See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Dương Tam Kha – Wikipedia tiếng Việt

Dương Tam Kha

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Dương Tam Kha
Tên húy Dương Tam Kha, Dương Chủ Tướng, Dương Thiệu Hồng
Sinh
Trị vì 944 - 950

Dương Tam Kha (chữ Hán: 楊三哥), tức Dương Bình Vương (楊平王) là một vị vua Việt Nam, trị vì từ 944 đến 950, xen giữa nhà Ngô.

Mục lục

[sửa] Tiểu sử

Dương Tam Kha là con của Dương Đình Nghệ, là em (có sách nói là anh) của Dương hậu (Như Ngọc), vợ Ngô Quyền. Tiểu sử của ông còn nhiều chỗ chưa rõ. Theo Đại Việt sử lược (大越史略) thì Dương Tam Kha tên húy là Dương Chủ Tướng (楊主將). Còn theo ghi chép trong Tống Sử (宋史) thì Dương Tam Kha có tên gọi là Dương Thiệu Hồng (楊紹洪). Có tài liệu nói rằng ông là con trai thứ ba của Dương Đình Nghệ, hai người con đầu là Dương Nhất Kha và Dương Nhị Kha.

[sửa] Làm bộ tướng

Dương Đình Nghệ là một tướng của Khúc Hạo ở đất Ái Châu (Thanh Hóa). Năm Tân Mão 931 Dương Đình Nghệ đánh đuổi Lý Khắc Chính và Lý Tiến, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết độ sứ. Lúc này Dương Tam Kha làm một bộ tướng của cha.

Được 6 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Năm 938, Ngô Quyền vốn là bộ tướng, cũng là con rể của Dương Đình Nghệ giết Kiều Công Tiễn. Dương Tam Kha lại theo anh rể làm bộ tướng. Theo thần phả, chính Dương Tam Kha cùng con Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập là người chỉ huy quân tiên phong tiến ra Đại La tiêu diệt Công Tiễn.

Trước đó Công Tiễn sai người sang Nam Hán xin quân cứu viện, vua Nam Hán cho con là Vạn vương Hoằng Tháo đem quân sang cứu, tự mình đóng quân làm thanh viện. Quan Nam Hán chưa tới thì Công tiễn đã bị giết. Tháng 11 năm 938, quân Hoằng Tháo kéo sang bị Ngô Quyền đánh tan trong trận Bạch Đằng. Hoàng Tháo bị giết chết. Dương Tam Kha cũng tham dự trận này.[1]

[sửa] Làm vua

Năm 944, Ngô Quyền mất, uỷ thác con trưởng là Ngô Xương Ngập cho ông. Dương Tam Kha cướp ngôi cháu, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng - Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương - Nam Sách (Hải Dương). Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, Dương Tam Kha sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền làm con nuôi.

Trong thời gian cai trị đất nước, ông giữ chính sự tương đối ổn định, khuyến khích việc khai khẩn đất hoang, nhất là ở các vùng Chương Dương (Hà Nam) và Cổ Lễ (Hà Tây).

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Biết ơn của Dương Tam Kha, Xương Văn không giết Tam Kha mà chỉ giáng ông xuống làm Chương Dương sứ.

[sửa] Cuối đời

Năm 953, Dương Tam Kha cùng gia quyến và thuộc hạ tiếp tục đi xuống phía Nam để khai khẩn vùng đất mới, Giao Thủy. Tại đây, ông đổi tên thành Dương Tùng Khê[cần chú thích].

Có tài liệu chép rằng ông là cha của hoàng hậu hai triều Dương Vân Nga và còn sống tới lúc gả bà cho Đinh Bộ Lĩnh năm 966.

[sửa] Nhận định

Sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước, còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa, thì đấy chỉ là ơn riêng đối với một nhà. Dương Tam Kha dám đuổi Ngô Xương Ngập để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể tha tội chết. Vậy mà, Hậu Ngô Vương (chỉ Ngô Xương Văn, em của Ngô Xương Ngập) không trị tội, còn ban ơn riêng để nuôi dưỡng chứ không nỡ gia hình, lại ban cho cả thực ấp nữa, thế thì há chẳng phải là lầm to rồi hay sao?"

Nhận xét của Lê Văn Hưu chưa hoàn toàn thỏa đáng. Dương Tam Kha không noi gương Chu Công Đán phò tá Chu Thành vương mà làm việc của Vương Mãng, đúng là đáng chê trách. Nhưng việc Ngô Xương Văn tha ông không giết là nhân từ, không phải là sai lầm. Bởi lẽ sau này khi là Chương Dương công, ông không gây "hậu họa" gì cho nhà Ngô nữa. Đó là cái tình cậu cháu trong nhà đã trọn vẹn và không để xảy ra cảnh máu chảy đầu rơi.

Qua việc ông nhận Xương Văn làm con (để nhường ngôi) và việc ông gả con gái cho Đinh Bộ Lĩnh chứng tỏ Dương Tam Kha có con mắt tinh đời.

Đành rằng, có thể tại Xương Văn là cháu ruột ông (do bà Dương thị sinh ra - xem thêm bài Ngô Xương Ngập), nhưng xem cách hành xử của anh em Xương Ngập và Xương Văn lúc ngồi chung ngai vàng thì thấy đạo đức và tài năng của người anh kém xa người em. Rất có thể Dương Tam Kha đã nhận thấy người cháu lớn không đủ phẩm chất xứng đáng để ngồi ngai vàng nên ông đã giành ngôi và việc truy bức Xương Ngập để "trừ hậu hoạ" vì ông lường trước việc Xương Ngập khó lòng để ông sống nếu một mình được thống soái trên ngai vàng. Việc ông không chọn một người trong họ Dương, dù là họ xa, làm con, mà vẫn lấy Xương Văn làm con càng chứng tỏ Dương Tam Kha vẫn có ý định trả ngôi về cho họ Ngô chứ không nhất quyết giữ ngôi cho họ Dương. Nếu ông muốn chiếm ngôi cho họ Dương, nhiều khả năng cả Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng, Nhật Khánh đều đã bị thanh trừng. Có lẽ đây là một lý do khiến các sử gia gộp thời đại ông trị vì nằm trong "Kỷ nhà Ngô" mà không tách riêng như Đại Việt Sử ký Toàn thư đã làm với nhà Tiền Lý khi tách 3 vua: Tiền Lý Nam Đế, Triệu Việt VươngHậu Lý Nam Đế làm 3 "kỷ" riêng.

Còn đối với trường hợp gả Dương Vân Nga cho Đinh Bộ Lĩnh, đành rằng ông có thiện cảm với người đã từng chống được anh em họ Ngô (năm 951, xem bài Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn) nhưng trong lúc loạn 12 sứ quân mới bùng phát và chưa rõ cục diện, ông đã sáng suốt nhìn ra người có thể cứu vãn đại cục và việc tác động chiêu hàng họ Ngô (Xương Xí) của ông đã góp phần sớm chấm dứt mối loạn lạc chia năm xẻ bảy ở Việt Nam làm mồi cho Trung Hoa đang trên đà thống nhất trở lại dưới tay nhà Tống.

[sửa] Ghi chú

  1. ^ Một số tài liệu nói rằng chính Dương Tam Kha có công chém chết Hoằng Thao. Trong bài Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ của Bình Vương) của Lê Tung được Khiếu Năng Tĩnh sưu tập và đưa vào bộ Thiên gia thi vựng tuyển có câu "Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu (chém Hoằng Tháo người Hán trả thù cho cha)". Trong Thần tích đền Cổ Lễ có câu "Tam Kha xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoàng Tháo (Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Thao)". Trong đền thờ Dương Tam Kha tại thị trấn Cổ Lễ có đôi câu đối, trong đó một câu là "Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong (Chém chết Hoằng Thao, đánh bại giặc phương Bắc, nối đời bao phong)". (Theo Nguyễn Minh Tường, 2006)

[sửa] Tham khảo

Trước, Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền) bị bệnh nặng nên có lời di chúc, giao cho Dương Tam Kha việc giúp con mình nối ngôi. Đến khi Vương (chỉ Ngô Quyền) mất, Dương Tam Kha cướp ngôi con trưởng của Vương là Ngô Xương Ngập. Ngô Xương Ngập sợ, chạy lánh về Nam Sách Giang (vùng đất nay thuộc hai huyện Chí Linh và Nam Sách của tỉnh Hải Dương), trú ngụ trong nhà của Phạm Lệnh Công, người ở Trà Hương. Dương Tam Kha bèn nhận con thứ của Vương là Ngô Xương Văn làm con mình. Những người con khác của Vương như Nam Hưng và Càn Hưng thì còn bé nên đều theo về ở với Quốc Mẫu (Ngô Quyền, con gái của Dương Đình Nghệ). Ít lâu sau, Dương Tam Kha sai các tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Phạm Lệnh Công đòi bắt Ngô Xương Ngập, nhưng cả ba lần đi đều về không. Phạm Lệnh Công lo sợ, bèn đem Ngô Xương Ngập giấu vào trong động núi. Dương Tam Kha hay tin, lại đến đòi bắt như trước nhưng không được.

...Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng hai tướng họ Dương (Dương Cát Lợi) và họ Đỗ (Đỗ Cảnh Thạc) đem quân đi đánh hai làng là Đường và Nguyễn ở Thái Bình. Khi quân đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn nói với hai tướng rằng:

- Đức lớn của Tiên Vương ta đã thấm vào tận lòng dân, cho nên, chính lệnh ban ra, không ai là không thuận nghe theo. Nay, không may Tiên Vương đã lìa bỏ quần thần, Bình Vương (chỉ Dương Tam Kha) làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh ta, tội thật không có gì lớn bằng. Giờ đây, Bình Vương lại sai chúng ta đi đánh hai làng vô tội. Nếu may mà thắng được thì chẳng nói làm gì, còn như họ không chịu hàng phục thì ta biết làm sao được?

Hai tướng cùng nói:

- Chúng tôi xin theo lệnh của ông.

Ngô Xương Văn lại nói:

- Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, như thế có nên chăng?

Hai tướng cùng cho là hay, bèn quay về đánh úp Dương Tam Kha. Mọi người muốn giết Dương Tam Kha đi, nhưng Ngô Xương Văn nói:

- Bình Vương đối với ta có ơn (chỉ việc Dương Tam Kha đã nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi), tại sao lại nỡ giết?

Nói rồi, bèn giáng Dương Tam Kha làm Chương Dương Công, ban cho đất làm thực ấp (nay là bến Chương Dương).

  • Nguyễn Minh Tường (2006), “Về sự nghiệp và vị thế của Dương Tam Kha trong lịch sử dân tộc ở thế kỷ X”, Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (365), trang 36-42, Viện Sử học, Hà Nội, tháng 9.

[sửa] Xem thêm

Tiền nhiệm:
Tiền Ngô Vương
Vua nhà Ngô Kế nhiệm:
Hậu Ngô Vương


Ngôn ngữ khác


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -