Vô gian đạo
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vô gian đạo 無間道 |
|
Đạo diễn | Lưu Vỹ Cường Mạch Triệu Huy |
---|---|
Sản xuất | Lưu Vỹ Cường |
Kịch bản | Mạch Triệu Huy Felix Chong |
Diễn viên | Lương Triều Vỹ Lưu Đức Hoa Huỳnh Thu Sinh Tăng Chí Vỹ |
Nhà phát hành | Media Asia Group |
Ngày phát hành | 12 tháng 12 năm 2002 1 tháng 1 năm 2004[1] |
Thời lượng | 101 phút |
Ngôn ngữ | tiếng Quảng Đông |
Thông tin trên IMDb |
Vô gian đạo hay Điệp vụ nội gián (Hoa phồn thể: 無間道, Hoa giản thể: 无间道, bính âm: Wú Jiān Dào, tiếng Anh: Infernal Affairs) là một bộ phim hình sự, trinh thám của điện ảnh Hồng Kông sản xuất năm 2002 .
Tên phim tiếng Hoa 無間道 phiên âm là vô gian đạo dùng để chỉ tầng địa ngục thứ 8 (Avici, A Tì địa ngục) nơi chúng sinh tạo nghiệp cực ác phải chịu thống khổ liên tục không được nghỉ ngơi.[2] Cũng tương tự như vậy, tên tiếng Anh của bộ phim Infernal Affairs là một cách chơi chữ từ Inferno là tên phần Địa ngục trong tác phẩm Thần khúc của Dante.
Mục lục |
[sửa] Nội dung
Câu chuyện của Vô gian đạo là cuộc đấu trí căng thẳng giữa viên cảnh sát Trần Vĩnh Nhân (Lương Triều Vỹ) hoạt động bí mật trong một băng xã hội đen và tên tội phạm Lưu Kiến Minh (Lưu Đức Hoa) do chính băng xã hội đen này gài vào lực lượng cảnh sát. Để hoàn thành nhiệm vụ gián điệp của mình, hai người càng ngày càng phải tham gia sâu hơn vào tổ chức đối nghịch và phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn.
Bộ phim bắt đầu với cảnh Vĩnh Nhân và Kiến Minh nói chuyện tại cửa hàng loa nơi Vĩnh Nhân làm việc mà không hề biết họ là đối thủ của nhau. Sau đó trong một vụ thương lượng giữa tay trùm của băng xã hội đen là Hàn Sâm (Tăng Chí Vỹ) và một tay buôn cocaine người Thái, Nhân đã dùng mã Morse để báo tin cho thanh tra cảnh sát Hoàng Chí Thành (Huỳnh Thu Sinh) và đội điều tra của ông phá vụ mua bán này. Tuy nhiên Kiến Minh đã kịp báo động cho Hàn Sâm để hắn ra lệnh cho đàn em vứt cocaine xuống biển trước khi cảnh sát kịp thu giữ tang chứng. Đến lúc này thì cả thanh tra Hoàng và tay trùm Hàn Sâm đều nhận ra rằng có gián điệp trong nội bộ tổ chức của mình và bắt đầu cuộc đua với thời gian để loại bỏ gián điệp của nhau.
Cùng lúc đó thì cả Trần Vĩnh Nhân và Lưu Kiến Minh đều gặp khó khăn với cuộc sống hai mặt của mình. Sau 10 năm nằm vùng trong tổ chức tội phạm, Vĩnh Nhân bắt đầu mất niềm tin rằng mình vẫn còn là một cảnh sát thực sự, trong khi đó thì Kiến Minh cũng ngày càng quen với cuộc sống của một nhân viên cảnh sát chân chính và muốn xóa bỏ đi nguồn gốc tội phạm của anh ta.
Sau đó thanh tra Hoàng bị băng xã hội đen giết hại, Kiến Minh lấy được điện thoại của thanh tra và liên lạc được với Vĩnh Nhân, cả hai đã cùng nhau phá được một vụ buôn bán ma túy của băng xã hội đen và giết được Hàn Sâm. Mọi việc có vẻ diễn ra theo đúng kế hoạch khi Trần Vĩnh Nhân cuối cùng cũng lấy lại được danh tính cảnh sát của mình còn Lưu Kiến Minh lại xóa bỏ được mối liên hệ với băng xã hội đen sau khi loại bỏ được ông trùm Hàn. Tuy nhiên khi quay trở lại sở cảnh sát, Trần khám phá ra rằng Lưu là gián điệp của băng xã hội đen và lập tức biến mất, Lưu nhận ra mình đã bị phát hiện và xóa hồ sơ cảnh sát của Trần khỏi máy tính lưu trữ. Đêm đó Vĩnh Nhân ngủ lại ở nhà bác sĩ tâm lý Lý Tâm Nhi (Trần Tuệ Lâm), người mà anh yêu mến sau những lần trị liệu. Đồng thời anh cũng gửi cho Mary (Trịnh Tú Văn), người yêu của Kiến Minh, một đĩa CD ghi lại bằng chứng phạm tội của người yêu cô. Cuối cùng cả Vĩnh Nhân và Kiến Minh hẹn gặp nhau trên nóc ngôi nhà cao tầng mà thanh tra Hoàng Chí Thành đã bị sát hạt trước đó. Trần tìm cách tước được súng của Lưu và gí súng và đầu đe dọa anh này. Sau đó một viên cảnh sát lên đến nơi và yêu cầu Trần hạ vũ khí.
