Tiếng Việt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tiếng Việt | ||
---|---|---|
Cách phát âm: | IPA: tiɜŋ₃₅ vḭɜt₃₁ (miền Bắc) tiɜŋ₃₅ jḭɜt₃₁ (miền Nam) |
|
Được nói tại: | Việt Nam, Hoa Kỳ, Campuchia, Pháp, Úc và nhiều nơi khác | |
Địa phương: | Đông Nam Á, Bắc Mỹ và Châu Âu | |
Tổng số người nói: • là tiếng mẹ đẻ |
80 triệu trở lên 70–73 triệu |
|
Xếp hạng: | 13–17 (như tiếng mẹ đẻ); gần bằng tiếng Triều Tiên, Telugu, Marathi và Tamil | |
Ngữ hệ: | Hệ Nam Á[1] Nhóm Môn-Khmer[1] Nhánh Việt-Mường Tiếng Việt |
|
Địa vị chính thức | ||
Ngôn ngữ chính thức tại: | Việt Nam | |
Điều hành bởi: | không ai điều hành chính thức | |
Mã ngôn ngữ | ||
ISO 639-1: | vi | |
ISO 639-2: | vie | |
ISO/FDIS 639-3: | vie | |
Tiếng Việt hay Việt ngữ[2] là ngôn ngữ của người Việt (người Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với gần ba triệu Việt kiều ở hải ngoại, mà phần lớn là người Mỹ gốc Việt. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt có một số từ vựng vay mượn từ tiếng Hán và trước đây dùng chữ Hán (chữ Nho) để viết, sau đó được cải biên thành chữ Nôm, tiếng Việt được coi là một trong số các ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á có số người nói nhiều nhất (nhiều hơn một số lần so với các ngôn ngữ khác cùng hệ cộng lại). Ngày nay tiếng Việt dùng bảng chữ cái Latinh, gọi là chữ Quốc Ngữ, cùng các dấu thanh để viết.
Theo ISO-639-2, mã của tiếng Việt là vi
,[3] còn mã ISO-639-3 của tiếng Việt là vie
.
Mục lục |
[sửa] Xếp loại
Với những cơ sở khoa học gần đây được đa số các nhà ngôn ngữ học thừa nhận, tiếng Việt thuộc hệ Nam Á ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, có quan hệ họ hàng gần nhất với tiếng Mường. Xa hơn một chút là các tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Thí dụ, từ tay trong tiếng Việt tương đương trong tiếng Mường là thay, trong tiếng Khmer là đay và trong tiếng Mông là tai.
[sửa] Lịch sử
Tiếng Việt là ngôn ngữ có nguồn gốc bản địa, xuất thân từ nền văn minh nông nghiệp tại nơi mà ngày nay là khu vực phía bắc lưu vực sông Hồng và sông Mã của Việt Nam.
Theo A. G. Haudricourt giải thích từ năm 1954, nhóm ngôn ngữ Việt-Mường ở thời kỳ khoảng Công nguyên là những ngôn ngữ hay phương ngữ không thanh điệu. Về sau hệ thống thanh điệu xuất hiện và có diện mạo như ngày nay, theo quy luật hình thành thanh điệu. Sự xuất hiện các thanh điệu, bắt đầu khoảng thế kỷ thứ 6 (thời kỳ Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam) với ba thanh điệu và phát triển ổn định vào khoảng thế kỷ 12 (nhà Lý) với 6 thanh điệu. Sau đó một số phụ âm đầu biến đổi cho tới ngày nay. Trong quá trình biến đổi, các phụ âm cuối rụng đi làm thay đổi các kết thúc âm tiết và phụ âm đầu chuyển từ lẫn lộn vô thanh với hữu thanh sang tách biệt.
Ví dụ [4] của A.G. Haudricourt.
Đầu công nguyên (không thanh) | Thế kỉ 6 (ba thanh) | Thế kỉ 12 (sáu thanh) | Ngày nay |
---|---|---|---|
pa | pa | pa | ba |
sla, hla | hla | la | la |
ba | ba | pà | bà |
la | la | là | là |
pas, pah | pà | pả | bả |
slas, hlah | hlà | lả | lả |
bas, bah | bà | pã | bã |
las, lah | là | lã | lã |
pax, pa? | pá | pá | bá |
slax, ba? | hlá | lá | lá |
bax, ba? | bá | pạ | bạ |
lax, la? | lá | lạ | lạ |
[sửa] Ảnh hưởng từ miền nam Trung Hoa
Tiếng Việt là ngôn ngữ dùng trong sinh hoạt giao tiếp của dân thường từ khi lập quốc. Có 6 âm sắc chính là: không sắc, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Bắt đầu từ khi Trung Quốc có ảnh hưởng tới Việt Nam, tiếng Việt có rất nhiều âm mà không có trong tiếng Trung Hoa; "đ". Trong quá trình phát triển đã du nhập thêm những từ ngữ Hán cổ như đầu, gan, ghế, ông, bà, cậu..., từ đó hình thành nên hệ thống Hán-Việt trong tiếng Việt bằng cách đọc các chữ Hán theo ngữ âm hiện có của tiếng Việt (tương tự như người Nhật Bản áp dụng kanji đối với chữ Hán và katakana với các tiếng nước ngoài khác). Số lượng từ vựng tiếng Việt có thêm hàng loạt các yếu tố Hán-Việt. Như là tâm, minh, đức, thiên, tự do... giữ nguyên nghĩa chỉ khác cách đọc; hay thay đổi vị trí như nhiệt náo thành náo nhiệt, thích phóng thành phóng thích... Hoặc được rút gọn như thừa trần thành trần (trong trần nhà), lạc hoa sinh thành lạc (trong củ lạc, còn gọi là đậu phộng)...; hay đổi khác nghĩa hoàn toàn như phương phi trong tiếng Hán có nghĩa là "hoa cỏ thơm tho" thì trong tiếng Việt lại là "béo tốt", bồi hồi trong tiếng Hán nghĩa là "đi đi lại lại" sang tiếng Việt thành "bồn chồn, xúc động".... Đặc biệt là các yếu tố Hán-Việt được sử dụng để tạo nên những từ ngữ đặc trưng chỉ có trong tiếng Việt, không có trong tiếng Hán như là các từ sĩ diện, phi công (dùng 2 yếu tố Hán-Việt) hay bao gồm, sống động (một yếu tố Hán kết hợp với một yếu tố thuần Việt). Nói chung tỉ lệ vay mượn tiếng Hán trong tiếng Việt rất lớn (khoảng 50%) nhưng đại đa số những từ đó đều đã được Việt hóa cho phù hợp với nhận thức của người Việt. Do vậy tiếng Việt vừa giữ được bản sắc riêng của mình trước ảnh hưởng của văn hóa Hán, vừa lợi dụng được những thành tựu ngôn ngữ trong tiếng Hán để tự cải tiến mình.
Kể từ đầu thế kỷ thứ 11, Nho học phát triển, việc học văn tự chữ Nho được đẩy mạnh, tầng lớp trí thức được mở rộng tạo tiền đề cho một nền văn chương của người Việt bằng chữ Nho cực kỳ phát triển với cái áng văn thư nổi tiếng như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt bên sông Như Nguyệt (sông Cầu). Cùng thời gian này, một hệ thống chữ viết được xây dựng riêng cho người Việt theo nguyên tắc ghi âm tiết được phát triển, và đó chính là chữ Nôm. Nhờ có chữ Nôm, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển rực rỡ nhất, đạt đỉnh cao với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tiếng Việt, được thể hiện bằng chữ Nôm ở những thời kỳ sau này về cơ bản rất gần với tiếng Việt ngày nay. Tuy hầu hết mọi người Việt đều có thể nghe và hiểu văn bản bằng chữ Nôm, chỉ những người có học chữ Nôm mới có thể đọc và viết được chữ Nôm.
Chữ Nôm được chính thức dùng trong hành chính khi vua Quang Trung lên ngôi vào năm 1789.
[sửa] Ảnh hưởng của Pháp
Kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, tiếng Pháp dần dần thay thế vị trí của chữ Nho như là ngôn ngữ chính thức trong giáo dục, hành chính và ngoại giao. Chữ Quốc ngữ, vốn được tạo ra bởi một số nhà truyền giáo Tây phương, đặc biệt là linh mục Alexandre de Rhodes (tác giả cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và Ngữ pháp tiếng An Nam năm 1651), với mục đích dùng ký tự Latinh để biểu diễn tiếng Việt, ngày càng được phổ biến, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi những thuật ngữ, từ ngữ mới của ngôn ngữ Tây phương (chủ yếu là từ tiếng Pháp) như phanh, lốp, găng, pê đan... và tiếng Hán như chính đảng, kinh tế, giai cấp, bán kính... Tờ Gia Định báo là tờ báo đầu tiên được phát hành bằng chữ Quốc Ngữ vào năm 1865, khẳng định sự phát triển và xu hướng của chữ Quốc Ngữ như là chữ viết chính thức của nước Việt Nam độc lập sau này.
[sửa] Thời kỳ 1945 cho đến nay
Chữ Quốc Ngữ đã được sử dụng trong bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc, đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chữ Quốc Ngữ là chữ ghi âm, chỉ sử dụng 27 ký tự Latin và 6 dấu thanh, đơn giản, tiện lợi và có tính khoa học cao, dễ học, dễ nhớ, thông dụng; thay thế hoàn toàn tiếng Pháp và tiếng Hán vốn khó đọc, khó nhớ, không thông dụng với người Việt.
Trong thời kỳ đất nước chia cách sau Hiệp định Giơnevơ, sự phát triển tiếng Việt giữa miền Bắc và miền Nam có chiều hướng khác nhau. Vì lý do chính trị và kinh tế, chính quyền miền Bắc có mối quan hệ sâu xa với Trung Quốc, và sự hiện diện của các chuyên viên nhân sự Trung Quốc đưa nhiều từ Bạch Thoại (ngôn ngữ nói của Trung Quốc) vào ngữ vựng tiếng Việt[cần chú thích]. Những từ này thường có gốc Hán-Việt, nhưng thường đổi ngược thứ tự hay có nghĩa mới. Tại miền Nam, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ đã đem một số từ tiếng Anh vào ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày[cần chú thích].
Sau khi thống nhất vào năm 1975, quan hệ Bắc Nam được kết nối lại. Gần đây, sự phổ biến của các phương tiện truyền thanh và truyền hình trên toàn quốc đã làm tiếng Việt được chuẩn hóa một phần nào.
[sửa] Phân bổ
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam, và cũng là ngôn ngữ phổ thông đối với các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Thêm vào đó, tiếng Việt được hơn 1 triệu người sử dụng tại Hoa Kỳ (đứng thứ 7 toàn quốc, thứ 3 tại Texas, thứ 4 tại Arkansas và Louisiana, và thứ 5 tại California), cũng như trên 100.000 người tại Canada và Úc (đứng thứ 6 toàn quốc).
Theo Ethnologue[5], tiếng Việt còn được nhiều người sử dụng tại Anh, Ba Lan, Campuchia, Côte d'Ivoire, Đức, Hà Lan, Lào, Na Uy, Nouvelle-Calédonie, Phần Lan, Pháp, Philippines, Séc, Sénégal, Thái Lan, Trung Quốc và Vanuatu. Tiếng Việt cũng còn được dùng bởi những người Việt sống tại Đài Loan, Nga...
