Thiên Địa Hội
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiên Địa Hội, (tiếng Hoa:天地會 tiandihui) là một hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời Khang Hy với mục đích phản Thanh phục Minh, khôi phục lại giang sơn của nhà Đại Minh, đánh đuổi quân Mãn Thanh ngoại tộc.
Thiên Điạ Hội còn được gọi là Hồng Môn hay Tam Điểm Hội theo Tam điểm cách mạng thi của hội:
-
- Tam điểm ám tàng cách mệnh tông
- Nhập ngã Hồng môn mạc thống phong
- Dưỡng thành nhuệ thế tùng cừu nhật
- Thệ diệt Thanh triều nhất tảo không.
Thiên địa hội đứng đầu là Tổng đà chủ, tiếp sau gồm có mười đường, Tiền ngũ phòng có năm đường, Hậu ngũ phòng năm đường, mỗi đường hoạt động tại một tỉnh của Trung Quốc.
[sửa] Hội Hồng Môn hiện đại
[sửa] Thiên Địa Hội tại Việt Nam
Thiên Địa Hội theo chân những người Hoa phản Thanh phục Minh du nhập vào Việt Nam (xem Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh). Thiên Địa Hội trở thành phong trào đấu tranh chống Pháp dưới hình thức hội kín ở Nam Kỳ trong những năm đầu thế kỉ 20. Có ảnh hưởng ít nhiều từ phong trào Nghĩa Hoà đoàn chống đế quốc ở Trung Quốc cuối thế kỉ 19. Trong những năm Chiến tranh thế giới I (1914 - 1918), ở Nam Kỳ có từ 70 đến 80 hội kín, có hội do những người lính khố đỏ đứng đầu. Mục đích chủ yếu của hội là chống Pháp, quan lại tham ô, khôi phục Việt Nam. Tôn giáo và phương thuật (pháp sư, bùa chú, uống máu ăn thề, dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc, vv.) giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội viên và tuyên truyền cho dân chúng. Địa bàn hoạt động rộng tại Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Châu Đốc.
Năm 1913 (Quý Sửu), Phan Phát Sanh tự xưng Phan Xích Long, tự nhận là Đông Cung con vua Hàm Nghi và tự tôn làm Hoàng Đế cùng các thành viên Thiên địa hội làm cách mạng chống Pháp. Họ chế tạo lựu đạn, trái phá, dán truyền đơn khắp chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây kêu gọi dân chúng nổi dậy. Phan Xích Long bị bắt tại Phan Thiết và bị kết án tử hình, bị giam tại nhà lao Chí Hòa chờ ngày hành quyết. Vụ án Phan Xích Long làm chấn động giới anh chị giang hồ thời đó.
Đêm 2 rạng 3 tháng 2 1916, một số đàn em trong "Thiên Địa Hội" mặc áo đen, quần trắng, mặc áo giáp da, trang bị bùa chú, tấn công trụ sở mộ lính ở Mỏ Cày. Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 2 họ xông vào đánh phá Khám Lớn Sài Gòn để cứu "đại ca". Nhưng họ không chống nổi súng đạn, ngoài một số bị chết tại trận, hầu như tất cả đều bị bắt, tất cả gồm 56 người. Vài ngày sau 56 người này và Phan Xích Long đều bị xử tử và chôn chung trong một mộ ở Đất Thánh Chà (đường Hiền Vương, Chợ Lớn). Sau khi khởi nghĩa của Phan Xích Long thất bại một số thành viên trong tổ chức thành lập những bang phái giang hồ.