Phật
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phật là chữ viết tắt của Phật-đà (zh. 佛陀), đây là danh hiệu phiên âm từ tiếng Phạn hoặc Pali buddha बुद्ध (bo. sangs rgyas སངས་རྒྱས་) sang Hán-Việt; dịch ý là Giác giả (zh. 覺者), tức “Người tỉnh thức”. Một cách gọi khác là Bụt (đọc Nôm chữ 孛 hoặc 侼).
Ý nghĩa của từ Phật có thể được hiểu như là: vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, một Bậc giác ngộ, Phật tính, hoặc Thể tính tuyệt đối Bất khả tư nghị.
Mục lục |
[sửa] Người giác ngộ
Phật là người đã dứt khỏi Luân hồi (sa. saṃsāra), đạt giác ngộ hoàn toàn, đạt Giải thoát, chứng Niết-bàn. Nội dung quan trọng nhất của giáo pháp giác ngộ là Tứ diệu đế. Phật là người đã vượt qua mọi tham ái (sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), là người biết phân biệt thiện ác, nhưng tâm không vướng mắc vào các phân biệt đó. Sau khi chết, một vị Phật không còn tái sinh.
Người ta phân biệt hai quả vị Phật: Độc Giác Phật (sa. pratyeka-buddha), là người hoàn toàn giác ngộ, nhưng không giáo hóa, và Tam-miệu-tam-phật-đà (sa. samyak-saṃbuddha), dịch ý là Bậc Chính Đẳng Chính Giác, người giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Một Chính Đẳng Chính Giác là một vị đã đạt Nhất thiết trí (sa. sarvajñatā), Mười lực (Thập lực, sa. daśabala), chứng Bốn tự tin (Tứ vô sở uý). Vị Phật của thời đại chúng ta là Thích-ca Mâu-ni. Phật Thích-ca—một nhân vật lịch sử có thật—không phải là vị Phật đầu tiên và duy nhất. Trong những kinh Tiểu thừa nguyên thủy, người ta đã nhắc các vị Phật trong các thời đại trước: Tì-bà-thi (sa. vipaśyin, pi. vipassi), Thi-khí (sa. śikin, pi. sikhī), Tì-xá-phù (sa. viśvabhū, pi. vessabhū), Ca-la-ca-tôn-đại (sa. krakuccanda, pi. kakusandha), Câu-na-hàm (sa., pi. konagāmana) và Ca-diếp (sa. kāśyapa, pi. kassapa). Vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai để tiếp tục hoằng pháp là Di-lặc (sa. maitreya, pi. metteyya). Trong kinh sách, người ta còn nhắc đến 13 vị Phật khác mà vị quan trọng nhất là Phật Nhiên Đăng (sa., pi. dīpaṅkara). Trong thời quá khứ, Phật Thích-ca là người tu khổ hạnh mang tên Thiện Huệ (sa., pi. sumedha), đệ tử của Phật Nhiên Đăng. Lịch sử các vị Phật được ghi trong Tiểu bộ kinh (pi. khuddaka-nikāya).
Bắt đầu con đường tiến đến Phật quả, một vị Bồ Tát phát nguyện trước một vị Phật, quyết tâm thành đạo giác ngộ. Trải qua vô lượng kiếp, vị Bồ Tát đó thực hành mười hạnh Ba-la-mật-đa. Trước khi sinh lần cuối, vị đó thường giáo hóa ở cung trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Khi sinh lần cuối vị Phật sẽ mang trong người Ba mươi hai tướng tốt, Tám mươi vẻ đẹp khác cũng như đã đạt 37 Bồ-đề phần. Các vị Phật khi sinh ra thì mẹ của các vị sẽ chết bảy ngày sau đó. Lúc lớn lên, đến thời kì thích hợp, các vị Phật sẽ sống không nhà và sau khi giác ngộ sẽ thành lập Tăng-già. Lúc Phật nhập Niết-bàn là cũng là lúc chấm dứt quá trình đạt đạo.
[sửa] Thích-ca Mâu-ni
- Xem thêm bài Thích-ca Mâu-ni và Tất-đạt-đa Cồ-đàm
Nhân vật lịch sử Thích-ca Mâu-ni sinh năm 563 TCN, con trai của một tiểu vương thuộc dòng họ Thích-ca, ngày nay thuộc nước Nepal, gần Hi-mã-lạp sơn. Tên thật của vị này là Tất-đạt-đa, thuộc họ Cồ-đàm, vì vậy cũng có người gọi vị Phật này là Phật Cồ-đàm. Sau quá trình tu hành đạt đạo, Phật này mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni nghĩa là Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca (danh từ tiếng Phạn muni chỉ một trí giả, đặc biệt là trí giả giữ giới tịnh khẩu, tức là không nói). Khi muốn phân biệt vị Phật lịch sử này với Phật tính (xem bên dưới), người ta gọi rõ tên là Phật Thích-ca.
[sửa] Phật tính
Phật tính, được xem là gốc của mọi hiện tượng; mọi hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. Nếu phái Tiểu thừa chỉ công nhận mỗi thời đại chỉ có một vị Phật, và vị này là phải là một nhân vật lịch sử và là đạo sư giáo hóa, thì Đại thừa cho rằng có vô số vị Phật được biểu hiện khác nhau. Theo quan điểm Tam thân (sa. trikāya) của Đại thừa thì Phật tính biểu hiện qua ba dạng chính và mỗi dạng Phật biểu hiện một tính chất của Chân như.
Các dạng siêu việt của Phật tính, Chân như (xem Phật gia) được kể là các vị Phật A-di-đà, Đại Nhật, Bảo Sinh, Bất Động, Bất Không Thành Tựu, Kim Cương Tát-đoá. Các vị này là thầy của các vị Bồ Tát và là giáo chủ của các Tịnh độ. Các dạng Phật siêu việt của Chân như đều có tính chất siêu thế gian, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, toàn năng, vô lượng thọ. Theo quan điểm Tam thân thì Báo thân Phật (sa. saṃbhogakāya) chính là hình ảnh lí tưởng của các vị Bồ Tát tự tạo nên để theo đó mà tu học. Báo thân lại chính là Chân tâm của Ứng thân, hay Hoá thân (sa. nirmāṇakāya), là thân của Phật có dạng con người sống trên địa cầu. Khoảng năm 750 sau Công nguyên, sau khi Kim cương thừa ra đời thì trong các trường phái Đại thừa cũng chấp nhận ngoài Pháp thân (sa. dharmakāya) có thêm năm vị Phật chuyển hóa từ Pháp thân đó, được gọi là Ngũ Phật hay Phật gia, vì mỗi một vị Phật đó được xem có thêm một vị Phật lịch sử (từng sống trên địa cầu) và một vị Bồ Tát đi kèm:
- Cùng với Phật Đại Nhật là vị Ca-la-ca-tôn-đại (sa. krakuccanda) và Phổ Hiền Bồ Tát (sa. samantabhadra).
- Cùng với Phật Bất Động (sa. akṣobhya) là vị Ka-na-ca-mâu-ni (sa. kanakamuni) và Kim Cương Thủ Bồ Tát (vajrapāṇi).
- Cùng với Phật Bảo Sinh là vị Phật lịch sử Ca-diếp (sa. kāśyapa) và Bảo Thủ Bồ Tát (ratnapāṇi).
- Cùng với Phật Bất Không Thành Tựu là vị Phật Di-lặc và Phổ Chuỳ Thủ Bồ Tát (viśvapāṇi).
- Cùng với Phật A-di-đà là Phật Thích-ca Mâu-ni và Quán Thế Âm Bồ Tát (sa. avalokiteśvara).
[sửa] Phật lực
Một điểm giống của Phật giáo đối với các tôn giáo lớn khác trên thế giới là vị thần tối cao của Phật giáo- đức Phật tổ-, trong niềm tin của Phật tử, có khả năng vô hạn, thể hiện qua bốn chữ "Phật pháp vô biên". Trong các tôn giáo khác thì người ta có từ "Thiên chúa toàn năng". Tất cả những danh xưng trên đều thể hiện không có gì mà các vị thần tối cao không làm được và không ai cao hơn các vị thần này.
Quan điểm này rất mạnh trong lòng tin của những người bình dân. Trong văn học dân gian hay trong văn học bác học Trung quốc (Tây du ký), cùng như trong các câu chuyện về đức Phật, người ta bắt gặp các vị thần như Thượng đế, thần Mưa, Gió, Sấm, Chớp,... đều có thể bị đánh bại trước một nhân vật nào khác, song khi Phật xuất hiện thì mọi đối thủ đầu phải chịu sự ràng buộc.
[sửa] Thể tính tuyệt đối
Một khái niệm chỉ cái tuyệt đối, cuối cùng của thế giới. Thể này nằm ngoài mọi suy luận, không thể nghĩ bàn (Bất khả tư nghị), là bản thể không hề biến hoại của Phật tính.
[sửa] Tam thế Phật
Kinh văn đôi lúc cũng nhắc đến Tam thế Phật (zh. 三世佛), nghĩa là Phật của ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, chỉ ba vị Ca-diếp (sa. kāśyapa), Thích-ca Mâu-ni (sa. śākyamuni) và Bồ Tát Di-lặc (sa. maitreya), Phật tương lai. Có khi tranh tượng trình bày Phật Nhiên Đăng (Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật, sa. dīpaṅkara, Dipankara) là Phật quá khứ.
[sửa] Tham khảo
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
- The Threefold Lotus Sutra (Kosei Publishing, Tokyo 1975), tr. by B. Kato, Y. Tamura, and K. Miyasaka, revised by W. Soothill, W. Schiffer, and P. Del Campana
- The Mahayana Mahaparinirvana Sutra (Nirvana Publications, London, 1999-2000), tr. by K. Yamamoto, ed. and revised by Dr. Tony Page
- The Sovereign All-Creating Mind: The Motherly Buddha (Sri Satguru Publications, Delhi 1992), tr. by E.K. Neumaier-Dargyay
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Hàn Quốc | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |