Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là một truyền thuyết Trung Quốc về chuyện tình bi thảm của hai người, Lương Sơn Bá (梁山伯) và Chúc Anh Đài (祝英台) hay còn được viết tắt là Lương Chúc, từ tên gọi của hai người mà truyền thuyết này được biết đến trong tiếng Trung là 梁山伯與祝英台, bính âm: Liáng Shānbó yǔ Zhù Yīngtái, hay viết tắt là "梁祝", Liáng-Zhù). Truyền thuyết Trung Hoa này thường được coi như là Romeo và Juliet của Trung Quốc.
Sáu thành phố tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cộng tác từ năm 2004 để chính thức đề nghị UNESCO công nhận truyền thuyết này là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới ([1]), với dự kiến đệ trình năm 2006 thông qua Bộ văn hóa Trung Quốc.
Mục lục |
[sửa] Tổng quan
Câu chuyện này có từ thời nhà Đông Tấn (317-420).
Một cô gái trẻ tên là Chúc Anh Đài, người Thượng Ngu (上虞), Chiết Giang, cải trang thành con trai để tới Hàng Châu học tập. Trong chuyến đi của mình, cô đã gặp và kết thân với Lương Sơn Bá, một bạn cùng học đến từ Cối Kê (會稽, nay là Thiệu Hưng cùng tỉnh). Họ học hành cùng nhau trong 3 năm, trong quá trình đó quan hệ của họ càng được củng cố thêm. Khi hai người chia tay nhau, Chúc Anh Đài có nói rằng sẽ thu xếp để Lương Sơn Bá cưới người em gái 16 tuổi (do cô tạo ra) của mình. Khi Lương Sơn Bá đến nhà Chúc Anh Đài, anh mới phát hiện ra giới tính thật sự của cô. Mặc dù họ dành hết tình cảm cho nhau và yêu nhau say đắm kể từ thời điểm đó, nhưng Chúc Anh Đài đã bị cha mẹ mình hứa gả cho Mã Văn Tài (馬文才). Vì phiền muộn, Lương Sơn Bá đã mất tại nơi làm việc khi đang là huyện lệnh của huyện Ngân (鄞). Vào ngày Chúc Anh Đài phải lấy Mã Văn Tài, khi đoàn đón dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá, một trận cuồng phong nổi lên ngăn cản đoàn đi tiếp. Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ Lương Sơn Bá để cúng tế. Phần mộ Lương Sơn Bá bỗng mở ra và Chúc Anh Đài đi vào trong đó. Sau đó, từ trong mộ, một đôi bướm quấn quít bên nhau và cùng bay đi.
[sửa] Ghi chép lịch sử
Ghi chép sớm nhất về truyền thuyết này có vào cuối thời nhà Đường. Trong Tuyên thất chí (宣室志), tác giả Trương Độc (張讀) vào khoảng những năm 850-880 có viết:
Anh Đài, con gái nhà họ Chúc ở Thượng Ngu, cải trang thành nam tử, cùng học với Lương Sơn Bá đến từ Cối Kê.Sơn Bá không biết Anh Đài là gái nên xem Anh Đái là bạn thân ,hai ngươi cùng ở cùng phong vơi nhau Tự hiệu của Sơn Bá là Xử Nhân (處仁). Chúc Anh Đài quay về nhà trước. Hai năm sau, Lương Sơn Bá đến thăm nhà nàng, chỉ khi đó mới biết nàng là gái, vì thế cảm thấy buồn bã như mất đi điều thuộc về mình. [Lương Sơn Bá] muốn cầu hôn với cha mẹ [Chúc Anh Đài], nhưng gia đình nàng đã đồng ý gả nàng cho con trai nhà họ Mã. Sơn Bá nhậm chức huyện lệnh tại huyện Ngân (鄞, ngày nay là phía tây của Ninh Ba), sau đó chết tại nhiệm sở và được chôn cất tại phía tây thành Mậu (鄮, nay là phía đông của Ninh Ba). Khi Chúc Anh Đài được hộ tống đến nhà họ Mã bằng đường thủy thì thuyền cứ dừng lại trước mộ, không thể di chuyển được vì gió to và sóng cả. Sau khi biết rằng đó là mộ của Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài lên bờ kêu gào khóc thương, đất bỗng tự mở ra; Chúc Anh Đài vì thế cũng được chôn cất trong mộ. Tạ An, khi đó là thừa tướng nhà Tấn, tấu biểu cho đề lên mộ câu "義婦塚" (nghĩa phụ trủng – tức mộ của người vợ có nghĩa).
Truyền thuyết này cũng được ghi chép lại trong nhiều tài liệu chính thức khác, như Ngân huyện chí (鄞縣志), Ninh Ba phủ chí (寧波府志) và Nghi Hưng Kinh khê tân chí
[sửa] Trong nghệ thuật
Truyền thuyết này đã được mô phỏng thành các phiên bản địa phương của hí kịch Trung Quốc truyền thống, chẳng hạn Lương Chúc trong hí kịch Thiệu Hưng và Liễu ấm kí (柳蔭記) trong hí kịch Tứ Xuyên. Phiên bản trong Thiệu Hưng kịch đã được chuyển thể thành phim màu năm 1953 ([2]) tại Trung Quốc với Phạm Thụy Quyên (范瑞鹃) đóng vai Lương Sơn Bá, Viên Tuyết Phân (袁雪芬) đóng vai Chúc Anh Đài. Giới thiệu bộ phim này do Bộ Văn hóa và Ủy ban quân sự và chính trị Đông Hoa thực hiện đã diễn ra trên quê hương của Chúc Anh Đài tại Thượng Ngu.
Câu chuyện cũng truyền cảm hứng cho sự ra đời của Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc (bản côngxectô Lương Chúc dành cho viôlông), một sáng tác dành cho viôlông và dàn nhạc. Nó được các nhà soạn nhạc Trung Quốc là Hà Chiêm Hào (何占豪) và Trần Cương (陈钢) sáng tác năm 1958. Bản côngxectô này dài gần khoảng 30 phút và là một trong những tác phẩm kinh điển của âm nhạc Trung Quốc hiện đại. Trong thập niên 1970, đài truyền hình TVB của Hồng Kông đã cho viết phỏng theo truyền thuyết này các đoạn tiểu khúc âm nhạc, với Đàm Bách Tiến (Roman Tam Pak-sin) và Susanna Kwan thể hiện các đoạn xướng âm cho các phần nhạc thu do Cố Gia Huy (Joseph Koo) viết. Ít nhất có 2 phim điện ảnh đã sử dụng nó cho phần nhạc chủ đề của mình: The Lovers ([3], [4]) do Từ Khắc (Tsui Hark) đạo diễn và Dương Thái Ny (Charlie Yeung Choi-Nei) cùng Ngô Kỳ Long (Nicky Wu) thủ vai tại Hồng Kông năm 1994; và The Butterfly Lovers ([5], [6]), một phim truyện hoạt hình do Tsai Min-chin đạo diễn và các diễn viên Elva Siao, Rene Liu và Jacky Wu Jing thủ vai tại Đài Loan năm 2004.
Năm 1981, Jann Paxton, khi đó làm việc trong chương trình nghệ thuật nhà hát tại đại học Old Dominion ở Norfolk, Virginia, đã được các sinh viên Trung Quốc giới thiệu cho biết về Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc. Paxton đã cảm nhận nguồn cảm hứng từ bản côngxectô này và truyền thuyết nguyên bản của nó đến mức ông đã hình thành ra một một vở ba lê đủ dài dựa trên câu chuyện này và cố gắng thu được các quyền biểu diễn hạn chế đối với bản tổng phổ từ những người sở hữu nó tại Trung Quốc. Sáng tác và dàn dựng của Randy Strawderman và Jann Paxton (ông thiết kế luôn cả cảnh dựng và trang phục), vở ba lê Butterfly Lovers (Hồ điệp tình nhân) đã được Nhạc viện North Carolina (NCSA) tại Winston-Salem, North Carolina công diễn chính thức lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào mùa xuân năm 1982 tại nhà hát Agnes DeMille như là một phần của gala vũ điệu mùa xuân của trường này. Các vai chính, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, do hai sinh viên của trường này là Sean Hayes và Alicia Fowler thể hiện. Câu chuyện của Paxton giữ nguyên phiên bản kinh điển của Trung Quốc với sự bổ sung một vài nhân vật phụ. Vở ba lê cũng đã được trình diễn theo kiểu "nhà hát hộp đen" và sử dụng các loại đồ dùng sân khấu bằng vải khác nhau cũng như các thay đổi trong trang phục.
Dựa trên chuyện tình này, xưởng phim Thiệu Thị (Shaw Brothers studio) cũng đã sản xuất phim Love Eterne (Tình yêu vĩnh cửu) ([7], [8]) do Lý Hàn Tường (Richard Li Han Hsiang) đạo diễn, các diễn viên Lăng Ba (Ivy Ling Po) đóng vai Lương Sơn Bá và Lạc Đế (Betty Loh Ti) đóng vai Chúc Anh Đài năm 1962.
Tháng 5 năm 2001, một nhóm sinh viên của đại học Oxford đã thành lập Liang Zhu Drama Production Company (Công ty sản xuất kịch Lương Chúc), viết lại toàn bộ câu chuyện thành vở kịch hiện đại và trình diễn nó bằng tiếng Anh.
Tại Việt Nam truyền thuyết này cũng là một đề tài khai thác trong sân khấu dân gian như tuồng, chèo, cải lương v.v
[sửa] Tham khảo
- "'Butterfly Lovers' to bid for Intangible World Heritage" (ngày 15 tháng 6 năm 2004) Tân Hoa xã.
- "China to seek world heritage listing of 'butterfly lovers' story" (ngày 14 tháng 6 năm 2004) Newsgd.com (thành viên của Tập đoàn Nhật báo Nam Phương).
[sửa] Liên kết ngoài
- Thiên tình sử có thể trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới
- Tiểu sử vắn tắt của Trương Độc, tác giả Tuyên thất chí (tiếng Trung Quốc)
- Thông tin về vị trí ngày nay của đất Ngân và Mậu (tiếng Trung Quốc)
- Hồ điệp tình nhân – Vở kịch Trung Quốc bằng tiếng Anh do các sinh viên của Đại học Oxford thể hiện