[sửa] Ngữ âm
[sửa] Thanh điệu
Dấu | Chữ mẫu |
---|---|
ngang | a |
huyền | à |
sắc | á |
hỏi | ả |
ngã | ã |
nặng | ạ |
Trong tiếng Việt có sáu thanh: ngang (không dấu: a), huyền (nghiêng trái: à), sắc (nghiêng phải: á), hỏi (dấu hỏi: ả), ngã (dấu ngã: ã) và nặng (dấu chấm: ạ). Tất cả các dấu đều được đặt trên nguyên âm, riêng dấu nặng được đặt dưới nguyên âm.
- chị huyền mang nặng ngã đau
- anh ngang sắc thuốc hỏi đầu bớt chưa
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm, nhưng những từ ghép cũng có nhiều. Nguyên âm đôi và nguyên âm ba rất thông thường. Tiếng Việt có nhiều giọng địa phương, trong đó có giọng Bắc (điển hình là giọng Hà Nội), giọng Trung (điển hình là giọng Huế) và giọng Nam (điển hình là giọng Sài Gòn) là ba phân loại chính. Những tiếng địa phương này khác nhau ở giọng điệu và từ địa phương. Thanh hỏi và thanh ngã ở miền Bắc rõ hơn ở miền Nam. Giọng Huế khó hiểu hơn những giọng khác vì có nhiều từ địa phương. Cách đọc tiêu chuẩn hiện nay được dựa vào giọng Hà Nội.
[sửa] Ngữ pháp
[sửa] Phương ngữ
[sửa] Từ vựng
[sửa] Chữ viết và cách viết
Hiện nay, tiếng Việt dùng hệ chữ viết như ký tự Latin gọi là chữ Quốc Ngữ. Theo tài liệu của những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lúc trước, chữ Quốc Ngữ phát triển từ thế kỷ thứ 17, do công của một nhà truyền giáo người Pháp tên là Alexandre de Rhodes (1591–1660). Sau cuộc xâm lăng của người Pháp giữa thế kỷ thứ 19, chữ Quốc Ngữ trở nên thịnh hành và hầu như tất cả các văn bản viết đều dùng nó. Trước đó, người Việt dùng hai loại chữ viết là chữ Nho (chữ Hán đọc theo cách Việt Nam – ngôn ngữ hành chính) và chữ Nôm (mô phỏng chữ Nho để viết chữ thuần Việt – ngôn ngữ dân gian).
Có thuyết cho rằng người Việt đã có chữ viết từ thời Hùng Vương, là loại chữ được các tài liệu về sau gọi là "khoa đẩu" (chữ nòng nọc) hay "hỏa tự" (chữ lửa). Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà giáo Đỗ Văn Xuyền đã lập được một bộ chữ cái mà ông cho là của loại chữ viết trên, cùng một bảng song ngữ với chữ cái La Tinh. [6]. Thuyết này chưa được công nhận rộng rãi tại Việt Nam.
Ngày nay, chữ Nho và chữ Nôm không còn thông dụng ở Việt Nam; chữ Nôm đã bị mai một nhiều.
[sửa] Thư pháp
Cùng với chữ Hán và chữ Hàn, chữ viết tiếng Việt cúng được nhiều người yêu thích thư pháp nâng lên thành một nghệ thuật.
Có thể nói, thư pháp chữ Việt đầu tiên được viết là thư pháp chữ Nôm. Dần dần, cùng với việc chữ Nôm bị thay thế bởi chữ quốc ngữ, do nhu cầu treo chữ trong nhà, người ta đã khởi xướng thư pháp chữ quốc ngữ
[sửa] Chính tả
Những quy tắc chính tả dưới đây đã được tham khảo rất nhiều qua những thảo luận về chính tả tiếng Việt, thậm chí đã quay ngược lại lịch sử từ năm 1902 khi Hội nghị Khảo cứu Viễn Đông được tổ chức tại đây, vấn đề về chữ Quốc Ngữ đã được Uỷ ban Cải cách Chữ Quốc Ngữ đề nghị lên chính phủ Toàn quyền lúc bấy giờ. Từ đó tới nay, đã có rất nhiều thảo luận được tổ chức nên đã giúp quy tắc chính tả tiếng Việt dần được điển chế hoá tới một mức độ khả quan hơn. Song song đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự chuẩn hoá của mã chữ Unicode đã mang tính quyết định trong việc hệ thống hoá những quy tắc về chính tả tiếng Việt.
[sửa] Các định nghĩa
Các định nghĩa sau quan trọng cho việc xây dựng các quy tắc chính tả:
- Âm tiết
- Âm tiết là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất trong ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu, và tách rời với âm tiết khác bằng một khoảng trống. Trên chữ viết, mỗi âm tiết tiếng Việt được ghi thành một "chữ" và đọc thành một "tiếng". Ví dụ: hoa hồng bạch gồm 3 chữ, 3 tiếng hoặc 3 âm tiết.
- Nguyên âm
- Các nguyên âm là a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư và y. Trong đó, các nguyên âm có dấu phụ là ă, â, ê, ô, ơ và ư.
- Bán nguyên âm
- Chỉ có 3 trường hợp của oa, oe, uy thì có o và u là bán nguyên âm, đóng vai trò đệm cho nguyên âm. Có nghĩa là o và u không được xem là nguyên âm trong tổ hợp 3 âm tiết trên.
- Phụ âm
- Các phụ âm là b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x.
- Tổ hợp phụ âm
- Các phụ âm ghép chuẩn là ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr, gi và qu. Ngày nay, các tổ hợp phụ âm không được nhìn là chữ riêng khi sắp xếp theo chữ cái, cho nên những từ điển mới bỏ ch ở giữa ca và co, nhưng một số từ điển cũ, như là Từ-Điển Thông-Dụng Anh-Việt Việt-Anh của Nguyễn Văn Khôn năm 1987, bỏ ch đằng sau co.
- Chú ý: gi và qu là tổ hợp bán phụ âm. Tại đây, i và u không là nguyên âm, mà chỉ là một bộ phận của phụ âm bất khả phân li.
[sửa] Đặt dấu thanh
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc vị trí đặt dấu thanh, một trong các quan điểm đó như sau:
- Với các âm tiết [-tròn môi] (âm đệm /zero/) có âm chính là nguyên âm đơn: Đặt dấu thanh điệu vào vị trí của chữ cái biểu diễn cho âm chính đó. Ví dụ: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng...
- Với các âm tiết [+tròn môi] (âm đệm /w/, được biểu diễn bằng "o, u") có âm chính là nguyên âm đơn thì cũng bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: hoà, hoè, quỳ, quà, quờ, thuỷ, nguỵ, hoàn, quét, quát, quỵt, suýt...
- Với các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi:
- Nếu là âm tiết [-khép] (nguyên âm được viết là: "iê, yê, uô, ươ"; âm cuối được viết bằng: "p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i") thì bỏ dấu lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: yếu, uốn, ườn, tiến, chuyến, muốn, mượn, thiện, thuộm, người, viếng, muống, cường...
- Nếu là âm tiết [+khép] (nguyên âm được viết là: "ia, ya, ua, ưa") thì nhất loạt bỏ dấu vào vị trí chữ cái thứ nhất trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: ỉa, tủa, cứa, thùa, khứa...
- Phân biệt vị trí đặt dấu thanh điệu ở tổ hợp "ua" và "ia":
- Với "ia" thì thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "g" ở đầu âm tiết. Có "g" thì đặt vào "a" (già, giá, giả...), không có "g" thì đặt vào "i" (bịa, chìa, tía...). Trường hợp đặc biệt: "gịa" (có trong từ "giặt gịa" và đọc là zịa [ʐie6]).
- Với "ua" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "q". Có "q" thì đặt vào "a" (quán, quà, quạ...), không có "q" thì đặt vào "u" (túa, múa, chùa...). Hoặc để giản tiện cho việc làm bộ gõ, có thể coi "qu" như là một tổ hợp phụ âm đầu tương tự như "gi, nh, ng, ph, th"... Khi đó, sẽ coi "quán, quà, quạ"... như là những âm tiết có âm đệm /zero/.
Trong đời sống, hiện vẫn tồn tại hai cách đặt dấu thanh trong tiếng Việt. Ví dụ "hòa" là một cách đặt dấu thanh khác cho "hoà", trong đó "hòa" còn gọi là cách đặt dấu thanh "cũ". Bảng sau liệt kê các trường hợp mà hai cách đặt dấu thanh khác nhau:
Cũ | Mới |
---|---|
òa, óa, ỏa, õa, ọa | oà, oá, oả, oã, oạ |
òe, óe, ỏe, õe, ọe | oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ |
ùy, úy, ủy, ũy, ụy | uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ |
Những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" cho rằng vì oa, oe & uy phiên âm theo IPA là wa, we & wi nên phải bỏ dấu vào vần a, e và i tương đương.
Trong khi đó những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" thì cho rằng cách lí luận như trên là thiếu cơ sở vì IPA là để biểu thị cách phát âm chứ không phải biểu thị cách viết do đó không thể dùng để quyết định là cách bỏ dấu kiểu "mới" là đúng hơn. Thêm vào đó, IPA mới chỉ được phát triển vào cuối thế kỉ 19, trong khi chữ Quốc Ngữ đã được phát triển hoàn toàn độc lập và không ngừng thay đổi từ thế kỉ 17. Do đó, theo những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" việc dùng IPA để quyết định xem tiếng Việt phải bỏ dấu thế nào là bất hợp lí. Những người này còn cho rằng mặc dù IPA là phương pháp biểu thị cách phát âm phổ dụng nhất nhưng không có nghĩa là cách biểu thị cách phát âm duy nhất cũng như không phải là cách biểu thị cách phát âm chính xác nhất vì vậy không có lí gì lại sử dụng nó làm chuẩn để quyết định cách bỏ dấu tiếng Việt mà không phải là một trong các phương pháp biểu thị cách phát âm khác.
Hơn nữa, theo như những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" thì việc dùng IPA để quyết định cách tiếng Việt bỏ dấu là thiếu thống nhất vì lẽ IPA là phương pháp phiên âm quốc tế do đó nếu nó có thể áp dụng trong tiếng Việt để làm chuẩn mực cho vị trí bỏ dấu theo cách lí luận của những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" thì cũng phải áp dụng được cho toàn bộ các ngôn ngữ khác trên thế giới. Tuy nhiên, cách lí luận đó lại không thể giải thích thỏa đáng việc tại sao chữ C
trong tiếng Catalan (phiên âm IPA là /k/
hoặc /s/
) lại có thể được bỏ dấu để trở thành Ç
(phiên âm IPA là /s/
). Những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" còn cho rằng lí luận như những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" là sử dụng một số ngôn ngữ nhất định để làm chuẩn mực cho toàn bộ các ngôn ngữ khác bởi vì đúng là ở một số ngôn ngữ thì không thể bỏ dấu trên chữ w
, nhưng ở một số ngôn ngữ (ví dụ như tiếng Wales thì chữ w
hoàn toàn có thể được bỏ dấu), do đó, bỏ dấu kiểu "cũ" vẫn dựa chính xác theo cách phát âm.
Trên quan điểm ngôn ngữ là do con người tạo nên và luôn biến đổi theo nhu cầu của con người, những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "cũ" còn chỉ trích những người ủng hộ cách bỏ dấu kiểu "mới" là đang cố phức tạp hóa tiếng Việt, gây khó khăn không cần thiết nhất là trong giảng dạy học sinh tiểu học cũng như trong việc phát triển thuật toán và xử lí tiếng Việt trên máy vi tính. Họ còn cho rằng, thêm một quy tắc như trên không đem lại gì cho tiếng Việt nói chung và chữ Quốc Ngữ nói riêng do đó là hoàn toàn không cần thiết. Họ lấy dẫn chứng cho quan điểm của mình là việc chữ Quốc Ngữ từ khi được phát triển vào thế kỉ 17 đến nay đã trải qua rất nhiều thay đổi, bổ sung có và loại bỏ cũng có.
[sửa] Quy tắc sử dụng chữ I và Y
Trừ tên riêng, đề xuất tương đối hợp lí[7] cách dùng hai chữ i-ngắn và y-dài hiện nay như sau:
- Đối với các âm tiết có phụ âm đầu /ʔ/, âm đệm /zero/, âm chính /i/ và âm cuối /zero/, thì có hai cách viết:
- Dùng "i" trong các trường hợp từ thuần Việt, cụ thể là: i - i tờ; ì - ì, ì ạch, ì à ì ạch, ì ầm, ì oạp; ỉ - lợn ỉ, ỉ eo, ỉ ôi; í - í a í ới, í oắng, í ới; ị - ị, béo ị
- Dùng "y" trong các trường hợp còn lại (thường là từ Hán-Việt), ví dụ: y - y tế, y nguyên, y phục; ỷ - ỷ lại; ý - ý nghĩa, ý kiến...
- Đối với các âm tiết có âm đệm /zero/ và âm chính /ie/ thì dùng "i". Ví dụ: ỉa, chịa, đĩa, tía... kiến, miền, thiến... Trừ trường hợp có âm đầu /ʔ/ và âm cuối không /zero/ thì dùng "y": yếm, yến, yêng, yêu...
- Đối với các âm tiết có âm đệm /w/, âm chính là /i/ hoặc /ie/ thì dùng "y". Ví dụ: huy, quý, quýt... khuya, tuya, xuya... quyến, chuyền, tuyết, thuyết...
- Việc biểu diễn nguyên âm /i/ trong các trường hợp còn lại (âm đệm /zero/) thì dùng "i". Ví dụ: inh, ích, ít... bi, chi, hi, kì, khi, lí, mì, phi, ti, si, vi... bình, chính, hít, kim, lịm, mỉm, nín, phình, tính, sinh, vinh...
- Việc biểu diễn âm cuối /-j/ không có gì thay đổi, vẫn dùng "y" trong các trường hợp có nguyên âm chính ngắn: (bàn) tay, (thợ) may, tây, sấy... và dùng "i" trong các trường hợp còn lại: (lỗ) tai, (ngày) mai, cơi, coi, côi...
[sửa] Dấu hỏi hay dấu ngã
Tiếng Việt có 6 thanh là ngang (hoặc không) – huyền – ngã – hỏi – sắc – nặng. Đối với một số người, việc phân biệt hai thanh hỏi và ngã khá phức tạp[8].
Thư mục tham khảo về chính tả tiếng Việt được liệt kê ở phần Liên kết ngoài.
[sửa] Chú thích
- ^ a b Có người tranh luận là nhánh Việt-Mường là nhánh tách biệt, chứ không nằm ở dưới nhánh Môn-Khmer và hệ Nam Á, nhưng phân loại bên trên vẫn được công nhận thông thường.
- ^ Đôi khi cũng được gọi "tiếng Việt Nam". Lê Bá Khanh; Lê Bá Kông [1975] (1998). Vietnamese-English/English-Vietnamese Dictionary, lần in số 7 (bằng tiếng Việt, Anh), Thành phố New York (Hoa Kỳ): NXB Hippocrene Books. ISBN 0-87052-924-2. “Việt. — Nam: ... Tiếng — Nam: Vietnamese... Ông ấy có thể nói tiếng — Nam: He can speak Vietnamese.”
- ^ http://lcweb.loc.gov/standards/iso639-2/
- ^ Âm vị tiếng Việt
- ^ http://www.ethnologue.com/show_language.asp?code=vie
- ^ VietNamNet, Người tìm chữ cổ, 04/03/2008
- ^ Theo http://ngonngu.net/index.php?fld=home&pst=quyuoc
- ^ Xin mời tham khảo bài viết của nhà ngôn ngữ học Đoàn Xuân Kiên hiện đang cư ngụ tại Anh Quốc.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
[sửa] Liên kết chung
- Tiếng Việt (Lịch sử, Phương ngữ, Các vấn đề mới nảy sinh)
- Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes trên mạng
- Từ điển tiếng Việt xưa trên mạng nhà sách Sông Hương: Từ điển Việt-Latinh của J.L. Taberd, Từ điển Việt Bồ La, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị
- Triển Lãm Bảo Tàng Anh: Triển lãm tiếng Việt, trong đó có Truyện Kiều.
- Học tiếng Việt bằng phim video Vinatown
- Hội Bảo tồn Di sản Nôm: Một hội bảo tồn chữ Nôm
- Từ điển đa ngữ 11 từ điển trực tuyến trong đó có từ điển tiếng Việt
- VDict – Từ điển Anh Pháp Việt trực tuyến
- Bồ Đào Nha và chữ Quốc ngữ
- Giáo sĩ Bồ Đào Nha và chữ Quốc ngữ
- Từ vựng Tiếng Việt - Giáo trình Đại học Cần Thơ
- Bài thơ được viết theo kiểu Thuận nghịch độc
- Danh sách các từ tiếng Việt mượn từ tiếng Pháp của Jubinell
- Chữ Việt cổ
- Hệ thống giáo dục thời Hùng Vương
[sửa] Chính tả tiếng Việt
- Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt – Vũ Xuân Lương, Trung Tâm Từ Điển Học
- Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài áp dụng trong bộ "Từ điển bách khoa Việt Nam" (theo văn bản giới thiệu)
- Bàn về chuyện "đánh dấu thanh" trong tiếng Việt – Đoàn Xuân Kiên
- Chữ i và y trong chính tả tiếng Việt - Đoàn Xuân Kiên
- Nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt – Đoàn Xuân Kiên
- Một số giải pháp cải tiến chữ quốc ngữ có liên quan đến vấn đề vị trí đặt dấu thanh điệu và sử dụng "i/y" – Các trích đoạn nội dung của các hội nghị về vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học (tổ chức trong các năm 1978 và 1979), được đăng trong Tạp chí Ngôn ngữ số 3+4(1979).
- Một ý kiến nhỏ về cách ghi dấu thanh trên văn bản tiếng Việt – Trần Thị Thìn, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1 (1995), tr. 72–76.
- Vị trí đặt dấu thanh điệu trong chữ quốc ngữ – Trích dẫn từ: Hoàng Phê – Nguyễn Ngọc Trâm. Một số vấn đề từ điển học. (In trong Một số vấn đề từ điển học – Viện Ngôn ngữ học). Nxb Khoa học Xã hội, H., 1997, tr. 19.
- Dấu hỏi ngã – Đoàn Xuân Kiên
- Rèn luyện chính tả, bài giảng môn Tiếng Việt thực hành, Khoa Sư phạm, Đại học Cần Thơ
- Tự điển chữ Nôm trích dẫn
[sửa] Phần mềm
- VPS key của Hội Chuyên Gia Việt Nam
- Phần mềm gõ tiếng Việt WinVNKey
- Thư viện lập trình đọc tiếng Việt
- Phần mềm gõ tiếng Việt Unikey
- Phần mềm soạn thảo, sắp xếp, chuyển mã tiếng Việt VietPad
- Từ điển Hán Việt (Thiều Chửu)
- Phần mềm gõ tiếng Việt Xvnkb
- Phần mềm kiểm lỗi chính tả và chuyển mã văn bản của Sobic