See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Huldrych Zwingli – Wikipedia tiếng Việt

Huldrych Zwingli

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cải cách Kháng Cách
Năm Tín lý Duy nhất
Lịch sử Kháng Cách
Phong trào & Giáo phái
Kháng Cách
Pháp Huguenot
Đức Giáo hội Luther
Thụy Sĩ Giáo hội Cải cách
Thần học Calvin
Anabaptist
Hà Lan Mennonite
Anh Quốc Giáo hội Anh Quốc
Anh giáo
Thanh giáo
Scotland Trưởng Lão
Ý Waldensians
Nhà cải cách
Huldrych Zwingli
William Tyndale
Menno Simmons
Martin Luther
Thomas Müntzer
John Calvin
Henry VIII
Thomas Cranmer
John Knox
John Wesley
Tiền thân
John Wycliffe
Jan Hus

Huldrych (hoặc Ulrich) Zwingli (1 tháng 1 năm 1484 – 11 tháng 10 năm 1531) là nhà lãnh đạo cuộc Cải cách Kháng Cách tại Thụy Sĩ, và là người sáng lập các Giáo hội Cải cách Thụy Sĩ. Dù hoạt động độc lập với Martin Luther, là một học giả Kinh Thánh, Zwingli, sau khi nghiên cứu Kinh Thánh trên quan điểm của một học giả theo chủ nghĩa nhân bản, đã đi đến những kết luận tương tự với Luther.

Zwingli chào đời ở Wildhaus, St. Gall, Thụy Sĩ, trong một gia đình danh giá thuộc giai cấp trung lưu. Ông là con thứ bảy trong tám người con. Cha của Zwingli là chánh án của thị trấn, chú của ông, Bartholomeus, là cha xứ.

Cuộc cải cách của Zwingli, nhận được sự ủng hộ từ các viên chức chính quyền và từ dân chúng thành phố Zurich, dẫn đến những thay đổi triệt để trong đời sống của cư dân lẫn các vấn đề chính sự ở Zurich. Phong trào này cũng được biết đến vì sự bách hại không thương xót đối với nhóm Anabaptist và những người khác theo đuổi lập trường bất phản kháng. Cuộc cải cách lan toả từ Zurich đến năm tiểu bang (canton) của Thụy Sĩ, trong khi năm bang còn lại vẫn tiếp tục duy trì đức tin Công giáo.

Zwingli thiệt mạng tại Kappel am Albis, trong một trận đánh chống lại các tiểu bang theo Công giáo.

Mục lục

[sửa] Đóng góp

Trong khi có rất nhiều thông tin liên quan đến các nền thần học của Martin Luther, John Calvin, và các nhà cải cách khác, thì những hiểu biết có được về Zwingli là tương đối ít. Vì cớ Zwingli sống cùng thời với Luther, và vì Zwingli từ bỏ cuộc sống tu trì theo đức tin Công giáo vài năm sau Luther, cuộc đời và sự nghiệp của Zwingli bị phủ bóng bởi Luther và Calvin trong những đóng góp dành cho cuộc cải cách.

Một lý do khác giải thích sự mờ nhạt của Zwingli là do những bất đồng của ông đối với nền thần học Luther. Một số người tin rằng những dị biệt thần học này là do những người viết sử và những người cực đoan, có thiện cảm với quan điểm thần học của Luther, đã thêm thắt vào nhằm áp chế nền thần học Zwingli. Họ tin rằng “phe thắng thế trong lịch sử là phe viết lịch sử”; trong khi “những người phía bên kia” hoặc bị lãng quên, hoặc bị đàn áp.

[sửa] Thần học: Thánh lễ và Giao ước

Có một sự khác biệt lớn trong nhãn quan thần học giữa Zwingli và Luther, ấy là ân điển đối nghịch với công đức trong mối quan hệ với các thánh lễ Cơ Đốc. Nhiều người xem Luther là người khởi xướng niềm xác tín cho rằng giao ước của Thiên Chúa với con người là không có điều kiện; trong khi Zwingli tin rằng giao ước của Thiên Chúa, là cam kết giữa Thiên Chúa và con người, có thể bị tổn hại nếu con người sa ngã vào cuộc sống tội lỗi, cuối cùng sẽ dẫn đến việc vô hiệu hoá cam kết ấy về phần Thiên Chúa.

E. Brooks Holifield luận giải trong The Covenant Sealed: The Development of Puritan Sacramental Theology in Old and New Testaments (Giao ước được ấn chứng: Sự Phát triển của Thần học Thánh lễ Thanh giáo trong Tân ƯớcCựu Ước – 1570-1720, New Haven, Conn. : Yale University press, 1974, 6) “Khi Luther gọi thánh lễ là sự ấn chứng dành cho giao ước, ông ngụ ý rằng lễ báp têm thể hiện sự chuẩn thuận và bảo đảm lời hứa của Thiên Chúa, giống như dấu ấn của vua xác nhận một sắc chỉ triều đình, kế đó thánh lễ mới mang ý nghĩa của một lời hứa nguyện tuân phục Thiên Chúa. Song đối với Zwingli, thánh lễ là một chỉ dấu của giao ước bày tỏ ước nguyện của người nhận thánh lễ muốn hiến dâng cuộc đời cho Chúa Cơ Đốc”.

Cả Luther và Zwingli đều tin rằng lễ báp têm là chỉ dấu hoặc biểu trưng cho giao ước mới. Sự khác biệt về thần học chỉ nảy sinh khi luận giải về mối quan hệ giữa lễ báp têm và con người. Trong khi Luther tin rằng ân điển của Thiên Chúa là đầy đủ cho sự cứu rỗi, do đó theo định nghĩa của ông, lễ báp têm là dấu chứng của việc nhận lãnh một sự bảo đảm thiên thượng cho ân điển, thì Zwingli dạy rằng ân điển của Thiên Chúa, cùng với nỗ lực của con người, là cần thiết cho sự cứu rỗi, do đó theo định nghĩa của ông, lễ báp têm là giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước hoặc sự cam kết này đòi buộc hai bên đều có trách nhiệm; nếu một bên không tuân thủ giao ước, bên kia sẽ không còn trách nhiệm thực thi những điều đã cam kết.

Một sự khác biệt quan trọng khác giữa Zwingli và các giáo phái khác trong cộng đồng Kháng Cách là về ý nghĩa của lễ Tiệc Thánh (Bí tích Thánh thể). Trong khi Luther tin rằng thân thể và huyết của Chúa Giê-xu thật sự hiện diện trong bánh và rượu nho của thánh lễ (thường được gọi là thuyết đồng thể - consubstantiation), Zwingli cho rằng thánh lễ Tiệc Thánh chỉ có ý nghĩa biểu trưng và hồi niệm. Những dị biệt thần học đã được đem ra thảo luận tại buổi Toạ đàm Marburg năm 1529. Ngược lại, nhà cải cách thuộc thế hệ kế tiếp, John Calvin, tin rằng Chúa Cơ Đốc hiện diện trong thánh lễ, trong ý nghĩa thuộc linh, không phải thuộc thể; dù vậy, có những nhà thần học chịu ảnh hưởng Calvin như Charles Hodge lại có khuynh hướng tập chú vào ý nghĩa hồi niệm của thánh lễ Tiệc Thánh.

Zwingli cũng được biết đến với quan điểm cho rằng thánh lễ Cơ Đốc giáo tương tự với lời tuyên thệ của các chiến binh bày tỏ ước nguyện muốn lắng nghe và tuân phục Lời của Thiên Chúa (Kinh Thánh).

[sửa] Cuộc đời

[sửa] Tuổi trẻ

Huldrych Zwingli
Dòng thời gian
  • Zwingli chào đời - 1484
  • Zwingli linh mục tại Glarus - 1506
  • Zwingli tuyên uý tại Marignano- 1515
  • 95 Luận đề của Luther - 1517
  • Charles V trở nên Hoàng đế Thánh chế La Mã - 1519
  • Zwingli linh mục tại đại giáo đường ở Zürich - 1519
  • Giáo hoàng cấm Martin Luther - 1521
  • Tân Ước được dịch sang Đức ngữ - 1522
  • Adrian VI lên ngai giáo hoàng - 1522
  • Zwingli kết hôn - 1522
  • Zwingli xuất bản luận văn đầu tiên
  • Cuộc Cải cách thành công ở Zurich - 1523
  • Clement VII lên ngai giáo hoàng - 1523
  • Cuộc nổi dậy của nông dân ở Đức - 1524
  • Phong trào Anabaptist ở Thuỵ Sĩ - 1525
  • Luther kết hôn với Katharina von Bora - 1525
  • Zwingli xuất bản luận văn "Về đạo thật và đạo giả" - 1525
  • Charles V; chinh phục La Mã
  • Cuộc Cải cách thành công tại Berne - 1528
  • Zwingli hội kiến Luther tại Marburg - 1529
  • Confessio Augustana - 1530
  • Liên minh Schmalkalden - 1531
  • Zwingli thiệt mạng tại mặt trận Kappel- 1531
  • Calvin chấp nhận đức tin Kháng Cách - 1533
  • Calvin đến Geneva - 1536
  • Confessio Helvetia trước - 1536

Zwingli nhận lãnh sự giáo dục ban đầu từ chú của ông, Bartolomeus. Sau khi hoàn tất chương trình học tại Berne, năm 1498, Zwingli theo học tại Đại học Vienna, sau khi bị trục xuất trong thời gian một năm, ông tiếp tục nghiên cứu ở Vienna cho đến năm 1502, khi ông dời đến Đại học Basel, nhận văn bằng cử nhân năm 1504 và thạc sĩ thần học năm 1506.

[sửa] Linh mục

Ngay trước khi nhận học vị thần học, Zwingli trở thành cha xứ tại Glarus và ở đó suốt mười năm. Trong thời gian sống tại Glarus ông kịp trau dồi để trở nên thông thạo Hi văn và bắt tay nghiên cứu tiếng Hebrew. Bên cạnh nỗ lực học các ngôn ngữ Kinh Thánh, ông còn đọc các tác phẩm của Erasmus, hình thành một số ảnh hưởng trên tư tưởng của ông.

Mặc dù chống đối việc sử dụng lính đánh thuê Thuỵ Sĩ (phổ biến tại Âu châu thế kỷ 16) trừ khi trường hợp được uỷ nhiệm bởi giáo hoàng, Zwingli đã vài lần chấp nhận công việc của một tuyên uý quân đội khi những thanh niên trong giáo xứ của ông gia nhập đạo quân đánh thuê đến Ý. Nhờ lập trường chống đối việc gởi lính đánh thuê ra nước ngoài cùng danh tiếng của một nhà thuyết giáo tài năng và một học giả uyên bác, năm 1518 ông được chọn làm linh mục cho nhà thờ Great Minster (tên tiếng Đức Grossmunster) ở Zurich. Trước đó ông là linh mục cho Tu viện Einsiedeln (Einsiedeln Abbey) trong hai năm.

Sự kiện Zwingli muốn rời bỏ Glarus do tinh thần thân Pháp ngày càng mạnh mẽ ở đây là chỉ dấu cho thấy Zwingli, trong giai đoạn này, có lập trường ủng hộ giáo hoàng. Các tác phẩm văn chương của Zwingli giúp thiết lập tình thân hữu giữa ông và Hồng y Mattias Schinner, và giúp ông nhận một khoản trợ cấp hằng năm từ La Mã.

[sửa] Xa cách Giáo hội La Mã

Khi đang là một linh mục tại nhà thờ Great Minster, Zwingli bắt đầu có những tra vấn về giáo lý của Giáo hội Công giáo. Zwingli luôn nói rằng ông không biết những gì Luther trước tác, và cho rằng cuộc cải cách ở Thuỵ Sĩ do ông khởi xướng là độc lập với Luther. Khi một nhà thuyết giảng về phép giải tội (indulgence) xuất hiện tại Zurich trong năm 1519, Zwingli đã chống đối người này, hai năm sau khi Luther phản bác tập tục bán phép giải tội trong 95 luận đề của ông.

Năm 1520, Zwingli từ chối trợ cấp từ giáo hoàng. Ngày 5 tháng 5 năm 1521, ông đả kích hệ thống lính đánh thuê, và thuyết phục thành phố Zurich, đi ngược với các tổng khác, từ chối liên minh với Pháp. Ngày 11 tháng 1 năm 1522, tất cả trợ cấp và dịch vụ nước ngoài tại Zurich đều bị cấm đoán.

Nhờ những thành công trong lĩnh vực chính trị, Zwingli xúc tiến những hoạt động xã hội suốt trong cơn dịch năm 1520, và uy tín cũng như vị trí của ông tăng cao. Từ năm 1522, Zwingli bắt đầu quan tâm đến các cải cách trong giáo hội và trong đức tin. Tác phẩm mang tư tưởng cải cách đầu tiên của ông, "Vom Erkiesen und Fryheit der Spysen", được ấn hành trong khi cuộc tranh luận về luật kiêng ăn của giáo hội đang tiếp diễn. Zwingli cho rằng những luật lệ về kiêng ăn là xuất phát từ con người, không phù hợp với Kinh Thánh, và bày tỏ niềm xác tín rằng chỉ có Kinh Thánh, không phải Truyền khẩu của giáo hội, là cội nguồn duy nhất của đức tin; Zwingli khẳng định xác tín này trong “Archeteles”.

