Lăng Hồ Chí Minh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lăng Hồ Chí Minh, hay Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi đặt thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi ông đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn.
Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ-Chí-Minh" bằng đá hồng màu mận chín. Lăng được xây theo kiểu kiến trúc hiện thực xã hội chủ nghĩa, lấy nguyên bản của Lăng Lenin.
Mục lục |
[sửa] Xây dựng lăng
Lăng được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài giữa quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chí Minh qua đời. Nghĩ tới lúc thống nhất đồng bào còn được thấy Bác , Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức khởi công xây lăng vào 2 tháng 9 năm 1973. Cát được lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình do người dân tộc Mường đem về. Đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương, Chiêm Hoá, Ngòi Thìa, Tuyên Quang... Đá chọn xây lăng từ khắp các nơi: đá Nhồi ở Thanh Hoá, đá Hoa (Chùa Thầy), đá đỏ núi Non Nước... Nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16 loại gỗ quí. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như: cây chò nâu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên-Lai Châu, tre từ Cao Bằng... Thanh thiếu niên còn tổ chức buổi tham gia lao động trong việc mài đá, nhổ cỏ, trồng cây. Hệ thống điện phục vụ chiếu sáng, thiết kế xây lăng và bảo quản thi hài Hồ Chí Minh do các chuyên gia Liên Xô đảm nhiệm.
Trên đỉnh lăng là hàng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" ghép bằng đá ngọc màu đỏ thẫm. Cửa lăng làm từ các cây gỗ quý từ Tây Nguyên. Tiền sảnh có dòng chữ "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" và chữ ký của Hồ Chí Minh được dát bằng vàng. Hai bên cửa là hai cây hoa đại. Phía trước và phía sau lăng trồng 79 cây vạn tuế tượng trưng cho 79 năm trong cuộc đời của Hồ Chủ tịch. Hai bên phía nam và bắc của lăng là hai rặng tre, loại cây biểu tượng cho nước Việt Nam. Trước cửa lăng luôn có hai người lính đứng gác, 30 phút đổi gác một lần.
Chính giữa lăng là thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong hòm kính khung bằng gỗ quý điêu khắc hoa văn các đám mây, đặt trên một bục đá. Qua lớp kính trong suốt, thi hài Hồ Chí Minh nằm trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân có đặt một đôi dép cao su. Trong những dịp có người viếng lăng, sẽ có bốn người lính đứng gác.
Lăng có hình vuông, mỗi cạnh 30 m, cửa quay sang phía Đông, hai phía Nam và Bắc có hai lễ đài dài 65 m dành cho khách trong những dịp lễ lớn. Trước lăng là quảng trường Ba Đình với một đường dành cho lễ diễu binh, duyệt binh, và một thảm cỏ dài 380 m chia thành 240 ô vuông cỏ xanh tươi suốt bốn mùa. Trước mặt lăng là cột cờ, lá Quốc kỳ được kéo lên vào lúc 6 giờ sáng và hạ xuống lúc 9 giờ tối hàng ngày. Thẳng tiếp qua sân cỏ là đường Bắc Sơn, có trồng hoa hồng đỏ và hoa đào. Tận cùng đường Bắc Sơn là đài Liệt sỹ.
Bên phía tây của quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chí Minh. Tại đây có Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn Hồ Chí Minh. Lăng Hồ Chí Minh thường có nhiều đoàn khách ở các tỉnh thành phố và nước ngoài đến thăm viếng.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa vào các buổi sáng thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy và Chủ nhật. Mùa nóng (từ 1-4 đến 31-10): Từ 7h30 đến 10h30. Mùa lạnh (từ 1-11 đến 31-3 năm sau): Từ 8h00 đến 11h00. Ngày lễ, thứ bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng : tháng 10 và tháng 11.
[sửa] Di chúc
Hồ Chí Minh mất vào ngày 2 tháng 9 năm 1969, hưởng thọ 79 tuổi với di chúc là được hỏa táng và rải tro khắp ba miền đất nước. Ban đầu, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam công bố ngày mất của ông là ngày 3 tháng 9 để khỏi trùng với ngày Quốc khánh, sau này mới sửa lại đúng ngày mất. Gần đây, chi tiết này trong di chúc của ông mới được công bố.
[sửa] Khách thăm quan
Mỗi tuần có hơn 15000 người đến viếng thăm Lăng Hồ Chí Minh[1]. Rất nhiều cá nhân và đoàn thể đến viếng lăng vào các ngày lễ, các ngày kỷ niệm quan trọng của Việt Nam. Có thể cảm nhận được sự trang nghiêm của lăng Hồ Chí Minh và cả sự sùng bái của những người dân bình thường viếng thăm lăng[2].
[sửa] Hoạt động
Lăng Hồ Chí Minh hoạt động 5 ngày một tuần (trừ thứ hai và thứ sáu), mỗi năm có hai lần đóng cửa vào tháng 11 hoặc tháng 12 để trùng tu và bảo quản thi hài.
Hiện nay phí vào cửa là miễn phí và khách viếng thăm phải tuân theo những yêu cầu như ăn mặc chỉnh tề, không đem máy ảnh và giữ trật tự trong lăng.
[sửa] Ban Quản lý Lăng Hồ Chí Minh
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn gọi là Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam có chức năng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giữ gìn nguyên vẹn, lâu dài và bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh .
Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Trưởng Ban quản lý Lăng: Thiếu tướng Đoàn Hữu Nghĩa
- Địa chỉ: 2 Ông Ích Khiêm; điện thoại: (84.4)8.455.102.
- Ban đón tiếp khách viếng thăm, điện thoại: (84.4)8.455.168.
[sửa] Ghi chú
- ^ William J. Duiker, Ho Chi Minh, A Life, 2000 : More than 15000 visit the mausoleum each week
- ^ Vài nét về cụ Hồ
[sửa] Xem thêm
- Lăng Lenin
- Lăng Mao Trạch Đông
- Lăng mộ
[sửa] Liên kết ngoài
Mô hình 3D trên Google Earth
- Xem mô hình 3D trên Google Earth (bạn phải cài đặt Google Earth)
- Xem mô hình 3D trên Google Earth (bạn phải cài đặt Google Earth)