Đại Cồ Việt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đại Cồ Việt (大瞿越) là quốc hiệu Việt Nam từ thời nhà Đinh năm 968. Quốc hiệu này tồn tại đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054.
Mục lục |
[sửa] Ý Nghĩa
Đại Cồ Việt là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam sau một thời gian dài bị Bắc thuộc.
Ý nghĩa quốc hiệu Đại Cồ Việt:
"Đại" theo nghĩa chữ Hán là lớn, "Cồ" trong tiếng Việt cổ cũng là lớn. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép 2 chữ cả Hán và Việt để khẳng định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào.
Ý nghĩa này còn được thể hiện ở hai câu đối:
- Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
- Hoa Lư đô thị Hán Trường An.
Nghĩa là:
- Nước Đại Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo;
- Hoa Lư là kinh đô Đại Cồ Việt cũng như kinh đô Tràng An của nhà Hán vậy.
[sửa] Lịch sử Đại Cồ Việt
[sửa] Quân sự
Lịch sử Đại Cồ Việt là trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời gian này các vương triều Trung Hoa liên tục mang quân sang xâm lược, nhưng đều bị chống trả quyết liệt. Tiêu biểu hơn cả là chiến thắng vang dội của Lê Hoàn đánh thắng quân nhà Tống xâm lược (981).
Lịch sử Việt Nam, từ khi độc lập vào thế kỷ 10 mang dấu ấn của sự phát triển nhà nước Nho giáo theo mô hình kiểu Trung Hoa.
[sửa] Kinh tế
Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong sinh hoạt kinh tế. Nông dân được làng xã chia ruộng để cày cấy, nộp thuế và đi lính cho nhà vua. Các vua rất chú ý khuyến khích nông nghiệp. Lê Hoàn là vua Việt Nam đầu tiên cử hành lễ cày tịch điền vào mùa xuân hàng năm. Từ đó, các vua thời sau đều giữ lệ ấy.
Song song với nông nghiệp, vấn đề thủy lợi cũng được các vua chú ý kênh ngòi được đào vét nhiều nơi vừa để tưới ruộng vừa để tiện lợi giao thông bằng thuyền bè. Hệ thống giao thông đường bộ được mở mang. Những đường giao thông chính đều có đặt các trạm xá.
Các nghề thủ công như nghề gốm, nghề dệt, khai mỏ, luyện sắt, đúc đồng... đều được phát triển. Nhờ ngành thủ công nghệ phát triển cao nên Lê Đại Hành xây được một cung điện làm nơi coi chầu, cột nhà được thếp vàng, ngói bằng bạc. Các hoạt động sản xuất, thương mại hầu như chưa phát triển mặc dù vào thời nhà Lý đã có buôn bán với các vương quốc trong vùng tại cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).
[sửa] Văn hoá
Sách sử ghi lại rằng vào năm 987 cả nước được mùa to. Những sinh hoạt lễ hội, nghệ thuật đã trở về lại với người dân Việt. Ca hát nhảy múa được triều đình khuyến khích. Đinh Tiên Hoàng đặt ra chức Ưu bà để dạy múa hát cho quân đội. Bà Phạm Thị Trân - bà tổ nghệ thuật chèo là một Ưu bà trong kinh đô Hoa Lư.
Lê Đại Hành kiến tạo lại trò chơi đua thuyền, cứ vào tháng bảy là tháng sinh nhật của vua, vua cho thả thuyền ở giữa sông, lấy tre kết làm núi giả trên thuyền, gọi là Nam sơn rồi cho đua thuyền. Lê Đại Hành còn tổ chức hội hoa đăng, hội đánh cá.
Sang thời Lý, nước Đại Cồ Việt tiếp tục phát triển hưng thịnh dưới thời vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đổi tên nước thành Đại Việt.