Bói Dịch
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bói toán bằng Kinh Dịch, còn gọi là bói Dịch, là một phép bói toán dựa trên Kinh Dịch.
[sửa] Giới thiệu
Trước khi khoa học dự đoán phát triển thành ngành khoa học, thuật xem bói, xem tướng đã phát triển. Với nhiều dân tộc, thời nguyên thủy hay văn minh, thường tồn tại các hình thức xem bói. Trong thời đại tiền sử thần quyền, các bộ lạc cư trú dọc theo các sông lớn, sống bằng nghề đánh cá, săn bắn và hái lượm, nhu cầu cuộc sống đòi hỏi họ phải tìm hiểu sự biến đổi của tự nhiên. Vì thế xuất hiện một số người chuyên đi tìm những điều bí ẩn đó.
Người Trung Hoa xưa xem bói bằng mai rùa (bốc 卜 - bói giáp cốt) và bói bằng cỏ thi (phệ 筮). Hai chữ bốc phệ là từ ghép của hai cách bói này. Sau đó, người ta đơn giản hóa việc lấy quẻ Dịch bằng cách gieo đồng xu (còn gọi là lắc hào).
Việc bói muốn thành công phải có lễ nghi và sự thành khẩn. Trong bốc phệ, người ta coi trọng sự cảm ứng. Người xem bói phải cảm (tức là thành khẩn) thì thần minh mới ứng (đáp ứng, trả lời). Những người bói toán thường vin vào đây để chống chế cho những lời giải đoán sai lạc tối tăm của họ: Vì người xem bói không thành khẩn nên quẻ bói không linh nghiệm.
Dịch kinh là sách xem bói, tức là phản ánh cách xem bói bằng mai (yếm) rùa, bói bằng cỏ thi thời bấy giờ. Nó bàn về bản chất xem bói mai rùa, cỏ thi, nó liên hệ chặt chẽ với giới tự nhiên và thần bí. Về sau, nó trở thành một sách triết lý tổng hợp những tư tưởng về vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân tộc Trung Hoa thời Tiên Tần, qua đời nhà Hán, nó bắt đầu có màu sắc tượng số học, muốn giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục; tới đời Ngũ đại, được dùng trong môn lý số và tới đời nhà Tống, nó thành lý học. Kinh Dịch không chỉ là sách xem bói mà còn mang tinh triết lý và tư tưởng, "từ một sách bói mà thành một sách triết." (Nguyễn Hiến Lê - Kinh Dịch, đạo của người quân tử, NXB Văn học, 1992).
Sau này, trên cơ sở học thuyết âm dương, ngũ hành, Đồ hình Phương vị Tiên thiên bát quái, Đồ hình Phương vị Hậu thiên bát quái,... Khổng Minh (tức Gia Cát Lượng) - vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán, Hi Di Trần Đoàn - cuối đời nhà Đường , đầu thời Bắc Tống, Thiệu Ung (hiệu là Khang Tiết tức Thiệu Tử) - đời Bắc Tống, cùng các nhà lý số khác đã kết hợp với Hà đồ, Lạc đồ, Thiên can, Địa chi, các Tiết khí trong năm... để xây dựng nên nhiều môn lý số nổi tiếng như Khổng Minh thần toán, Tử vi, Bát tự Hà Lạc, Tử bình, Mai Hoa Dịch số, Độn giáp, Thái Ất...
Nhiều người nhìn nhận bói dịch cao cấp hơn các loại bói khác. Con người ta lúc bình thường xem bói và lúc bất thường cũng xem bói. Tại Hệ từ thượng, của Chu Dịch, chương II có nói "Quân tử cư tắc quan kỳ tượng, nhi ngoan kỳ từ, động tắc quan kỳ biến nhi ngoạn kỳ chiêm..." nghĩa là "Người quân tử lúc ở yên thì xem tượng mà ngẫm nghĩ đến lời văn; khi hoạt động thì xem sự biến đổi mà ngẫm nghĩ đến lời đoán...".
Nhiều nhà nho để tâm nghiên cứu Kinh Dịch để tìm cách ứng xử của con người trong hoàn cảnh cụ thể, qua khoa học biến Dịch để hiểu thời cuộc, tiên tri thời thế.
Trong lời tựa cuốn Dịch kinh phu thuyết, Lê Quý Đôn nhấn mạnh: "Cái học Kinh Dịch của người sĩ quân tử không chỉ dừng lại ở việc xem tượng chơi từ xét biến hoá để cho vui, mà cần phải lưu ý suy nghĩ đến việc trao đổi đức hạnh để ngầm hiểu ý của thánh nhân; ý đó nằm ngoài lời của sách. Như vậy mới được." (Lê Quý Đôn, bài tựa cho sách Dịch kinh phu thuyết).
Ngày nay, bói Dịch không còn là sản phẩm của sự bị động tiêu cực như trước đây nữa mà đã trở thành phương tiện khoa học của con người nhận biết thiên nhiên và lợi dụng thiên nhiên. Bói Dịch không còn là vấn đề quyết định con người làm hay không làm mà là quyết định của con người làm như thế nào.
Điều khó khăn trong việc xem bói không phải là ở hình thức. Nghi lễ bói tuy phiền phức, rườm rà nhưng chỉ cần nhớ các thao tác là có thể làm được. Cái khó của việc xem bói là phán đoán sau khi gieo được quẻ. Cần nhạy cảm, lật đi lật lại, cân nhắc kỹ lưỡng, phán đoán chu đáo. Nhà dự đoán học không chỉ có dựa vào quẻ bói, mà phải có kinh nghiệm dồi dào, mẫn cảm với tình hình thực tế để từ đó suy đoán sự việc cho hợp lôgic, phân tích vần đề một cách biện chứng; không nên tôn sùng một cách cứng nhắc, duy tâm.