See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Tiếu ngạo giang hồ – Wikipedia tiếng Việt

Tiếu ngạo giang hồ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tiếu ngạo giang hồ (Phồn thể: 笑傲江湖, Giản thể: 笑傲江湖; Bính âm: xiào ào jiāng hú, tiếng Anh: The Smiling, Proud Wanderer, hoặc State of Divinity) là một tiểu thuyết kiếm hiệp lần đầu tiên được phát hành trên Minh báo vào năm 1967 của nhà văn Trung Quốc Kim Dung. Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của Kim Dung.

Mục lục

[sửa] Tóm tắt nội dung

Cảnh báo: Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.

Khác với nhiều tiểu thuyết được gắn với các giai đoạn lịch sử của Trung Hoa (ví dụ như Anh hùng xạ điêu vào thời Nam Tống, Thiên long bát bộ vào thời Bắc Tống, Ỷ thiên đồ long ký vào thời Nguyên - Minh...), tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ không chỉ rõ thời đại lịch sử của câu chuyện. Tuy nhiên, ta có thể suy đoán diễn biến câu chuyện xảy ra dưới triều đại nhà Minh, sau thời đại của Trương Tam Phong, sau khi các phái Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân đã ra đời và nổi danh trên giang hồ.

[sửa] Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm

Mọi tranh chấp trong Tiếu ngạo giang hồ đều bắt nguồn từ những huyền thoại về Tịch Tà kiếm pháp của họ Lâm (Lâm Viễn Đồ). Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ ban đầu là một nhà sư pháp danh Ðộ Nguyên thiền sư và cũng là đệ tử của Hồng Diệp thiền sư, sau đó vô tình nhận được một phần bí kíp Quỳ hoa bảo điển ở phái Hoa Sơn từ Mẫn Túc và Chu Tử Phong, đã hoàn tục, rời chùa Thiếu Lâm, lập gia đình, lập ra Phước Oai tiêu cục. Ông trở thành một cao thủ kiếm thuật, sử dụng 72 đường kiếm gọi là Tịch Tà kiếm pháp đánh bại nhiều cao thủ (trong đó có đệ nhất kiếm thuật Trương Thanh Tử thuộc phái Thanh Thành) và bí kíp Tịch tà kiếm pháp đã khiến nhiều nhân vật giang hồ thèm muốn. Tuy nhiên, Lâm Viễn Đồ hiểu tác hại của Tịch tà kiếm pháp nên đã không cho con cháu mình luyện tập. Đến đời cháu của Lâm Viễn Đồ là Lâm Chấn Nam làm chủ Phước Oai tiêu cục, phái Thanh Thành mà lúc đó đứng đầu là Dư Thương Hải đã tàn sát cả Phước Oai tiêu cục (lấy cớ báo thù cho tiền nhân phái Thanh Thành và cho con trai y), bắt cóc hai vợ chồng Lâm Chấn Nam nhằm chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ. Con trai của Lâm Chấn Nam là Lâm Bình Chi đã lưu lạc giang hồ để báo thù và vô tình gia nhập phái Hoa Sơn, một môn phái trong liên minh Ngũ Nhạc kiếm phái (thực ra là dưới vở kịch được dàn dựng của Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn).

[sửa] Khúc Tiếu ngạo giang hồ

Tiếu ngạo giang hồ là tên bản nhạc cầm tiêu hợp tấu do hai người là Lưu Chính Phong phái Hành Sơn (cao thủ thổi tiêu) và Khúc Dương của Nhật Nguyệt thần giáo (cao thủ chơi thất huyền cầm) cùng nhau sáng tác. Hai người kết bạn tri kỷ, Lưu Chính Phong định ở ẩn để cùng Khúc Dương tiêu dao nhưng đã bị phái Tung Sơn ngăn trở, giết chết cả gia đình và đánh cả hai trọng thương. Trước khi chết, cả hai đã cùng nhau chơi lần cuối bản nhạc này, sau đó khẩn cầu Lệnh Hồ Xung lưu truyền hậu thế bản nhạc này, rồi cùng nhau chết ở núi Hành Sơn. Cũng đồng thời, ở núi Hành Sơn, vợ chồng Lâm Chấn Nam trước khi chết đã nhờ Lệnh Hồ Xung căn dặn Lâm Bình Chi không luyện tập bí kíp Tịch tà kiếm pháp mà tổ tiên đã truyền lại.

[sửa] Độc cô cửu kiếm

Lệnh Hồ Xung là nhân vật chính của tiểu thuyết. Khi xuống thành Hành Dương, đã cứu Nghi Lâm, ni cô phái Hằng Sơn khỏi tay Điền Bá Quang, được truyền lại khúc Tiếu ngạo giang hồ, trở về núi Hoa Sơn đã bị sư phụ mình là Nhạc Bất Quần phạt trên núi xám hối. Ở đó, Lệnh Hồ Xung đã có duyên được thái sư thúc tổ của mình là Phong Thanh Dương truyền thụ Độc cô cửu kiếm, bí kíp kiếm thuật tối thượng, từ đây, Lệnh Hồ Xung trở thành cao thủ đệ nhất kiếm thuật, đánh bại mọi cao thủ bằng kiếm thuật. Lệnh Hồ Xung vô tình bị Đào cốc lục tiên gây trọng thương mất hết nội lực, kiệt sức gần chết, phải lưu lạc giang hồ.

[sửa] Tranh đoạt Tịch tà kiếm phổ

Lệnh Hồ Xung bị đồng môn hiểu lầm là chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ, tư thông với Nhật Nguyệt thần giáo (bị giới chính giáo gọi là Ma giáo) và bị đuổi khỏi phái Hoa Sơn. Trên đường lang thang giang hồ, chàng đã trở nên nổi tiếng nhờ dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại nhiều cao thủ, kết bạn với nhiều kỳ nhân dị sĩ trên giang hồ và đặc biệt là yêu Nhậm Doanh Doanh, con gái của giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành, vô tình bị rơi vào những âm mưu tranh đoạt Tịch tà kiếm phổ của các môn phái.

[sửa] Vang khúc Tiếu ngạo giang hồ

Cuối cùng, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đã trở thành những truyền nhân thực sự của khúc Tiếu Ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung sử dụng đàn cầm, Doanh Doanh thổi tiêu, cùng nhau hợp tấu. Cả hai đã vượt qua nhiều sóng gió giang hồ, phá những âm mưu đen tối của nhiều nhân vật, đem lại hòa bình cho giang hồ. Đoạn kết, cả hai cùng nhau ngao du sông núi, cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.

[sửa] Các nhân vật chính

[sửa] Ngũ nhạc kiếm phái (五嶽劍派)

Ngũ nhạc kiếm phái là một liên minh giữa 5 môn phái võ lớn nằm ở năm quả núi (mà người Trung Quốc gọi là Ngũ Nhạc gồm có Đông nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng SơnTrung Nhạc Tung Sơn mà tại thời điểm đó, chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền (左冷禪 - Zuo Lengchan) được tôn là minh chủ của Ngũ Nhạc kiếm phái. Đặc điểm chung của Ngũ Nhạc kiếm phái là các môn phái đều lấy kiếm thuật làm môn võ học trung tâm. Ở gần cuối tiểu thuyết, Tả Lãnh Thiền thực hiện âm mưu thống nhất Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất gọi là Ngũ Nhạc phái, nhưng lại bị Nhạc Bất Quần âm thầm đoạt chức vị chưởng môn.

[sửa] Phái Hoa Sơn (華山派)

Tây Nhạc Hoa Sơn
Tây Nhạc Hoa Sơn
Ngàn bộ sườn non
Ngàn bộ sườn non

Phái Hoa Sơn có bản doanh nằm trên dãy Hoa Sơn của tỉnh Thiểm Tây nổi danh với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công. Phái Hoa Sơn có 2 trường phái tranh chấp nhau là phe kiếm tông lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm (mà điển hình là Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu, Bảo Bất Khí...), phe khí tông lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh. Hai phe phái này từng gây mâu thuẫn cực điểm trong quá khứ và gây một cuộc chém giết đẫm máu khiến cho các nhân tài phái Hoa Sơn bị tiêu diệt. Tại thời điểm hiện tại của câu chuyện, Hoa Sơn còn những nhân vật chính:

  • Lệnh Hồ Xung (令狐沖 - Linghu Chong): Là nhân vật chính của tiểu thuyết. Lệnh Hồ Xung vốn là đứa trẻ lang thang không gia đình, được vợ chồng chưởng môn Nhạc Bất Quần - Ninh Trung Tắc đem về nuôi nấng từ nhỏ và trở thành đại đệ tử của chưởng môn Nhạc Bất Quần. Lệnh Hồ Xung bản tính chính trực, ngay thẳng, thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại ham mê uống rượu, có lối sống lãng tử, thích tự do. Lệnh Hồ Xung xả thân cứu tiểu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn khỏi bàn tay của Điền Bá Quang, rồi vô tình phạm môn quy và cũng nhờ đó gặp kỳ duyên được thái sư thúc Phong Thanh Dương truyền cho kiếm thuật kì diệu Độc cô cửu kiếm và trở thành một tay kiếm thủ hầu như không có địch thủ. Chàng lang thang giang hồ, kết bạn với đủ các thành phần từ tà đến chính, truyền bá khúc Tiếu ngạo giang hồ, được các hào sĩ giang hồ kính trọng. Lệnh Hồ Xung bị chính sư phụ của mình là Nhạc Bất Quần đổ oan là ăn cắp Tịch tà kiếm phổ, bị nhiều người hiểu lầm và bị trọng thương nặng gần chết. Trên đường lang thang giang hồ, chàng kết bạn với Nhậm Doanh Doanh và sau đó yêu nàng, cùng nàng cầm tiêu hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ, hóa giải những hiểu lầm, chém giết trong giới giang hồ đầy sóng gió, phá tan những âm mưu đen tối của giang hồ. Lệnh Hồ Xung ban đầu yêu nàng Nhạc Linh San, nhưng sau khi nàng hờ hững với chàng, chàng đã thất tình không muốn sống, phiêu bạt giang hồ, vô tình kết duyên cùng Thánh cô Ma giáo Nhậm Doanh Doanh, và trở thành truyền nhân đắc ý của 2 bí kíp tối thượng: bí kíp kiếm thuật Độc cô cửu kiếm và khúc nhạc kỳ diệu Tiếu ngạo giang hồ. Trên quãng đường phiêu bạt giang hồ, Lệnh Hồ Xung đã sử dụng Độc cô cửu kiếm đánh bại hầu hết các cao thủ kiếm thuật, vô tình luyện thành môn Hấp tinh đại pháp, đồng thời cũng có duyên được truyền thụ bí kíp nội công thượng thừa của phái Thiếu LâmDịch cân kinh.
  • Phong Thanh Dương (風清揚 - Feng Tsingyang): Là thái sư thúc tổ của Lệnh Hồ Xung, hay thái sư thúc của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Phong Thanh Dương được liệt vào hàng ngũ đại diện cho phái kiếm tông của phái Hoa Sơn, tính tình tự do, phóng khoáng, ghét các lề luật, quy củ giang hồ. Phong Thanh Dương là truyền nhân tiêu biểu của Độc cô cửu kiếm, đã đưa kiếm thuật thoát ra khỏi những hạn chế của kiếm tông (lấy chiêu số kiếm thuật làm căn bản), đồng thời là bạn vong niên của Lệnh Hồ Xung. Phong Thanh Dương may mắn thoát khỏi kiếp nạn chém giết của phái Hoa Sơn, một mình giết 10 trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo nhờ kiếm thuật thần kỳ Độc cô cửu kiếm, ẩn cư ở hậu động trên đỉnh Ngọc nữ phong trên dãy Hoa Sơn. Duyên kỳ ngộ giữa Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung khiến ông đem toàn bộ bí quyết Độc cô cửu kiếm truyền cho Lệnh Hồ Xung, sau đó lặng lẽ ngấm ngầm giúp đỡ chàng rồi lại mất tích, như con thần long phiêu hốt, thấy đầu mà không thấy đuôi. Trong quá khứ, Phong Thanh Dương cũng là một chàng trai sôi nổi, tự do như Lệnh Hồ Xung, từng làm nhiều việc nghĩa hiệp, được những tiền bối võ lâm kính trọng (Phong Thanh Dương từng giúp đỡ phái Thiếu Lâm...).
  • Nhạc Bất Quần (岳不羣 - Yue Buqun): Là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, sư phụ của Lệnh Hồ Xung. Nhạc Bất Quần là đại diện tiêu biểu của phái Khí tông trong Hoa Sơn với môn Tử Hà thần công. Nhạc Bất Quần có ngoại hiệu là Quân tử kiếm, nhưng kỳ thực là một kẻ ngụy quân tử, miệng nói điều nhân nghĩa lễ trí tín nhưng kỳ thực thì ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn để chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ: dựng màn kịch để lừa Lâm Bình Chi vào phái Hoa Sơn, dùng con gái làm mồi nhử để độc chiếm Tịch tà kiếm phổ, đổ vạ lên đại đệ tử Lệnh Hồ Xung, ngấm ngầm hạ độc thủ giết hai vị sư thái phái Hằng Sơn, hại chết vợ, ham muốn quyền lực, thủ đoạn tàn nhẫn... Nhạc Bất Quần dù đoạt được Tịch tà kiếm phổ, nhưng phải dẫn đao tự cung (tự hoạn mình) để luyện, đánh bại Tả Lãnh Thiền để đoạt chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái, nhưng cuối cùng vẫn phải bại trận dưới Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung, bị buộc uống Tam thi não thần đan, bị chết dưới tay các ni cô phái Hằng Sơn. Nhạc Bất Quần là đại diện tiêu biểu của những kẻ tiểu nhân, ngụy quân tử, tham vọng quyền lực chính trị.
  • Ninh Trung Tắc (寧中則 - Ning Zhongze): còn được gọi là Ninh nữ hiệp, Nhạc phu nhân, là vợ của Nhạc Bất Quần, sư mẫu của Lệnh Hồ Xung. Bà là người ngay thẳng, trọng tín nghĩa, cứng rắn (ngay cả Nhậm Ngã Hành của Nhật Nguyệt thần giáo cũng rất kính trọng bà). Bà thương yêu Lệnh Hồ Xung như con đẻ và rất hiểu chàng. Khi nhận ra bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần, bà đau lòng tự sát.
  • Nhạc Linh San (岳靈珊 - Yue Lingshan): Là con gái của Nhạc Bất Quần và Ninh nữ hiệp Ninh Trung Tắc. Ban đầu nàng yêu Lệnh Hồ Xung (do hai người sống cùng nhau từ bé nên rất thân nhau, từng cùng Lệnh Hồ Xung sáng tạo ra Xung Linh kiếm pháp). Nhưng từ khi Lâm Bình Chi gia nhập phái Hoa Sơn, nàng đã yêu Lâm Bình Chi và hờ hững với Lệnh Hồ Xung. Nàng bị cha là Nhạc Bất Quần đem làm vật tế thần để lừa lấy Tịch tà kiếm pháp nhà họ Lâm, lấy một ông chồng đã dẫn đao tự cung, không được hưởng hạnh phúc của những người con gái mới cưới (chưa từng biết ái ân chăn gối do Lâm Bình Chi cũng tự thiến để luyện Tịch tà kiếm phổ). Cuối cùng nàng bị Lâm Bình Chi sát hại, nhưng đến lúc chết vẫn yêu Lâm Bình Chi, vẫn căn dặn Lệnh Hồ Xung bảo vệ chàng.
  • Lâm Bình Chi (林平之 - Lin Pingzhi): Nhân vật đáng thương nhất trong Tiếu ngạo giang hồ. Chàng nỡ tay giết chết con trai Dư Thương Hải để bảo vệ Nhạc Linh San và chịu cảnh nhà tan cửa nát: toàn bộ tiêu cục bị tàn sát, bố mẹ bị Dư Thương Hải bắt hành hạ cho đến chết. Chàng rơi vào vở kịch mở sẵn của Nhạc Bất Quần phải nhập phái Hoa Sơn, quyết tâm báo thù. Lâm Bình Chi đã đoạt được bí kíp Tịch tà kiếm phổ (khi Nhạc Bất Quần vứt xuống vực) và dẫn đao tự cung để luyện (hi sinh hạnh phúc hôn nhân), và nhận ra bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần. Cuối cùng Lâm Bình Chi giết được Dư Thương Hải, Mộc Cao Phong trả thù cho cha mẹ, nhưng bị mù mắt, buộc phải giết Nhạc Linh San để theo Tả Lãnh Thiền (cũng bị mù mắt do Nhạc Bất Quần đâm), kết cục bị Lệnh Hồ Xung bắt giam dưới đại lao Tây Hồ.
  • Lao Đức Nặc (勞德諾 - Lao Denuo): Là đệ tử thứ hai của Nhạc Bất Quần, thực chất là gián điệp của Tả Lãnh Thiền cài vào Hoa Sơn để theo dõi. Lao Đức Nặc đã ăn trộm Tử Hà bí lục, giết chết Lục Đại Hữu... cuối cùng bị Nhậm Doanh Doanh bắt xích với 2 con khỉ.
  • Lục Hầu Nhi (六猴儿 - Liu Hou'er) tên thật là Lục Đại Hữu (陸大有 - Lu Dayou): Là đệ tử thứ sáu của Nhạc Bất Quần, rất kính trọng Lệnh Hồ Xung và luôn chăm sóc cho chàng. Lục Đại Hữu từng đem bí kíp Tử Hà thần công cho Lệnh Hồ Xung luyện và sau đó bị Lao Đức Nặc sát hại.
  • Phong Bất Bình (封不平 - Feng Buping): Một đại biểu của phái kiếm tông Hoa Sơn, cùng vai vế với Nhạc Bất Quần. Y từng nhờ Tả Lãnh Thiền can thiệp để giành lại ngôi vị chưởng môn. Phong Bất Bình nổi tiếng với Cuồng phong khoái kiếm, nhưng đều bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại (cùng với các sư đệ khác của y là Thành Bất Ưu, Bảo Bất Khí...).

[sửa] Phái Hành Sơn (衡山派)

Là kiếm phái có bản doanh ở thành Hành Dương dưới chân dãy núi Hành Sơn của tỉnh Hồ Nam. Phái Hành Sơn nổi tiếng với các cao thủ kiếm thuật đều mê âm nhạc, những chiêu thức đều gắn liền với âm nhạc. Có hai nhân vật của phái Hành Sơn góp phần tạo nên những sóng gió của Tiếu ngạo giang hồ:

  • Mạc Đại tiên sinh (莫大 - Mo Da): Là chưởng môn nhân phái Hành Sơn, rất ít khi ra mặt. Ông có dáng người gày gò, ăn mặc rách rưới, lang thang như một người ăn xin. Mạc Đại tiên sinh mê âm nhạc, sử dụng cây hồ cầm, chuyên chơi bản Tiêu Tương dạ vũ (Đêm mưa trên bến Tiêu Tương) nên còn được gọi là Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh. Mạc Đại tiên sinh nổi tiếng với kiếm thuật thần kỳ, sử dụng cây liễu kiếm, được ca ngợi là cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh (trong đàn giấu kiếm, kiếm phát âm nhạc). Mạc Đại tiên sinh bất đồng chính kiến về âm nhạc với sư đệ của mình là Lưu Chính Phong (bị người đời hiểu nhầm là ganh tị với sư đệ) và rất ít khi xuất hiện. Ông chỉ xuất hiện vài lần nhưng để lại những dấu ấn rất đặc sắc: ở đầu tiểu thuyết xuất hiện như một người ăn mày, dùng một đường kiếm cắt đứt bảy chén trà; xuất hiện trên núi Hành Sơn giết chết Đại tung dương thủ Phí Bân, cứu Lệnh Hồ Xung, Nghi lâm, Khúc Dương, Lưu Chính Phong, Khúc Yên Phi; sau đó lại biến mất, rồi lại xuất hiện trên bến sông Trường Giang bày tỏ cảm kích với Lệnh Hồ Xung, ra mặt ủng hộ mối tình của chàng với Nhậm Doanh Doanh, giục chàng đi cứu nàng, còn mình ngấm ngầm bảo vệ phái Hằng Sơn... Cuối cùng, ông bị sát hại trong hậu động trên núi Hoa Sơn bởi âm mưu của Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền.
  • Lưu Chính Phong (劉正風 - Liu Zhengfeng): Là sư đệ của Mạc Đại tiên sinh, cao thủ kiếm thuật và thổi tiêu của phái Hành Sơn. Lưu Chính Phong kết bạn tri kỷ với Khúc Dương qua tiếng đàn, cùng nhau tri giao sáng tác ra khúc Tiếu ngạo giang hồ, định rút lui ở ẩn khỏi giang hồ để cùng Khúc Dương ngao du chơi nhạc. Không ngờ Tả Lãnh Thiền âm mưu cản trở, giết chết cả nhà ông, hạ nhục danh dự. Ông và Khúc Dương cùng chết trên núi Hành Dương, trước khi chết còn kịp cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ và sau đó nhờ Lệnh Hồ Xung truyền lại khúc nhạc này. Có thể nói, Lưu Chính Phong dù xuất hiện rất ngắn, nhưng là người đóng vai trò quan trọng trong bi kịch Tiếu ngạo giang hồ.

[sửa] Phái Hằng Sơn (恆山派)

Chùa Huyền Không
Chùa Huyền Không

Phái Hằng Sơn nằm trên dãy núi cao Hằng Sơn ở Hà Bắc, là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia).

  • Định Nhàn sư thái (定閑/定閒 - Ding Xian): Chưởng môn nhân phái Hằng Sơn. Trong ba người đứng đầu phái Hằng Sơn thì Định Nhàn đứng hàng thứ hai (sau Định Tĩnh). Bà là người hiền hòa, võ nghệ cao cường. Chính bà là người nhận ra con người thật tốt đẹp của Lệnh Hồ Xung và nhận ra âm mưu của Tả Lãnh Thiền. Bà cùng với Định Dật bị Nhạc Bất Quần sử dụng kim châm bắn chết tại Thiếu Lâm tự. Trước khi chết, bà đã nhường ngôi vị chưởng môn phái Hằng Sơn cho Lệnh Hồ Xung.
  • Định Dật sư thái (定逸 - Ding Yi): Là người đứng thứ ba ở phái Hằng Sơn. Định Dật tính tình nóng nảy, ngay thẳng nhưng cũng rất nhân hậu. Bà là sư phụ của Nghi Lâm, ngay từ đầu đã lên án phản đối phái Tung Sơn ép buộc Lưu Chính Phong, không tán thành phái này tàn sát gia đình Lưu Chính Phong. Khi cùng với Định Nhàn sư thái lên Thiếu Lâm tự khẩn cầu phái Thiếu Lâm thả Nhậm Doanh Doanh, bà cùng với Định Nhàn đã bị Nhạc Bất Quần sát hại.
  • Định Tĩnh sư thái (定靜 - Ding Jing): Là chị cả trong ba người đứng đầu phái Hằng Sơn, chỉ xuất hiện một lần ở Tây Hà lĩnh, khi dẫn đệ tử phái Hằng Sơn đến Phúc Kiến. Bà đã phản đối âm mưu của phái Tung Sơn, không theo lời phái Tung Sơn dụ dỗ nhằm hợp nhất (dù phái Tung Sơn từng dụ dỗ sẽ đưa bà lên làm chưởng môn). Định Tĩnh tính tình hiền hòa, đã từng khẩn cầu sư phụ mình đưa sư muội của mình là Định Nhàn làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Định Tĩnh bị tay chân của Tả Lãnh Thiền sát hại.
  • Nghi Lâm (儀琳 - Yi Lin): Là một trong những nhân vật nữ khả ái nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Nghi Lâm là một nhân vật khá đặc biệt. Cô là một ni cô, bố là hòa thượng, mẹ cũng là một ni cô. Cô xuất gia từ nhỏ trong phái Hằng Sơn (là đệ tử của Định Dật), xinh đẹp và có một tâm hồn trong sáng, một trái tim nhân hậu. Khi đến thành Hành Dương, cô đã thầm yêu Lệnh Hồ Xung khi anh chàng này xả thân cứu cô khỏi bàn tay của Điền Bá Quang. Cô yêu Lệnh Hồ Xung bằng một mối tình câm lặng, và luôn khẩn cầu Bồ Tát phù hộ cho chàng. Đồng thời, Nghi Lâm cũng là người rất hiểu Lệnh Hồ Xung, hiểu mối tình si của anh chàng với Nhạc Linh San và thường xuất hiện mỗi khi có những biến cố đặc biệt của Lệnh Hồ Xung. Kết thúc câu chuyện, Lệnh Hồ Xung và đồng môn phái Hằng Sơn tôn cô làm chưởng môn nhưng cô đã nhất quyết không chịu, lặng lẽ tu hành, ngày ngày tụng kinh mong Bồ Tát phù hộ cho vợ chồng Lệnh Hồ Xung.
  • Ngoài ra phái Hằng Sơn còn nhiều nhân vật nữ khác như Nghi Thanh, Nghi Hòa, Tần Quyên, Vu Tẩu..., đều là nữ giới, có người là tu hành, có người là đệ tử tục gia.

[sửa] Phái Tung Sơn (嵩山派)

Núi Tung Sơn, Hà Nam
Núi Tung Sơn, Hà Nam

Phái Tung Sơn nằm ở trên đỉnh Thái Thất thuộc dãy Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam (cùng với phái Thiếu Lâm trên đỉnh Thiếu Thất, đứng đầu là chưởng môn Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền đã thu nhận nhiều nhân vật từ cả các giới hắc bạch nhằm xây dựng lực lượng hùng hậu nên lúc đó phái Tung Sơn có nhiều cao thủ nhất.

  • Tả Lãnh Thiền (左冷禪 - Zuo Lengchan): Là chưởng môn phái Tung Sơn. Tả Lãnh Thiền là người có chí lớn, âm mưu thâu tóm Ngũ Nhạc kiếm phái thành một phái duy nhất, rồi sau đó đánh chiếm các môn phái khác... Để thực hiện mong muốn, Tả Lãnh Thiền đã âm thầm thực hiện nhiều mưu kế, từ việc cài cắm gián điệp vào Hoa Sơn (cho đệ tử của mình là Lao Đức Nặc làm môn hạ của Nhạc Bất Quần), giả làm người của Nhật Nguyệt thần giáo ám hại phái Hằng Sơn để nhân lúc nguy nan ép phái này theo mình, tấn công phái Hoa Sơn, gây nội loạn trong phái Thái Sơn, tàn sát gia đình Lưu Chính Phong... Tã Lãnh Thiền đã dùng thủ đoạn đoạt lấy Tịch tà kiếm phổ, nhưng bị Nhạc Bất Quần tương kế tựu kế đưa cho bộ giả nên luyện sai, rốt cuộc bị Nhạc Bất Quần dùng kim châm đâm mù mắt, âm mưu bị phá sản. Cuối cùng, Tả Lãnh Thiền lại dùng kế nhốt quần hùng trong hậu động Hoa Sơn để nhân đêm tối ám hại, nhưng rốt cục vẫn bị Lệnh Hồ Xung sử dụng Độc cô cửu kiếm giết chết.
  • Các nhân vật khác: Đại Tung Dương Thủ Phí Bân, Lục Bách...

[sửa] Phái Thái Sơn (泰山派)

Thái Sơn
Thái Sơn

Phái Thái Sơn nằm ở núi Thái Sơn, trung tâm của Đạo giáo, cũng là kiếm phái của những người theo đạo Giáo, phái này tự hủy diệt do sự sắp xếp của Tả Lãnh Thiền gây nên nội bộ tự giết lẫn nhau ngay trong đại hội võ lâm ở Phong Thiền đài.

  • Thiên Môn đạo nhân (Tian Men): Là chưởng môn phái Thái Sơn, xuất hiện không nhiều. Tại đại hội võ lâm ở Tung Sơn, Thiên môn đạo nhân đã bị sát hại (do chính âm mưu của Tả Lãnh Thiền), và dẫn đến việc phái Thái Sơn tan rã.
  • Các nhân vật khác: Ngọc Cơ Tử, Ngọc Khánh Tử...

[sửa] Nhật Nguyệt Thần giáo (日月神教)

Là một giáo phái lớn nhất thời điểm đó (có nhiều người cho rằng đây chính là Minh giáo, do chữ Nhật và chữ Nguyệt ghép thành chữ Minh trong chữ Hán, và giáo phái này cũng dùng những chức danh như Minh giáo, ví dụ như Quang Minh tả hữu sứ...). Bản dịch của Hàn Giang Nhạn gọi giáo phái này là Triêu Dương Thần Giáo. Giáo phái này đóng quân ở Hắc Mộc nhai, bị các môn phái khác coi là tà phái (gọi là Ma giáo). Nhưng đây cũng là phái tập hợp nhiều nhân tài, nhiều kỳ nhân dị sĩ. Bất kỳ ai khi theo giáo phái đều bị giáo chủ cho uống một viên thuốc gọi là Tam thi não thần đan để buộc phải phục tùng giáo chủ. Viên thuốc này chứa một con trùng, nếu ai bất phục sẽ bị con trùng chui ra, cắn vào óc khiến người đó chịu một cái chết khủng khiếp.

  • Nhậm Ngã Hành (任我行 - Ren Woxing): Ban đầu là giáo chủ Nhật nguyệt thần giáo, sau bị thuộc hạ của mình là Đông Phương Bất bại ám hại và đoạt mất chức. Nhậm Ngã Hành bị giam dưới hắc lao đáy Tây Hồ, được canh giữ bởi Giang Nam tứ hữu. Nhậm Ngã Hành võ nghệ cao cường Hấp tinh đại pháp, chuyên đi hút công lực của người khác, kiếm thuật siêu đẳng (chỉ bị đánh bại bởi Phong Thanh Dương), tính tình kiêu ngạo, ngông cuồng. Nhờ mưu kế của Hướng Vấn Thiên, và sự trợ giúp vô ý của Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành đã tẩu thoát khỏi đại lao, quay lại chiếm đoạt lại ngôi giáo chủ. Sau khi giết chết đối thủ Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành lên ngôi giáo chủ, âm mưu thống nhất giang hồ, nhưng không ngờ bị chết đột ngột do sự xung đột từ chính những luồng chân khí mà ông ta hút từ các đối thủ. Cái chết của Nhậm Ngã Hành chính là nút mở, hóa giải những ân oán giang hồ và tạo nên hòa bình cho giang hồ ở cuối câu chuyện. Khi còn sống, Nhậm Ngã Hành luôn tự cao tự đại, cái tên của y có nghĩa là Ta thích là ta làm.

Ba người mà ông khâm phục là:

  1. Phương Chấn đại sư, chưởng môn phái Thiếu Lâm
  2. Đông Phương Bất Bại, người đã ám hại và chiếm đoạt ngôi giáo chủ của y
  3. Phong Thanh Dương phái Hoa Sơn với Độc cô cửu kiếm thần kỳ đánh bại y
  4. Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang chỉ được Nhậm Ngã Hành phục một nửa, do ông dù võ công cao cường, nhưng lại không có truyền nhân để truyền lại các tuyệt kỹ phái Võ Đang. Khi Xung Hư nhận thua Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành đã tăng phần khâm phục.

Người đứng đầu trong những người mà Nhậm Ngã Hành không phục là Tả Lãnh Thiền.

Câu nói nổi tiếng: Khi nhận xét với "Quân Tử Kiếm" Nhạc Bất Quần, ông nói

Ðối phó với kẻ chân tiểu nhân là một chuyện dễ, nhưng đối phó với người "ngụy" quân tử thật khiến cho người ta phải điên đầu.
  • Đông Phương Bất Bại (東方不敗 - Dongfang Bubai): Ban đầu là phó giáo chủ dưới quyền Nhậm Ngã Hành. Sau đó, Đông Phương Bất Bại đã đoạt chức giáo chủ, âm thầm luyện bí kíp Quỳ Hoa bảo điển, và buộc phải tự thiến mình để luyện công. Y trở thành một con người ái nam ái nữ, yêu chàng trai Dương Liên Đình, bỏ mặc việc của giáo phái. Đông Phương Bất Bại có võ công cao cường nhất (Lệnh Hồ Xung sử dụng Độc cô cửu kiếm cũng không đánh bại được), và chỉ chịu thất bại nhờ mưu kế của Nhậm Doanh Doanh. Đông Phương Bất Bại bị Nhậm Ngã Hành giết chết, trước khi chết vẫn cầu khẩn Nhậm Ngã Hành chăm sóc cho Dương Liên Đình nhưng không được chấp nhận.
  • Nhậm Doanh Doanh (任盈盈 - Ren Ying Ying), là con gái của Nhậm Ngã Hành, sau này là người yêu của Lệnh Hồ Xung. Nàng giỏi âm nhạc nên đã vô tình được truyền thụ khúc Tiếu ngạo giang hồ, cũng vô tình nhờ đó mà nhận ra con người đích thực của Lệnh Hồ Xung và đã ngay lập tức yêu chàng trai này. Do nàng có ơn với nhiều giáo chúng Nhật Nguyệt thần giáo nên hầu hết đều tôn kính nàng, gọi nàng là Thánh cô và hết thảy đều sẵn sàng xả thân để trả ơn nàng. Nhậm Doanh Doanh đã cõng Lệnh Hồ Xung bị bệnh sắp chết lên núi Thiếu Thất, chấp nhận hi sinh để phái Thiếu Lâm dùng Dịch cân kinh cứu chàng, còn mình thì tùy ý phái Thiếu Lâm xử trí (trước đó nàng đã sát hại ba người phái Thiếu Lâm). Sau đó, phái Thiếu Lâm đã giam giữ nàng, rồi lại thả nàng khi có sự thỉnh cầu của Định Nhàn sư thái và Định Dật sư thái. Khi Nhậm Ngã Hành chết, nàng lên thay chức giáo chủ, đã hóa giải mọi ân oán của Nhật Nguyệt thần giáo và các môn phái khác, tạo hòa bình cho giang hồ, sau đó cùng Lệnh Hồ Xung kết duyên, chu du thiên hạ cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.
  • Khúc Dương (曲洋 - Qu Yang): Là một trưởng lão trong Nhật Nguyệt thần giáo, một cao thủ đánh thất huyền cầm, kết bạn tri giao với Lưu Chính Phong qua âm nhạc, và cùng Lưu Chính Phong sáng tác khúc Tiếu ngạo giang hồ. Khúc Dương từng cứu Lệnh Hồ Xung. Khúc Dương cùng với Lưu Chính Phong bị phái Tung Sơn sát hại, trước khi chết đã cùng tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.
  • Hướng Vấn Thiên (向問天 - Xiang Wentian): Biệt danh là Thiên vương lão tử, là một trong hai sứ giả (Tả sứ) của Quang Minh đỉnh, rất mực trung thành với Nhậm Ngã Hành, đồng thời tính tình hào sảng, thẳng thắn, trọng tình nghĩa. Hướng Vấn Thiên kết nghĩa anh em với Lệnh Hồ Xung và cùng Lệnh Hồ Xung cứu Nhậm Ngã Hành khỏi đại lao, sau đó giúp Nhậm Ngã Hành tiêu diệt Đông Phương Bất Bại, dành ngôi giáo chủ. Hướng Vấn Thiên sau khi Nhậm Ngã Hành chết đã hết lòng giúp đỡ, đưa Nhậm Doanh Doanh lên làm giáo chủ, sau đó cùng nàng hóa giải ân oán với các môn phái. Sau khi Nhậm Doanh Doanh cùng Lệnh Hồ Xung ngao du thiên hạ, Hướng Vấn Thiên đã làm giáo chủ, giữ hòa bình với các môn phái khác.
  • Bình Nhất Chỉ (平一指 - Ping Yizhi): Là một thần y trong tiểu thuyết. Ông có biệt danh Sát nhân danh y, do cứu một người thì phải giết một người khác thế mạng. Bất kỳ ai được ông cứu đều phải lập lời thề, sau khi ông được ông cứu phải đi giết một người mà ông chỉ định. Được Nhậm Doanh Doanh yêu cầu, Bình Nhất Chỉ đã hết sức cứu mạng Lệnh Hồ Xung nhưng không thành, cũng qua đó rất khâm phục hào khí của Lệnh Hồ Xung. Cuối cùng, do thấy mình không cứu được chàng, ông đã tự vẫn (Bình Nhất Chỉ cho rằng không cứu được người phải tự giết mình). Bình Nhất Chỉ còn có một đặc điểm rất thú vị là rất sợ vợ.
  • Lam Phượng Hoàng (藍鳳凰 - Lan Feng Huang): Là một cô gái dân tộc Miêu ở tỉnh Quý Châu, đứng đầu Ngũ độc giáo, chuyên đi đánh độc. Cô rất khâm phục lòng dũng cảm và hào khí của Lệnh Hồ Xung, đã từng dùng đỉa truyền máu cho chàng khi anh chàng này bị kiệt sức vì cạn máu (Lệnh Hồ Xung dùng máu của mình cứu con gái của Lão Đầu Tử), và kết nghĩa huynh muội với Lệnh Hồ Xung.
  • Giang Nam tứ hữu: Là bốn nhân vật ở Mai trang bên Tây Hồ, có nhiệm vụ canh giữ Nhậm Ngã Hành. Bốn người này đều là những cao thủ võ nghệ cao cường, đồng thời đều rất tài hoa:
  1. Hoàng Chung Công mê âm nhạc
  2. Đan Thanh tiên sinh mê uống rượu và vẽ tranh
  3. Ngốc Bút Ông mê thư pháp
  4. Hắc Bạch Tử mê chơi cờ vây.

Hướng Vấn Thiên đã lợi dụng nhược điểm của bốn người quá say mê tài hoa, khéo léo dùng kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung đánh bại họ, và lừa kế giải thoát cho Nhậm Ngã Hành. Cuối cùng, sau khi sự việc bại lộ, Hoàng Chung Công tự vẫn, Hắc Bạch Tử thì bị hút hết công lực thành phế nhân, hai người còn lại chấp nhận uống Tam thi não thần đan, đi theo làm thuộc hạ cho Nhậm Ngã Hành.

  • Các nhân vật khác: Hoàng Hà Lão Tổ, Dạ miêu tử Kế Vô Thi, Bạch phát đồng từ Nhậm Vô Cương...

[sửa] Phái Thiếu Lâm (少林派)

Cũng giống như nhiều tiểu thuyết khác của Kim Dung, phái Thiếu Lâm trong Tiếu ngạo giang hồ vẫn luôn là phái lớn nhất với nhiều cao thủ và luôn được coi là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm. Phái Thiếu Lâm ở giai đoạn này được lãnh đạo bởi các nhà sư với tên được gắn với chữ Phương, mà đứng đầu là hai cao thủ:

  • Phương Chấn đại sư (hay Phương Chứng 方證 - Fang Zheng): là chưởng môn phái Thiếu Lâm, trụ trì Thiếu Lâm tự. Phương Chấn là một hòa thượng nhân từ, luyện Dịch cân kinh, Thiên thủ Như Lai chưởng đến độ xuất thần nhập hóa. Ông nhanh chóng nhận ra con người thật của chàng trai Lệnh Hồ Xung, và bộ mặt thật đầy gian trá của Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần... Khi Lệnh Hồ Xung được Doanh Doanh cõng lên chùa Thiếu Lâm trong tình trạng suy kiệt sắp chết, và biết Nhạc Bất Quần đã đuổi chàng ra khỏi sư môn, ông đã nhận lời truyền thụ Dịch cân kinh cho chàng với điều kiện chàng chịu gia nhập phái Thiếu Lâm, nhưng Lệnh Hồ Xung không đồng ý. Khi Lệnh Hồ Xung lên chức vụ chưởng môn phái Hằng Sơn, ông đã cùng Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang hết lòng ủng hộ, mong chàng, đề nghị Lệnh Hồ Xung đoạt chức chưởng môn phái Ngũ Nhạc phái, để tránh cho chức này rơi vào tay những kẻ như Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền. Khi Nhậm Ngã Hành công khai đòi tiêu diệt Hằng Sơn, ông đã không ngần ngại đem Dịch cân kinh truyền thụ cho chàng, tôn chàng làm minh chủ để chống lại cuộc chiến này.
  • Phương Sinh đại sư (方生 - Fang Sheng): Là sư đệ của Phương Chấn, từng bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại, vì thế nhận ra chàng là truyền nhân đích thực của Phong Thanh Dương (ông từng được Phong Thanh Dương cứu giúp và rất kính trọng Phong Thanh Dương) vì thế hết lòng kính trọng Lệnh Hồ Xung, mong chàng gia nhập phái này. Phương Sinh tính tình cũng nhân hậu và rất ủng hộ Lệnh Hồ Xung.

[sửa] Phái Võ Đang (武當派)

Dù được ra đời sau phái Thiếu Lâm rất nhiều, nhưng phái Võ Đang sau khi Trương Tam Phong sư tổ sáng lập vẫn được sánh ngang với Thiếu Lâm. Tại thời điểm trong Tiếu ngạo giang hồ, Võ Đang từng xung đột với Nhật Nguyệt thần giáo, bị các trưởng lão của NNTG cướp mất cây thần kiếm truyền đời từ Trương Tam Phong dùng để luyện Thái cực kiếm. Lãnh đạo Võ Đang lúc đó là Xung Hư đạo trưởng.

  • Xung Hư đạo trưởng (冲虚道長 - Chonghu): là một đạo sĩ đắc đạo, luyện Thái cực quyền, Thái cực kiếm đến độ xuất thần nhập hóa. Ông đã lặng lẽ theo dõi hành vi của chàng trai Lệnh Hồ Xung, và biết chàng thực sự là một đại trượng phu. Khi Lệnh Hồ Xung dẫn quần hùng lên Thiếu Lâm tự cứu Nhậm Doanh Doanh, ông đã đóng giả một nông phu bình thường đấu kiếm với chàng. Lệnh Hồ Xung đã suýt bị bại trận dưới tay Xung Hư, buộc phải liều mạng để đánh vào chỗ sơ hở của Thái cực kiếm và dành chiến thắng. Xung Hư rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và rất ủng hộ chàng. Trong cuộc đấu ở Thiếu Lâm tự, Xung Hư đã nhận thua Lệnh Hồ Xung và khiến Nhậm Ngã Hành từ khâm phục một nửa con người tăng thành 3/4. Xung Hư đạo trưởng kết bạn thân với Phương Chứng và được coi là một trong những cao thủ số một lúc đó.

[sửa] Phái Thanh Thành (青城派)

Là một môn phái trên núi Thanh ThànhTứ Xuyên, theo giáo lý đạo Giáo, đứng đầu lúc đó là Dư Thương Hải. Phái Thanh Thành nổi danh với môn Tồi Tâm chưởng.

  • Dư Thương Hải (余滄海 - Yu Canghai): Còn được gọi là Dư quán chủ (Dư Thương Hải tu đạo trên đạo quán Tùng Phong, núi Thanh Thành), có nhiều vợ, tì thiếp và có một con trai. Dư Thương Hải đã âm thầm tìm cách chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ, sai con trai đến Phúc Châu và vô tình bị Lâm Bình Chi giết. Y đã mượn cớ đó tàn sát toàn bộ Phước Oai tiêu cục, bắt vợ chồng Lâm Chấn Nam tra khảo để tìm ra Tịch tà kiếm pháp. Dư Thương Hải bản tính nhỏ nhen, thâm hiểm và đồi bại nên dù được coi là chính phái nhưng vẫn bị nhiều người khinh thường. Dư Thương Hải cuối cùng bị Lâm Bình Chi đánh bại một cách nhục nhã bằng chính Tịch Tà kiếm pháp, bị giết chết trong nỗi sợ hãi cùng với Mộc Cao Phong.
  • Thanh Thành Tứ tú (青城四秀): Là bốn đại đệ tử của Dư Thương Hải, là Hầu Nhân Anh, Hầu Nhân Hùng, Vu Nhân Hào, La Nhân Kiệt, gọi tên thành Anh Hùng Hào Kiệt Thanh Thành tứ tú, đã từng dẫn đầu nhóm người tàn sát Phước Oai tiêu cục. Lệnh Hồ Xung thường châm biếm bọn họ là Cẩu Hùng Dã Trư Thanh Thành Tứ thú. La Nhân Kiệt bị Lệnh Hồ Xung giết chết ở thành Hành Dương, còn ba người còn lại đều bị Lâm Bình Chi dùng Tịch tà kiếm pháp giết chết.
  • Trương Thanh Tử, sư phụ của Dư Thương Hải, mệnh danh là đệ nhất kiếm thuật đương thời nhưng lại bị bại về tay Lâm Chấn Viễn

[sửa] Các nhân vật khác

  • Đào Cốc Lục Tiên (桃谷六仙 - Taogu Liu Xian): Là sáu anh em họ Đào, là những nhân vật luôn gây ra sự hoạt kê và rắc rối do sự thích tranh luận. Sáu anh em gồm Đào Cán Tiên, Đào Căn Tiên, Đào Chi Tiên, Đào Diệp Tiên, Đào Hoa Tiên, Đào Thực Tiên (Rễ, Gốc, Thân, Lá, Hoa, Quả). Để cứu Lệnh Hồ Xung bị thương, sáu người đã cãi nhau, làm lung tung, truyền sáu luồng chân khí vào người, gây xung đột làm Lệnh Hồ Xung mất hết sức lực, bị thương suýt chết, và do đó sáu người bị Bình Nhất Chỉ buộc phải phục vụ Lệnh Hồ Xung. Đào Cốc Lục tiên có một đòn sát thủ, chuyên nắm tay chân đối phương, và sáu người dùng sức xé tan nát đối phương. Thực chất, Đào Cốc lục tiên tâm địa lương thiện, trong sáng, chỉ thích tranh luận và luôn tạo ra những tiếng cười hoạt kê. Ở cuối chuyện, Phong Thanh Dương đã bắt cả sáu người, buộc họ truyền tin tới phái Thiếu Lâm, Võ Đang tin Nhậm Ngã Hành sắp tiêu diệt Hằng Sơn.
  • Vạn lý Độc hành Điền Bá Quang (萬里獨行 田伯光): tên là Điền Bá Quang (田伯光 - Tian Boguang), vì khinh công cực giỏi nên được gọi là Vạn lý Độc hành (vì ít người theo kịp). Điền Bá Quang ban đầu là một tên dâm tặc, chuyên đi hãm hiếp phụ nữ, giết người cướp của, không việc gì không làm, y lại cực giỏi sử dụng khoái đao, vì thế có tên gọi đầy đủ là Thái hoa dâm tặc Giang dương đại đạo Khoái đao. Bi kịch của Tiếu ngạo giang hồ một phần do Điền Bá Quang góp phần tạo ra khi y có ý định hãm hiếp ni cô Nghi Lâm nhưng bị Lệnh Hồ Xung xả thân cứu. Y đánh bại Lệnh Hồ Xung, nhưng cũng qua đó cả hai nhận ra nhau là những người rất có hào khí, Điền Bá Quang rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và sau đó tìm cách kết bạn với Lệnh Hồ Xung. Điền Bá Quang bị Bất Giới hòa thượng bắt lên núi tìm Lệnh Hồ Xung mang về cho Nghi Lâm, qua đó tạo ra việc Phong Thanh Dương dạy Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung, đồng thời bộc lộ là con người sống rất tín nghĩa. Sau đó Điền Bá Quang đã từ bỏ tính xấu hoàn lương, bị Bất Giới ép đi tu (do y đánh cuộc với Lệnh Hồ Xung thua, bị buộc phải nhận Nghi Lâm làm sư phụ). Bất Giới đặt cho Điền Bá Quang pháp danh là Bất Khả Bất Giới (不可不戒), trở thành một hòa thượng theo phái Hằng Sơn.
  • Bất Giới hòa thượng: Là cha của ni cô Nghi Lâm, ban đầu là một đồ tể (người thịt lợn), yêu một ni cô, thế là xuất gia làm hòa thượng để cưới ni cô làm vợ. Mối tình giữa hai vợ chồng Bất Giới là mối tình đặc biệt nhất và cũng nhân bản nhất trong các tác phẩm Kim Dung. Khi ông cầu hôn, ni cô đã từ chối vì nàng là người xuất gia, nếu lấy chồng Bồ Tát sẽ trừng phạt. Ông liền xuất gia làm hòa thượng để lấy nàng (vì ông cho rằng nếu ông làm hòa thượng, Bồ Tát sẽ phạt cả ông, ông không nỡ để Bồ Tát trừng phạt một mình vợ). Hai người sinh ra Nghi Lâm, do ông trêu đùa với Ninh Trung Tắc, vợ ông đã nổi cơn ghen, bỏ đi biệt tăm, giả dạng làm người câm điếc quét chùa trên núi cao Hằng Sơn. Bất Giới gửi con ở Hằng Sơn, lang thang khắp nơi tìm vợ mà không thành. Bất Giới võ công cao cường và cũng rất yêu thương con gái. Cuối cùng, bà vợ đã xuất hiện, cả hai được đoàn tụ nhờ sự mách bảo của Lệnh Hồ Xung.
  • Lâm Chấn Nam (林震南 - Lin Zhennam): Là cha của Lâm Bình Chi, tổng tiêu đầu Phước Oai tiêu cục, là con của Lâm Viễn Đồ. Vợ chồng Lâm Chấn Nam không được luyện Tịch tà kiếm pháp, bị Dư Thương Hải bắt giữ sau khi giết hại toàn bộ Phước Oai tiêu cục và bị hành hạ cho đến chết. Lúc gần chết, cả hai được Lệnh Hồ Xung cứu giúp, và di ngôn cho con không được luyện Tịch tà kiếm pháp.
  • Mộc Cao Phong (木高峰 - Mu Gaofeng): Là một người gù, biệt danh là Tái Bắc Minh đà, tâm địa bất lương, có ý chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ nên đã ép Lâm Bình Chi làm đồ đệ của mình, đồng thời hành hạ ép vợ chồng Lâm Chấn Nam giao Tịch tà kiếm phổ. Ở đoạn cuối, Mộc Cao Phong bị Lâm Bình Chi dùng Tịch tà kiếm pháp giết chết, chiếc bướu trên lưng hắn có chất độc khi bị chém đứt vỡ ra làm mù mắt Lâm Bình Chi.

[sửa] Độc cô cầu bại và triết lý Độc cô cửu kiếm

Độc cô cửu kiếm là một trong những triết lý đặc sắc của Tiếu ngạo giang hồ, là những nguyên lý tổng quát nhất về kiếm thuật, gồm chín nguyên lý:

  • Tổng quát thức: Là các quy luật chung, các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật: di chuyển, quan sát, tấn công... Các biến hóa trong tổng quát thức dựa trên các quy luật biến hóa của bát quái trong Kinh Dịch.
  • Phá kiếm thức: Là các quy tắc phá kiếm thuật.
  • Phá đao thức: Các quy tắc tấn công đối thủ dùng đao.
  • Phá thương thức: Quy tắc tấn công các đối thủ sử dụng thương, giáo, kích, gậy...
  • Phá tiên thức: Hóa giải cương tiên, thiết giản, điểm huyệt...
  • Phá sách thức: Phá trường sách, nhuyễn tiên, tam thiết côn, trùy...
  • Phá chưởng thức: Hóa giải quyền, cước, chỉ, chưởng (võ công sử dụng trực tiếp tay, chân, công lực...)
  • Phá tiễn thức: Dùng để phá các tên, ám khí.. chẳng những dùng kiếm gạt ám khí mà có thể phản công trở lại.
  • Phá khí thức: Dùng để hóa giải các đối thủ có nội công thượng thặng.

Độc cô cửu kiếm được sáng tạo bởi Độc cô cầu bại (một nhân vật đặc biệt trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, chỉ tồn tại qua những lời nói, lời kể của các nhân vật). Tên gọi Độc cô cầu bại là do nhân vật này luyện võ công (mà cụ thể ở đây là kiếm thuật) đến mức độ thượng thừa, suốt đời cô độc, chỉ mong được thất bại một lần mà không được. Nguyên lý chung của Độc cô cửu kiếm là con người là tĩnh, chiêu số là động, bất kỳ chiêu số nào hình thành, thì dù cao thâm đến đâu cũng có sơ hở, muốn đánh bại chỉ cần tấn công vào chỗ sơ hở đó. Người sử dụng kiếm không có chiêu số sẽ không có sơ hở, phải biết sử dụng kiếm biến hóa, linh hoạt như nước chảy mây bay, tiện thế nào dùng như thế, không bị ép vào khuôn phép. Độc cô cửu kiếm không có phòng thủ, mà dùng chính tấn công làm phòng thủ, lấy sự nhanh nhẹn và linh hoạt để chiến thắng. Triết lý của Độc cô cửu kiếm chính là sự linh hoạt, không ép mình vào những quy tắc cứng nhắc, dựa trên các triết lý của triết học Lão giáo, dạy con người sống linh hoạt theo các quy luật của thiên nhiên.

[sửa] Chuyển thể

[sửa] Phim truyền hình

Năm Hãng sản xuất Lệnh Hồ Xung Nhậm Doanh Doanh Tên phim tiếng Anh
1984 TVB (Hồng Kông) Châu Nhuận Phát (Chow Yun Fat) Trần Tú Châu (Rebecca Chan) The smiling,Proud Wanderer
1996 TVB (Hồng Kông) Jacky Lui Fiona Leung State of Divinity
2000 (Đài Loan) Nhậm Hiền Tề (Richie Ren) Viên Vịnh Nghi (Anita Yuen)
2000 MediaCorp (Singapore) Mã Cảnh Đào (Steven Ma) Phạm Văn Phương (Fann Wong) The Legendary Swordsman
2001 CCTV (Trung Quốc) Lý Á Bằng Hứa Tịnh Laughing in the Wind

Blood Cold and Proud Hot

[sửa] Điện ảnh

Năm Hãng sản xuất Lệnh Hồ Xung Nhậm Doanh Doanh Tên phim tiếng Anh
1991 Hứa Quán Kiệt (Samuel Hui) Trương Mẫn (Sharla Cheung Man) The Swordsman
1992 Lý Liên Kiệt (Jet Li) Quan Chi Lâm (Rosamund Kwan) The Swordsman II

[sửa] Xem thêm


Tác phẩm võ hiệp Kim Dung
14 tiểu thuyết
Phi hồ ngoại truyện Tiếu ngạo giang hồ
Tuyết sơn phi hồ Thư kiếm ân cừu lục
Liên thành quyết Thần điêu hiệp lữ
Thiên long bát bộ Hiệp khách hành
Xạ điêu anh hùng truyện Ỷ thiên Đồ long ký
Bạch mã khiếu tây phong Bích huyết kiếm
鹿 Lộc Đỉnh ký Uyên Ương đao
Truyện ngắn
越女劍 Việt nữ kiếm sửa

[sửa] Liên kết ngoài

Ngôn ngữ khác


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -