Hung Nô
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Người Hung Nô (tiếng Trung: 匈奴), là các bộ lạc du cư ở khu vực Trung Á, nói chung sinh sống ở khu vực thuộc Mông Cổ ngày nay. Từ thế kỷ 3 TCN họ đã kiểm soát một đế chế rộng lớn trên thảo nguyên, kéo dài về phía tây tới khu vực Kavkaz (Caucasus). Các hoạt động của họ diễn ra chủ yếu tại các khu vực thuộc miền nam Siberi, miền tây Mãn Châu và các tỉnh, khu tự trị ngày nay của Trung Quốc là Nội Mông Cổ, Cam Túc và Tân Cương. Các tài liệu lịch sử rất cổ của người Trung Quốc (có lẽ là truyền thuyết) cho rằng người Hung Nô là các hậu duệ của con trai của vị hoàng đế cuối cùng (vua Kiệt-桀) của triều đại đầu tiên tại Trung Quốc (nhà Hạ- 夏朝), mà các dấu vết còn lại của họ được người Trung Quốc thời Xuân Thu-Chiến Quốc cho là người của nước Kỷ (杞). Tuy nhiên, do các khác biệt và xung đột nội bộ nên người Hung Nô đã chạy lên phía bắc và tây bắc.
Quan hệ giữa người Hán và người Hung Nô rất phức tạp và bao gồm các xung đột quân sự, các trao đổi cống phẩm và thương mại, cũng như các thỏa ước về hôn nhân.
Đa số thông tin về người Hung Nô chỉ có được từ các sử liệu Trung Quốc, nên không có cách nào để khôi phục lại các phần quan trọng nhất của tiếng Hung Nô. Chỉ có một ít các tên gọi và tước vị của họ có được từ các bản dịch ra tiếng Trung.
Theo các sử liệu Trung Quốc như Sử ký, Hán thư thì đến thời Đông Hán, người Hung Nô bị phân ra thành hai bộ phận cơ bản là:
- Nam Hung Nô: Sau bị Hán hóa.
- Bắc Hung Nô: Di dời về phương Tây vào khoảng thế kỷ 4, có lẽ trở thành người Hung (Huns).
Ngoài ra còn một bộ phận nữa gọi là Tây Hung Nô, nhưng gần như không có thông tin gì về nhóm này.
[sửa] Nguồn gốc và lịch sử sơ kỳ
Khu vực địa lý ban đầu của người Hung Nô nói chung được coi là khu vực Ordos. Theo Tư Mã Thiên trong Sử ký-phần Hung Nô liệt truyện, người Hung Nô là các hậu duệ của Thuần Duy (淳維), có thể là con trai của vua Kiệt, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Hạ. Tuy nhiên, trong khi không có chứng cứ trực tiếp để bác bỏ giả thuyết này thì cũng không có chứng cứ trực tiếp để hỗ trợ nó.
Người ta vẫn không biết ngôn ngữ và chữ viết của người Hung Nô là như thế nào. Nó có thể thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Turk, dựa trên vị trí địa lý của họ cũng như các mối liên hệ có thể là có thật nhưng không chứng minh được của họ với người Hung (Huns) (xem dưới đây), mặc dù gần đây người ta đã nêu cả giả thuyết là nó thuộc về nhóm ngôn ngữ của người Nguyệt Chi (Enisei[1]).
Thời nhà Chu, không có nhiều tư liệu viết về họ, ngoài các cụm từ như rợ (nhung) Địch, rợ Hồ đều sống ở vùng sa mạc miền tây bắc Trung Quốc, có lẽ là để chỉ các nhóm người này.
[sửa] Liên minh dưới trướng Mặc Đốn
Năm 209 TCN, tức là chỉ khoảng 3 năm trước khi nhà Hán ra đời, người Hung Nô đã liên kết lại với nhau thành một liên minh hùng mạnh dưới quyền của một thiền vu (单于) mới có tên gọi là thiền vu Mặc Đốn (冒顿, khoảng 209 TCN-174 TCN). Sự thống nhất về mặt chính trị của người Hung Nô đã làm cho họ trở thành một địch thủ đáng gờm, do họ có khả năng tập trung các lực lượng quân sự lớn và thực hiện tốt hơn việc phối hợp chiến lược. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự liên minh này vẫn chưa rõ ràng. Người ta cho rằng sự thống nhất Trung Quốc đã thúc đẩy các bộ lạc du cư tập hợp lại xung quanh một trung tâm chính trị nhằm củng cố vị thế của họ.[2]. Một giả thuyết khác là sự tái cơ cấu này là cách thức phản ứng của họ đối với khủng hoảng chính trị đã diễn ra đối với họ khi vào năm 215 TCN, khi quân đội nhà Tần do Mông Điềm chỉ huy đã xua đuổi họ ra khỏi các đồng cỏ bên sông Hoàng Hà.[3]
Sau khi hoàn thành việc thống nhất nội bộ, Mặc Đốn mở rộng đế chế của mình ra các phía. Về phía bắc, ông đã chinh phục hàng loạt các bộ tộc du cư, bao gồm cả người Đinh Linh (Sắc Lặc) ở miền nam Siberia. Ông cũng đè bẹp sự kháng cự của người Đông Hồ ở miền đông Mông Cổ và Mãn Châu, cũng như của người Nguyệt Chi trong hành lang Cam Túc. Ngoài ra, ông cũng đã có khả năng khôi phục lại tất cả các vùng đất đã bị tướng của nhà Tần là Mông Điềm đánh chiếm. Trước khi Mặc Đốn chết vào năm 174 TCN thì người Hung Nô đã xua đuổi hoàn toàn người Nguyệt Chi ra khỏi hành lang Cam Túc và khẳng định sự có mặt của họ tại Tây Vực, thuộc Tân Cương ngày nay.
