáo chính thức tại nước này. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng được đảm bảo theo cùng điều trên, các tôn giáo làm gây ảnh hưởng không tốt tới chính phủ hay trật tự xã hội quốc gia có thể bị cấm.[58] Tổ chức Đoàn kết Thiên chúa giáo Quốc tế đã báo cáo rằng một số giáo đoàn đang bị quấy rầy. [59]
Về âm nhạc, bản nhạc lớn đầu tiên do một công dân Belarus sáng tác là vở opera Faust của Radzivill cùng một số tác phẩm khác. Trong thế kỷ 17, nhà soạn nhạc Ba Lan Stanislau Maniushka sống tại Belarus, đã sáng tác một số vở opera và thính phòng tại Minsk. Trong thời gian sống tại đây, ông đã làm việc cùng nhà thơ Belarus Vincent Dunin-Marcinkevich và sáng tác vở opera Sialianka (Người phụ nữ nông dân). Cuối thế kỷ 19, các thành phố lớn tại Belarus đã hình thành nên các đội opera và ballet của riêng mình. Trong thời kỳ Xô viết, có tác phẩm ballet Nightingale của M. Kroshner. Sau Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, âm nhạc chủ yếu tập trung miêu tả sự gian khổ của người dân Belarus hay những người Belarus đã đứng lên cầm vũ khí bảo vệ quê hương. Đây cũng là giai đoạn A. Bogatyryov, tác giả vở opera "In Polesye Virgin Forest," là "người giám hộ" của những nhà soạn nhạc Belarus. Sau khi giành lại độc lập, ballet vẫn đóng một vai trò văn hóa quan trọng tại Belarus. Nhà hát Hàn lân Quốc gia Ballet, tại Minsk, đã được trao giải Benois de la Dance Prize năm 1996 với tư cách nhóm ballet hàng đầu thế giới.[60] Âm nhạc hiện đại đã trở nên quen thuộc trong dân chúng Belarus. Các nhóm nhạc rock nổi tiếng trong nước gồm NRM, Neurodubel, Ulis, Nowaje Nieba, và Krama. Nhiều nhóm nhạc Belarus đã biểu diễn tại Ba Lan và Lithuania, nơi số dân nói tiếng Belarus khá đông. Ba Lan cũng là nơi tổ chức festival âm nhạc Basowiszcza của Belarus.[61] Since 2004, Belarus has been sending artists to the Eurovision Song Contest.[62]
Chính phủ Belarus tài trợ nhiều festival văn hóa hàng năm: "Slavianski Bazaar in Vitebsk", "Minsk Spring", "Slavonic Theatrical Meetings", International Jazz Festival, National Harvesting Festival, "Arts for Children and Youth", the Competition of Youth Variety Show Arts, "Muses of Niesvizh", "Mir Castle", và National Festival of the Belarusian Song and Poetry. Những sự kiện này là nơi các ca sĩ, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, diễn viên nổi tiếng Belarus thể hiện mình. Các festival kết thúc với những buổi lễ trong đó những giải thưởng được trao để vinh danh những nhà soạn nhạc nổi tiếng Belarus. Nhiều ngày lễ quốc gia, như Ngày độc lập hay Ngày chiến thắng tập trung những đám khán giả to lớn và nhiều sự kiện trình diễn như pháo hoa và duyệt binh. Đa số các festival được tổ chức tại Vitebsk hay Minsk.[63]
Belarus có bốn Địa điểm Di sản Thế giới, hai trong số đó thuộc sở hữu chung của Belarus và nước láng giềng. Bốn địa điểm đó là Tổ hợp Lâu đài Mir; Lâu đài Niasvizh; Belovezhskaya Pushcha (chung với Ba Lan); và Struve Geodetic Arc (chung với Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania, Na Uy, Moldova, Nga, Thụy Điển và Ukraine).[64]
[sửa] Tôn giáo
Tôn giáo ở Belarus là Chính thống giáo (80%), các tôn giáo khác gồm Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Do Thái giáo và Hồi giáo (20%).
[sửa] Xem thêm
Tiêu bản:Belarusian Topics
[sửa] Tham khảo
- ^ Genealogy of Halychyna/Eastern Galicia - An Understanding of the Terms 'Ruthenia' and 'Ruthenians'. Retrieved March 19 2007.
- ^ Pravapis.org Why is Russia White? Authored by Ales Biely. Published in 2000. Retrieved March 22 2007.
- ^ Pravapis.org Uses and spellings of the word Belarusian. Retrieved March 8 2006
- ^ CIA World Factbook. Belarus - Government. Published March 17 2007. Retrieved March 22 2007.
- ^ "The 21 Names of Belarus". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "Kievan Rus". The Columbia Encyclopedia. (2001-2005).
- ^ University of Washington - The Grand Duchy of Lithuania by Cheryl Renshaw. Published on June 5, 2002. Retrieved March 18, 2007.
- ^ Ministry of Foreign Affairs Guide to Belarus 2000 - History and Culture. Published 2000. Retrieved March 22, 2007.
- ^ Permanent Mission of Belarus to the United Nations. History of Belarus> Retrieved March 22, 2007.
- ^ World History at KMLA History of Poland - Dynastic Union under the Jagiellonian Dynasty. Published in 2000, updated in 2004. Retrieved March 22, 2007.
- ^ Rice University The Russo-Polish Historical Confrontation. Authored by Andrzej Nowak. Published in January 1997. Retrieved March 22, 2007.
- ^ Virtual Guide of Belarus History of Belarus. Published by Vladimir Novik in 1994. Retrieved March 22, 2007.
- ^ University of Central Florida - History of Belarus. Retrieved March 18, 2007.
- ^ Molotov-Ribbentrop Pact Secret Provisions - Avalon Project, Yale Law School. Published in 1996. Retrieved March 18, 2007.
- ^ Country Studies - Belarus - World War II. United States Library of Congress, published 1995.
- ^ a b "Country Studies - Belarus - Stalin and Russification". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "iExplore - Belarus History and Culture". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ a b "Country Studies - Belarus - Perestroika". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "Belarus Backgrounder". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ a b c Country Studies Belarus - Prelude to Independence. Library of Congress. Retrieved March 21, 2007.
- ^ a b Constitution of the Republic of Belarus Chapter 3 - The President, Parliament,Government, the Courts. Published 1994, amended 1995 and 2004. Retrieved March 22, 2007.
- ^ "OSCE Report on the October 2004 parliamentary elections" (PDF) (December 2004). Được truy cập ngày 2007-03-21.
- ^ "Belarus rally marred by arrests". BBC News (2 March 2006). Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "Profile: Alexander Lukashenko". BBC News (20 March 2006). Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "Belarus suspended from the Council of Europe" (January 17 1997). Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "Human Rights Watch". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ Amnesty International 2006 Report - Belarus (summary). Published in 2006.
- ^ Embassy of the Republic of Belarus in the United Kingdom. Use of capital punishment in Belarus. Published in 2006. Retrieved May 05, 2007.
- ^ "Opening Statement by Dr. Condoleezza Rice, Senate Foreign Relations Committee" (PDF) (January 18, 2005). Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "At-a-glance: 'Outposts of tyranny'". BBC News (19 January 2005). Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ a b Ministry of Foreign Affairs Foreign Policy history and goals. Retrieved March 21, 2007.
- ^ United States Embassy in Minsk, Belarus FY97 Report on US Assistance to Belarus. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Ministry of Foreign Affairs Belarus - United States Relations. Published 2005. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Xinhua News Agency China, Belarus agree to upgrade economic ties. Written by Letian Pan. Published December 06, 2005. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Non-Alignment Movement List of Member States. Updated in 2002. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Ministry of Foreign Affairs Interview with Foreign Minister Sergei Martynov. Published by BelTA in 2006. Retrieved March 21, 2007.
- ^ United Nations Growth in United Nations membership, 1945-present. Published 2004, amended in 2006. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Library of Congress Country Studies Belarus - Climate. Retrieved July 13, 2007.
- ^ Belarus Tourist Climate of Belarus. Retrieved July 13, 2007.
- ^ Rainsford, Sarah (April 26 2005). "Belarus cursed by Chernobyl". BBC News. Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ Border Demarcation History. State Border Guard Committee of the Republic of Belarus. Published in 2006. Retrieved March 18, 2007.
- ^ Border Demarcation. State Border Guard Committee of the Republic of Belarus. Published in 2006. Retrieved March 18, 2007.
- ^ a b Ministry of Statistics and Analysis Labor Statistics in Belarus. Published 2005. Retrieved March 18, 2007.
- ^ National Bank of the Republic of Belarus History of the Belarusian Ruble. Retrieved March 18, 2007.
- ^ "Russia-Belarus Union to have common currency starting from 2008". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ Heritage Foundation's Index of Economic Freedom - Belarus. Retrieved March 18, 2007.
- ^ Radio Free Europe/Radio Liberty EU Sanctions on Belarus. Published in 2006. Retrieved March 18, 2007.
- ^ "CIA World Factbook (2005) - Belarus - People". Được truy cập ngày 2007-01-27.
- ^ World Gazette Largest Cities of Belarus (2007). Published in 2007. Retrieved March 19, 2007.
- ^ "Population Pyramid Summary for Belarus". US Census Bureau. Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "State Of The Worlds Mothers 2006". Save The Children. Được truy cập ngày 2006-06-22.
- ^ Virtual Guide to Belarus Belarusian traditional clothing. Retrieved on March, 21, 2007.
- ^ Flags of the World Belarus - Ornament. Published November 26, 2006. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Canadian Citizenship and Immigration - Cultures Profile Project - Eating the Belarusian Way. Published in 1998. Retrieved March 21, 2007.
- ^ University of Nebraska-Lincoln - Institute of Agriculture and National Resources. Situation and Outlook - People and Their Diets. Published in April 2000. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Library of Congress Country Studies Belarus - Religion. Retrieved July 9, 2007.
- ^ Minsk Jewish Campus Jewish Belarus. Retrieved July 9, 2007.
- ^ Webportal of the President of the Republic of Belarus Section One of the Constitution. Published 1994, amended in 1996. Retrieved June 06, 2007.
- ^ Christian Solidarity Worldwide Country Information - Belarus. Retrieved July 9, 2007.
- ^ Virtual Guide to Belarus - Classical Music of Belarus. Retrieved March 21, 2007.
- ^ Freemuse Blacklisted bands play in Poland. Published on March 17, 2006. Retrieved March 18, 2007.
- ^ National State TeleradiocompanyPage on the 2004 Belarusian entry to the Eurovision Song Contest. Published 2004. Retrieved March 18, 2007.
- ^ "Belarusian National Culture". Được truy cập ngày 2006-03-26.
- ^ "Belarus - UNESCO World Heritage Centre". Được truy cập ngày 2006-03-26.
[sửa] Liên kết ngoài
Tìm thêm về Belarus tại một trong những đồng dự án của Wikipedia: | |
---|---|
Wiktionary – từ điển | |
Wikibooks – sách giáo khoa | |
Wikiquote – danh ngôn | |
Wikisource – văn kiện | |
Commons – hình ảnh |
[sửa] Truyền thông
[sửa] Website chính phủ
- President's official site
- Government of Belarus
- Embassy of Belarus in the United States
- E-Government in Belarus
[sửa] Thông tin/Văn hoá
- A Belarus Miscellany
- The Virtual Guide of Belarus
- Eating the Belarusian way
- Media in Belarus
- CIA World Factbook entry on Belarus
Cộng đồng các quốc gia độc lập | |
---|---|
Armenia | Azerbaijan | Belarus | Gruzia | Kazakhstan | Kyrgyzstan | Moldova | Nga | Tajikistan | Turkmenistan | Ukraina | Uzbekistan |
Tiêu bản:Eurasian Economic Community (EURASEC) Tiêu bản:Non-Aligned Movement