Trung Cổ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài hoặc đoạn này cần được wiki hóa theo các quy cách định dạng và văn phong Wikipedia. Xin hãy giúp phát triển bài này bằng cách liên kết trong đến các mục từ thích hợp khác. |
Thông tin trong bài (hay đoạn) này không thể kiểm chứng được do không được chú giải từ bất kỳ nguồn tham khảo nào. Xin bạn hãy cải thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn uy tín. Nếu bài được dịch từ Wikipedia ngôn ngữ khác thì hãy chuyển nguồn tham khảo từ phiên bản đó cho bài này. Nếu không, những câu hay đoạn văn không có chú giải nguồn gốc có thể bị thay thế hoặc xóa đi bất cứ lúc nào. |
Trong suốt một nghìn năm thời Trung cổ, toàn bộ châu Âu như bị bao trùm bởi một bóng đen kìm hãm sự phát triển về nhiều mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn rõ vào bóng đen đó, nó ẩn chứa một thời kỳ đầy biến động mang đậm màu sắc phong kiến.
Giai đoạn này được các nhà sử học quốc tế cho là bắt đầu từ khoảng năm 350 cho tới năm 1453. Tuy không có cột mốc thời gian xác định nhưng người ta cho rằng thời kỳ này bắt đầu từ sự sụp đổ của Rome (thủ đô của đế quốc Tây La Mã) và kết thúc khi Constantinople (thủ đô đế quốc Đông La Mã - nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) sụp đổ.
Có một sự trùng hợp là thời Trung Cổ bắt đầu và kết thúc đều từ những cuộc tấn công từ bên ngoài. Khởi đầu là người Visigoth, người Anglo-Saxon,… và kết thúc là người Ottoman. Sau cuộc tấn công năm 1453, Constantinople thất thủ, các học giả Hy Lạp từ Byzantium chạy nạn sang Tây Âu đã mang theo các tác phẩm nghệ thuật và triết học Hy Lạp cổ đại khiến Châu Âu kinh ngạc, làm dấy lên cuộc tìm kiếm các giá trị cũ rực rỡ và khao khát sáng tạo những giá trị mới ở tầng lớp trí thức, nghệ sĩ Châu Âu.
Trước cuộc hồi sinh ngoạn mục đó là thời kỳ dài hơn nghin năm đen tối. Triết học chỉ vẻn vẹn có giáo lý Thần học của các tu sĩ mang nặng tính giáo điều và khắc kỷ. Nghệ thuật chỉ hoàn toàn phục vụ Nhà thờ mà thôi. Về Văn học, chỉ có những trường ca kể lại cuộc chiến đấu chống lại quỷ cám dỗ hoặc chiến đấu vì nhà vua, tiêu biểu nhất là trường ca Roland, một hiệp sĩ của Hoàng đế La Mã thần thánh Charlemagne. Về Thi ca, chỉ có Kinh thơ (thơ tụng kinh) trang nghiêm tuyệt đối. Về Kiến trúc, chỉ có kiến trúc tôn giáo phát triển, mới đầu là phong cách Roman nặng nề biểu hiện uy quyền to lớn của Chúa, sau đó là phong cách Gothique nhẹ nhàng hơn, với xu thế vươn lên cao hướng tới Thiên đường. Hội hoạ phụ thuộc kiến trúc vì chỉ được sử dụng với mục đích trang trí nhà thờ và minh hoạ các tích trong Thánh Kinh. Âm nhạc cũng rất đơn giản chỉ có Thánh ca. Ðiêu khắc kém nhất, chỉ có các tượng rước được sử dụng trong các ngày lễ.
