See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Lập Thạch – Wikipedia tiếng Việt

Lập Thạch

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lập Thạch
Địa lý
Trụ sở Ủy ban Nhân dân: tại Thị trấn Lập Thạch
Vị trí: phía bắc tỉnh Vĩnh Phúc
Diện tích: 323,02 km²
Số phường/xã: 35 , 1 thị trấn
Dân số
Số dân: 207.052
 - Nông thôn  %
 - Thành thị  %
Mật độ: 554 người/km²
Thành phần dân tộc: Việt, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Tày, Nùng, Hoa
Hành chính
Chủ tịch Hội đồng nhân dân: Nguyễn Văn Thắng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân: Nguyễn Thiệu Dung
Thông tin khác
Điện thoại trụ sở: 0211.830115
Số fax trụ sở: 0211.830115
Địa chỉ mạng: [1]

Lập Thạchhuyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ở vị trí từ 105°30′ đến 105°45′ kinh Đông và 21°10′ đến 21°30′ vĩ Bắc, giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc, giáp huyện Tam Đảo và huyện Tam Dương phía Đông, giáp huyện Vĩnh Tường phía Nam và giáp tỉnh Phú Thọ phía Tây.

Mục lục

[sửa] Tên gọi Lập Thạch qua các thời kỳ

Đá dựng
Đá dựng

Trong số các địa danh các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, Lập Thạch là tên huyện tương đối ít biến động suốt chiều dài lịch sử. Nguyên nghĩa chữ Lập Thạch (立石) theo Hán tự là "Đá dựng". Trước khi có tên huyện, thì đó là tên làng, làng Lập Thạch, bởi trong làng có cột đá dựng tự nhiên, tựa như một tòa miếu cổ[1]. Về sau làng Lập Thạch đổi gọi là xã Lập Thạch gồm có 4 thôn: Do Nha (còn gọi là làng Ngà hoặc Miêu Nha Thôn), Vinh Quang (tức xóm Chùa), Đại Trung (tức làng Cả, Cao trung thôn), Văn Lâm (tức Văn Minh thôn).

Tại xã Lập Thạch trước kia có ngôi chùa Long Hoa, hiện nay không còn. Tại chùa có quả chuông được đúc từ đời Lý, đến năm Đinh Mùi (1787) chuông bị phá ra đúc tiền sau đó lại phục dựng vào năm Kỷ Mùi (1799). Quả chuông cao khoảng 120cm, chạm hoa văn cầu kỳ và khắc bài minh văn chữ Hán trên bốn mặt chuông với khoảng 80 dòng, 4000 chữ. Dòng ghi địa danh cho biết Tam Đái phủ, Lập Thạch huyện. Lập Thạch, Thiều Thạch nhị xã Vi Văn Minh thôn ..." nghĩa là: "thôn Văn Minh cùng 2 xã Thiều Thạch, Lập Thạch huyện Lập Thạch phủ Tam Đái..."[2]

Trong các thư tịch cổ, địa danh huyện Lập Thạch được chép lần đầu tiên trong sách Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên, và đặc biệt là trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1479, sử quan Ngô Sĩ Liên đã chọn chép vào phần Bản kỉ toàn thư, Quyển thứ VIII, Kỉ nhà Trần một đoạn có nhắc đến tên huyện Lập Thạch[3]: Thiếu Đế, Kỉ Mão (Kiến Tân) năm thứ 2 (1399), (Minh Thái Tổ kiến văn, năm thứ nhất). Tháng 8, tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn, làm giả tiền giấy tiêu dùng. Gặp lúc Thuận Tông bị giết, Khát Chân bị chém, mới chiêu dụ dân lành được hơn vạn người, hoạt động ở các xứ Lập Thạch, Để Giang, Lịch Sơn, Đà Giang, Tản Viên, cướp bóc bừa bãi, các châu huyện không sao khống chế được. Căn cứ theo Đại Việt sử ký toàn thư các sách địa chí cổ về sau như Sơn Tây chí, Sơn Tây tỉnh chí khi chép về huyện Lập Thạch đều khẳng định ...nhi Lập Thạch tri danh thủy kiến, nghĩa là "tên huyện Lập Thạch, lần đầu tiên thấy có từ đó (tức từ "Đại Việt sử ký toàn thư)". Như vậy, năm 1399 là năm đầu tiên tên huyện Lập Thạch được chép vào chính sử. Tính đến nay, đây là một địa danh cấp huyện được ra đời sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc và tồn tại lâu nhất với trên 600 năm lịch sử.

[sửa] Lịch sử

Một phần quang cảnh xã Đạo Trù, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Lập Thạch
Một phần quang cảnh xã Đạo Trù, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Lập Thạch

Như đã nói trên, theo những điều ghi chép trong chính sử và Đại Nam nhất thống chí, được Đào Duy Anh dẫn lại trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, tên huyện Lập Thạch xuất hiện từ đời nhà Trần (1225-1400). Trong giai đoạn này huyện mang tên Lập Thạch thuộc châu Tam Đới, lộ Đông Đô. Đến đời nhà Lê, nhà Nguyễn, huyện Lập Thạch vẫn thuộc châu Tam Đới sau đổi tên là phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây.

Tới năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), phủ Tam Đới đổi tên là phủ Tam Đa và năm Minh Mệnh thứ ba (1822) thành lập tỉnh Vĩnh Yên. Huyện Lập Thạch vẫn giữ nguyên tên cũ và địa lý hành chính cũ bất di bất dịch cho tới ngày nay.

Trong thời kỳ này địa dư huyện Lập Thạch khá rộng, đến đầu thế kỷ 20 (năm 1903) huyện có tới 11 tổng (Bạch Lưu, Đạo Kỷ, Đông Định, Đông Mật, Hạ ích, Hoàng Chỉ, Nhân Mục, Sơn Bình, Thượng Đạt, Tử Du và Yên Xá) và bao gồm tới 81 làng. Tới năm 1927, do sáp nhập một số làng với nhau và phân bố lại một số tổng, huyện Lập Thạch còn 70 làng, vẫn giữ nguyên số lượng tổng tuy tổng Đông Định đổi tên thành tổng Đại Lượng và tổng Sơn Bình đổi thành tổng Bình Sơn.

Sau Cách mạng Tháng Tám Quốc hội và Chính phủ Việt Nam xoá bỏ cấp phủ và tổng là hai cấp trung gian, mở rộng cấp xã, nhỏ hơn tổng nhưng lớn hơn làng xã trước kia, bao gồm một số thôn xóm cũ. Nhiều tên xã mới ra đời và có xã lấy tên các anh hùng dân tộc, các liệt sĩ cách mạng, các nhà hoạt động chống Pháp đặt tên xã mình (như xã Hải Lựu đổi là xã Hồng Phong, xã Xuân Hoà là xã Quang Trung). Một số xã là sự kết hợp 2 từ đầu hoặc 2 từ cuối, hoặc 1 từ đầu 1 từ cuối trong hai thôn hợp nhất (như xã Quang Yên là 2 thôn Quang Viễn và Yên Thiết hợp lại, Phường Khoan là Phương Ngạc + Khoan Bộ, Triệu Đề là Triệu Xá + Đại Đề). Cũng có xã thống nhất lấy một tên tiêu biểu nhất, chung cho cả các thôn trong xã mình, (xã Tứ Yên gồm 4 thôn: Yên Lập, Yên Lương, Yên Tĩnh, Yên Xá, xã Đôn Nhân gồm 4 thôn: Đôn Hạ, Đôn Mục, Đôn Thượng, Đôn Nhân).

Một căn nhà ngang truyền thống 3 gian 2 chái được xây dựng tại xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch từ những năm 1960
Một căn nhà ngang truyền thống 3 gian 2 chái được xây dựng tại xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch từ những năm 1960

Trải qua một số lần điều chỉnh địa dư và tên gọi, đến năm 1968 (năm hợp nhất Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vinh Phú), huyện Lập Thạch còn 38 xã. Trong suốt thời kỳ trực thuộc tỉnh Vĩnh Phú, huyện Lập Thạch có hai lần thay đổi địa lý hành chính: năm 1977 huyện Lập Thạch được hợp nhất với huyện Tam Dương thành một huyện lấy tên là Tam Đảo, huyện lỵ đóng tại phố Miễu (Hoa Lư), xã Liễn Sơn. Năm 1978, huyện Tam Đảo lại được tách thành 2 huyện: Huyện Tam Dương hợp với huyện Bình Xuyên và lấy tên là Tam Đảo; còn huyện Lập Thạch giữa nguyên địa dư và địa danh cũ; huyện lỵ được chuyển về đóng tại Xuân Hòa.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 1996, huyện Lập Thạch có 39 đơn vị hành chính cấp cơ sở (38 xã và 1 thị trấn). Tới năm 2000 các khu dân cư thuộc các xã, thị trấn trong huyện được đổi thành các thôn, làng và khu phố. Toàn huyện có 422 thôn, làng, khu phố, trong đó có 389 thôn, 27 làng và 6 khu phố. Đến năm 2003 Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc công nhận các thôn và tổ dân phố hiện có của tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó huyện Lập Thạch có 411 thôn thuộc 38 xã và 11 tổ dân phố thuộc thị trấn Lập Thạch. Năm 2003 Chính phủ ra nghị định về việc thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch chuyển 3 xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương về huyện Tam Đảo mới. Sau khi điều chỉnh, từ ngày 1 tháng 1 năm 2004 huyện Lập Thạch còn lại 32.30,17 ha diện tích tự nhiên và 207.326 nhân khẩu với 36 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 35 xã và 1 thị trấn), vẫn là huyện rộng nhất của tỉnh Vĩnh Phúc[4].

[sửa] Điều kiện tự nhiên

Một đoạn sông Phó Đáy (sông Đáy) chảy qua địa phận xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch
Một đoạn sông Phó Đáy (sông Đáy) chảy qua địa phận xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch

Lập Thạch có cấu tạo địa tầng rất cổ. Khu vực xung quanh núi Sáng và các xã Quang Sơn, Hợp Lý, Bắc Bình, Liễn Sơn ở hữu ngạn sông Phó Đáy, diện tích hàng chục km2 có tuổi đại nguyên sinh. Vùng ven rìa trước núi Tam Đảo thuộc xã Đạo Trù có tuổi đại trung sinh. Như vậy, huyện Lập Thạch nằm trên một địa tầng rất vững vàng, rất cổ xưa, nơi "trẻ" nhất cũng cách ngày nay trên 200 triệu năm. Từ địa tầng đó đã xuất hiện hai thành tạo magma xâm nhập đáng kể là khối núi Sáng, tổng diện tích 70 km2 và khối các núi Bầu, núi Lịch, núi Ngang, diện tích nhỏ hơn, nằm hai bên bờ sông Phó Đáy, từ xã Hợp Lý đến các xã Yên Dương, Bồ Lý, tuổi tuyệt đối là 350 triệu năm[5].

Kiến tạo địa chất đồi ở Lập Thạch
Kiến tạo địa chất đồi ở Lập Thạch

Huyện Lập Thạch giáp giới tỉnh Tuyên Quang phía Bắc với dãy núi Tam Đảo, và tỉnh Phú Thọ phía Tây với sông Lô. Núi dài sông rộng tại huyện đã trở thành những ranh giới thiên nhiên tách huyện tương biệt lập với các tỉnh lân cận. Phía Đông và Nam của Lập Thạch giáp giới các huyện cùng tỉnh như huyện Tam Đảo, huyện Tam Dương và huyện Vĩnh Tường. Diện tích đất tự nhiên toàn huyện bao gồm 32.302,2 ha trong đó đất nông nghiệp chiếm 15.239,43 ha; đất lâm nghiệp chiếm 8.367,65 ha; đất ở chiếm 4.742,72 ha; và đất chưa sử dụng là 3.952,4 ha[6].

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 22°C, số giờ nắng trung bình trong năm là 1.450 đến 1.550 giờ, lượng mưa trung bình 1.500-1.800 mm/năm, độ ẩm trung bình khoảng 84%, khí hậu Lập Thạch được chia làm 4 mùa rõ rệt. Mưa nhiều vào mùa hè gây úng lụt vùng trũng do nước từ các dãy núi lớn, như Tam Đảo, và từ sông Lô, sông Đáy trút vào đồng chiêm, nhiều khi tràn ngập ra cả đường liên huyện, liên xã gây cô lập các cụm dân cư và các xã. Mùa đông khí hậu khô hanh thậm chí gây hạn hán tại nhiều vùng đồi, núi.