Cảnh cuối của phim là khi Vĩnh Nhân bắt Kiến Minh làm con tin và đi vào thang máy của tòa nhà, bất ngờ anh bị viên cảnh sát thứ ba bắn thẳng vào giữa đầu, anh chết ngay lúc đó. Viên cảnh sát khi này mới để lộ cho Minh rằng chính anh ta cũng là một gián điệp của băng xã hội đen và đề nghị Kiến Minh cộng tác. Nhưng sau khi hai người đi vào thang máy để xuống tiền sảnh tòa nhà, Minh đã bắn vào đầu anh ta để giữ bí mật cho quá khứ của mình.
Cảnh kết phim gốc là khi Minh trong trang phục cảnh sát đang cầu nguyện trước mộ của Trần Vĩnh Nhân, mộ của anh nằm bên cạnh mộ thanh tra Hoàng. Những hồi tưởng của Minh cho thấy anh đã từng mong ước rằng mình đã chọn một con đường khác cho cuộc đời.
Khi phát hành ở Trung Quốc đại lục, cảnh kết phim được thay bằng cảnh Minh đi ra khỏi thang máy và được thông báo rằng cảnh sát đã có bằng chứng cho thấy anh ta là gián điệp của băng xã hội đen. Minh trả lại phù hiệu cảnh sát và không hề chống cự khi bị giải đi. Cái kết này có lẽ để đáp ứng việc kiểm duyệt của chính quyền đại lục rằng tội ác sẽ phải trả giá.
[sửa] Bảng phân vai
- Lương Triều Vỹ (Tony Leung) - cảnh sát Trần Vĩnh Nhân (陳永仁)
- Lưu Đức Hoa (Andy Lau) - nằm vùng Lưu Kiến Minh (劉健明)
- Huỳnh Thu Sinh (Anthony Wong) - thanh tra Hoàng Chí Thành (黃志誠)
- Tăng Chí Vỹ (Eric Tsang) - trùm xã hội đen Hàn Sâm (韓琛)
- Trần Tuệ Lâm (Kelly Chen) - bác sĩ tâm lý Lý Tâm Nhi (李心兒)
- Trịnh Tú Văn (Sammi Cheng) - Mary
- Đỗ Văn Trạch (Chapman To) - Sọa Cường (傻強)
- Trần Quán Hy (Edison Chen) - Lưu Kiến Minh lúc trẻ
- Dư Văn Lạc (Shawn Yue) - Trần Vĩnh Nhân lúc trẻ
[sửa] Đánh giá
Ngay từ khi sản xuất, Vô gian đạo đã thu hút được sự quan tâm của công chúng và giới báo chí nhờ một dàn diễn viên toàn sao với Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Huỳnh Thu Sinh, Tăng Chí Vỹ, Trần Tuệ Lâm và Trịnh Tú Văn. Sau khi phát hành thì nội dung phim với những điệp viên nằm vùng của cả hai phía, diễn biễn dồn dập và bố cục chặt chẽ đã được cả giới phê bình đánh giá cao.
Bộ phim đã đạt doanh thu cao đặc biệt ở Hồng Kông và được coi là bộ phim đem lại sức sống mới cho cả nền điện ảnh Hồng Kông khi đó đang lâm vào tình trạng khủng hoảng về ý tưởng sáng tạo. Do thành công cả về mặt nghệ thuật và thương mại, các nhà sản xuất đã làm tiếp hai bộ phim khác là Vô gian đạo 2 (Infernal Affairs II - với những sự kiện trước khi truyện phim Vô gian đạo xảy ra) và Vô gian đạo 3 (Infernal Affairs III -mô tả những sự kiện sau đó), cả hai phim này đều được phát hành năm 2003.
