Silvio Berlusconi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tiêu bản:Thủ tướng Ý
Silvio Berlusconi (sinh 29 tháng 9 năm 1936- ) là một chính trị gia, nhà kinh doanh và ông chủ truyền thông lớn người Ý. Ông là người đứng đầu phong trào chính trị Forza Italia (Tiến lên Italia), một đảng chính trị trung hữu được ông thành lập năm 1993 tại Rome. Berlusconi từng ba lần giữ chức Thủ tướng Ý, gần đây nhất là từ 2001 đến 2006.
Berlusconi là người sáng lập và cổ đông chính của Fininvest, một trong 10 công ty tư nhân lớn nhất nước Ý, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và tài chính, sở hữu ba kênh truyền hình, chiếm gần một nửa thị trường truyền hình Ý. Ông sở hữu ba trong số bảy kênh truyền hình quốc gia cùng nhiều tờ báo quan trọng bậc nhất đất nước. Ông còn nổi tiếng, từ năm 1986, ở cương vị Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá AC Milan, một đội bóng giàu truyền thống của Ý. Dưới triều đại Berlusconi, AC Milan giành nhiều danh hiệu lớn ở trong nước và quốc tế. Theo tạp chí Forbes, Berlusconi là người giàu thứ hai ở Ý với tổng tài sản lên tới 9,4 tỷ USD vào năm 2008. Ông cũng là người giàu thứ 90 trên thế giới. Ở Ý, người giàu nhất là Michele Ferrero, xếp thứ 68 thế giới và có tổng tài sản ước tính 11 tỷ USD.
Sự thăng tiến của Berlusconi trong lĩnh vực chính trị nhanh đến chóng mặt. Ông được bầu làm Thủ tướng Ý sau cuộc bầu cử tháng 3/1994, khi Forza Italia giành được một đa số tương đối chỉ vài tháng sau khi được thành lập. Berlusconi đã thành lập nên một chính phủ cánh hữu đầu tiên ở Ý sau 34 năm. Tuy nhiên, nội các của ông phải giải tán chỉ sau bảy tháng do những bất đồng nội bộ trong liên minh trung hữu. Trong cuộc bầu cử năm 1996, ông lại ra tranh cử thủ tướng nhưng lần này bị ứng cử viên trung tả Romano Prodi đánh bại. Từ 1996 đến 2001, ông là người đứng đầu phe đối lập trong nghị viện. Trong cuộc bầu cử năm 2001, ông lại là ứng cử viên thủ tướng của phe trung hữu và đánh bại ứng cử viên trung tả Francesco Rutelli. Berlusconi sau đó thành lập nội các thứ hai và thứ ba của ông, tồn tại được tổng cộng năm năm.
Berlusconi lại là lãnh đạo liên minh trung hữu vào cuộc bầu cử năm 2006, nhưng lần này ông để thua với một số phiếu rất sít sao trước đối thủ quen thuộc Romano Prodi. Ngày 17/5/2006, Prodi thay ông làm Thủ tướng Ý.
Ông đã được bầu lại làm thủ tướng với đa số phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 4 năm 2008.
Về kinh tế, Berlusconi áp dụng các chính sách bảo thủ: cắt giảm thuế và nới rộng chính sách cho các công ty lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Về chính sách đối ngoại, ông có quan điểm thân Mỹ mạnh mẽ, bất chấp việc có thể làm sứt mẻ quan hệ với các nước láng giềng châu Âu. Ông ủng hộ nhiệt tình Tổng thống George W. Bush trong cuộc tấn công Iraq do Mỹ cầm đầu vào năm 2003 bằng cách gửi quân đội Ý tham gia các chiến dịch ở đó. Về chính sách xã hội, chính quyền Berlusconi cũng có quan điểm bảo thủ với việc siết chặt các quy định về nhập cư.
Quyền sở hữu hệ thống truyền hình ở Ý của ông là một điểm gây nhiều tranh cãi. Các đối thủ của Berlusconi cho rằng hệ thống các kênh tivi Mediaset đã đóng vai trò quan trọng trong thành công chính trị của ông với các chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn và cách đưa tin thiên vị cho Berlusconi. Đáp lại, những người ủng hộ ông khẳng định các kênh truyền hình đó luôn giữ lập trường chính trị trung lập. Sau khi Berlusconi được bầu làm thủ tướng, đảnh cánh tả đối lập đã cáo buộc ông sử dụng chức vụ của mình để tìm cách kiểm soát kênh truyền hình thuộc sở hữu nhà nước RAI TV và qua đó thao túng hệ thống thông tin trong cả nước Ý.
Mục lục |
[sửa] Xuất thân và đời sống cá nhân
Berlusconi lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Milan. Bố ông, Luigi (1908 - 1989) làm việc cho ngân hàng Banca Rasini, một ngân hàng bị nghi ngờ là có liên quan tới Mafia Sicilia. Mẹ ông là Rosa Rossi (1911 - 2008). Silvio là con đầu tiên trong một gia đình có ba anh em. Hai người em của ông là Maria Francesca Antonietta Berlusconi (sinh năm 1943) và Paolo Berlusconi (sinh năm 1949). Họ đều là những doanh nhân.
Sau khi học xong phổ thông ở trường Salesian, ông học luật tại Đại học Statale, Milan và tốt nghiệp năm 1961. Là con đầu, Berlusconi được miễn một năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc theo luật quốc phòng Ý thời đó.
Năm 1965, ông kết hôn với Carla Elvira Dall'Oglio và họ có hai con: Maria Elvira (sinh năm 1966) và Pier Silvio (sinh năm 1968). Năm 1980, Berlusconi bắt đầu có quan hệ với nữ diễn viên điện ảnh Veronica Lario và có thêm ba con với cô này: Barbara (sinh năm 1984), Eleonora (sinh năm 1986) và Luigi (sinh năm 1988). Ông ly di Dall'Oglio năm 1985 và cưới Lario năm 1990. Đám cưới của ông là một trong những sự kiện nổi đình nổi đám thời bấy giờ với sự tham dự của Thủ tướng đương nhiệm Bettino Craxi.
[sửa] Sự nghiệp kinh doanh
[sửa] Milano 2
Sự nghiệp kinh doanh của Berlusconi bắt đầu ở lĩnh vực xây dựng vào những năm 1960. Vào cuối những năm 1960, ông bắt đầu dự án kinh doanh lớn đầu tiên với việc xây dựng Milano 2, một thành phố xanh với quy mô khoảng 3.500 căn nhà phố. Dự án đó được xây dựng tại Segrate, ngoại ô phía đông Milan. Khu vực đó sau này được quy hoạch gần một sân bay quốc tế, khiến dự án của Berlusconi thắng lớn. Bằng cách nào Berlusconi có thể huy động được vốn cho dự án đó cho đến giờ vẫn là điều bí mật. Theo tờ báo The Economist, khoảng 93,9 tỷ lira từ những nguồn không minh bạch đã được đổ vào 22 công ty của Berlusconi.
[sửa] Telemilano
Berlusconi lần đầu tiên bước vào thế giới truyền thông là vào năm 1973 khi ông thành lập một kênh truyền hình cáp nhỏ Telemilano để phục vụ cho các hộ dân sống ở khu Milano 2 và vùng Segrate. Telemilano chính thức phát sóng vào tháng 9/1974 và sau đó, bằng cách lần lượt mua lại bốn kênh truyền hình nữa, Berlusconi đã đủ sức đặt đài truyền hình của ông ở trung tâm thành phố Milan vào năm 1973.
[sửa] Fininvest
Năm 1978, Berlusconi thành lập tập đoàn truyền thông đầu tiên của ông, Fininvest và trong vòng năm năm thu về 113 tỷ lire (tương đương với khoảng 260 triệu euro vào năm 1997). Tất cả nguồn vốn của những hoạt động đó đều không rõ ràng và có dấu hiệu phạm pháp.
Fininvest nhanh chóng mở rộng thành một hãng truyền hình có quy mô toàn quốc tập hợp những đài địa phương. Sự kiện này đánh dấu việc kết thúc thế độc quyền truyền thông của hãng truyền hình nhà nước RAI. Năm 1980, Berlusconi thành lập kênh truyền hình tư nhân có quy mô quốc gia đầu tiên ở Ý: Canale 5. Sau đó, ông lần lượt mua lại các kênh Italia 1 từ gia đình Rusconi vào năm 1982 và Rete 4 từ Mandadori vào năm 1984. Trong cả quá trình đó, Berlusconi nhận được sự hậu thuẫn quan trọng nhờ vào mối quan hệ với Bettino Craxi, Chủ tịch Đảng xã hội chủ nghĩa Ý đồng thời là Thủ tướng Ý.
Năm 1995, Berlusconi bán bớt một phần tập đoàn truyền thông của ông cho tập đoàn truyền thông Đức Kirch (nay đã phá sản) và niêm yết ra đại chúng.
[sửa] Các công việc kinh doanh hiện giờ
Công ty chính của Berlusconi là Mediaset, sở hữu ba hãng truyền hình quốc gia, chiếm một nửa số khán giả truyền hình trong cả nước Ý và hãng Publitalia, công ty quảng cáo và truyền thông hàng đầu quốc gia. Tài sản của ông còn bao gồm Arnoldo Mondadori, nhà xuất bản lớn nhất nước Ý. Ngoài ra còn có các hãng phim Medusa và Penta, hãng bảo hiểm và ngân hàng Mediolanum cùng nhiều hoạt động khác. Em trai ông, Paolo Berlusconi sở hữu và điều hành Il Giornale, một tờ báo trung tả công khai ủng hộ Berlusconi.
Berlusconi còn sở hữu câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới AC Milan, một đóng góp quan trọng cho thành công của ông trong lĩnh vực chính trí. "Forza Italia", có nghĩa là "Tiến lên Italia!", là tên của đảng chính trị do Berlusconi đứng đầu, đồng thời là khẩu hiệu quen thuộc của các cổ động viên bóng đá nước này trong những cuộc tranh tài quốc tế.
[sửa] Sự nghiệp chính trị
[sửa] Ra mắt chính trường
Đầu những năm 1990, hai đảng chính trị lớn ở Ý, Đảng dân chủ Thiên chúa giáo (Democrazia Cristiana) và Đảng xã hội chủ nghĩa Italia đều mất uy tín nghiêm trọng do các bê bối về tham nhũng và chính trị. Tình hình dẫn đến việc Đảng dân chủ cánh tả, lực lượng kế thừa của Đảng cộng sản Ý, có khả năng thắng cử. Berlusconi đã tham gia chính trường với mục tiêu ngăn chặn những người cộng sản lên nắm quyền.
Tuy nhiên, đã có tranh cãi về mục tiêu thực sự của Berlusconi. Nhà báo Marco Travaglio cho rằng ông tham gia chính trị là để cứu những công ty của mình đang trên bờ vực và cứu chính mình khỏi vị truy tố. Theo báo cáo về 10 công ty hàng đầu nước Ý do tổ chức Mediobanca tiến hành hàng năm, năm 1992, Fininvest đang phải gánh một khoản nợ 7.140 tỷ lire. Từ năm 1992 đến 1993, Fininvest cũng đã bị các công tố viên Milan, Turin và Rome điều tra nhiều lần.
[sửa] Thắng cử năm 1994
Berlusconi thành lập Forza Italia chỉ hai thắng trước cuộc bầu cử năm 1994. Berlusconi tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử hết sức hoành tráng trên cả ba kênh truyền hình do ông sở hữu và giành thắng lợi thuyết phục khi Forza Italia giành được 21% số phiếu bầu, tỷ lệ lớn nhất với một đảng đơn lẻ tham gia tranh cử. Một trong những lời hứa quan trọng nhất giúp Berlusconi thắng cử là ông khẳng định chính phủ của mình sẽ tạo ra "một triệu việc làm mới". Ông lên làm thủ tướng năm 1994.
Tháng 12/1994, do bất đồng nội bộ, Umberto Bossi, người đứng đầu Lega Nord, một thành phần quan trọng trong chính phủ liên minh của Berlusconi, tuyên bố từ bỏ liên minh và Berlusconi buộc phải từ chức.
[sửa] Thắng cử năm 2001
Năm 2001, Berlusconi đứng đầu liên minh trung tả Casa delle Libertà, bao gồm Liên minh quốc gia, Đảng dân chủ Thiên chúa giáo thông nhất, Lega Nord và một số đảng nhỏ khác, ra tranh cử. Lần này ông thắng cử và một lần nữa lên chức Thủ tướng Ý khi liên minh của ông nhận được 45,4% số ghế ở Hạ viện và 42,5% ở Thượng viện. Trong các chương trình truyền hình vận động bầu cử, Berlusconi đã đưa ra năm lời hứa được coi là có ý nghĩa quyết định trong việc ông thắng cử. Một là sẽ cắt giảm hệ thống thuế phức tạp ở Ý xuống còn hai loại (33% với những ai kiếm được hơn 100.000 euro một năm, 23% với những ai kiếm được từ 11.000 đến 100.000 euro và không đánh thuế những ai kiếm được dưới 1.000 euro). Hai là giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn một nửa. Ba là đầu tư mạnh cho các chương trình phúc lợi xã hội. Bốn là tăng mức lương tối thiểu lên 516 euro và năm là tăng cường mạnh mẽ các hoạt động trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, trong suốt hai nhiệm kỳ thủ tướng sau đó, Berlusconi chỉ thực hiện được một lời hứa duy nhất là lời hứa thứ tư.
[sửa] Cuộc bầu cử năm 2006
Diễn ra theo luật bầu cử mới, cuộc bầu cử nghị viện 2006 kết thúc với chiến thắng sít sao của phe trung tả do Prodi đứng đầu (49,8% so với 49,7% của phe trung hữu do Berlusconi đứng đầu tại Hạ viện và nhiều hơn hai nghị sĩ, 158 so với 156, ở Thượng viện). Kết quả đó cho phép Prodi nắm quyền thủ tướng và đứng ra thành lập nội các mới.
[sửa] Cuộc bầu cử năm 2008
Berlusconi giành được thắng lợi lớn ở cả lưỡng viện dù đối thủ của ông, Walter Veltroni, đã bám đuổi rất sát trong suốt cuộc bầu cử được tổ chức vào hay ngày 13 và 14-4-2008. Trong số 315 ghế ở Thượng viện, Berlusconi nắm giữ 167 ghế so với 137 ghế của Veltroni. Ở Hạ viện, tỷ lệ phiếu của Berlusconi là 46,5%, còn của Veltroni là 37,5%. Sau khi thắng cử, ông đã lên kế hoạch giảm số thành viên nội các xuống còn 12 người. Berlusconi cùng các bộ trưởng của ông vừa tuyên thệ nhậm chức vào ngày 8-5-2008.
[sửa] "Vạ miệng"
Không ít lần Berlusconi gặp "vạ miệng" khi thể hiện lập trường chính trị của ông: thân Mỹ, khuynh hữu, đôi khi cực hữu và bảo thủ.
- Tháng 2-2002, trong một cuộc gặp mặt của các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu, Berlusconi đến dự thay mặt cho bộ trưởng vừa mất chức của Ý Renato Ruggiero đã dùng hay ngón tay làm thành biểu tượng âm hộ phụ nữ đằng sau lưng và trên đầu Bộ trưởng ngoại giao Tây Ban Nha Joseph Pique. Đó không phải là trò đùa xa lạ tại Ý, nhưng rất nhiều người coi đó là một cử chỉ vô cùng khiếm nhã. Berlusconi sau đó giải thích rằng ông chỉ "đùa thôi", nhưng Pique đã hết sức phật ý.
- Ngày 2-7-2003, một ngày sau khi nhận chức Chủ tịch EU theo nhiệm kỳ luân phiên, Berlusconi bị một thành viên của Nghị viện châu Âu, đảng viên đảng SPD Đức Martinz Schulz chỉ trích gay gắt vì chính sách đối nội của ông. Berlusconi đáp lại bằng cách nói rằng Schulz "rất giống một tên phát xít làm việc ở trại tập trung Do Thái thời Đức Quốc Xã". Dù Berlusconi nhắc lại rằng ông chỉ nói đùa, nhưng sự so sánh quá nhạy cảm đó đã khiến quan hệ giữa Ý và Đức trải qua một thời kỳ đầy sóng gió.
- Năm 2003, trong một cuộc phỏng vấn tờ The Spectator, Berlusconi nói rằng Mussolini "là một nhà độc tài nhân từ khi đã không thủ tiêu các đối thủ của mình mà chỉ đưa họ "đi nghỉ mát"". Rất nhiều nhà đấu tranh nhân quyền coi đó là một phát biểu thân phát xít không thể chấp nhận được.
- Đầu năm 2005, trong một bài phát biểu trước các nhà đầu tư nước ngoài ở Wall Street, Berlusconi liệt kê các lý do tại sao nước Ý là một địa điểm đầu tư lý tưởng. Lý do đầu tiên mà ông đưa ra là "chúng tôi có những nữ thư ký đẹp nhất thế giới". Phát biểu đó gây lên một làn sóng phẫn nộ ở Ý và các nữ nghị viên ở cả lưỡng viện quốc hội Ý, không phân biệt đảng phái, đã tham gia vào một cuộc phản đối kéo dài suốt một ngày.
- Giữa tháng 5-2005, Berlusconi tuyên bố ông đã phải "dùng mọi biệt tài ăn chơi đĩ điếm của tôi" để thuyết phục Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen nhường quyền tổ chức một hội nghị cấp châu Âu lại cho thành phố Ý Parma. Những chỉ trích gay gắt đến ngay lập tức cả từ Phần Lan và Ý. Đại sứ Ý tại Phần Lan đã bị Ngoại trưởng Phần Lan triệu tập lên bày tỏ "sự không hài lòng sâu sắc" với "những phát biểu bừa bãi và thiếu suy nghĩ của ngài thủ tướng". Berlusconi sau đó xin lỗi và nói rằng ông chỉ định đùa thôi.
- Tháng 3-2006, Berlusconi tuyên bố "Cộng sản Trung Quốc thường ăn thịt trẻ con". Berlusconi sau đó đã phải thừa nhận rằng ông "không biết từ kiềm chế mình", còn đối thủ chính trị của ông, Prodi, đã nhận xét rất chí lý rằng "những tổn thất đối với nước Ý do một lời xúc phạm 1,3 tỷ con người là không thể lường hết được".
- Trong một buổi ăn tối nhân dịp trao giải thưởng tháng 1-2007, Berlusconi đã nói với Mara Carfagna, một thành viên của Forza Italia và trước đó từng làm gái nhảy, rằng "Nếu tôi chưa kết hôn, tôi sẽ cưới cô ngay bây giờ" và "Tôi sẽ cùng cô đi bất cứ đâu". Vợ Berlusconi, Veronica, sau đó đã yêu cầu chồng mình phải xin lỗi bà chính thức trên tờ La Reppublica, một tờ báo đối địch với Berlusconi. Sau đó Berlusconi đã phải xin được tha thứ.
[sửa] Rắc rối với luật pháp
[sửa] Propaganda Due và những nghi vấn trong việc kinh doanh
Silvio Berlusconi gặp rất nhiều rắc rối với luật pháp liên quan tới cả sự nghiệp chính trị lẫn công việc làm ăn của ông bao gồm những cáo buộc về việc ông có liên hệ với mafia, làm giả chứng từ kế toán, trốn lậu thuế, tham nhũng và hối lộ các quan chức nhà nước. Một vài cộng sự, bạn bè và người thân của Berlusconi đã bị kết án các tội hình sự, như em trai ông, Paolo, người mà vào năm 2002 đã đồng ý trả 52 triệu euro để đổi lấy việc không bị truy tố tội tham nhũng.
Năm 1981, cảnh sát Ý phát hiện ra một tổ chức có tên Propaganda Due (P2) do Licio Gelli cầm đầu hoạt động chính trị bất hợp pháp với mục tiêu xây dựng một thể chế tập quyền chống cộng sản quyết liệt. Những thành viên của P2 bao gồm nhiều gương mặt tai to mặt lớn ở Ý và Berlusconi, khi đó mới bắt đầu trở nên nổi tiếng sau khi mua lại kênh truyền hình Canale 5. Sau đó quốc hội Ý tuyên bố rằng P2 là một tổ chức phi pháp, nhưng rốt cuộc không thành viên nào trong nhóm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một nghi vấn khác về sự nghiệp kinh doanh của Berlusconi là việc công ty xây dựng của ông phát triển với một tốc độ bất thường trong giai đoạn 1961-1963. Những nghi vấn đặt ra liên quan tới việc công ty này đã nhận được sự đầu tư từ nguồn tiền phi pháp. Ngoài ra, mối quan hệ cá nhân thân mật giữa Berlusconi với Chủ tịch đảng Xã hội chủ nghĩa Ý Bettino Craxi trong những năm 1980 cũng bị nghi ngờ là với mục đích có đi có lại giữa một chính trị gia và một doanh nhân.
Berlusconi đã không ít lần lợi dụng quyền lực trong tay khi làm thủ tướng để thúc đẩy thông qua các đạo luật giúp ông tránh khỏi bị truy tố, như luật giảm án phạt với tất cả các trường hợp gian lận sổ sách kế toán, luật cho phép các tài khoản của ông ở Thụy Sĩ được phép niêm phong và bảo mật trước các công tố viên Ý, luật cho phép bên bị cáo được yêu cầu xét xử ở một tòa án tại địa phương khác nơi bị cáo đang ở và quan trọng nhất là đạo luật vào tháng 6-2003 cho phép năm quan chức cấp nhà nước của Ý, bao gồm thủ tướng, được miễn nhiệm các trách nhiệm hình sự khi còn đang tại vị. Các đạo luật đó bị chỉ trích dữ dội bởi phe đối lập của Berlusconi và nhiều tờ báo ở châu Âu.
Berlusconi còn bị buộc tội ở Tây Ban Nha vì tội trốn lậu thuế liên quan tới việc vận hành kênh truyền hình Telecinco. Tuy nhiên, cương vị ủy viên Nghị viện châu Âu đã giúp Berlusconi được quyền miễn truy tố.
[sửa] Liên hệ với mafia?
Ở Ý, rất nhiều người tin rằng Berlusconi có liên hệ với mafia Sicilia. Vittorio Mangano, một nhân vật từng bị truy tố do liên quan tới mafia, được Berlusconi thuê làm người làm vườn và quản gia cho ông tại biệt thự San Martino ở Arcore, một thị trấn nhỏ gần Milan. Mangano được coi là chủ mưu của nhiều vụ bắt cóc tống tiền nhắm vào con cái của các tỷ phú lớn ở Ý. Tuy nhiên, Berlusconi phủ nhận mọi thông tin về việc ông có liên hệ với mafia.
Năm 2004, Marcello Dell'Utri, Giám đốc công ty chuyên về xuất bản của Berlusconi, Publitalia 80 và là một thành viên của Forza Italia bị tòa án Palermo tuyên án chín năm tù vì "có liên hệ mật thiết với các tổ chức mafia". Bản án đó mô tả Dell'Utri như là người trung gian cho các lợi ích kinh tế của Berlusconi và các tổ chức tội phạm. Berlusconi đã không đưa ra bất cứ bình luận nào về lời bản án đó.
Năm 1996, một tay mafia lâu đời, Salvatore Cancemi, tuyên bố rằng Berlusconi cùng Dell'Utri có liên hệ trực tiếp với Salvatore Riina, thủ lĩnh mafia Sicilia trong những năm 1980 và 1990. Một cuộc điều tra kéo dài hai năm đã được các công tố viên Ý tiến hành, nhưng rồi nó khép lại mà không đi đến bất cứ kết luận nào do không thể tìm thấy chứng cứ xác thực về mối liên hệ giữa Riina và Berlusconi.
Trong một tiết lộ khác, Antonio Giuffre, bị bắt ngày 16-4-2002 cho hay các tổ chức mafia đã ủng hộ Forza Italia để đổi lấy sự bảo hộ cho các lợi ích của họ sau khi đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo mất dần quyền lực vào đầu những năm 1990. Những đổ vỡ trong quan hệ giữa mafia và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo được chứng minh sau vụ sát hại Salvo Lima, một thành viên của cả đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và mafia Sicilia, cựu thị trưởng Palermo và Nghị sĩ Ý, vào tháng 3-1992.
Giuffre cho biết chính bản thân Berlusconi thường xuyên liên hệ với Stefano Bontade, một trùm mafia khét tiếng, vào giữa những năm 1970. Bontade đã được Mangano giới thiệu với Berlusconi. Giuffre còn khẳng định rằng Berlusconi có liên hệ với những ông chủ nổi tiếng khác của các tổ chức mafia ở Palermo như anh em nhà Filippo Graviano và Giuseppe Graviano vào khoảng cuối năm 1993. Các luật sư của cả Berlusconi lẫn Dell'Utri phủ nhận tất cả những gì mà Guffre nói.