[sửa] Phân chia hành chính

Huyện Lập Thạch hiện nay có 35 xã và 1 thị trấn trong đó thị trấn Lập Thạch đồng thời là huyện lỵ[7]. Các xã gồm: Xuân Hòa, Quang Yên, Bạch Lựu, Hải Lựu, Bắc Bình, Thái Hòa, Liễn Sơn, Vân Trục, Đồng Quế, Nhân Đạo, Đôn Nhân, Phương Khoan, Liên Hòa, Tử Du, Tân Lập, Nhạo Sơn, Tam Sơn, Như Thụy, Yên Thạch, Bàn Giản, Xuân Lôi, Đồng Ích, Tiên Lữ, Văn Quán, Đồng Thịnh, Tứ Yên, Đức Bác, Đình Chu, Cao Phong, Triệu Đề, Sơn Đông, Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Hợp Lý, Lãng Công.

[sửa] Dân cư

Tính đến năm 2004, Lập Thạch có số dân 207.052 người bao gồm 7 dân tộc: Kinh, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Tày, Nùng, Hoa[8], mật độ dân số 554 người/km². Lực lượng lao động đông đảo ở huyện Lập Thạch chính là nguồn lực, tiềm năng kinh tế của huyện.

[sửa] Kinh tế

Một đồi sắn tại xã Đình Chu, Lập Thạch
Một đồi sắn tại xã Đình Chu, Lập Thạch
Cánh đồng trồng lạc và lúa tại xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch
Cánh đồng trồng lạclúa tại xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch

Nền kinh tế huyện Lập Thạch đang từng bước phá thế độc canh, song tỷ trọng thu nhập chủ yếu vẫn từ kinh tế nông nghiệp[9]. Ngoài ra, các cây lương thực, cây nguyên liệu, cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương, mía vẫn được duy trì và phát triển. Một số cây công nghiệp dài ngày đang dần được thu hẹp về diện tích để nhường chỗ cho các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như nhãn, vải, hồng, xoài.

Bên cạnh những nỗ lực tìm hướng đi trong việc phát triển tối ưu cây trồng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp của huyện, các vùng chiêm trũng ven sông, các hồ trong huyện đang được chú trọng phát triển chăn thả thủy sản, chủ yếu là cá. Với phong trào cải tạo đồng chiêm trũng nuôi thả vụ, những năm gần đây Lập Thạch luôn duy trì ở mức ±1.200 ha mặt nước. Ngoài gia súc, gia cầm là vật nuôi truyền thống, một số động vật nuôi mới đã được đưa vào sản xuất với quy mô tương đối rộng như bò sữa, dê, ong mật. Phát triển đa dạng sản phẩm hàng hóa và quy mô sản xuất, quy mô hộ gia đình và nhóm hộ gia đình gắn với nông nghiệp nông thôn. Khôi phục và đầu tư chiều sâu các ngành nghề truyền thống, ưu tiên phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, sơ chế, chế biến nông lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng, sửa chữa cơ khí, điện, điện tử là những mục tiêu ưu tiên của chính quyền huyện.

Những mặt hàng truyền thống về mây, tre đan ở Triệu Đề, các sản phẩm chế tác đá mỹ nghệ ở Hải Lựu sẽ là một trong những thế mạnh của huyện nếu có được thị trường ổn định và sự quan tâm đầu tư đúng mức.

[sửa] Văn hóa cổ truyền

Tháp Bình Sơn một di sản kiến trúc thời Trần nổi tiếng tại thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch
Tháp Bình Sơn một di sản kiến trúc thời Trần nổi tiếng tại thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch

Lập Thạch là vùng đất cổ kính nhất của tỉnh Vĩnh Phúc[10]. Những di chỉ khảo cổ như hang động trên núi Thét ở xã Hồng Phong (nay là Hải Lựu) với nhiều mảnh gốm cổ của người nguyên thủy thời đồ đá cũ Sơn Vi, niên đại trên 2 vạn năm, cho thấy sự có mặt của cộng đồng cư dân tại đây là rất sớm. Những dấu ấn tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân bản địa qua trường kỳ lịch sử hiện nay còn xuất hiện với mật độ dày đặc trong huyện, như như lễ "bắt trạch trong chum", "leo cầu" tại làng Thạc Trục (nay thuộc thị trấn Xuân Hòa); "nghi lễ cầu đinh", "cầu tế nõ nường" tại xã Đức Bác; tục "đá cầu", "cướp phết" tại xã Bàn Giản[11] biểu hiện tín ngưỡng phồn thực rõ rệt; lễ hội Chọi trâu Hải Lựu[12] gắn với tích về vị anh hùng chống giặc ngoại xâm Lữ Gia; lễ hội xuống đồng của người Cao Lan cầu mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt v.v.. Bên cạnh những phong tục, lễ hội cổ sơ đó là những kiến trúc nổi tiếng như Tháp Bình Sơn, đình Sen Hồ, đền thờ Trần Nguyên Hãn.

Toàn huyện Lập Thạch hiện có ít nhất 22 làng, thôn thờ tới 79 vị thần núi, thần sông với nhiều tín ngưỡng cổ thờ thần đá, thần cây, thần sông, thần núi v.v., một vài nơi còn tồn tại việc thờ cúng các vật tính giao, một loại hình tín ngưỡng cũng rất cổ. Lập Thạch có trên 100 di tích lịch sử văn hóa ở khắp các xã, thị trấn, trong đó có 25 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh[13], có mật độ dày nhất tỉnh Vĩnh Phúc[14].

[sửa] Xã hội

Lễ hội chọi trâu diễn ra thường niên tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch
Lễ hội chọi trâu diễn ra thường niên tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch

Mạng lưới giáo dục rộng khắp phân bố đều trên địa bàn huyện Lập Thạch, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong huyện. Hệ thống trường lớp phần lớn được đầu tư xây dựng kiên cố, cao tầng. Ngoài ra với sự quan tâm đầu tư thích đáng của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện nên chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học ngày càng được nâng lên.

Các cơ sở khám chữa bệnh trong huyện được trang bị cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Đội ngũ cán bộ y tế dần dần được nâng lên cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của đông đảo nhân dân trong huyện.

Các chính sách xã hội đối với người có công, người nghèo, vấn đề xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng được các cấp chính quyền của Lập Thạch quan tâm góp phần ổn định xã hội[15].

[sửa] Ẩm thực

Miếng đất sét trên đồi có thể ăn được trong tay một bà cụ
Miếng đất sét trên đồi có thể ăn được trong tay một bà cụ

Lập Thạch có một số món ăn đã trở thành đặc sản, như món cá thính, còn gọi là cá muối chua, ngon nhất là cá thính thuộc xã Cao Phong và Đức Bác. Đây là loại sản phẩm đang được tỉnh Vĩnh Phúc bảo hộ nhãn hiệu thương mại[16]. Cá được ướp thính ủ trong chum cho lên men chua tự nhiên trong nhiều tháng và được nướng lại trước khi ăn như một món ăn mặn, một món nhắm.

Là một vùng bán sơn địa trước kia thường có một mùa nước ngập đồng chiêm, thủy sản nước ngọt đặc biệt là các loại cá khá phong phú nên Lập Thạch, ngoài món cá thính nổi tiếng nói trên, cũng cần nhắc đến đặc sản gỏi cá mè của người Cao Lan xã Quang Yên[17]. Cá mè to được rửa, đánh sạch vảy, lọc 2 bên thịt lườn thái mỏng và chia làm hai phần, phần ăn sống kèm các loại lá gia vị như lá lốt, tía tô, xương xông, rau mùi, lá bồ công anh, rau rấp cá..., chấm nước sốt sánh làm từ lòng cá băm nhỏ, nước mẻ, tương, gừng, mỡ, dấm, quả dọc, tai chua, hành, cà chua v.v.; phần còn lại bóp thính với bột ngô rang và ăn cùng các loại lá gia vị, nước chấm kể trên. Phần đầu cá, đuôi và xương cá được ướp với tương, gừng, mắm, muối rồi kho mục làm món ăn mặn.

Về các loại bánh, Lập Thạch nổi tiếng với món bánh nẳng (có nơi còn gọi là bánh gio) tại vùng Đôn Nhân, và bánh gạo ranh ngon nổi tiếng tại xã Tiên Lữ qua câu tục ngữ bánh nẳng chợ Tràng, bánh gạo rang Tiên Lữ[18]. Bên cạnh đó là bánh làm từ các loại khoai phơi khô, có câu khoai Đồng Mái, gái Đình Chu. Bánh nẳng dùng gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước nẳng. Nước nẳng (nước gio) được các bà, các mẹ dùng cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá si, tầm gửi cây dọc đem đốt lấy gio, hòa vào nước và gạn nước trong đem ngâm gạo một đêm. Sau đó vớt gạo ra gói trong lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc chín bánh và vớt ra ăn với mật mía, mật ong.

Nổi tiếng ngang với bánh nẳng chợ Tràng là món bánh gạo rang của người Tiên Lữ, trước kia thường được làm để cúng thần ngày tiệc làng, lễ tết, và làm quà biếu đặc sản của địa phương. Gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước quả dành dành, ruột cỏ bấc đèn, cây giáy, tro cây vừng trong vài ngày sau đó vớt gạo đồ xôi. Khi xôi chín trộn với mỡ lợn và trải ra nia đập cho xôi bẹp ra, đem phơi thật khô, sau đó lại trộn mỡ lợn vào xôi khô và rang nở bung. Dùng mật mía đun sôi trộn đều với gạo rang nở và đem đổ ra mâm, lèn, cán chặt trước khi cắt thành từng miếng bánh to nhỏ tùy ý.

Đặc biệt, có món ăn đặc trưng của Lập Thạch đã trở thành "chuyện lạ Việt Nam" như phong tục ăn đất sét hun khói[19][20]. Đất sét non mịn được lấy từ độ sâu chừng 15-20 m dưới mặt đất gọi là "giếng đất", hoặc chừng 4-5 m dưới mặt đất gọi là "hầm đất". Những tảng đất mới lấy to chừng 5-6 cm3, màu xám tro, có vệt nâu đỏ, mịn, mềm, không sạn, nặng mùi bùn, được nướng cùng với lá sim và lá chè cay cho đến khi chúng chuyển sang màu vàng sẫm và khét mùi thơm. Khi đó những miếng đất hun được gọi là "ngói" và trở thành món ăn vặt ngon lành hay những món quà chợ để biếu nhau. Thịnh hành từ xa xưa và hiện nay nhiều nơi trong huyện vẫn còn được chế biến, tục ăn đất sét của người dân Lập Thạch, theo nghiên cứu của tiến sĩ Lê Nhâm Tuyết, có từ phong tục "việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu" thuở Hùng Vương dựng nước[21].

[sửa] Xem thêm

[sửa] Chú thích

  1. ^ Sơ lược về địa danh "Lập Thạch Huyện"
  2. ^ Sơ lược về địa danh "Lập Thạch Huyện"
  3. ^ Sơ lược về địa danh "Lập Thạch Huyện"
  4. ^ Địa lý hành chính huyện Lập Thạch qua các thời kỳ lịch sử
  5. ^ Huyện Lập Thạch, một vùng đất tối cổ
  6. ^ Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội huyện Lập Thạch
  7. ^ Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội huyện Lập Thạch
  8. ^ Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội huyện Lập Thạch
  9. ^ Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội huyện Lập Thạch
  10. ^ Huyện Lập Thạch, một vùng đất tối cổ
  11. ^ Tục đá cầu, cướp phết tại xã Bàn Giản huyện Lập Thạch
  12. ^ Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu huyện Lập Thạch
  13. ^ Huyện Lập Thạch bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa
  14. ^ Huyện Lập Thạch, một vùng đất tối cổ
  15. ^ http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/dktn/dktn_kt_xh.html
  16. ^ Vĩnh Phúc bảo hộ nhãn hiệu “Cá thính Lập Thạch”
  17. ^ Một số món ăn truyền thống ở huyện Lập Thạch
  18. ^ Một số món ăn truyền thống ở huyện Lập Thạch
  19. ^ Ăn đất ở Lập Thạch
  20. ^ Khoa học nói gì về hiện tượng lạ: người "ăn đất"?
  21. ^ Tục ăn đất dưới góc nhìn khoa học

[sửa] Liên kết ngoài

Việt Nam Các đơn vị hành chính cấp huyện thị trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam
Thành phố (1): Vĩnh Yên
Thị xã (1): Phúc Yên
Huyện (7): Bình Xuyên | Lập Thạch | Mê Linh | Tam Dương | Tam Đảo | Vĩnh Tường | Yên Lạc
Ngôn ngữ khác


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -