Nghi Xuân
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Huyện Nghi Xuân là một huyện ven biển, hữu ngạn sông Lam phía đông bắc của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.
Mục lục |
[sửa] Địa lý
Phía tây nam giáp thị xã Hồng Lĩnh, phía nam giáp huyện Can Lộc và huyện Lộc Hà, phía bắc giáp huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An), phía tây bắc giáp huyện Hưng Nguyên và thành phố Vinh, phía đông giáp biển Đông. Huyện cách thủ đô Hà Nội 310 km về phía nam.
[sửa] Hành chính
- Huyện Nghi Xuân hiện nay có 2 thị trấn Xuân An và Nghi Xuân và các xã: Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hải, Xuân Yên, Tiên Điền, Xuân Giang, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Liên, Cổ Đạm, Cương Gián.
- Diện tích: 218 km2.
- Dân số: 100.300 (năm 2001).
[sửa] Văn hóa và lịch sử
Nghi Xuân khi xưa thuộc phủ Đức Quang (gồm cả Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ...) được xem là vùng đất học của trấn Nghệ An. Trong thời kỳ phong kiến, Nghi Xuân có 21 vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ) với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Nguyễn Tiên Điền, Ngụy Khắc, Trần, Phan, Uông, Đậu... và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Tiên Điền, Uy Viễn, Cương Gián, Cổ Đạm, Tả Ao, Phan Xá...
Nhiều người thành đạt xuất thân từ Nghi Xuân, như danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du; đại doanh điền, nhà thơ Nguyễn Công Trứ;nhà địa lý Tả Ao nổi tiếng đời Hậu Lê; Danh tướng Nguyễn Xí; Danh nho Đặng Thái Phương; Hoàng giáp Phan Chính Nghị; Tể tướng Nguyễn Nghiễm; "An Nam ngũ tuyệt", nhà thơ Nguyễn Hành; Tiến sĩ, Toản Quận công Nguyễn Khản; Tổng đốc, Thượng thư Ngụy Khắc Tuần; quê gốc của La sơn phu tử Nguyễn Thiếp (quân sư của hoàng đế Quang Trung), Bảng nhãn Trần Bảo Tín, Thám hoa Nguyễn Bật Lạng, Thám hoa Ngụy Khắc Đản; nhà sử học Trần Trọng Kim (thủ tướng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam);...
Trong số những người nổi tiếng hiện nay, từ huyện Nghi Xuân có: Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long; Giáo sư, nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn; Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Hà Văn Mạo; Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Đóa; Giáo sư Vũ Ngọc Khánh; Đậu Ngọc Xuân (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước); Tiến sĩ Uông Chu Lưu (, phó chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Giáo sư kinh tế Nguyễn Đình Hương; Giáo sư Trần Ngọc Hiên {nguyên Phó giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh}...
[sửa] Di tích và danh thắng nổi tiếng
- Đền Chợ Củi tại xã Xuân Hồng: Di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo thế kỷ 17, thờ Đức Hoàng Mười, Liễu Hạnh công chúa.
- Nhà thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang: Nhà thờ Danh nhân văn hóa thế kỷ 19.
- Khu lưu niệm Nguyễn Du tại xã Tiên Điền: Khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế kỷ 19.
- Đình Hội Thống tại xã Xuân Hội: Kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 17.
- Nhà thờ và mộ Trịnh Khắc Lập tại xã Xuân Thành: Danh nhân lịch sử năm 1912.
- Đình Hoa Vân Hải tại xã Cổ Đạm: Di tích cách mạng giai đoạn 1930-1931.
- Bãi biển Xuân Thành thuộc xã Xuân Thành: Một nơi nghỉ mát chưa được khai thác đúng mức.
[sửa] Lễ hội truyền thống
- Hội Mỹ Dương tại xã Xuân Mỹ, vào 17/12 âm lịch: Lễ cúng thần săn bằng thú rừng.
- Hội Phan Xá vào 7 - 15/1 âm lịch: Lễ khai canh.
- Lễ Tống Trùng tại xã Tiên Điền, vào tháng 2 âm lịch: Cúng ở đình thờ Thành hoàng, cúng trời đất, cầu yên mùa màng.
- Hội Sỹ Nông Công Thương, tại xã Xuân Thành, vào tháng 5 âm lịch hàng năm.
- Tục thờ thần và lễ cầu ngư ở làng xã Xuân Hội, vào ngày mồng 3 tháng 2 âm lịch.
- Hội lễ ở làng Giáo Phường tại Đình Hoa Vân Hải xã Cổ Đạm, vào 11 - tháng Chạp hàng năm.
[sửa] Làng nghề
- Làng nón Tiên Điền: thuộc xã Tiên Điền.
- Làng nước mắm Cương Gián: nay là xã Cương Gián.
[sửa] Liên kết ngoài
Các đơn vị hành chính cấp huyện thị trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh-Việt Nam | ||||||||
|