Tại lễ bầu chọn 100 phim xuất sắc nhất của điện ảnh Hoa ngữ trong 100 năm tổ chức ngày 27 tháng 3 năm 2005, Vô gian đạo xếp thứ 32[3]. Bộ phim cũng xếp thứ 233 trên bảng xếp hạng phim hay nhất của trang dữ liệu điện ảnh IMDB[4].
Năm 2003, hãng phim Plan B Entertainment của diễn viên Brad Pitt đã mua quyền làm lại Vô gian đạo. Phiên bản Hollywood này có tên Điệp vụ Boston (The Departed) cũng có một đội ngũ sản xuất hùng hậu với đạo diễn nổi tiếng Martin Scorsese và các ngôi sao điện ảnh Matt Damon, Leonardo DiCaprio và Jack Nicholson. Điệp vụ Boston được phát hành ngày 6 tháng 10 năm 2006 và sau đó đã giành tới 4 giải Oscar của Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ kể cả giải Giải Oscar Phim hay nhất, Giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và Giải Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Đây là bộ phim làm lại đầu tiên của Hollywood giành giải Phim hay nhất và cũng mang lại cho Martin Scorsese giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất sau rất nhiều lần trượt giải.
[sửa] Giải thưởng
Vô gian đạo đã thắng lớn tại lễ trao giải Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông năm 2002, đánh bại bộ phim Anh hùng (Hero) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu để giành giải Phim hay nhất. Ngoài ra bộ phim này cũng đạt được rất nhiều giải thưởng khác:
Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông lần thứ 22 (Hong Kong Film Awards - HKFA)
- Phim hay nhất
- Đạo diễn xuất sắc nhất - Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy
- Kịch bản xuất sắc nhất - Mạch Triệu Huy và Felix Chong
- Vai nam chính xuất sắc nhất - Lương Triều Vỹ
- Vai nam phụ xuất sắc nhất - Huỳnh Thu Sinh
- Biên tập xuất sắc nhất - Danny Pang và Pang Ching Hei
- Ca khúc trong phim xuất sắc nhất - "Vô gian đạo" do Lưu Đức Hoa và Lương Triều Vỹ trình diễn
Giải thưởng điện ảnh Kim Mã lần thứ 40 (Đài Loan)
- Phim hay nhất
- Đạo diễn xuất sắc nhất - Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy
- Vai nam chính xuất sắc nhất - Lương Triều Vỹ
- Vai nam phụ xuất sắc nhất - Huỳnh Thu Sinh
- Hiệu quả âm thanh - Tsang King-Cheung
- Giải bình chọn của khán giả
Giải thưởng điện ảnh của Hội phê bình điện ảnh Hồng Kông lần thứ 9
- Vai nam chính xuất sắc nhất - Huỳnh Thu Sinh
Giải Kim Tử Kinh lần thứ 8
- Phim hay nhất
- Đạo diễn xuất sắc nhất - Lưu Vỹ Cường và Mạch Triệu Huy
- Kịch bản xuất sắc nhất - Mạch Triệu Huy và Felix Chong
- Vai nam chính xuất sắc nhất - Lương Triều Vỹ
- Vai nam phụ xuất sắc nhất - Huỳnh Thu Sinh
[sửa] Chuyện ngoài lề
- Lương Triều Vỹ đã từng đóng một vai cảnh sát nằm vùng trong tổ chức xã hội đen tương tự như vai cảnh sát Yan, đó là vai Tony trong bộ phim Hard Boiled của đạo diễn Ngô Vũ Sâm năm 1992. Bộ phim này cũng có sự tham gia của Huỳnh Thu Sinh (vai thanh tra Wong trong Vô gian đạo) nhưng lần này trong vai một tay xã hội đen.
- Trong bộ phim Operation Undercover (Wo hu) sản xuất năm 2006, Tăng Chí Vỹ cũng vào vai một tay trùm xã hội đen đi tìm điệp viên của cảnh sát trong tổ chức của mình. Ở cuối phim nhân vật của Tăng Chí Vỹ cũng bị giết, và diễn viên đóng vai tên giết người lại chính là Dư Văn Lạc (vai cảnh sát Yan thời trẻ). Có thể thấy thành công của bộ phim Vô gian đạo đã ảnh hưởng đến các bộ phim khác của điện ảnh Hồng Kông thế nào.
- Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 79, Vô gian đạo đã bị nhầm thành một bộ phim Nhật Bản. Martin Scorsese sau đó đã phải đính chính lại đây là một bộ phim Hồng Kông khi lên nhận giải thưởng Oscar cho đạo diễn.
[sửa] Tham khảo
- ^ [1]
- ^ "Từ ngữ Phật học thông dụng". Được truy cập ngày 2007-06-29.
- ^ Báo China Daily
- ^ [2]