Hang động Tràng An
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hang động Tràng An là một quần thể danh lam - thắng cảnh thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của Cố đô Hoa Lư với nhiều hang động, núi non, sông hồ và các di tích lịch sử nằm sen kẽ nhau. Xưa đây là nơi phòng thủ hiểm yếu bảo vệ kinh đô Hoa Lư của các triều vua Đinh, Lê.
Khu hang động Tràng An thuộc địa phận phường Tân Thành, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình); xã Trường Yên, xã Ninh Vân, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) và xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) tỉnh Ninh Bình. Khu vực khoanh vùng có diện tích là 1.566 ha, trong đó núi và rừng đặc dụng là 980 ha; diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng là 522 ha. Quần thể hang động này thực sự được phát hiện và khoanh vùng bảo vệ năm 2002. Tại đây đã khai quật được nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị.
Mục lục |
[sửa] Phong cảnh
Quần thể hang động Tràng An với những dải đá vôi, các thung lũng và những sông ngòi đan xen vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo và thơ mộng. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Giáo sư Trần Quốc Vượng khi đến đây khảo sát cho rằng:
"Vua Đinh Tiên Hoàng lập đô ở Hoa Lư năm 968 không phải chỉ đơn giản dựa vào dãy núi non hiểm trở mà còn dựa vào hệ thống hang động Tràng An này".
Du khách thăm Tràng An từ bến thuyền Sào Khê. Thuyền nan lướt nhẹ đưa qua hơn 20 hang động, mỗi hang một vẻ. Hang Tối với lòng hang rộng hẹp, thất thường với nhiều nhũ đá. Hang Sáng, mọi thứ đều sáng long lanh với những nhũ đá pha cát óng ánh lạ thường. Hang Nấu Rượu và hang Cơm gần đó với truyền thuyết ngày xưa có một ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m.
Quần thể hang động Tràng An nằm trong khu rừng đặc dụng Hoa Lư (rừng văn hoá - lịch sử - môi trường Hoa Lư) với thảm thực vật xanh như dây leo, cây bụi, phong lan, một số cây cổ thụ như si, thị, sung, các động vật quý hiếm như khỉ đuôi dài, trăn, rắn, tê tê, tắc kè, rùa, phượng hoàng đất, vẹt, sáo, khiếu, có.
[sửa] Đầu tư và phát triển
Hang động Tràng An là một bộ phận quan trọng tạo nên khu du lịch sinh thái Tràng An, một khu du lịch với tổng hợp các sản phẩm như du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, khám phá cũng như nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học.v.v. Đây là khu du lịch tầm cỡ và quy mô nhất ở Ninh Bình với tổng diện tích 2000 ha.[1]
Theo quy hoạch du lịch của Ninh Bình được thủ tướng chính phủ nước Việt Nam phê duyệt, Khu du lịch sinh thái Tràng An được phân thành 7 phân khu chức năng với các khu trọng điểm chính:
- Khu trung tâm đón tiếp và hướng dẫn du lịch rộng 30 ha
- Khu dịch vụ du lịch: bán hàng lưu niệm, khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, đảo sinh thái, quảng trường, Các khu vực khác như: khu phố cổ Đại Việt rộng 41 ha, khu công viên Đinh Tiên Hoàng và Nghi Môn Ngoại rộng 38 ha.
- Khu hang động Tràng An
- Khu bảo tồn đặc biệt (Gồm có một số di tích của cố đô Hoa Lư)
- Khu tâm linh núi chùa Bái Đính: Tâm điểm là ngôi chùa Bái Đính kỷ lục Việt Nam với pho tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, nặng 100 tấn; hai quả chuông đồng nặng tới 36 tấn; Chùa có nhiều tượng la hán nhất với 500 tượng đá cao trên 2m.[2]
[sửa] Giá trị lịch sử
Theo quyết định số 82 /2003/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ thì hang động Tràng An thuộc khu vực bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An - Hoa Lư đã được đầu tư rất lớn để đề nghị UNESSCO công nhận là di sản thế giới.[3]
Việc phát lộ ra hệ thống hang động ở quần thể cố đô Hoa Lư có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự kiện này xảy ra đồng thời với việc phát lộ ra Hoàng thành Thăng Long. Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng đây là điểm lành của ngành Du lịch Việt Nam.
Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An đã dần hé mở ra sự đúng đắn của việc định đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó cũng là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Đây là cái gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội hôm nay.
Khi nạo vét ở các hang động phát hiện được các di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định nơi đó là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
[sửa] Chú thích
- ^ Giới thiệu khu du lịch sinh thái Tràng An trên trang Du lịch Việt Nam
- ^ Lên núi Bái Đính xem chùa lớn nhất nước Nam
- ^ Bộ VH-TT ủng hộ lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới
[sửa] Liên kết ngoài
- Giới thiệu Tràng An trên trang chính tỉnh Ninh Bình
- Sức bật mới cho du lịch Ninh Bình
- Xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An thành trọng điểm du lịch
|
|
---|---|
Thắng cảnh, di tích lịch sử | Tam Cốc - Bích Động • Cố đô Hoa Lư • Nhà thờ Phát Diệm • Chùa Bái Đính •Khu BTTN Vân Long • Hang động Tràng An • Suối khoáng Kênh Gà • Động Hoa Lư • VQG Cúc Phương • Hồ Đồng Chương • Hồ Đồng Thái • Động Vân Trình • Núi Ngọc Mỹ Nhân • Chùa Bích Động • Núi Non Nước • Động Người Xưa • Đền Thái Vi • Tam Điệp - Biện Sơn • Động Hoa Sơn • Hồ Kỳ Lân • Cửa Thần Phù • Vùng biển Kim Sơn |
Lễ hội văn hóa, ẩm thực | Lễ hội cố đô Hoa Lư • Lễ hội đền Thái Vi • Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ • Rượu Kim Sơn • Cơm cháy Ninh Bình |