Thời Trung Cổ là thời chiến tranh cát cứ. Các vua chúa Châu Âu phải tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình trong khi đó thế lực của Giáo hoàng gần như bao trùm tất cả. Giáo hoàng cai quản hoàn toàn miền Nam Ý (cả về thế tục lẫn tinh thần). Bên ngoài lãnh địa của mình, Giáo hoàng vẫn có thể với tay đến khắp Châu Âu, nắm quyền lực tinh thần, là người cai quản phần hồn của dân chúng Châu Âu trong khi các vua chúa là người nắm quyền lực thế tục.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thời kỳ này. Phần lớn chúng ta coi thời Trung Cổ là khoảng thời gian tăm tối nhất của Châu Âu với sự biến mất của triết học để nhường chỗ cho sự bành trướng của đạo Thiên chúa. Trong thời Trung Cổ, nền văn hoá - văn minh phương Tây chưa có được những thành tựu to lớn và rực rỡ như Trung Hoa và các nước Hồi giáo. Nhiều giá trị văn hoá thời Hy Lạp - La Mã còn sót lại chính là nhờ sự bảo tồn của người Arập. Nhưng cũng có người cho rằng đây là thời kỳ định hình cả về địa lý và văn hoá của Châu Âu. Ảnh hưởng tích cực nhất của thời kỳ này đối với văn hoá Châu Âu có lẽ là sự phát triển tinh thần dân chủ (do chưa hình thành khái niệm Tổ quốc một cách rõ rệt) cùng với sự phổ cập các giá trị tinh thần của Thiên chúa giáo. Nhưng ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ này hẳn phải lớn hơn nhiều so với những ảnh hưởng tích cực đến nỗi các triết gia và các nhà sử học đã gọi thời kỳ này là "đêm trường Trung cổ".
[sửa] Sự sụp đổ của Ðế quốc Tây La Mã
Ðế chế La Mã có lãnh thổ rất rộng lớn kéo dài từ Châu Âu và Ðịa Trung Hải (Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha , Bồ Ðào Nha, Anh (không có Ireland và Scotland),…) sang Bắc Phi (Maroc, Tunisie, Algerie, Ai Cập,…) tới tận Vùng Cận Ðông (Tiểu Á, Palestine, bán đảo A Rập,…). Biên giới phía Bắc là sông Rhine và sông Danube, giáp với các bộ tộc có nguồn gốc từ bán đảo Scandinavia, thường được gọi là các bộ tộc German. Ðế quốc La Mã hưng thịnh trong gần 1000 năm, đem lại sự ổn định, thịnh vượng và trật tự cho thế giới phương Tây. Những con đường nhằm đưa quân từ Rome đến các vùng lãnh thổ ở biên giới La Mã đồng thời cũng được dùng để thông thương giữa các vùng thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chính vì quá rộng lớn, nên đến năm 284, Hoàng đế La MãDiocletian quyết định tách La Mã làm 2 phần Ðông và Tây, mỗi phương có một vị hoàng đế (Augustus) và một vị phụ tá (Ceasar). Hệ thống này gọi là Tứ đầu chế (tetrachy). Vào năm 323, sau một cuộc nội chiến, Constantine I trở thành hoàng đế và xây dựng thủ đô của Ðông La Mã tại Bizantium, sau đó đổi tên thành Constantinople. Hai đế chế dần dần tách riêng và độc lập với nhau, mặc dù trên danh nghĩa vẫn nằm trong cùng một La Mã. Người Latin sống ở Tây La Mã, còn người Hy Lạp chiếm số đông ở Ðông La Mã. Ðến đầu thế kỷ V, tại Tây La Mã, người German vượt sông Tibet, người Vandanle chiếm Nam Italy và Bắc Phi, người Ostrogoth, người Visigoth chiếm cứ một phần Italy và phía nam xứ Gaule dến tận sông Loire, Burgonde chiếm cứ lưu vực sông Rihne, người Frank chiếm cứ toàn nước Bỉ. Ðất đai của Tây La Mã vụn ra thành từng mảnh. Năm 451, đạo quân phối hợp giữa La Mã, Goths và Pháp đánh bại quân Hung Nô ở Chalaons, Pháp. Năm 453, Attila, thủ lãnh vĩ đại của người Hun (có nguồn gốc Mông Cổ) qua đời làm đế quốc Hung Nô tan rã nhưng quá trình tiến về phía Tây của họ đem theo những đám dân bán khai như Lombards, Vandals và nhiều dân tộc khác tản mát khắp Tây Âu. Ðến năm 476, Romulus Augustus, hoàng đế cuối cùng của Tây La Mã, bị hạ bệ và ngai vàng của ông ta bị Odoacer chiếm đoạt. Ðó là giai đoạn cáo chung của Ðế quốc Tây La Mã.
[sửa] Thời kỳ chuyển tiếp
Sau khi Tây La Mã sụp đổ, vùng tây châu Âu tách ra làm nhiều vương quốc nhỏ. Vào cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI, Clovis, một ông vua của nhóm người Frank từ Bỉ xua quân qua đánh chiếm xứ Gaule, thống nhất một vùng rộng lớn từ dãy Pyrenees đến sông Weser bao gồm cả xứ Thuringen kể cả vương quốc Burgundy. Chính từ đây bắt nguồn cho sự thống trị của tôn giáo trong thời kỳ Trung Cổ. Clovis thành công được dễ dàng là nhờ có sự hỗ trợ của Thiên chúa giáo. Năm 768, Charlemagne và Carloman I, 2 cháu của Charles Martel, trở thành vua của người Pháp. Carloman I chết năm 770 và Charlemagne tự cai trị . Trong khi mở rộng đế quốc của mình, ông đồng thời cũng mở rộng Kitô giáo. Sau cái chết của Charlemagne vào năm 814, Tây Châu Âu mất đi sự thống nhất. Nhiều quốc gia nhỏ nổi lên do các lãnh chúa có quân đội riêng cai quản. Do bị chia rẽ về mặt chính trị, châu Âu trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xâm lăng tàn bạo. Những cuộc tấn công liên tục của người Viking đi mãi tới vùng sâu trong đất liền. Người Magyars từ Hungary và Romania cướp phá Ðức, bắc Italy và Pháp. Năm 955, Otto, vua nước Ðức đánh tan người Magyars trong trận chiến Lechfield gần Augsburg. Còn ở Anh, người Viking bị những thủ lãnh kiên cường như Alfred đại đế đánh bại để củng cố các vương quốc Scotland, Wales và Anh. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, thương mại gia tăng ở châu Âu, một phần do những cuộc Thập tự chinh đã huy động toàn bộ các tầng lớp xã hội trong xã hội Kitô giáo châu Âu chống lại Hồi giáo. Rất nhiều Kitô hữu thực hiện những cuộc hành trình dài tới những địa danh có chứa các di tích thánh của Ðức chúa Jesus Kitô hay các vị thánh đầu tiên. Họ hy vọng nhận được sự tha thứ cho các tội lỗi và được khỏi các thứ bệnh. Sau khi người Thổ Seljuk chiếm Palestine vào cuối thế kỷ XI, họ bắt đầu tấn công những người Kitô hữu đi hành hương tới các thánh địa. Ðiều này làm cho các Giáo hội thiên chúa cả Ðông lẫn Tây bực tức. Hoàng đế Byzantine kêu gọi sự hậu thuẫn để chống lại sự áp bức của người Thổ. Năm 1095, Giáo chủ kêu gọi một cuộc Thập tự chinh hay cuộc thánh chiến chống người Hồi giáo. Hàng ngàn người dân bình thường hưởng ứng lời kêu gọi. Một thầy giảng lang thang, Peter thầy tu (Peter the Hermit), dẫn dắt một đoàn Thập tự chinh gồm toàn dân quân đã bị người Seljuk ở Tiểu Á tàn sát. Một số người cho rằng Thập tự chinh không có nguyên nhân tôn giáo mà chỉ là vì lợi nhuận và quyền lực. Quyền lực của Giáo hoàng sẽ tăng lên khi thế giới Thiên chúa mở rộng về phía Ðông. Các quốc gia khi ấy vẫn còn nhiều lãnh chúa, chưa có sự thống nhất. Việc tập hợp các lãnh chúa dưới ngọn cờ chung Thánh chiến sẽ có lợi cho uy thế của nhà vua. Các lãnh chúa thì muốn mở rộng thêm lãnh địa của mình. Nhưng sau nhiều nỗ lực và bao nhiêu thập niên xung đột, năm 1192, Richard I nước Anh buộc phải ký Hoà ước với vua Ai Cập Saladin - thủ lãnh Hồi giáo nổi tiếng không chỉ nhờ tài năng quân sự và lòng quả cảm mà còn ở sự khoan dung với kẻ thù và các tôn giáo khác - qua đó người Kitô giáo kiểm soát những thành phố gần biển và khách hành hương có thể đến các thánh địa một cách an toàn. Phần lớn vùng đất Palestine vẫn nằm trong tay người Hồi giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lấy cách suy luận của thời nay để đánh giá, nhận xét chuyện thời xưa. Thập tự chinh kéo dài gần 300 năm, hàng trăm ngàn người đã chết nhưng không phải tất cả vì lợi nhuận. Khi Giáo hoàng Urban II kêu gọi Thập tự chinh, rất nhiều người hầu như không biết gì về Jerusalem, tất cả những gì họ biết về đất thánh chỉ qua Kinh giảng mà thôi. Nhưng họ sẵn sàng bán nhà cửa, tài sản, bỏ lại gia đình để đi chinh chiến hàng nghìn dặm với tinh thần Tử vì đạo. Hẳn nhiên người thời đó tin đạo và coi sự hiện diện của Chúa là hiển nhiên. Còn những người tham gia Thập tự chinh vì lợi nhuận chỉ có thể là số ít mà thôi.
Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV, Thành Cát Tư Hãn và gia tộc chế ngự Châu Âu và châu Á, mở ra những con đường buôn bán từ Á sang Âu. Niềm hăng say về những cuộc Thập tự chinh phai nhạt dần khi người châu Âu bị người Thổ Ottoma đánh đuổi khỏi vùng Tây Á lần cuối cùng. Trong thời kỳ này, người Thổ Ottoma nổi lên như một thế lực lớn, đe dọa đế quốc Byzantine. Vào năm 1348, dịch hạch (Thần chết Ðen) tàn sát gần 1/3 dân số châu Âu. Cuộc sống khó khăn suy sụp dẫn đến những cuộc nổi dậy của nông dân Anh và Pháp. Năm 1422, sau khi Henry V của Anh qua đời, sự cai trị của người Anh trên nước Pháp suy yếu trầm trọng. Những chiến công vĩ đại của Jeanne d'Arc (1412-1431) và trên hết là cái chết đầy dũng khí của bà trong tay quân Anh đã nung nấu tinh thần yêu nước của người Pháp. Năm 1453, nước Pháp tách khỏi Anh quốc. Cùng năm đó, đế chế Byzantine sụp đổ, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ Phục Hưng bắt đầu.
[sửa] Sự sụp đổ của đế quốc Byzantine
Ðế quốc Ðông La Mã - Byzantine tồn tại được lâu hơn đế quốc Tây La Mã rất nhiều, đến tận thế kỷ XV, vì nhiều lý do. Mặc dù cũng được gọi là đế quốc La Mã nhưng Byzantine được thành lập khi Tây La Mã bước vào thời kỳ suy tàn. Vừa kế thừa được những giá trị tốt đẹp của Rome, Byzantine còn kết hợp được những giá trị tốt đẹp của Hy Lạp và đạo Hồi, kết hợp giữa châu Âu và châu Á. Kỷ cương và những hoàng đế tốt, cùng vị trí địa lí thuận lợi (nằm giữa các eo biển miền Bosporus và biển Bắc Hải cùng các tuyến phòng thủ dày đặc) đã biến Constantinople trở thành gần như bất khả xâm phạm, giúp Byzantine tồn tại được khoảng 1000 năm. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ bất kỳ quốc gia phong kiến nào, đế chế Byzantine phải trải qua quy luật hình thành, phát triển, suy tàn và diệt vong.
Hoàng đế vĩ đại nhất của Byzantine là Justinian I (527-565). Ông không những mở rộng lãnh thổ Byzantine rộng tới tầm cỡ đế chế La Mã thời Cổ đại mà còn có nhiều cải cách tốt về quản lý và tài chính. Bộ luật nổi tiếng Corpus iuris Civilis do ông ban hành sau này còn được dùng làm cơ sở luật pháp cho các nước châu Âu. Về mặt kiến trúc, nổi tiếng trong thời kỳ này có nhà thờ Saint Sophie nổi tiếng nằm tại Constantinople (Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ), một kiệt tác hoà trộn giữa phong cách Thiên chúa giáo và Ả Rập. Tuy nhiên, sau khi Justinian chết, các hậu duệ của ông cũng mắc phải căn bệnh ham chơi, xa xỉ, giống như mọi vương triều trước và sau này khiến Tây La Mã cũng suy sụp dần. Năm 1450, đế quốc này chỉ còn lại Constantinople và các vùng đất nhỏ bé phía Tây mà thôi. Có tài liệu cho rằng Byzantine bắt đầu suy sụp không gượng dậy nổi kể từ khi bán đảo Tiểu Á mất vào tay quân Thổ. Sức mạnh quân sự của Byzantine nằm ở lực lượng kỵ binh nổi tiếng cataphract nhưng họ đã mất đồng cỏ và nơi sản sinh các kỵ sĩ. Byzantine tồn tại được lâu là nhờ sự giúp đỡ của Genoire và Venise và địa hình chiến lược của Constantinople. Nhưng khi quân Thổ vây thành và cắt đứt đường tiếp lương thực băng đường biển thì không còn gì có thể cứu vãn Byzantine được nữa. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng Byzantine suy tàn vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là sự cô lập của châu Âu đối với Byzantine. Ðiều này có thể bắt nguồn từ việc phân chia Ðông - Tây La Mã. Byzantine dựa trên cơ sở văn hoá Hy Lạp, nói tiếng Hy Lạp còn Rome thì nói tiêng Latin. Mặc dù Constantine I có công rất lớn trong việc giúp Thiên chúa giáo trở thành quốc đạo ở cả hai đế chế, nhờ đó Thiên chúa giáo mới thống trị Châu Âu như ngày nay nhưng kể từ thế kỷ V, đạo Thiên chúa ở Rome và Constantinople là hai dòng khác nhau và luôn mâu thuẫn với nhau. Về tôn giáo, trên danh nghĩa, Giáo hội tách riêng và các vua chúa châu Âu đều chịu ảnh hưởng của Giáo hoàng. Chẳng hạn Giáo hoàng có quyền phong tước Hoàng đế Thánh La Mã cho một vài hoàng đế ví dụ như Charlemagne. Trong khi đó, ở Byzantine thì hoàng đế vừa là người có quyền lực tối cao của đất nước vừa là người đứng đầu về tôn giáo. Dòng Thiên chúa giáo ở Byzantine được gọi là Monophysite. Sau này, Justinian trong nỗ lực hoà hợp với dòng Thiên chúa giáo ở Rome đã phạm phải một sai lầm rất lớn là giết hại rất nhiều người theo "dị giáo" Monophysite ở Syria và Ai cập, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho Hồi giáo phát triển rồi sau này tiêu diệt Byzantine. Nguyên nhân thứ hai là do sự phát triển của đạo Hồi, sau đó là người Thổ (Ottoma) đã khiến Byzantine nằm vào vị trí bất lợi, không đủ sức chống đỡ nên lãnh thổ bị co hẹp dần. Ðến năm 1071, người Thổ giành thắng lợi quyết định ở Manzikert và sau đó chiếm được Tiểu Á. Tới năm 1261, sau các đợt Thập tự chinh, đế chế Byzantine bị thu hẹp chỉ còn lại Hy Lạp. Đầu thế kỷ XV thì gần như không còn gì ngoài Constantinople và các vùng đất nhỏ bé ở phía Tây Nam. Năm 1451, tân quốc vương Ottoman, Mehmed II, lên nắm quyền bính. Là một nhà chiến lược và chỉ huy quân sự đại tài, ông muốn biến Constantinople thành thủ phủ của đế quốc ngày một mở mang của mình. Năm 1453, Mehmed II đã sử dụng một khẩu đội hoả lực bao vây Constantinople, cắt đứt đường tiếp tế lương thực và thuỷ quân từ phía các đồng minh Tây Âu. Ngày 29/5/1453, quân Thổ tràn vào Constantinople. Constantine XI, vị hoàng đế cuối cùng, đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ðế quốc do Augustus ngày xưa sáng lập đã sụp đổ hoàn toàn, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ Trung cổ và là cột mốc cho một giai đoạn mới: thời kỳ Phục hưng.
Thời kỳ Trung cổ là một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Châu Âu với sự hình thành, lớn mạnh, sụp đổ và chia cắt của những đế quốc hùng mạnh dẫn tới sự hồi sinh và hình thành những quốc gia phong kiến mới. Cùng với sự xung đột thế lực của Thiên chúa giáo và Hồi giáo, diện mạo của Châu Âu đã hình thành rõ nét. Các hình thái xã hội, kinh tế và nghệ thuật của thời kỳ này chính là nền móng cơ bản cho các thời kỳ sau này. Lịch sử Châu Âu thời Trung cổ là một quá trình chấp nhận và thay đổi không ngừng.
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |