Thông tấn xã Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thông tấn xã Việt Nam thường viết tắt trên các bản tin là TTXVN (tiếng Việt), VNA (tiếng Anh), AVN (tiếng Tây Ban Nha), AVI (tiếng Pháp) - là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. TTXVN liên tục cung cấp những thông tin đề cập đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học và công nghệ của Việt Nam và thế giới. Mục đích của thông tấn xã Việt Nam là phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về những vấn đề thời sự lớn trong nước, khu vực và trên thế giới.
Thông tấn xã Việt Nam có trụ sở chính ở số 1-3-5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, TTXVN còn có các văn phòng, hay phân xã, rải khắp 64 tỉnh thành của Việt Nam. Tin của TTXVN bao gồm nhiều thể loại, và có một số bài được dùng đồng loạt trên các báo in của Việt Nam vì được coi là thông tin chính thức.
Ngày 15 tháng 9 năm 1945 được coi là Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam (lúc đó mang tên Việt Nam Thông tấn xã). Đây là ngày VNTTX chính thức phát đi bản Tuyên ngôn Độc Lập và danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Bản tin này được phát từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội) ra toàn quốc và toàn thế giới.
Mục lục |
[sửa] Các mốc chính
Tiền thân của VNTTX là Nha Thông tin (Bộ Thông tin, Tuyên truyền).
- 23 tháng 8, 1945, ngày làm việc đầu tiên.
- 15 tháng 9, 1945, phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập và danh sách thành viên Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- 1946, đặt văn phòng đại diện tại Bangkok (Thái Lan).
- 6 tháng 1, 1946, ra bản tin tiếng Pháp.
- Tháng 8 năm 1946, ra bản tin tiếng Anh.
- 20 giờ, 19 tháng 12, 1946, phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Lên chiến khu Việt Bắc, thực hiện tiêu thổ kháng chiến.
- Tháng 3 năm 1947, ra bản tin tiếng Hoa "Việt Nam Tân Văn" tại Cao Bằng. Bản tin này chấm dứt sau khoảng 1 năm hoạt động.
- 1948, đặt văn phòng đại diện tại Rangoon (Miến Điện).
- 1949, nhận tin của các hãng thông tấn như TASS (Liên Xô) và Tân Hoa xã (Trung Quốc).
- 1952, đặt các phân xã nước ngoài lần lượt ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Moskva (Liên Xô) và Paris (Pháp).
- Tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng, VNTTX là trụ sở tại số 5 phố Lý Thường Kiệt.
- 1955, trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ.
- 12 tháng 10, 1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) được thành lập tại chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông Nam Bộ.
- 1975, kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, gần 260 phóng viên, nhân viên của VNTTX và TTXGP đã tử nạn trong lúc làm nhiệm vụ.
- 1976 và 1977, hợp nhất VNTTX và TTXGP
- Tháng 5 năm 1976, đổi tên thành Thông tấn xã Việt Nam.
Hiện nay, TTXVN có 25 phân xã ở nước ngoài trên cả 5 châu lục; hợp tác với gần 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí lớn trên thế giới như AFP, Reuters, AP, ITAR-TASS, RIA-Novosti, Tân Hoa xã, Yonhap, Kyodo News, Prensa Latina...
[sửa] Các ấn phẩm
- Bản tin Khoa học và Công nghệ (trước là Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế thế giới)
- Bản tin Tham khảo
- Bản tin Tham khảo Đặc biệt
- Báo Ảnh Việt Nam
- Báo Le Courrier du Vietnam
- Báo Le Courrier du Vietnam dimanche
- Báo Thể thao & Văn hóa (trước là Tuần tin Văn hóa Thể thao)
- Báo Tin tức (hợp nhất 2 tờ Tuần tin tức và Tin tức buổi chiều)
- Báo Vietnam Courrier
- Báo Vietnam News
- Công báo
- Tạp chí Chân trời UNESCO
- Tạp chí Dân tộc và Miền núi (trước là Bản tin ảnh Miền núi và Dân tộc)
- Tạp chí Đẹp
- Tạp chí Outloook
và nhiều ấn phẩm khác.
[sửa] Tổng giám đốc các thời kỳ
- Trần Kim Xuyến (23 tháng 8, 1945 - 3 tháng 3, 1947)
- Hoàng Tuấn (tức Nguyễn Văn Minh) (1947 - 1962)
- Đào Tùng (1977 - 1990)
- Đỗ Phượng (1990 - 1996)
- Hồ Tiến Nghị ([1996 - 2001)
- Lê Quốc Trung (2001 - 2006)
- Nguyễn Quốc Uy (4 tháng 4, 2006)