Dante Alighieri
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Durante degli Alighieri hay Dante Alighieri hay, đơn giản hơn, Dante (1265-1321) là một nhà thơ, nhà thần học người Ý, tác giả của hai kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc) và La Vita nuova (Cuộc đời mới).
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Dante sinh khoảng giữa 14 tháng 5 và 13 tháng 6 năm 1265 tại Firenze. Mẹ của Dante, Bella degli Abati, mất khi ông 7 tuổi; ngay sau đó bố của Dante, Alighiero de Bellincione, cưới người vợ thứ hai, Lapa di Chiarissimo Cialuffi, và họ có hai con: em trai Francesco và em gái Gaetana của Dante. Thời trẻ, Dante được Brunetto Latini, một người có kiến thức uyên bác dạy tiếng Latin và truyền cho Dante niềm thích thú văn chương. Thông qua tiếng Latin mà Dante say mê thơ ca cổ đại và tôn sùng thơ Virgilius. Dante còn học tiếng Pháp, tiếng Provençe, đi sâu nghiên cứu thần học, triết học, thiên văn học và trở thành một người có kiến thức bách khoa uyên bác bậc nhất ở thời đại ông.
Dante biết yêu và làm thơ từ rất sớm. Ngay từ khi 12 tuổi gia đình ông đã hứa với gia đình của Gemma di Manetto Donati, tuy rằng ông đã yêu một cô gái khác tên Beatrice Portinari. Những bài thơ về mối tình tuổi thiếu niên sau này được gom lại thành tập La Vita nuova. Năm 1295 Dante tham gia hoạt động chính trị, đứng về phái Guelfi đối lập với phái Ghibellini. Năm 1289 phái Guelfi thắng thế nhưng rồi lại chia ra thành phe Đen và phe Trắng. Dante theo phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo hoàng. Giáo hoàng cầu viện Hoàng tử Pháp Charles de Valois. Năm 1301 quân Pháp tiến vào Firenze, phe Đen lưu vong trở về tổ chức đàn áp phục thù. Dante bị kết án hai lần, phải rời bỏ quê hương đi sống lưu vong và mai danh ẩn tích. Thời kỳ này ông bắt đầu viết La Divina Commedia.
Dante mất năm 1321 tại Ravenna.
[sửa] Tác phẩm
Dante là tác giả của các tập Rime (Thơ), Il convivio (Bữa tiệc), De vulgari eloquentia (Về hùng biện đại chúng), De monarchia (Về chế độ quân chủ)... Tuy vậy, những tác phẩm này chỉ một số ít các nhà nghiên cứu quan tâm, còn độc giả khắp thế giới hầu như chỉ biết hai kiệt tác: La Vita nuova (Cuộc đời mới) và La Divina Commedia (Thần khúc).
Tác phẩm La Vita nuova bao gồm thơ và văn xuôi, viết về tình yêu của Dante đối với Beatrice Portinari. Tình yêu của Dante với Beatrice mang một qui mô vũ trụ. Nhà thơ nhìn thấy ở người con gái trần tục này một ý tưởng thánh thần được thể hiện trong những con số: "Số 3 là nguồn gốc của số 9, ba lần ba là chín. Như vậy, nếu 3 có thể sinh ra 9 thì điều kì diệu ở trong mình – Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Đức Thánh Linh – ba trong một. Từ đó rút ra kết luận rằng: người con gái này là con số 9, nghĩa là điều kì diệu và nguồn gốc của điều kì diệu này là Tam vị nhất thể". Những lập luận này thể hiện tinh thần của thời đại bấy giờ nhưng phải nói rằng nhà thơ đã dũng cảm khi đem người yêu của mình so sánh với Ba ngôi thần thánh.
Dante gặp Beatrice lần đầu khi nàng lên 9 tuổi. "Linh hồn của cuộc sống" này đã bao trùm lấy tâm hồn của cậu bé Dante. Beatrice chỉ khẽ nghiêng mái đầu cúi chào mà đã làm cho chàng trai Dante lâng lâng khôn tả. Chàng vội vàng đi về phòng riêng viết bài thơ đầu tiên. Chín năm sau hai người gặp lại nhau. Hễ nhìn thấy Beatrice là Dante lại luống cuống, xúc động, không thể làm chủ được bản thân và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ tìm gặp Beatrice nữa. Những chi tiết này được Dante mô tả rất tỉ mỉ trong La Vita Nuova. Sau đó Beatrice đi lấy chồng nhưng tình yêu của Dante đối với nàng vẫn không hề suy giảm. Ngược lại, tình yêu này là nguồn cảm hứng cho Dante viết ra hai kiệt tác La Vita nuova và La Divina Commedia. Beatrice mất năm 1290. Dante khóc suốt một năm ròng và những người đương thời kể rằng họ không bao giờ còn nhìn thấy Dante cười nữa. Dante và Beatrice trở thành một biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong văn chương thế giới như Petrarca và Laura, Tristan và Isolt, Romeo và Juliet.
La Divina Commedia là một tác phẩm bằng thơ đồ sộ gồm ba phần: Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường. Mỗi phần có 33 khúc, cộng 1 khúc mở đầu, tất cả là 100 khúc với hơn 14.000 câu thơ. Người ta vẫn thường gọi La Divina Commedia là "Kinh Thánh của thời Trung cổ". Trong tác phẩm vĩ đại này, Dante đặt ra cho mình một mục đích vĩ đại: giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ hãi trước cái chết. Nhiệm vụ này ở thời bấy giờ là vô cùng quan trọng: trong linh hồn con người có một nỗi sợ về những cực hình ở Địa ngục mà người ta vẫn nghe qua những lời rao giảng và thuyết giáo. Khác với những nhà triết học theo trường phái Epicurus, Dante không khuyên người đời quên đi cái chết, hay như những nhà triết học thế kỉ Ánh sáng, khẳng định rằng Địa ngục là do các cha đạo nghĩ ra, Dante tin rằng Địa ngục là có thật và chỉ có sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu có thể giúp con người thoát khỏi Địa ngục. Thần khúc mở đầu bằng những lời cay đắng về cái chết của Beatrice nhưng tác giả bỗng nhiên hiểu ra rằng nàng là con người cao thượng, trong trắng và không thể chết. Thế là linh hồn của Beatrice, với sự giúp đỡ của Virgilius đã dẫn Dante, và cùng với Dante là người đọc, đi hết các tầng ngục, chứng kiến hết những nỗi kinh hoàng của Địa ngục. Trên cánh cổng vào Địa ngục có dòng chữ "kẻ vào đây hãy quên niềm hy vọng" nhưng Virgilius khuyên Dante hãy quên nỗi sợ hãi, vì rằng chỉ với đôi mắt mở to thì con người mới có thể nhìn ra nguồn gốc của mọi cái ác. Cũng theo Dante thì linh hồn con người có thể bị đày xuống Địa ngục ngay cả khi thân xác còn sống nhởn nhơ nơi dương thế, bởi vì Địa ngục không phải là một địa điểm hay nơi chốn mà Địa ngục là một "trạng thái của lòng người". Người nào sống trong lầm lỗi sẽ rơi vào trạng thái đó. Ngay cả lầm lỗi của lòng thù hận – cả người trả thù và nạn nhân của sự trả thù đều bị đày xuống Địa ngục, và một khi nạn nhân còn căm thù kẻ đã hành hạ mình thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi Địa ngục. La Divina Commedia lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt năm 1978. Đó là bản trích dịch 30 khúc của cả 3 phần ra văn xuôi có vần điệu của Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn. Gần đây có bản dịch văn xuôi trọn phần Địa ngục của Nguyễn Văn Hoàn (2005) và bản dịch thơ trọn phần Địa ngục của Hồ Thượng Tuy (chưa in thành sách). Tác phẩm La Vita Nuova có một bản dịch của Hồ Thượng Tuy.
[sửa] Trích khúc V, Địa ngục, dòng 70-142
Chuyện tình của Fransesco và Paolo[1] 70 Khi tôi lắng tai nghe nhà học giả Nêu tuổi tên bao hiệp sĩ, giai nhân Thì lòng tôi bồi hồi, xao xuyến quá! Tôi nói: “Hỡi nhà thơ, con rất mong Được trò chuyện cùng hai người sánh bước Đang cuốn theo làn gió rất nhẹ nhàng”. Thầy bảo tôi: “Chút rồi con sẽ gặp Và hãy thỉnh cầu khi họ đến đây Họ sẽ tới, theo tình yêu dẫn dắt”. Khi gió đẩy họ về phía chúng tôi Tôi kêu lên: “Hỡi hai hồn đau khổ Hãy trò chuyện cùng tôi, cả hai người!” Như đôi chim câu nghe lời của tổ Sải cánh theo tiếng gọi của đam mê Theo niềm khát vọng, vượt bầu không khí. Thế là họ tách khỏi nhóm Điđô Tách bầu âm khí, phía tôi hướng đến Họ vui lòng theo tiếng gọi từ bi. "Hỡi sinh linh đáng yêu và nhân hậu Đã ghé thăm nơi Địa ngục tối tăm Chúng tôi những kẻ phàm trần nhuộm máu. Giá như Thượng Đế sẽ là bạn thân Thì chúng tôi cầu cho ngươi vạn sự Vì rủ lòng thương cho cảnh đau lòng. |
Nếu ngươi muốn hỏi, muốn nghe gì đó Thì chúng tôi bộc lộ rất sẵn lòng Khi nơi này dịu bớt đi ngọn gió. Tôi sinh ra ở bên một dòng sông Dòng sông Pô, nơi hạ thấp dòng chảy Rồi các nhánh vào một biển hòa chung. Tình đốt cháy những con tim dịu dàng Tình quyến rũ, tình khát khao thân xác Và say sưa, khủng khiếp giờ cuối cùng. Tình sai khiến cả người yêu dấu nhất Làm mê hồn, cuốn hút hai chúng tôi Vòng tù hãm vững bền, ngươi đã biết. Tình dẫn về cái chết cả hai người Dìm ngày xanh trong Caina địa ngục” Từ miệng họ tôi nghe thấy những lời. Những chiếc bóng thật vô cùng tội nghiệp Tôi cúi đầu trên ngực, trong u sầu “Con nghĩ gì?” – Thầy của tôi thắc mắc. “Ô, có ai người biết – tôi bắt đầu – Mơ ước nào và từ đâu tai nạn Dẫn hai người đi vào cõi khổ đau!” Sau đó, hướng về những hồn im lặng Tôi rằng: “Phờrăngxétxca, những lời em Ta nghe theo bằng nước mắt thương cảm. |
Nhưng hãy nói: giữa thổn thức ngày xanh Có phải vì em do ai xúi giục Hay dẫn dắt em dan díu với tình?” Nàng trả lời: “Nhớ lại ngày hạnh phúc Trong bất hạnh càng khiến cõi lòng đau Vị học giả của ngươi chắc biết được. Nhưng ngươi muốn nghe câu chuyện từ đầu Tình khổ đau, tình chất đầy khao khát Thì em tiếc lời và nước mắt đâu. Có một lần em với chàng đã đọc Về Lancelot – một câu chuyện ngọt ngào Rồi cả hai, ai cũng đều sơ suất. Từng nhiều lần tái mặt qua trang sách Mắt nhìn nhau trong bí ẩn rung lên Và đành để câu chuyện kia khuất phục. Khi đọc rằng với nụ hôn của mình Vào nụ cười bờ môi chàng áp sát Em với chàng đau khổ đến ngàn năm. Và cuốn sách trở thành Galeôt Chàng hôn môi, em bần bật run lên Không còn ai đọc đến cùng trang sách”. Hồn nói xong, vẻ tức tối vô cùng Còn hồn kia tim khổ đau nức nở Tôi như người chờ đợi phút lâm chung. 142 Như người chết, tôi ngã nhoài sau đó. Bản dịch của Hồ Thượng Tuy |
[sửa] Chú thích
- ^ Câu 73 – 74. Đây là hai chiếc bóng không rời nhau của Fransesco da Rimini và Paolo Malatesta. Fransesco da Rimini là con gái của Gido da Polenta, lãnh chúa Ravenna đã gả cho Giancotto Malatesta, con trai của lãnh chúa Rimini – là một gã xấu trai và thọt chân nhưng độc ác. Khi Giancotto bắt gặp Fransesco dan díu với em trai mình là Paolo, đã đâm chết cả hai người bằng một nhát kiếm. Câu chuyện này xảy ra trong những năm 1283-1286.
- Câu 107. Caina – đoạn đầu của vòng thứ chín địa ngục, nơi hành quyết những kẻ phản bội người thân của mình.
- Câu 128. Lancelot (Lancialotto) – câu chuyện tình yêu của Pháp thế kỉ 13 về chàng hiệp sĩ Lancelot và tình yêu của chàng đối với hoàng hậu Guinevere (Gunivra), vợ của vua Arthur. Câu chuyện này thời đó đã được dịch ra tiếng Italia.
- Câu 136. Galeotto (Gallehault) – người đã thuyết phục hoàng hậu Guinevere hôn chàng Lancelot vốn rất rụt rè, nhút nhát.
[sửa] Liên kết ngoài
- Thần Khúc trên trang Kết nối bạn bè
- Thần Khúc trên trang Cây Đa Việt Nam
- La Vita Nuova và La Divina Commedia Tiếng Việt
- The Divine Comedy on line
- The Princeton Dante Project
- Henry Holiday's 'Dante and Beatrice'