Ngũ hành
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trong triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy (tiếng Hoa: 木 火 土 金 水). Năm trạng thái này, gọi là Ngũ hành (五行), không phải là vật chất như tên gọi của nó mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật.
Học thuyết Ngũ hành diễn giải hai nguyên lý cơ bản (生 - Sinh) còn gọi là Tương Sinh và (克 - Khắc) hay Tương Khắc trong mối tương tác của vạn vật.
- Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.
- Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.
Một số học giả trên cơ sở sinh và khắc lại bổ sung thêm chế hoá, tương thừa, tương vũ thực chất là sự suy diễn ra từ hai nguyên lý cơ bản nói trên.
Năm nguyên tố và các nguyên lý cơ bản của Ngũ hành đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Trung Hoa cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore từ thời cổ đại đến nay trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, âm nhạc, y học cổ truyền, quân sự v.v.
Ngũ hành cũng được sử dụng trong Kinh Dịch, có từ thời kỳ nhà Chu (thế kỷ 12 TCN đến năm 256 TCN), một cuốn sách được coi là cuốn sách vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa về triết học.
[sửa] Các quy luật
Tương sinh, tương khắc, chế hoá, tương thừa, tương vũ biểu thị mọi sự biến hoá phức tạp của sự vật.
- Luật tương sinh: Tương sinh có nghĩa là giúp đỡ nhau để phát triển. Đem ngũ hành liên hệ với nhau thì thấy 5 hành có quan hệ xúc tiến lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau. Trong luật tương sinh của ngũ hành còn bao hàm ý nữa là hành nào cũng có quan hệ trên hai phương diện: Cái sinh ra nó và cái nó sinh ra.
- Luật tương khắc: Tương khắc có nghĩa là áp chế lẫn nhau. Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng, nhưng nếu tương khắc thái quá thì làm cho sự biến hoá trở thành bất thường. Trong tương khắc, mỗi hành cũng lại có hai mối quan hệ: Cái khắc nó và cái nó khắc.
Hiện tượng tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập với nhau. Trong tương khắc đã có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh đã có mầm mống của tương khắc. Do đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển.
[sửa] Quan hệ với các lĩnh vực khác
Ngũ hành | Mộc | Hỏa | Thổ | Kim | Thủy |
---|---|---|---|---|---|
Số Hà Đồ | 3 | 2 | 5 | 4 | 1 |
Cửu Cung | 3,4 | 9 | 5,8,2 | 7,6 | 1 |
Thời gian trong ngày | Rạng sáng | Giữa trưa | Chiều | Tối | Nửa đêm |
Giai đoạn | sinh Dương cực | hoàn chỉnh Dương cực | Âm-Dương cân bằng | sinh Âm cực | hoàn chỉnh Âm cực |
Năng lượng | Nảy sinh | Mở rộng | Cân bằng | Thu nhỏ | Bảo tồn |
Bốn phương | Đông | Nam | Trung tâm | Tây | Bắc |
Bốn mùa | Xuân | Hạ | Chuyển mùa (mỗi 3 tháng) | Thu | Đông |
Thời tiết | Ấm | Nóng | Ẩm | Mát | Lạnh |
Màu sắc | Xanh | Đỏ | Vàng | Trắng | Đen |
Thế đất | Dài | Nhọn | Vuông | Tròn | Ngoằn ngèo |
Trạng thái | Sinh | Trưởng | Hóa | Thâu | Tàn |
Vật biểu | Thanh Long | Chu Tước | Kỳ Lân | Bạch Hổ | Huyền Vũ |
Mùi vị | Chua | Đắng | Ngọt | Cay | Mặn |
Cơ thể | Gân | Mạch | Thịt | Da lông | Xương |
Ngũ tạng | Can (gan) | Tâm (tim) | Tỳ | Phế (phổi) | Thận |
Lục phủ | Đảm (mật) | Tiểu trường (ruột non) | Vị (dạ dày) | Đại trường (ruột già) | Bàng quang |
Ngũ khiếu | Mắt | Lưỡi | Miệng | Mũi | Tai |
Ngũ tân | Bùn | Mồ hôi | Nước dãi | Nước mắt | Nước miếng |
Ngũ đức | Nhân | Lễ | Tính | Nghĩa | Trí |
Xúc cảm | Giận | Mừng | Lo | Buồn | Sợ |
Giọng | Hét | Nói | Ca | Khóc | Rên |
Thú nuôi | Chó | Dê/Cừu | Gia súc nói chung | Gà | Heo |
Hoa quả | Mận | Mơ | Táo/Chà là | Đào | Hạt dẻ |
Ngũ cốc | Lúa mì | Đậu | Gạo | Hạt gai dầu | Hạt kê |
Thập can | Giáp, Ất | Bính, Đinh | Mậu, Kỷ | Canh, Tân | Nhâm, Quý |
Thập nhị chi | Dần, Mão | Tỵ, Ngọ | Thìn, Tuất, Sửu, Mùi | Thân, Dậu | Tí, Hợi |
Âm nhạc | Mi | Son | Đô | Rê | La |
Thiên văn | Mộc Tinh (Tuế tinh) | Hỏa Tinh (Huỳnh tinh) | Thổ Tinh (Trấn tinh) | Kim Tinh (Thái Bạch) | Thủy Tinh (Thần tinh) |
Bát quái ¹ | Tốn, Chấn | Ly | Khôn, Cấn | Càn, Đoài | Khảm |
Ghi chú:
- Đây là 8 quái cơ bản, từ đó tạo ra 64 quẻ của Kinh Dịch.