[sửa] Bản chất của nhà nước Hung Nô
Dưới thời Mặc Đốn, một hệ thống nhị nguyên của thể chế chính trị đã được hình thành. Các nhánh tả và hữu (tức là tả bộ và hữu bộ) của người Hung Nô được phân chia trên cơ sở lãnh thổ địa phương. Người đứng đầu các bộ này là tả hiền vương và hữu hiền vương. Thiền vu - người trị vì tối cao, tương đương với "Thiên tử" của người Hán, thực hiện uy quyền trực tiếp trên vùng lãnh thổ trung ương. Long Thành (蘢城), gần Koshu-Tsaidam ở Mông Cổ, đã được thiết lập như là nơi họp mặt hàng năm và là kinh đô trên thực tế (de facto).
[sửa] Hệ thống thỏa ước hôn nhân
Năm 201 TCN, Hung Nô tấn công nhà Hán. Hàn vương Tín đầu hàng. Vào mùa đông năm 200 TCN, sau khi vây hãm Thái Nguyên (太原), Hán Cao Tổ đích thân chỉ huy một chiến dịch quân sự chống lại Mặc Đốn. Tại trận Bạch Đăng (白登, ngày nay là Đại Đồng, Sơn Tây), quân Hán đã bị khoảng 300.000 kỵ binh Hung Nô bao vây. Vị hoàng đế này đã bị cắt nguồn tiếp tế và cứu trợ trong 7 ngày, chỉ có may mắn mới thoát được.
Sau thất bại tại Bình Thành, hoàng đế nhà Hán từ bỏ giải pháp quân sự đối với mối đe dọa từ phía người Hung Nô. Thay vì thế, năm 198 TCN, một cận thần là Lưu Kính (劉敬) đã được cử đi đàm phán. Giải pháp hòa bình cuối cùng đã đạt được giữa hai bên, bao gồm cả việc các công chúa nhà Hán sẽ lấy các thiền vu (gọi là hòa thân 和親); các món quà tặng theo chu kỳ cho người Hung Nô, bao gồm tơ lụa, rượu và gạo; địa vị bình đẳng giữa hai quốc gia và Vạn Lý Trường Thành là biên giới chung.
Thỏa thuận đầu tiên này đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ giữa nhà Hán và nhà nước của người Hung Nô trong khoảng 60 năm. Cho tới năm 135 TCN, thì thỏa thuận này đã được thay đổi không dưới 9 lần, với sự gia tăng của các món "quà tặng" sau mỗi lần thỏa thuận kế tiếp. Năm 192 TCN, Mặc Đốn thậm chí còn đề nghị được cưới Lã Thái hậu. Con trai ông ta và là người kế nghiệp, một người mạnh mẽ tên là Kê Chúc (稽粥, khoảng 174 TCN-160 TCN), còn được biết đến như là Lão Thượng thiền vu (老上單于), vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách bành trướng của cha mình. Lão Thượng đã thành công trong việc đàm phán với Hán Văn Đế các điều kiện để duy trì một hệ thống chợ được chính quyền hỗ trợ ở mức độ lớn.
Trong khi người Hung Nô thu được nhiều lợi lộc thì về phía người Hán các thỏa thuận hôn nhân là đắt đỏ và không hiệu quả. Lão Thượng đã cho thấy là ông ta không hề có ý định nghiêm chỉnh thực hiện thỏa thuận. Thỉnh thoảng, những điệp viên của ông ta đã xâm nhập tới tận Trường An. Năm 166 TCN đích thân ông ta dẫn 140.000 kỵ binh xâm lấn An Định, tiến gần tới nơi nghỉ ngơi của hoàng đế tại đất Úng (雍). Năm 158 TCN, người kế nghiệp ông là thiền vu Quân Thần (khoảng 160 TCN-127 TCN) đã đem 30.000 kỵ binh tấn công Thượng Quận (上郡- thuộc Thiểm Tây ngày nay) và 30.000 quân tấn công Vân Trung (雲中-thuộc Nội Mông Cổ ngày nay).
[sửa] Chiến tranh với nhà Hán
Nhà Hán đã chuẩn bị cho việc đối đầu quân sự từ thời kỳ trị vì của hoàng đế Hán Văn Đế (trị vì từ 180 TCN đến 157 TCN). Sự tuyệt giao diễn ra năm 133 TCN, ngay sau khi có một âm mưu bất thành nhằm đánh úp thiền vu Quân Thần tại Mã Ấp (馬邑). Vào thời điểm này, đế chế Trung Hoa đã trở nên vững chắc về các mặt chính trị, quân sự, tài chính, cũng như phe ủng hộ chiến tranh đang thắng thế tại triều đình. Tuy nhiên, cũng trong năm đó thì Hán Vũ Đế (trị vì từ năm 141 TCN đến năm 87 TCN) đã đảo ngược lệnh mà ông đã đưa ra vào năm trước đó để phục hồi lại thỏa thuận hòa bình.
Mức độ đầy đủ nhất của chiến tranh đã diễn ra vào mùa thu năm 129 TCN, khi 40.000 kỵ binh Trung Quốc đột ngột tấn công người Hung Nô tại các chợ biên giới. Năm 127 TCN, tướng nhà Hán là Vệ Thanh (衛青) tái chiếm Ordos. Năm 121 TCN, người Hung Nô lại phải gánh thêm một thất bại nữa khi Hoắc Khứ Bệnh (霍去病) chỉ huy một đội kỵ binh nhẹ tiến về phía tây của Lũng Tây và trong vòng 6 ngày đã mở đường xuyên qua 5 tiểu quốc của Hung Nô. Năm 119 TCN cả Hoắc Khứ Bệnh và Vệ Thanh, mỗi người chỉ huy khoảng 50.000 kỵ binh và 100.000 bộ binh, và tiến quân theo hai hướng tây-đông, đã ép buộc được thiền vu Y Trĩ Tà (伊稚斜) và toàn bộ triều đình của ông ta chạy về phía bắc của sa mạc Gobi, hữu hiền vương đầu hàng cùng với 40.000 người. [4]. Hoắc Khứ Bệnh tiến quân theo hướng tây, đuổi người Hung Nô tới tận Lang Cư Tư Sơn, còn Vệ Thanh theo hướng đông đánh vào triều đình Hung Nô. Tại phía đông, nhà Hán liên minh với người Ô Hoàn còn tại phía tây vẫn thực hiện chính sách hòa thân.
Năm 73 TCN, nhà Hán cùng người Ô Hoàn đem 200.000 quân tấn công Hung Nô. Năm 57 TCN, triều đình Hung Nô chia rẽ, Chí (Chất?) Chi (郅支) (?-36 TCN) rút chạy về mạc bắc (tức sa mạc Gobi), năm 51 TCN Hô Hàn Tà (Da?) (呼韓邪) (58 TCN-31 TCN) về đầu hàng nhà Hán. Sau này Chí Chi đem dân chúng rút lui về khu vực ven biển Aral và hồ Balkhash (ngày nay thuộc về Afghanistan, Uzbekistan và Kazakhstan). Hô Hàn Tà chiếm lại vương triều tại mạc bắc.
Các khó khăn cơ bản đã hạn chế thời gian và sự kéo dài các chiến dịch này là các vấn đề tự nhiên. Theo phân tích của Nghiêm Vưu (嚴尤), các khó khăn này có hai điểm chính. Thứ nhất là vấn đề tiếp tế lương thực, thực phẩm với một khoảng cách lớn. Thứ hai, thời tiết ở các vùng đất miền bắc của người Hung Nô là một rào cản cho các binh sĩ người Hán, những người không bao giờ có đủ sức lực do không hợp thủy thổ.[5]. Theo các báo cáo chính thức, phía Hung Nô mất khoảng từ 80.000 đến 90.000 người, còn trong số 140.000 ngựa mà người Hán đưa tới vùng sa mạc, chỉ còn ít hơn 30.000 quay trở lại tới Trung Quốc.
Kết quả của các trận chiến này là người Hán đã kiểm soát được khu vực chiến lược từ sa mạc Ordos và hành lang Cam Túc tới Lop Nor (La Bố Bạc). Họ đã thành công trong việc chia cắt người Hung Nô ra khỏi người Khương (羌族) ở phía nam, cũng như có được đường đi trực tiếp tới Tây Vực.
[sửa] Tranh giành quyền lực
Khi đế chế Hung Nô đã mở rộng, một điều trở nên rõ ràng là cấu trúc lãnh đạo ban đầu của người Hung Nô thiếu sự mềm dẻo và không thể duy trì sự cố kết có hiệu quả. Truyền thống kế vị của con trai trưởng ngày càng trở nên không có hiệu quả trong thời gian chiến tranh thuộc thế kỷ 1 TCN. Đối lại với các vấn đề của quyền kế vị, thiền vu Hô Hàn Tà sau đó đã đề ra quy tắc là kể từ người kế nghiệp ông, mọi thiền vu phải chuyển ngai vàng cho em trai mình. Kiểu kế vị mang tính anh em này trên thực tế đã trở thành tiêu chuẩn.
Sự gia tăng của chủ nghĩa cục bộ địa phương ngày càng rõ ràng vào thời kỳ này, khi các vị vua của các tiểu quốc từ chối không tham dự các cuộc họp mặt hàng năm tại cung điện của thiền vu. Trong thời kỳ này, các thiền vu buộc phải xây dựng lực lượng trên lãnh thổ riêng của mình để bảo đảm giữ được ngai vàng.
Trong giai đoạn từ năm 114 TCN đến năm 60 TCN, người Hung Nô đã dựng lên cả thảy là 7 thiền vu. Hai trong số này, Chanshilu và Hồ Diễn Đề (壺衍鞮) đã gánh vác trọng trách khi chỉ là những đứa trẻ. Năm 60 TCN, Tuqitang, trở thành thiền vu Ác Diễn Cú Đề (握衍朐鞮, Wuyanjuti). Không bao lâu sau khi ông trở thành thiền vu, thì ông bị những người ở tả bộ hất cẳng khỏi quyền lực. Năm 58 TCN giới quý tộc trong tả bộ đưa Hô Hàn Tà lên làm thiền vu của họ. Năm 57 TCN là sự tranh giành quyền bính giữa 5 nhóm cục bộ, mỗi nhóm lập ra một thiền vu của riêng mình. Năm 54 TCN Hô Hàn Tà rời bỏ kinh đô ở phía bắc sau khi bị người em của mình là thiền vu Chí Chi đánh bại.
[sửa] Quan hệ triều cống với nhà Hán
Năm 53 TCN Hô Hàn Tà quyết định chấp nhận việc triều cống cho nhà Hán. Các điều kiện ban đầu mà triều đình nhà Hán đòi hỏi là: thứ nhất là thiền vu hoặc sứ giả của ông ta phải tới kinh đô của nhà Hán để tỏ lòng thần phục; thứ hai là thiền vu phải đưa con trai đến làm con tin; và thứ ba là thiền vu phải cống nộp cho hoàng đế nhà Hán. Địa vị chính trị của Hung Nô trong trật tự thế giới của người Hán đã bị hạ từ "quốc gia anh em" xuống thành "ngoại thần" (外臣). Tuy nhiên, trong thời kỳ này thì người Hung Nô vẫn duy trì được chủ quyền chính trị và độc lập hoàn toàn về lãnh thổ. Vạn Lý Trường Thành vẫn tiếp tục là đường ranh giới giữa nhà Hán và nhà nước Hung Nô.
Hô Hàn Tà đã gửi con trai của mình, Shuloujutang, tới triều đình nhà Hán làm con tin. Năm 51 TCN đích thân ông tới Trường An để tỏ lòng thần phục hoàng đế nhà Hán nhân dịp Tết Nguyên Đán. Về mặt tài chính, Hô Hàn Tà đã được ban tặng nhiều vàng, tiền, quần áo, tơ lụa, ngựa và lương thực. Hô Hàn Tà còn hai lần nữa tới Trường An, vào năm 49 TCN và năm 33 TCN, dưới thời Tuyên Đế và Nguyên Đế; với mỗi lần này thì đồ ban thưởng của hoàng đế lại tăng lên. Lần cuối cùng, Hô Hàn Tà đã nhân cơ hội đề nghị được làm con rể hoàng đế. Như là dấu hiệu của sự suy tàn địa vị chính trị của người Hung Nô, Hán Nguyên Đế đã từ chối, thay vì thế đã ban cho ông này 5 tì thiếp của mình. Một trong số này là Vương Chiêu Quân (王昭君), một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa trong các câu chuyện dân gian của người Trung Quốc.
Khi Chí Chi biết được sự khuất phục của anh trai mình, ông ta cũng gửi con trai tới triều đình nhà Hán làm con tin vào năm 53 TCN. Sau đó, hai lần vào các năm 51 TCN và 50 TCN, ông cũng đã gửi các phái đoàn tới triều đình nhà Hán cùng cống phẩm. Nhưng vì không chịu tự đến thần phục nên ông đã không được chấp nhận cho triều cống. Năm 36 TCN, một viên tướng trẻ là Trần Thang (陈汤), với sự hỗ trợ của Cam Duyên Thọ (甘延壽), quan tổng nhiếp chính ở Tây Vực, đã chỉ huy một lực lượng viễn chinh đánh bại Chí Chi tại trận Taraz và gửi đầu ông này về Trường An làm chiến lợi phẩm.
Quan hệ triều cống đã bị gián đoạn trong thời gian cai trị của Hô Đô Nhi Thi (18-48), tương ứng với thời gian chính biến của nhà Tân tại Trung Quốc. Người Hung Nô nắm lấy cơ hội để giành lại sự kiểm soát đối với Tây Vực, cũng như đối với các bộ lạc láng giềng, chẳng hạn đối với người Ô Hoàn. Năm 24, Hô Đô Nhi Thi thậm chí còn nhắc đến vấn đề đảo ngược lại hệ thống triều cống.
[sửa] Bắc và nam Hung Nô
Quyền lực mới của người Hung Nô là trùng hợp với chính sách xoa dịu của Hán Quang Vũ Đế (5 TCN-57, cầm quyền từ năm 25 đến năm 57). Khi ở đỉnh cao nhất của quyền lực, Hô Đô Nhi Thi thậm chí còn so sánh mình với ông tổ nổi tiếng là Mặc Đốn. Tuy nhiên, do chủ nghĩa cục bộ địa phương lại gia tăng giữa những người Hung Nô nên Hô Đô Nhi Thi đã không bao giờ có thể thiết lập uy quyền ở mức không bị tranh cãi. Khi ông chỉ định con trai mình làm người kế vị (trái với quy tắc truyền ngôi cho anh em do Hô Hàn Tà đề ra) thì Bỉ, khi ấy là hữu hiền vương, đã từ chối tham dự cuộc họp mặt hàng năm tại cung điện của thiền vu.
Là con trai lớn của thiền vu trước đó, Bỉ có quyền đòi hỏi sự kế vị. Năm 48, hai năm sau khi con trai của Hô Đô Nhi Thi là Bồ Nô lên ngai vàng, tám bộ lạc Hung Nô trong khu vực căn cứ của Bỉ tại miền nam, với lực lượng khoảng 40.000 đến 50.000 người, đã tôn Bỉ làm thiền vu của họ. Trong suốt thời Đông Hán, hai nhóm này được gọi là nam Hung Nô và bắc Hung Nô.
Bị người Hung Nô miền bắc chèn ép mạnh và bị tổn thất bởi thiên tai, Bỉ đã đưa người Hung Nô miền nam trở lại quan hệ triều cống với Trung Quốc của nhà Hán vào năm 50. Hệ thống triều cống đã được thắt chặt đáng kể để giữ người Hung Nô miền nam dưới sự giám sát của nhà Hán. Thiền vu được lệnh phải đặt kinh đô tại huyện Meiji của quận Tây Hà. Người Hung Nô miền nam đã được tái định cư tại 8 quận vùng biên giới. Cùng thời gian đó, một lượng lớn người Hán đã bị ép buộc phải di cư tới các quận này, tại đây các khu định cư hỗn tạp bắt đầu xuất hiện.
Về mặt kinh tế, người Hung Nô miền nam gần như dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà Hán. Các quan hệ căng thẳng là hiển nhiên giữa những người Hán định cư và những người có cuộc sống du cư. Vì thế, năm 94 thiền vu An Quốc (安國) đã hợp nhất các lực lượng với người Hung Nô mới bị nô dịch hóa từ phía bắc để bắt đầu một cuộc nổi dậy lớn chống lại nhà Hán.
Vào cuối thời Đông Hán, người Hung Nô miền nam đã tham gia vào nhiều cuộc nổi dậy khi đó đang gây ra nhiều phiền toái cho nhà Hán. Năm 188, thiền vu Khương Cừ (羌渠) bị một số thần dân của mình ám sát vì đã đồng ý gửi quân đội đến giúp nhà Hán dẹp loạn tại Hà Bắc – nhiều người Hung Nô e ngại rằng điều này có thể trở thành tiền lệ cho sự phục vụ quân đội không có điểm kết thúc cho nhà Hán. Con trai của thiền vu bị sát hại này lên kế vị, nhưng ông này sau đó cũng đã bị những người nổi loạn này lật đổ vào năm 189. Ông ta chạy tới Lạc Dương để tìm kiếm sự trợ giúp của nhà Hán, nhưng vào thời gian đó thì triều đình nhà Hán cũng đang rối loạn do mâu thuẫn giữa các phe cánh của Hà Tiến và các hoạn quan, cũng như sau đó là sự chuyên quyền của Đổng Trác. Thiền vu này tên là Ư Phù La (於扶羅), với tước hiệu là Đặc Chí Thi Trục Hầu (特至尸逐侯), đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cùng những người đi theo ở lại Bình Dương, một thành phố thuộc Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay. Năm 195, ông ta chết và người em ông ta tên là Hô Trù Tuyền (呼廚泉) đã kế nghiệp.
Năm 216, Tào Tháo đã cầm giữ Hô Trù Tuyền tại Nghiệp Thành (鄴城) và chia những người đi theo ông ta tới Sơn Tây thành 5 bộ: tả, hữu, nam, bắc và trung. Điều này nhằm ngăn cản những người Hung Nô lưu vong tại Sơn Tây dính líu vào các cuộc nổi loạn, cũng như cho phép Tào Tháo sử dụng người Hung Nô làm các lực lượng bổ trợ cho đội quân kỵ binh của mình. Cuối cùng, tầng lớp quý tộc Hung Nô tại Sơn Tây đã đổi họ của mình từ Loan Thì (欒提) thành Lưu vì các lý do uy tín và thanh thế, khi họ cho rằng mình có quan hệ họ hàng với hoàng tộc nhà Hán, thông qua chính sách liên minh hôn nhân từ thời trước.
[sửa] Hung Nô sau thời Hán
- Xem thêm: Ngũ Hồ thập lục quốc
Sau thời Hô Trù Tuyền (呼廚泉), người Hung Nô bị chia nhỏ thành 5 bộ lạc địa phương. Tình trạng dân tộc phức tạp của các khu định cư hỗn tạp tại khu vực biên giới bắt đầu từ thời Đông Hán đã tạo ra các hậu quả nghiêm trọng, đã không được chính quyền Trung Quốc nắm rõ cho đến tận cuối thế kỷ 3. Vào năm 260, Lưu Khứ Ti (劉去卑) đã tổ chức liên minh Thiết Phất (鐵弗) ở miền đông bắc và vào năm 290, Lưu Nguyên Hải (刘元海) đã làm thủ lĩnh của một nhóm nhỏ tại miền tây nam. Vào thời gian này, sự náo động của những người không phải là người Hán đã đạt tới quy mô đáng báo động dọc theo toàn biên giới của nhà Tây Tấn.
[sửa] Lưu Uyên và nước Hán (304-318)
Năm 304, Lưu Uyên (劉淵) (?-310), người cháu nội đã Hán hóa của Ư Phù La (vốn có tên là Lưu Bang, Uyên chỉ là tên tự, nhưng vì trùng với tên húy của Hán Cao Tổ nên sử sách chỉ dùng tên tự), khuấy động các hậu duệ của người Hung Nô miền nam nổi lên làm loạn tại Sơn Tây, nhân nhà Tây Tấn suy yếu vì loạn bát vương (Bát vương chi loạn). Lưu Uyên nổi lên và sau đó đã hoành hành quanh kinh đô nhà Tây Tấn là Lạc Dương. Quân Lưu Uyên được nhiều người Hán vùng biên giới đi theo và được gọi là Bắc Hán. Lưu Uyên sử dụng từ 'Hán' làm quốc hiệu, hy vọng có được sự ủng hộ của những người còn luyến tiếc quá khứ huy hoàng của nhà Hán và lập kinh đô tại Bình Dương (平阳, ngày nay là Lâm Phần (臨汾)). Người Hung Nô sử dụng một lượng lớn kỵ binh nặng với áo giáp sắt cho cả người và ngựa, làm cho họ có ưu thế quyết định so với quân đội nhà Tấn đã bị suy yếu và nản lòng vì ba năm nội chiến. Năm 311, quân Hán chiếm được Lạc Dương, bắt vua nhà Tấn là Tư Mã Sí (司馬熾-tức Tấn Hoài Đế). Năm 316, vị hoàng đế tiếp theo của nhà Tấn là Tấn Mẫn Đế (晉愍帝) cũng bị bắt tại Trường An và toàn bộ miền bắc Trung Quốc nằm dưới sự thống trị của người Hung Nô trong khi những người còn lại của hoàng tộc nhà Tấn chạy xuống phía nam (các nhà sử học gọi là nhà Đông Tấn).
[sửa] Lưu Diệu và nước Triệu (318-329)
Năm 318, sau cuộc đảo chính cung đình tại triều đình nước Hán của người Hung Nô (trong đó cả vua Hán (Hán Triệu) và phần lớn các quan lại đều bị thảm sát), một hoàng tử của người Hung Nô là Lưu Diệu (劉曜) (con nuôi của Lưu Uyên) đã dời kinh đô từ Bình Dương tới Trường An và đổi tên nước thành Triệu (趙), vì thế các nhà sử học gọi chung tiểu quốc này là Hán Triệu). Tuy nhiên, khu vực phía đông của miền bắc Trung Quốc đã nằm dưới sự kiểm soát của một viên tướng nước Hán Triệu này là Thạch Lặc (石勒), thuộc nhóm người Yết (羯- có lẽ có tổ tiên gốc Enisei). Lưu Diệu và Thạch Lặc đã đem quân đánh lẫn nhau cho tới tận năm 329, khi Lưu Diệu bị bắt sống tại trận và sau đó bị hành hình. Trường An ngay sau đó bị rơi vào tay Thạch Lặc, và triều đại của người Hung Nô bị xóa bỏ. Miền bắc Trung Quốc đã nằm dưới sự trị vì của Thạch Lặc (nước Hậu Triệu) trong vòng 20 năm sau.
Tuy nhiên, người Hung Nô mang họ "Lưu" vẫn còn hoạt động ở miền bắc trong ít nhất là một thế kỷ nữa.
[sửa] Thiết Phất và nước Hạ (260-431)
Nhánh Thiết Phất (鐵弗) ở miền bắc của người Hung Nô đã giành được sự kiểm soát khu vực Nội Mông Cổ trong vòng 10 năm từ 376 giữa thời gian nước Đại của người Thác Bạt (một nhánh của người Tiên Ti) bị nước Tiền Tần chinh phục và sau đó phục hồi vào năm 386 gọi là nhà Bắc Ngụy. Sau năm 386, người Thiết Phất dần dần bị người Thác Bạt tiêu diệt hoặc bức hàng. Những người Thiết Phất chịu quy phục được gọi là người Độc Cô (獨孤). Lưu Bột Bột (劉勃勃), một hoàng tử sống sót của người Thiết Phất chạy tới khu vực Ordos (vùng Hà Sáo, cao nguyên Hoàng Thổ), thành lập ra một tiểu quốc gọi là nước Hạ (gọi như vậy là do tổ tiên của người Hung Nô được coi là có từ triều đại nhà Hạ) và đổi họ thành Hách Liên (赫連 - tiếng Hung Nô nghĩa là Trời). Nhà nước Hạ của họ Hách Liên sau đó đã bị Bắc Ngụy chinh phục vào năm 431. Người Hung Nô kể từ đây trở đi bị giảm vai trò trong lịch sử Trung Quốc, dần dà bị đồng hóa thành người Tiên Ti và người Hán.
[sửa] Truyền thuyết của người H’Mông
Người H'Mông tại Việt Nam tin rằng người Hung Nô cổ đại trên thực tế là một nhóm người H'Mông, vào thời gian đó được những người khôn ngoan nhất của bộ tộc lãnh đạo. Theo giả thuyết này, người H'Mông đã từng sinh sống trong khu vực gần Mãn Châu vào khoảng 5.000 năm trước. Cuối cùng thì sau thất bại tại trận Trác Lộc huyền thoại và cái chết của người thủ lĩnh là Xi Vưu, họ đã chạy về phương nam xuyên qua Trung Quốc để tới Việt Nam, mặc dù một số người vẫn ở lại và tập hợp lại với nhau thành người Hung Nô. Ở đây có sự suy đoán là tên gọi "Hung" có nghĩa là "người trị vì" hoặc "người vĩ đại". Trong tiếng H'Mông, từ Nô (có thể được phát âm với giọng cao) có nghĩa là "công việc". Điều đó có nghĩa là Hung Nô trong tiếng H'Mông mang nghĩa công việc của người trị vì. [cần chú thích]
[sửa] Liên quan với người Hung?
Từ nguyên của 匈 Nguồn: http://starling.rinet.ru |
|
---|---|
Tiếng Trung, cổ đại, tiền cổ điển: | sŋoŋ |
Tiếng Trung, cổ đại, cổ điển: | ŋ̥oŋ |
Tiếng Trung, cổ đại, hậu cổ điển: | hoŋ |
Tiếng Trung, trung đại : | xöuŋ |
Tiếng Quảng Đông, hiện đại: | hūng |
Quan thoại, hiện đại: | xiōng |
Giống như trường hợp của người Nhu Nhiên với người Avar, các trường hợp đơn giản hóa quá đáng đối với người Hung Nô thường dẫn tới việc đồng nhất họ với người Hung, những người đã từng sinh sống tại khu vực ráp gianh với châu Âu. Mối liên hệ này được khởi đầu bởi các tác phẩm trong thế kỷ 18 của nhà sử học người Pháp là de Guignes, là người đã lưu ý rằng một số bộ lạc còn man rợ ở phía bắc Trung Quốc gắn liền với người Hung Nô có tên gọi là "người Hung" với các đặc trưng khác nhau của người Trung Quốc. Giả thuyết này tồn tại ở mức suy đoán, mặc dù nó được một số học giả chấp nhận, kể cả một số học giả Trung Quốc. Thử nghiệm ADN với các tàn tích còn lại của người Hung không đưa ra được kết luận cuối cùng trong việc xác định nguồn gốc của người Hung.
Về mặt ngôn ngữ học, điều quan trọng cần hiểu là "Hung Nô" là cách phiên âm sang tiếng Việt của cách phát âm Quan thoại chuẩn hiện đại (dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) của từ "匈奴". Vào thời điểm tiếp xúc của người Hung với thế giới (khoảng thế kỷ 4–6), cách phát âm của từ "匈" đã được khôi phục lại như là /hoŋ/. Có thể là niềm tin vào nguồn gốc Hung Nô của người Hung đã ảnh hưởng tới sự tái tạo cách phát âm.
Cách phát âm (được coi là như vậy) của từ đầu tiên có sự tương tự rõ ràng với tên gọi "Hun" trong các ngôn ngữ châu Âu. Khó có thể cho rằng nó là chứng cứ về quan hệ họ hàng hay chỉ là là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó có thể cộng thêm độ tin tưởng cho giả thuyết là người Hung trên thực tế là các hậu duệ của người Hung Nô miền tây, những người đã di cư xa thêm nữa về phía tây, hoặc là người Hung đã sử dụng tên gọi được vay mượn từ người Hung Nô miền tây, hoặc là những người Hung Nô này hợp thành một bộ phận của liên minh người Hung.
Từ nguyên truyền thống của "匈" mang nghĩa một từ tượng hình với các đặc trưng của bộ mặt những người này, một bộ mặt đội mũ sắt, với họa tiết "x" phía dưới mũ tượng trưng cho các vết sẹo họ tạo ra trên mặt mình để đe dọa kẻ thù của họ. Tuy nhiên, không có chứng cứ thực tế cho cách diễn giải này.
Trong tiếng Trung hiện đại, từ "匈" được sử dụng theo 4 cách: mang nghĩa "ngực" (được viết thành 胸 theo nghĩa này do bộ các kí tự Hán ngữ đã biến đổi), trong tên gọi 匈奴 Xiōngnú "Hung Nô", trong từ 匈人 Hung nhân "người Hung", và trong tên gọi 匈牙利 Hung gia lợi -"Hungary". Từ cuối cùng trong số này là từ mới đặt ra gần đây, dường như có nguồn gốc từ sự khẳng định là người Hung có quan hệ họ hàng với người Hung Nô.
Từ thứ hai, "奴", dường như không có thuật ngữ tương đương trong ngôn ngữ phương Tây. Nó được phát âm như là /nhō/ và có nghĩa là nô lệ, mặc dù rất có khả năng là nó chỉ có vai trò ngữ âm học trong cụm từ 匈奴. Ở đây gần như chắc chắn là không có liên hệ gì giữa nghĩa "ngực" của từ 匈 và nghĩa dân tộc học của nó. Điều có thể đáng tin cậy là có sự liên quan với cách phát âm y hệt như thế của từ "凶" mang nghĩa "hung dữ", "hung ác", "hung –điềm xấu" v.v. Điều có thể nhất là từ này có nguồn gốc từ tên gọi chính mình của bộ lạc này như là việc dịch bán ngữ âm sang tiếng Trung, và ký tự dùng để dịch đã được lựa chọn một cách tùy tiện — một thực tế còn đang tiếp diễn cho tới ngày nay trong tiếng Trung trong việc dịch các tên gọi nước ngoài.
[sửa] Niên biểu Hung Nô
[sửa] Nhánh một
Tên tước vị | Trị vì | Ghi chú |
---|---|---|
Đầu Man (頭曼) | ?-209 TCN | |
Mặc Đốn (冒頓) | 209 TCN- 174 TCN | con Đầu Man |
Lão Thượng (老上) | (174 TCN-161 TCN) | tên là Kê Chúc, con Mặc Đốn |
Quân Thần (軍臣) | 161 TCN-126 TCN | con Lão Thượng |
Y Trĩ Tà (伊稚斜) | 126 TCN-114 TCN | em Quân Thần |
Ô Duy (烏維) | 114 TCN-105 TCN | con Y Trĩ Tà |
Ô Sư Lư (烏師廬) | 105 TCN-102 TCN | con Ô Duy |
Ha Lê Hồ (呴犁湖) | 102 TCN-101 TCN | cha dượng của Ô Sư Lư |
Thả Đề Hầu (且鞮侯) | 101 TCN-96 TCN | em Ha Lê Hô |
Hồ Lộc Cô (狐鹿姑) | 96 TCN-85 TCN | con Thả Đề Hầu |
Hồ Diễn Đề (壺衍鞮) | 85 TCN-68 TCN | con Hồ Lộc Cô |
Hư Lư Quyền Cừ (虛閭權渠) | 68 TCN-60 TCN | em Hồ Diễn Đề |
Ác Diễn Cú Đề (握衍朐鞮) | 60 TCN-58 TCN | cháu Ô Duy |
Hô Hàn Da (呼韓邪) | 58 TCN-31 TCN | con Hư Lư Quyền Cừ |
Phục Chu Luy Nhược Đề (復株累若鞮) | 31 TCN-20 TCN | con Hô Hàn Da |
Sưu Hài Nhược Đề (搜諧若鞮) | 20 TCN-12 TCN | em Phục Chu Luy Nhược Đề |
Xa Nha Nhược Đề (車牙若鞮) | 12 TCN-8 TCN | em Sưu Hài Nhược Đề |
Ô Châu Lưu Nhược Đề (烏珠留若鞮) | 8 TCN-13 | em Xa Nha Nhược Đề |
Ô Luy Nhược Đề (烏累若鞮) | 13-18 | em Ô Châu Lưu Nhược Đề |
Hô Đô Nhi Thi Đạo Cao Nhược Đề (呼都而尸道皋若鞮) | 18-46 | em Ô Luy Nhược Đề |
Ô Đạt Đề Hầu (烏達鞮侯) | 46 | con Hô Đô Nhi Thi Đạo Cao Nhược Đề |
Bồ Nô (蒲奴) | 46-? | em Hô Đô Nhi Thi Đạo Cao Nhược Đề, tách thành Bắc Hung Nô |
Hải Lạc Thi Trục Đề Nam (醢落尸逐鞮南) | 48-56 | con Ô Châu Lưu Nhược Đề, tên Bỉ, tách thành Nam Hung Nô |
[sửa] Các nhánh khác
Tại phía bắc còn ít nhất là ba nhánh nữa với rất ít thông tin.
- Điêu Đào Mạc Cao Hô Yết (雕陶莫皋呼揭)
- Thả Mi Tư Xa Lê (且糜胥車犁)
- Thả Mạc Xa Ô Tịch (且莫車烏籍)
[sửa] Thời kỳ Nam Bắc Hung Nô
[sửa] Bắc Hung Nô
Tên tước vị | Trị vì | Ghi chú |
---|---|---|
Bồ Nô (蒲奴) | 46-? | em Hô Đô |
Ưu Lưu (優留) | ?-87 | |
? (Khuyết danh) | 88-91 | anh khác mẹ của Ưu Lưu, hữu hiền vương |
Vu Trừ Kiền (於除犍) | 91-93 | em của thiền vu khuyết danh |
Phùng Hầu Bắc (逢侯北) | 94-118 | sau này không rõ nữa |
[sửa] Nam Hung Nô
Tên tước vị | Trị vì | Ghi chú |
---|---|---|
Hải Lạc Thi Trục Để Nam (醢落尸逐鞮南) | 48-56 | Con Ô Châu Lưu, tên Bỉ. |
Khâu Phù Vưu Để (丘浮尤鞮) | 56-57 | Em Hải Lạc Thi, tên Mạc. |
Y Phạt Vu Lự Để (伊伐於慮鞮) | 57-59 | Em Khâu Phù Vưu, tên Hán. |
Hải Đồng Thi Trục Hầu Để (醢童尸逐侯鞮) | 59-63 | Con Hải Lạc Thi, tên Thích. |
Khâu Trừ Xa Lâm Để (丘除車林鞮) | 63 | Con Khâu Phù Vưu, tên Tô. |
Hồ Tà Thi Trục Hầu Để (湖斜尸逐侯鞮) | 63-85 | Em Hải Đồng Thi, tên Trường. |
Y Đồ Vu Lư Để (伊屠於閭鞮) | 85-88 | Con Y Phạt Vu, tên Tuyên. |
Hưu Lan Thi Trục Hầu Để (休蘭尸逐侯鞮) | 88-93 | Em Hồ Tà Thi, tên Truân Đồ Hà. |
An Quốc (安國) | 93-94 | Em Y Đồ Vu |
Đình Độc Thi Trục Hầu Để (亭獨尸逐侯鞮) | 94-98 | Con Hải Đồng Thi, Sư Tử. |
Vạn Thị Thi Trục Hầu Để (萬氏尸逐侯鞮) | 98-124 | Con Hồ Tà Thi, tên Đàn. |
Ô Kê Hầu Thi Trục Để (烏稽侯尸逐鞮) | 124-128 | Em Vạn Thị Thi, tên Bạt. |
Khứ Đặc Nhược Thi Trục Tựu (去特若尸逐就) | 128-140 | Em Ô Kê Hầu, tên Hưu Lợi. |
Không có | 140-143 | Hưu Lợi tự sát. |
Hô Lan Nhược Thi Trục Tựu (呼蘭若尸逐就) | 143-147 | |
Y Lăng Thi Trục Tựu (伊陵尸逐就) | 147-172 | Tên là Cư Xa Nhi. |
Đồ Đặc Nhược Thi Trục Tựu (屠特若尸逐就) | 172-178 | Con Y Lăng Thi. |
Hô Chinh (呼征) | 178-179 | Con Đồ Đặc Nhược. |
Khương Cừ (羌渠) | 179-189 | Hữu hiền vương. |
Trì Chí Thi Trục Tựu (持至尸逐就)[6] | 189-195 | Con Khương Cừ, tên Vu Phù La. |
Tu Bặc Cốt Đô Hầu (須卜骨都侯) | 189 | Người trong bộ tộc ủng hộ, lập làm thiền vu. Sau khi Tu Bặc chết, các trưởng lão điều hành chính sự. |
[sửa] Tây Hung Nô
Có ít thông tin về nhóm này. Ngay cả thứ tự kế vị, quan hệ huyết thống và thời gian trị vì cũng không rõ. Cụ thể là:
- Lỗ Gia (魯嘉): đời 1
- A Đề Lạp (阿提拉): đời 2, con Lỗ Gia, một số tài liệu cho rằng ông này chính là hoàng đế Attila (405-503) của người Hung.
- Bố Lai Đạt (布萊達): đời 3?, em? của A Đề Lạt
- Ngải Lạp Khắc (艾拉克): đời 4?, con? A Đề Lạp
- Đan Khắc ? Khắc (丹克玆克): đời 5?, em? Ngải Lạp Khắc
- Ngải Nạp Khắc (艾內克): đời 6?, em Đan Khắc ? Khắc
[sửa] Xem thêm
- Các dân tộc Trung Hoa
- Người Hung
- Ngũ Hồ
- Trận Mã Ấp
- Trận Kê Lạc Sơn (Ikh Bayan)
[sửa] Liên kết ngoài
[sửa] Lưu ý
- ^ Vovin, Alexander. "Did the Xiongnu speak a Yeniseian language?". Central Asiatic Journal 44/1 (2000), các trang 87-104.
- ^ Barfield, Thomas. The Perilous Frontier (Oxford: Basil Blackwell, 1989)
- ^ Di Cosmo, "The Northern Frontier in Pre-Imperial China", trong The Cambridge History of Ancient China, Michael Loewe và Edward Shaughnessy chủ biên, các trang 885-966. Cambridge: Ấn bản của Đại học Cambridge, 1999.
- ^ Theo Michael Loewe trong "The campaigns of Han Wu-ti", trong Chinese ways in warfare, Frank A. Kierman Jr. và John K. Fairbank chủ biên (Cambridge, Mass., 1974) thì Y Trĩ Tà đầu hàng năm 121 TCN, nhưng điều này không khớp với niên biểu.
- ^ Quan điểm này được cho là của Vương Mãng vào năm 14: Hán sử (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục) 94B, trang 3824.
- ^ Còn gọi là Đặc Chí Thi Trục Hầu (特至尸逐侯). Thiền vu Hô Trù Tuyền (呼廚泉) (195-216) là em Vu Phù La, bị Tào Tháo lưu tại Nghiệp Thành, sau này không rõ. Vu Phù La sinh ra Lưu Báo, thống suất tả bộ từ 216 đến 279. Lưu Báo sinh ra Lưu Uyên, sau này là Hán Cao Tổ của Hán Triệu.
[sửa] Tham khảo
[sửa] Các nguồn chính
- Ban Cố (班固), Hán thư (漢書). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1962.
- Phạm Diệp (范曄) và những người khác, Hậu Hán thư (後漢書). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1965.
- Tư Mã Thiên (司馬遷) và những người khác, Sử ký (史記). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1959.
[sửa] Các nguồn phụ
- de Crespigny, Rafe. Northern frontier: The policies and strategies of the Later Han empire. Asian Studies Monographs, New Series No. 4, Faculty of Asian Studies. Canberra: Ấn bản của Đại học quốc gia Australia, 1984. ISBN 0-86784-410-8. Xem chương 1 The Government and Geography of the Northern Frontier of Later Han. (Ấn bản Internet tháng Tư năm 2004. Phiên bản này bao gồm cả bản đồ tổng quát và một vài chú giải tổng quát nhưng không có các ghi chú chi tiết).
- de Crespigny, Rafe. The Division and Destruction of the Xiongnu Confederacy in the first and second centuries AD, [Turkish: "Hun Konfederasyonu'nun Blnmesi ve Yikilmasi"], being a paper published in The Turks [Yeni TrkiyeMedya Hismetleri-Murat Ocak], Ankara 2002, 256-243 & 749-757. Hán-Hung Nô (Ấn bản Internet tháng Tư năm 2004. Phiên bản này có bản đồ và các ghi chú).
- Hill, John E. 2004. The Western Regions according to the Hou Hanshu. Draft annotated English translation.[1]
- Hill, John E. 2004. The Peoples of the West from the Weilue 魏略 by Yu Huan 魚豢: A Third Century Chinese Account Composed between 239 and 265 CE. Draft annotated English translation. [2]
- Hulsewé, A. F. P. and Loewe, M. A. N. 1979. China in Central Asia: The Early Stage 125 BC – AD 23: an annotated translation of chapters 61 and 96 of the History of the Former Han Dynasty. E. J. Brill, Leiden, 1979. ISBN 90-04-05884-2.
- Yü Ying-shih, "Han foreign relations", Cambridge History of China: volume 1, The Ch'in and Han empires 221 B.C. – A.D. 220 Cambridge University Press, Cambridge [etc.], 1986, pp. 377-462. ISBN 0-521-24327-0.
- Vovin, Alexander. "Did the Xiongnu speak a Yeniseian language?". Central Asiatic Journal 44/1 (2000), pp. 87-104.