Dương Đình Nghệ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Loạt bài Lịch sử Việt Nam |
||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Dương Đình Nghệ (chữ Hán: 楊廷藝; có sách chép là Dương Diên Nghệ 楊延藝, ?-937) là người khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm.
Dương Đình Nghệ là người Ái Châu (Thanh Hóa), tướng của Khúc Hạo. Nước Nam Hán xâm lược Việt Nam (khi đó gọi là Tĩnh Hải quân), bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ (con Khúc Hạo), đánh chiếm Đại La, sai Lý Tiến làm thứ sử.
[sửa] Sự nghiệp
Dương Đình Nghệ tập hợp hơn 3.000 "con nuôi" làm vây cánh tại lò võ ở làng Giàng, Tư Phố (nay là đất các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hoá), dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ (thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh), Kiều Công Tiễn... làm nha tướng.
Để lung lạc ông, vua Hán là Lưu Cung sai người phong ông làm thứ sử Ái châu.
Nhưng chẳng bao lâu sau, tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ ra quân từ Ái châu, đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nước Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy, Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La. Lưu Cung sai Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Sau đó ông tự lập làm Tiết độ sứ.
Tháng 4 năm 937, ông bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, một tướng dưới quyền ông, giết hại để cướp quyền.
Con trai ông là Dương Tam Kha, sau này tranh đoạt ngôi vị với con của Ngô Quyền, con rể ông. Một vài tài liệu còn ghi cháu nội ông, con gái của Dương Tam Kha là Dương Vân Nga chính là hoàng hậu họ Dương nổi tiếng - người đã mời Lê Hoàn lên ngôi thay nhà Đinh.
[sửa] Bình luận
Việc đánh đuổi quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ là trận đọ sức đầu tiên bằng vũ lực giữa Việt Nam và Trung Hoa, dù chỉ là một nước cát cứ, kể từ khi tách ra khỏi tay người phương Bắc dưới thời họ Khúc. Quan trọng hơn, đó là việc giành lại đất đai đã mất từ tay người Bắc chứ không phải "phòng thủ, kháng chiến" trên cơ sở đã có để chống người Bắc sang.
Bừng bừng bắc tiến, đánh bại liên tiếp hai đạo quân Nam Hán, hạ thành, giết tướng cứu viện; đánh trận đối đầu thắng ngay không cần dùng chiến thuật du kích, vu hồi, trường kỳ... Dương Đình Nghệ đã chứng tỏ ông là một tướng thiện chiến và huấn luyện được một đạo quân tinh nhuệ dù không thật hùng hậu.
Sở dĩ Đình Nghệ làm được điều đó vì ông đã nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, tận tâm thương yêu tướng sĩ khiến họ đồng lòng hết sức đánh giặc và đã thu được thắng lợi nhanh chóng. Có ý kiến cho rằng việc ông nhận quá nhiều con nuôi là bắt chước theo lối của người phương Bắc thời Ngũ Quý lúc bấy giờ, để gây thành họa phản bội của Kiều Công Tiễn. Tuy nhiên nhận xét như vậy có phần phiến diện.
Việt Nam, với tên gọi "Tĩnh Hải quân" lúc đó, dù đã thoát khỏi tay người Bắc, nhưng dưới thời họ Khúc trước đây và cả nhà Ngô sau này, vẫn có nhiều biểu hiện của sự chia rẽ giữa các địa phương, chưa thần phục chính quyền trung ương (điển hình là các cuộc làm loạn của Chu Thái, ở thôn Đường, Nguyễn thời Ngô). Việc làm của Dương Đình Nghệ để cố kết lòng người, tập hợp những hào kiệt giỏi nhất lúc đó từ các địa phương (Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn...) là cần thiết. Ông đã lấy tình cha con để ràng buộc họ. Việc làm của ông không thể coi là "thái quá" và sai lầm, bởi trong 3.000 người ông nhận làm con nuôi, cũng chỉ có một mình Kiều Công Tiễn phản bội ông, và theo một số nguồn tài liệu, ngay cả trong Kiều tộc cũng nhiều người phản đối hành động đó của Công Tiễn (xem chi tiết bài Kiều Công Tiễn). Các nhân tài mà ông đào tạo, trọng dụng như Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ về sau đều trở thành những trụ cột trong chính trường Việt Nam thế kỷ 10.
Chiến thắng quân Nam Hán của ông dù không được đánh giá cao như trận Bạch Đằng của người con rể Ngô Quyền sau này nhưng nó có tác động cổ vũ tinh thần rất lớn cho người Nam và nó đã chỉ ra cho thế hệ sau ông thấy rằng: dù đã bị Bắc thuộc 1000 năm, người Nam vẫn hoàn toàn đủ sức đứng vững và đương đầu được với các cuộc tấn công của người Bắc để tách riêng thành một cõi độc lập.