[sửa] Hôn nhân

Mùa xuân năm 1522, Zwingli và Anna Reihard sống với nhau theo tình trạng sống chung gọi là “hôn nhân tu sĩ”. Tình trạng này không phải là không phổ biến vào lúc ấy, khi người ta tin rằng nếu thiếu vắng ân sủng đặc biệt, một linh mục không thể nào tuân giữ một cuộc sống trinh bạch tuyệt đối; trong thực tế, có rất ít linh mục làm được điều này. Sau cùng, ngày 2 tháng 4 năm 1524, Zwingli kết hôn với Anna. Từ năm 1526 đến 1530, họ có bốn người con. Anna được biết đến do nhan sắc, lòng sùng tín và niềm tin sắt đá của bà vào cuộc Cải cách Kháng Cách.

[sửa] Cải cách tại Zurich

Thành phần cực đoan trong số những người theo Zwingli kiểm soát tình hình tại Zurich. Họ gỡ bỏ hình ảnh và tượng thờ khỏi các nhà thờ, thay đổi ngôn ngữ giáo nghi trong các lễ thờ phượng, trong nỗ lực đem hội thánh trở về tình trạng nguyên thuỷ. Cuối năm 1524, các dòng tu nam và nữ bị hủy bỏ, âm nhạc bị cấm trong nhà thờ. Lễ misa vẫn được duy trì vì Zwingli không muốn thay đổi một tập quán ăn sâu vào nếp sống của dân chúng trước khi họ sẵn sàng chấp nhận một điều gì khác để thay thế. Bản dịch Kinh Thánh của Zwingli, Fróchauer Bibel, được ấn hành từ năm 1524 đến 1531.

Cuối cùng thì vào thứ Năm của Tuần thánh, ngày 13 tháng 4 năm 1525, tại nhà thờ Great Minster, thánh lễ “Tiệc Thánh” lần đầu tiên được cử hành theo nghi thức do Zwingli soạn thảo. Trong ngày lịch sử này, tín hữu đến ngồi hai bên bàn tiệc thánh kéo dài đến giữa lối đi, được phân phát bánh đặt trên đĩa gỗ và rượu nho đựng trong chén gỗ. Dù trái với truyền thống và gây sốc cho nhiều người, nghi thức mới được chấp nhận. Với chủ trương dứt khoát từ bỏ quá khứ, cuộc cải cách ở Zurich đã đạt đến mục đích.

[sửa] Khía cạnh chính trị

Không phải là không có chống đối. Những bất đồng đầu tiên nảy sinh ngay từ trong hàng ngũ những người tham gia cuộc cải cách. Các nông dân nay không thể tìm thấy trong Kinh Thánh, nguồn thẩm quyền duy nhất của đức tin, lý do nào khiến họ phải đóng các loại thuế, và họ từ chối làm điều này. Những bất ổn dân sự lan ra khắp mọi nơi, và chỉ bị dập tắt sau khi chính quyền tiến hành những cuộc thương thảo kéo dài với một số nhượng bộ.

Song những người thuộc nhóm Anabaptist lại không dễ dàng chịu im lặng. Theo cách hiểu biết của họ về Kinh Thánh, được đặt vào tay họ do những nỗ lực của Zwingli, họ chống đối việc ban lễ báp têm cho trẻ sơ sinh và từ chối gia nhập vào quốc giáo. Zwingli bách hại họ tàn nhẫn bằng cách tống giam, tra tấn, lưu đày và xử tử; một trong những thủ lĩnh của họ, Felix Manz, bị trấn nước. Đối với Zwingli, cuộc chiến chống lại nhóm Anabaptist xem ra còn nghiêm trọng hơn cuộc chiến chống La Mã.

Tại những thành phố khác của Thuỵ Sĩ như St. Gallen, thị trưởng Vadian (Joachim von Watt) thành công trong nỗ lực cải cách - ở Schaffhausen có Tiến sĩ Sebastian Hofmeister, ở Basle có Johann Oecolampadius với những kết quả tương tự. Zwingli đích thân đến Berne trong tháng 1 năm 1528 và năm 1529. Ông tìm cách bảo đảm các ý tưởng cải cách của mình qua “Quyền Dân sự Cơ Đốc”, một thoả ước giữa Zurich và các thành phố khác như Constance (1527), Berne và St. Gall (1528), Biel, Mulhausen, và Schauffhausen (1529).

[sửa] Phản kháng

Cuộc Cải cách gây ảnh hưởng trên toàn lãnh thổ Thuỵ Sĩ, nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt tại các bang vẫn tiếp tục trung thành với Cựu giáo như Uri, Schwyz, Unterwalden, Lucerne, Zug, và Fribourg. Điều này không có nghĩa là họ bằng lòng với hiện trạng của Giáo hội Công giáo. Họ tranh đấu đòi chấm dứt nhũng lạm, năm 1525 ra bản Giáo ước Đức tin (Concordat of Faith) yêu cầu thực hiện các cải cách quan trọng. Tuy nhiên, giáo ước này đã không được công nhận. Từ ngày 21 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1526, họ tổ chức môt cuộc tranh luận công khai tại Baden với khách mời là Tiến sĩ Johann Eck thành Ingolsadt. Zwingli không đến dự.

Tại thị trấn Baden, nổi tiếng với những con suối nước nóng, chỉ 12 dặm đông bắc Zurich, là nơi tổ chức một cuộc tranh luận giữa các đại biểu của Cựu giáo và nhóm Zwingli từ ngày 21 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1526. Mặc dù không có mặt ở đó, Zwingli liên hệ thường xuyên và hướng dẫn những người đại diện của ông. Cuối cùng cả hai phe đều tuyên bố chiến thắng thuộc về mình.

Nhằm thuyết phục các tiểu bang theo Công giáo chấp nhận giáo thuyết mới, Zwingli kêu gọi chiến tranh, soạn thảo kế hoạch và thuyết phục Zurich tuyên chiến chống lại các lãnh thổ Công giáo. Các tiểu bang theo Công giáo củng cố sức mạnh của mình bằng cách thành lập một liên minh quốc phòng với Áo (năm 1529) gọi là “Liên minh Cơ Đốc”. Tuy nhiên, Berne có lập trường ôn hoà hơn Zurich, và một hoà ước đã được soạn thảo với những điều khoản thuận lợi cho người Công giáo.

[sửa] Nhà độc tài

Ở Zurich, Zwingli trở nên một nhân vật nắm giữ nhiều quyền lực cả trong tôn giáo và chính trị. Ông là “thị trưởng, thư ký, và hội đồng”. Tháng 10 năm 1529, một cuộc thảo luận tại Marburg được sắp xếp bởi các nhà lãnh đạo Kháng Cách nhằm tìm kiếm sự hợp tác giữa Zwingli và Luther, nhưng hai nhà cải cách này đã không tìm được sự đồng thuận liên quan đến giáo lý Tiệc Thánh.

Trong cương vị một chính khách, Zwingli đề xướng nhiều kế hoạch đầy tham vọng. “Trong vòng ba năm”, ông viết, “Ý, Tây Ban Nha, và Đức sẽ chấp nhận quan điểm của chúng ta”. Do cấm đoán mọi thoả hiệp với các bang theo Công giáo, Zwingli đã đẩy họ tìm đến biện pháp vũ trang. Ngày 9 tháng 10 năm 1531, các bang này tuyên chiến với Zurich và tiến quân đến Kappel. Ấy là ngày định mệnh của Zwingli.

[sửa] Nội chiến

Liên bang Thụy Sĩ không phải là một quốc gia trung ương tập quyền, nhưng chỉ là các tiểu bang hoặc các tổng riêng lẻ kết hợp với nhau trong một ít vấn đề, chủ yếu là nhằm duy trì sự độc lập với Thánh chế La Mã. Khi các bang theo Công giáo xúc tiến các bước nhằm liên minh với Charles V, Zwingli kêu gọi các bang theo Kháng Cách tiến hành các biện pháp quân sự trước khi quá muộn. Zwingli chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng ông không tìm được sự ủng hộ của các tiểu bang Kháng Cách khác. Thay vì vậy, các bang theo Kháng Cách chỉ sử dụng các biện pháp kinh tế chống lại các bang Công giáo. Tháng 10 năm 1531, năm bang Công giáo liên minh với nhau và bất ngờ tấn công Zurich. Những người Kháng Cách gần như mất khả năng tự vệ vì không được chuẩn bị trước. Khi tập hợp được quân đội, Zwingli có mặt với những chiến binh đầu tiên tiến ra mặt trận và chết ở đó. Tại Kappel, quân đội của Zurich bị đánh bại, chỉ gần một tháng sau Hoà ước Kappel được ký kết.

[sửa] Xem thêm


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -