Hiệp ước Xô-Đức
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hiệp ước Xô-Đức, còn được gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrop hay Hiệp ước Hitler-Stalin có tên chính thức là Hiệp ước Bất tương xâm giữa Đức và Liên bang Xô viết, được ký kết ngày 23 tháng 8, 1939 giữa Ngoại trưởng Viatcheslav Mikhaïlovitch Molotov của Liên Xô và Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop của Đức Quốc xã. Nghị định thư bí mật đính kèm Hiệp ước quy định các nước Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, và Romania thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Ngoài ra, hai nước Liên Xô và Đức đồng ý phân chia Ba Lan.
Nhiều tấn trò ngoại giao zíc-zắc diễn ra một cách bí mật giữa các bên có liên quan, và nhiều nội dung của Hiệp ước cũng bị giữ bí mật. Sự thật chỉ được sáng tỏ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc và Đồng minh tịch thu được nhiều tài liệu mật của Đức Quốc xã.
Mục lục |
[sửa] Nguyên do
Một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới hiệp ước bao gồm:
Đức đang chuẩn bị tấn công Ba Lan và muốn tránh chiến đấu trên hai mặt trận: phía Tây chống Anh-Pháp và phía Đông chống Liên Xô. Hơn nữa, Đức cũng muốn tăng cường ngoại thương với Liên Xô để bù đắp cho sự phong tỏa của Đồng minh trên mặt biển.
Liên Xô lúc này còn đang suy yếu sau đợt thanh trừng đẫm máu của Josef Stalin, nên muốn hòa hoãn hoặc với Anh-Pháp để cùng chống Đức hoặc với Đức để tránh chiến tranh.
Anh-Pháp luôn đánh giá thấp tiềm lực quân sự của Liên Xô, và nhất là Anh luôn nghi kỵ Liên Xô. Vì thế, họ thường tỏ ra thờ ơ mỗi khi Liên Xô đề nghị cùng hợp lực chống Đức. Việc này vô hình chung đẩy Liên Xô tiến gần đến Đức.
Ba Lan cũng nghi kỵ Liên Xô (trong quá khứ Ba Lan đã nhiều lần bị người Nga xâm lược) nên không muốn Liên Xô mang quân qua lãnh thổ của họ để chống lại Đức. Vì việc này, liên minh Nga-Anh-Pháp nhằm bảo vệ Ba Lan khó thành hiện thực.
[sửa] Tình hình khởi đầu
Khó mà xác định chính xác lúc nào có những chuyển biến đầu tiên hướng đến sự thông cảm giữa Đức Quốc xã và Liên Xô vốn sẽ dẫn đến hệ lụy rộng lớn trên thế giới.
Sự việc rõ ràng hơn qua thư khố của Bộ Ngoại giao Đức. Một bản ghi nhớ ngày 4 tháng 11, 1938 cho thấy Hermann Göring nhấn mạnh việc phục hồi quan hệ mậu dịch với Liên Xô, nhất là việc mua nguyên vật liệu của Liên Xô. Những hiệp ước kinh tế Nga-Đức sẽ hết hạn vào cuối năm, và các cuộc đàm phán để ký kết lại thì chưa ngã ngũ. Hai bên vẫn còn nghi ngại nhau nhưng đang chầm chậm tiến đến gần nhau. Trở ngại chính trong mậu dịch là trong khi Đức đang thèm muốn nguyên liệu của Liên Xô, Đức không thể cung cấp cho Liên Xô những hàng hóa để dùng vào việc trao đổi hiện vật.
Tuy quan hệ kinh tế khó thành công, đã có những dấu hiệu khác. Ngày 10 tháng 3 năm 1939, Josef Stalin đọc một bài diễn văn dài trong Đại hội Đảng lần thứ 18. Ba ngày sau, Đại sứ Đức ở Nga, Friedrich von der Schulenburg, gửi về Berlin một bản báo cáo dài, cho biết Liên Xô không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Đức Quốc xã hầu trợ giúp Anh và Pháp. Anh bỏ qua, nhưng Đức để ý đến việc này.
Stalin tin rằng Anh thích liên minh với Ba Lan hơn là với Liên Xô, và rằng Thủ tướng Anh Arthur Neville Chamberlain muốn đẩy Liên Xô ra ngoài rìa chính trường Châu Âu.
Tuy thế, chính sách ngoại giao của Liên Xô vẫn là để mở cho hai bên Đức và Anh-Pháp.
Ngày 16 tháng 4 năm 1939, Ngoại trưởng Litvinov của Liên Xô chính thức đề nghị Hiệp ước Ba Bên gồm Anh, Pháp và Nga. Đấy là nỗ lực cuối cùng của Litvinov nhằm tạo mối liên minh chống Đức. Không nước nào ở Đông Âu, kể cả Ba Lan, có đủ tiềm lực duy trì một mặt trận ở vùng này. Tuy thế, đề nghị của Nga khiến cho Anh và Pháp quan ngại.
[sửa] Liên Xô và Đức thăm dò nhau
Cùng lúc, Đại sứ Nga tại Đức Merekalov đến gặp Thứ trưởng Ngoại giao Đức Ernst von Weizsäcker, tỏ ý muốn cải thiện mối bang giao với Đức.
Ngày 3 tháng 5 năm 1939, Litvinov được thay thế bởi Vyacheslav Molotov, Chủ tịch Hội đồng Ủy viên Nhân dân (tương đương Thủ tướng). Việc thay đổi đột ngột có ý nghĩa đặc biệt. Litvinov có chủ trương củng cố an ninh cho Nga chống lại Đức Quốc xã bằng cách liên minh với Anh và Pháp. Sự lưỡng lự của Chamberlain với liên minh này đã làm hại đến Litvinov. Theo phán xét của Stalin, chính sách của Litvinov đã thất bại. Hơn nữa, chính sách này đe dọa đưa Nga vào cuộc chiến với Đức. Stalin kết luận rằng phải thay đổi. Nếu Chamberlain đã xoa dịu Hitler, liệu ông ấy sẽ xoa dịu nhà độc tài Nga được không? Việc Litvinov gốc Do Thái được thay thế bởi Molotov không phải là người Do Thái có thể gây tác động lên giới lãnh đạo Quốc xã.
Mãi đến ngày 8 tháng 5, Anh mới trả lời đề nghị của Litvinov ngày 16 tháng 4: Anh khước từ. Điều này củng cố mối e ngại của Nga rằng Chamberlain không muốn lập liên minh với Nga để ngăn chặn Hitler chiếm Ba Lan.
Thế thì, không lạ gì mà Liên Xô tăng cường sự tiếp xúc với Đức. Ngày 20 tháng 5 năm 1939, Đại sứ von der Schulenburg có buổi hội đàm kéo dài với Molotov ở Moskva. Vị tân Ủy viên Ngoại giao tỏ ra “thân thiện nhất” và thông báo cho nhà ngoại giao Đức biết là có thể nối lại cuộc đàm phán kinh tế giữa hai nước nếu tạo dựng được cơ sở chính trị cần thiết. Đây là đường hướng mới từ Điện Kremlin, nhưng Molotov tỏ ra kín đáo. Khi Schulenburg hỏi “cơ sở chính trị” có nghĩa như thế nào, Molotov đáp đấy là điều hai chính phủ nên suy nghĩ. Mọi nỗ lực của vị đại sứ muốn khai thác thêm ý nghĩa từ vị Ủy viên Ngoại giao chỉ hoài công.
Thủ tướng Anh vẫn có thái độ lạnh nhạt và ngay cả khinh bỉ với Liên Xô. Ngược lại, Winston Churchill (lúc này chỉ là đại biểu Nghị viện) cho rằng Liên Xô đã có đề nghị “công bằng hơn, đơn giản hơn, trực tiếp hơn và hiệu quả hơn” so với đề nghị của chính Chamberlain. Ông van nài Chính phủ Anh quốc nên tiến gần đến Nga, vì "nếu không có Nga sẽ không có mặt trận miền Đông vững chắc."
Chiều theo làn sóng công kích từ mọi phía, cuối cùng Chamberlain chỉ thị cho đại sứ Anh tại Nga bắt đầu vòng đàm phán cho hiệp ước trợ giúp hỗ tương và đảm bảo cho những quốc gia bị Hitler đe dọa.
Ngày 31 tháng 5 năm 1939, Molotov đọc bài diễn văn công khai đầu tiên trên cương vị Ủy viên Ngoại giao trước Hội đồng Tối cao của Liên Xô. Ông trách móc các nước dân chủ phương Tây đã lưỡng lự và tuyên bố nếu họ nghiêm túc trong việc tham gia cùng Liên Xô ngăn chặn gây hấn, họ phải tỏ ra thực tiễn và đạt đến thỏa thuận về ba điểm chính:
- Hiệp ước trợ giúp hỗ tương ba bên có tính chất thuần túy phòng thủ.
- Sự đảm bảo cho các nước Trung Âu và Đông Âu kể cả mọi nước tiếp giáp với Liên Xô.
- Hiệp ước về loại hình và phạm vi tương trợ cấp thời và có hiệu quả cho mọi bên và cho các quốc gia nhỏ hơn bị đe dọa gây hấn.
Molotov cũng tuyên bố rằng việc đàm phán với phương Tây không có nghĩa Liên Xô sẽ bỏ qua “những quan hệ mậu dịch trên cơ sở thực dụng” với Đức và Ý.
Khi báo cáo cho Chính phủ Đức về bài diễn văn, Đại sứ von der Schulenburg cho biết Liên Xô vẫn đang sẵn sàng đạt hiệp ước với Anh và Pháp “với điều kiện là đáp ứng mọi yêu cầu của họ,” nhưng việc này sẽ mất thời gian. Ông cho biết Molotov “tránh thúc ép Đức sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán đã bắt đầu ở Berlin và Moskva.”
Thình lình Hitler cũng tỏ ra sẵn sàng như Liên Xô. Sau khi đã định ngày 1 tháng 9 năm 1939 để tấn công Ba Lan và thấy Ý tỏ ra lưỡng lự trong việc hỗ trợ Đức, Hitler muốn thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn giữa Đức và Liên Xô. Suốt tháng 6 năm 1939, đại sứ quán Đức ở Moskva và Anatas Mikoyan, Ủy viên Ngoại thương Nga, đàm phán cho một hiệp ước thương mại mới.
Phía Liên Xô vẫn còn tỏ ra rất nghi ngờ Đức, tin rằng khi Đức muốn thúc đẩy hiệp ước thương mại chỉ là để phá hoại những vòng đàm phán của Liên Xô với Anh-Pháp.
Dần dà, Liên Xô có sáng kiến mới. Ngày 18 tháng 7 năm 1939, Đại diện Thương mại E. Babarin của Liên Xô tại Berlin đến gặp chuyên viên Julius Schnurre tại Bộ Ngoại giao Đức để thông báo rằng Liên Xô sẽ mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế với Đức. Ông mang theo một bản ghi nhớ kêu gọi tăng cường trao đổi hàng hóa giữa hai nước và cho biết nếu làm sáng tỏ một ít khác biệt giữa hai bên, ông được ủy quyền ký hiệp ước kinh tế ở Berlin. Theo bản ghi nhớ mật của buổi hội đàm cho thấy, bên Đức tỏ ra hài lòng.
Ngày 26 tháng 7, TS. Schnurre theo lệnh của Ribbentrop mời Đại biện Lâm thời Georki Astakhov và Đại diện Thương mại Babarin đi ăn tối ở một nhà hàng tráng lệ ở Berlin để thăm dò. Hai người Nga không cần phải thăm dò. Với sự đồng tình nồng nàn của Babarin, Astakhov tuyên bố rằng một sự hòa hoãn về chính trị Nga-Đức đáp ứng với những lợi ích quan trọng của hai bên. Ông nói ở Moskva người ta không hề hiểu được tại sao Đức Quốc xã có ác cảm với Liên Xô đến thế.
Đáp lại, TS. Schnurre giải thích:
- Chính sách của Đức bây giờ đã đi theo một hướng hoàn toàn khác.
- Về phần chúng tôi, không có chuyện đe dọa Liên Xô. Những mục tiêu của chúng tôi là về một phương hướng khác hẳn... Chính sách của Đức là nhắm đến Anh... Tôi có thể hình dung ra một sự dàn xếp những quyền lợi hỗ tương rộng rãi có xem xét nghiêm túc những vấn đề của Nga.
- Tuy nhiên, khả năng này có thể bị ngáng trở vào lúc Liên Xô hợp tác với Anh mà chống Đức. Thời điểm để có sự cảm thông giữa Đức và Liên Xô chính là bây giờ...
- Liệu Anh có thể mang đến cho Nga những gì? Cùng lắm, là việc tham gia trong một cuộc chiến Châu Âu và sự thù địch với Đức. Chúng tôi có thể mang đến cho Nga những gì? Tính trung lập và đứng ngoài cuộc xung đột Châu Âu nếu có, một sự cảm thông Nga-Đức dựa trên những quyền lợi chung... Tôi thấy không có vấn đề tranh cãi [giữa Đức và Nga] bất kỳ nơi nào từ Biển Baltic cho đến Biển Đen và đến Viễn Đông. Hơn nữa, dù có những quyết định khác nhau, có một điểm chung trong ý thức hệ của Đức, Ý và Liên Xô: chống lại các nền dân chủ tư bản ở phương Tây.
Thế là, trong giờ giấc khuya khoắt đêm 26 tháng 7 trong một nhà hàng Đức với thức ăn và rượu vang ngon mà các nhà ngoại giao cấp trung chè chén với nhau, lần đầu tiên Đức tỏ ý nghiêm túc muốn đạt thỏa thuận với Liên Xô. Đường hướng mới là do chính Ribbentrop truyền đạt cho Schnurre. Astakhov vui mừng với những gì được nghe và hứa với Schnurre sẽ lập tức báo cáo ngay về Moskva.
Ba ngày sau, Weizsäcker ra lệnh cho Schulenburg ở Moskva tìm hiểu phía Liên Xô về ý kiến phía Đức đã nói với Astakhov và Babarin. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao gửi cho Schulenburg một bức điện “khẩn và mật”:
- Yêu cầu báo cáo bằng điện tín ngày và giờ anh được gặp Molotov ngay sau khi đã có lịch.
- Chúng tôi nóng lòng cho buổi hội đàm sớm.
[sửa] Quan hệ giữa Liên Xô và Anh-Pháp
Có lý do khiến cho Đức cảm thấy khẩn trương. Ngày 23 tháng 7, 1939, Anh và Pháp cuối cùng đã đồng ý với đề nghị của Liên Xô là các phái bộ quân sự cần đàm phán ngay để soạn thảo bản quy ước quân sự chỉ định cụ thể ba nước sẽ đối phó như thế nào với quân lực của Hitler. Phía Đức bắt được tin này.
Tuy nhiên, trong khi Liên Xô đề nghị một hiệp định quân sự quy định chi tiết “phương pháp, hình thức và tầm mức” mà ba nước sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau, Anh và Pháp không đánh giá cao tiềm năng quân sự của Liên Xô. Bộ Tổng tham mưu của Anh, cũng giống như của Đức sau này, đánh giá quá thấp sức mạnh của Hồng quân, có lẽ do các báo cáo từ tùy viên quân sự của họ, một phần dựa trên cuộc thanh trừng của các sĩ quan cấp cao. Vì thế Anh-Pháp đề nghị đàm phán về quân sự sau khi đã ký hiệp định chính trị. Nhưng Liên Xô cương quyết là phải tiến hành các hiệp định chính trị và quân sự trong một gói.
Sau những trao đổi bất đồng qua lại giữa hai bên, đến ngày 23 tháng 8, chủ yếu do áp lực của Pháp, chính phủ Anh đành phải đồng ý đàm phán một quy ước quân sự.
Chamberlain luôn hờ hững với việc đàm phán quân sự. Giới ngoại giao còn lạnh nhạt hơn, cho rằng không nên bàn đến những bí mật quân sự trong khi chưa chắc Liên Xô có phải là nước đồng minh của Anh hay không. Phía Nga thì ngược lại: muốn biết phương Tây sẽ hỗ trợ như thế nào về quân sự trước khi bàn đến chính trị, như Molotov phát biểu:
- Điểm quan trọng là xem mỗi bên đóng góp được bao nhiêu sư đoàn cho sự nghiệp chung và các sư đoàn này sẽ đóng ở đâu.
Đại sứ Dirksen của Đức ở Anh báo cáo về Berlin rằng các giới chính quyền Anh nhìn sự đàm phán quân sự với Liên Xô bằng con mắt hoài nghi.
- Điều này thấy rõ qua thành phần của Phái bộ Quân sự Anh. Vị đô đốc... nằm trong danh sách về hưu và chưa từng ở trong Bộ Tham mưu Hải quân. Vị thiếu tướng lục quân là một sĩ quan thuần túy tác chiến. Vị đại tướng không quân là một phi công và huấn luyện viên xuất sắc, nhưng không phải là nhà chiến lược. Điều này dường như chỉ ra rằng nhiệm vụ của Phái bộ Quân sự [Anh] là nhằm đánh giá năng lực tác chiến của quân lực Nga hơn là để ký kết hiệp ước về hành quân...
Chính phủ Anh tỏ ra hoài nghi đến nỗi không cho Trưởng Phái bộ Anh, Đô đốc Drax, có toàn quyền trong vòng đàm phán, khiến cho phía Nga phải than phiền. Drax chỉ nhận lệnh là phải “tiến hành thật chậm với các buổi thảo luận quân sự, dò xét tiến triển của các đàm phán chính trị” cho đến lúc thỏa thuận được một hiệp ước chính trị. Và ông không được tiết lộ bí mật quân sự cho phía Nga trước khi đạt hiệp định chính trị.
Ngược lại với phía Anh-Pháp, người Nga cử những nhân vật ở cấp cao nhất vào phái bộ quân sự của họ: Nguyên soái Ủy viên Quốc phòng Voroshilov, Tướng Tham mưu trưởng Hồng quân Shaposhnikov, thêm Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Không quân. Phía Liên Xô còn để ý là Anh đã cử Tham mưu trưởng Quân đội đi Ba Lan vào tháng 7 để thảo luận với Bộ Tổng Tham mưu Ba Lan, nhưng bây giờ không cử nhân vật cao cấp này đi Liên Xô.
Các phái bộ quân sự Anh-Pháp không chịu gấp rút đi đến Moskva. Đáng lẽ họ có thể đi bằng máy bay trong một ngày. Nhưng họ lại đi trên một chiếc tàu chậm chạp chở hành khách và hàng hóa mà thời gian đưa họ đến Nga bằng với thời gian chiếc tàu khách Queen Mary có thể đưa họ đến Mỹ. Họ lên tàu đi Leningrad ngày 5 tháng 8 và ngày 11 tháng 8 mới đến Moskva.
[sửa] Đức thúc đẩy hòa hoãn với Liên Xô
Lúc này thì đã quá muộn: Hitler đã đến trước. Trong khi các sĩ quan quân đội Anh và Pháp đang chờ chiếc tàu chậm chạp để lên đường, người Đức đang hành động cấp tốc, liên tục tiếp xúc và trao đổi với Liên Xô. Đức tỏ ra tự tin là có thể thay đổi đường lối ngoại giao của Liên Xô. Một khi Liên Xô đã bị vô hiệu hóa, Anh hoặc Pháp sẽ không muốn tham chiến vì Ba Lan hoặc, nếu họ muốn, họ sẽ bị cầm chân dễ dàng dọc hệ thống công sự miền Tây trong khi quân đội Đức sẽ tiêu diệt Ba Lan nhanh chóng rồi quay sang miền Tây.
Liên Xô bây giờ sẵn sàng thảo luận các vấn đề do Đức đưa ra, đề nghị hai bên đàm phán ở Moskva nhưng phía Nga nói là không cần gấp rút: hai bên có thể thảo luận từ từ.
Nhưng Hitler không thể chờ thảo luận “từ từ” với Liên Xô. Ông đã ấn định 1 tháng 9 năm 1939 là ngày tấn công Ba Lan, và bây giờ đã là giữa tháng 8. Ông cần phá hoại sự dàn xếp Anh-Pháp-Nga và đạt thỏa thuận với Stalin, nên phải hành động nhanh – không phải từng bước mà qua một bước dài.
Ribbentrop ra lệnh khẩn cho Đại sứ von der Schulenburg chuyển cho Molotov một thông điệp dài:
- ...cần thiết phải làm rõ nhanh chóng mối quan hệ Nga-Đức. Nếu không, sự việc... có thể đi theo chiều hướng khiến cho hai quốc gia mất cơ hội phục hồi tình hữu nghị Nga-Đức và không thể làm sáng tỏ những vấn đề về lãnh thổ ở Đông Âu. Vì thế, giới lãnh đạo hai nước không nên để tình hình tự nó trôi vô định, mà nên có hành động vào thời điểm thích hợp. Nếu vì không hiểu nhau về quan điểm và mục đích mà hai dân tộc rời xa nhau thì đấy là điều hết sức tai hại.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức “trên danh nghĩa của Lãnh tụ” sẵn lòng hành động vào thời điểm thích hợp.
- Như chúng tôi đã được thông báo, Chính phủ Liên Xô cũng mong muốn làm sáng tỏ mối quan hệ Nga-Đức. Tuy nhiên, vì lẽ theo kinh nghiệm trước đây, việc làm sáng tỏ này chỉ có thể hoàn tất chậm chạp qua kênh ngoại giao thông thường, tôi sẵn sàng có một chuyến thăm viếng ngắn đến Moskva để, trên danh nghĩa của Lãnh tụ, trình bày quan điểm của Lãnh tụ với Ông Stalin. Theo thiển ý của tôi, chỉ có thảo luận trực tiếp như thế mới mang đến thay đổi, và có thể đặt nền tảng cho việc giải quyết rốt ráo quan hệ Nga-Đức.
Ngoại trưởng Anh đã không muốn đi Moskva, còn bây giờ Ngoại trưởng Đức không những sẵn sàng đi mà còn thiết tha muốn đi – sự tương phản mà Quốc xã tính toán sẽ tạo ấn tượng cho Stalin vốn đang nghi ngại. Phía Đức thấy điều cực kỳ quan trọng là phải mang thông điệp đến chính Stalin.
Đề nghị của Ngoại trưởng Đức nhử ra một miếng mồi mà họ nghĩ sẽ hấp dẫn Điện Kremlin. Lặp lại là “không có vấn đề nào giữa Biển Baltic và giữa Biển Đen mà không giải quyết được một cách thỏa đáng cho hai quốc gia,” Ribbentrop nhắc đến “các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan, những vấn đề miền đông-nam, v.v...” Đức đã sẵn sàng phân chia Đông Âu – kể cả Ba Lan – với Liên Xô. Đây là miếng mồi mà Anh và Pháp không có món gì sánh được.
[sửa] Cuộc đàm phán Quốc xã–Liên Xô: 15-21 tháng 8, 1939
Đại sứ von der Schulenburg đến gặp Molotov tối 15 tháng 8, và theo đúng mệnh lệnh, đọc cho ông nghe nội dung bức điện khẩn của Ribbentrop nói rằng Ngoại trưởng Đức sẵn sàng đến Moskva để giải quyết quan hệ Nga-Đức. Tuy nhiên, giống như tay chơi bài phé có hạng, Molotov vẫn không tỏ dấu hiệu gấp gáp. Ông nói chuyến đi mà Ribbentrop đề nghị “đòi hỏi chẩn bị kỹ càng nhằm trao đổi ý kiến để có thể đạt kết quả.”
Kết quả gì? Phía Liên Xô gợi ý: Liệu Chính phủ Đức có quan tâm đến một hiệp ước bất tương xâm giữa hai quốc gia? Đức nghĩ gì về việc cùng đảm bảo cho các nước vùng Baltic?... Ông kết luận rằng “phải thảo luận tất cả các đề mục này với chi tiết cụ thể sao cho, khi Ngoại trưởng Đức đến, không phải chỉ để trao đổi quan điểm mà còn phải đi đến quyết định rõ ràng.” Và ông nhấn mạnh lần nữa rằng “phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho các đề mục.”
Thế là, đề nghị đầu tiên về hiệp ước bất tương xâm Quốc xã–Liên Xô là từ phía người Nga – đúng vào lúc họ đang đàm phán với Anh-Pháp để nếu cần tiến hành chiến tranh chống lại Đức gây hấn thêm. Hitler rất quan tâm đến hiệp ước, vì như thế Liên Xô sẽ không tham chiến và ông có thể tấn công Ba Lan mà không sợ Liên Xô can thiệp. Và khi Liên Xô đã đứng ngoài cuộc, ông tin chắc Anh và Pháp sẽ so vai rụt cổ.
Những đề nghị của Molotov đúng như ý của Hitler: cụ thể và tiến xa hơn những gì Đức dám đưa ra. Chỉ có một khó khăn: đã gần hết tháng 8, và ông không thể chờ quá lâu. Hitler chấp nhận vô điều kiện những đề nghị của Liên Xô.
Đã đoán ra lý do tại sao Hitler trở nên vội vã, Molotov nhẩn nha đùa bỡn với phía Đức. Ông nhắc cho Đức nhớ lại thái độ thù địch trước đây với Liên Xô, và tiếp: “Tuy nhiên, nếu Chính phủ Đức bây giờ muốn thay đổi chính sách cũ..., Chính phủ Liên Xô sẽ hoan nghênh... và chuẩn bị thay đổi chính sách theo...” Nhưng phải theo những bước nghiêm túc và thực tế – không phải một bước mà qua một bước dài như Ribbentrop đề nghị.
- Bước thứ nhất: kết thúc một hiệp ước thương mại và tín dụng.
- Bước thứ hai: kế tiếp theo bước thứ nhất, là hiệp ước bất tương xâm.
- Song song với bước thứ hai là kết thúc một nghị định thư chỉ ra những quyền lợi của đôi bên (ngụ ý việc phân chia Đông Âu).
Còn về chuyến đi của Ribbentrop, Chính phủ Liên Xô cảm thấy “vô cùng hài lòng” vì
- việc phái một chính khách quan trọng như thế cho thấy Chính phủ Đức có ý định nghiêm túc... trái ngược với Anh... chỉ gửi nhân viên hạng nhì đến Moskva. Tuy nhiên, chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao Đức cần chuẩn bị chu đáo. Chính phủ Liên Xô không thích tin tức ồn ào mà chuyến đi sẽ gây ra. Họ thích làm việc thực tế mà không phải khoa trương.
Ribbentrop gửi điện cho Schulenburg yêu cầu “nói với Ông Molotov như sau:”
- ... Theo ý kiến của Lãnh tụ, tình hình bất thường hiện tại khiến cho cần thiết phải áp dụng một phương thức khác mang đến kết quả nhanh chóng.
- Mối quan hệ Nga-Đức đang trở nên gay gắt từng ngày. Chúng ta phải xét đến việc bất kỳ ngày nào cũng có thể xảy ra sự cố khiến không tránh khỏi xung đột... Lãnh tụ xét thấy điều cần thiết là chúng ta không bị bất ngờ do xung đột Đức-Ba Lan bùng nổ trong khi chúng ta đang làm sáng tỏ quan hệ Nga-Đức.
Schulenburg được chỉ thị nói rằng “bước thứ nhất” đã hoàn tất qua việc kết thúc thảo luận về hiệp ước thương mại ở Berlin ngày hôm nay; bây giờ là đến lúc xử lý bước thứ hai. Vì thế, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đề nghị “lên đường ngay đến Moskva” với “tất cả quyền ủy nhiệm của Lãnh tụ, cho phép tôi giải quyết hoàn chỉnh và rốt ráo toàn bộ các vấn đề.” Ribbentrop thêm rằng ở Moskva, ông sẽ xem xét mọi yêu cầu của Liên Xô.
- Tôi cũng sẽ có điều kiện ký kết một nghị định thư nhằm dung hòa quyền lợi của hai bên trong những vấn đề chính sách ngoại giao về mặt này hay mặt khác; ví dụ, việc phân định tầm ảnh hưởng của vùng Baltic. Tuy nhiên, chỉ có thể dàn xếp việc như thế bằng cách thảo luận trực tiếp.
Ribbentrop ra lệnh thêm cho Schulenburg:
- Hãy nhấn mạnh rằng chính sách Đức đã đi đến một điểm ngoặt lịch sử... Hãy thúc đẩy cho chuyến đi của tôi và chống lại bất kỳ sự phản đối mới nào của Nga. Anh nên nhớ yếu tố quyết định là có thể xảy ra sớm cuộc xung đột Đức-Ba Lan và vì thế tôi cần lên đường đi Nga ngay lập tức.
Ngày quyết định là 19 tháng 8 năm 1939. Hạm đội Đức đang chờ lệnh ra khơi đến hải phận của Anh. Họ cần khởi hành sớm để đến những điểm hẹn vào ngày Hitler đã định để khai mào cuộc chiến, 1 tháng 9 – chỉ còn 13 ngày nữa.
Bầu không khí trở nên căng thẳng khi Hitler và Ribbentrop nôn nóng chờ quyết định của Moskva. Ribbentrop gửi điện ra lệnh cho Schulenburg báo cáo về bất kỳ Molotov nói gì hoặc ý định bên Nga ra sao; nhưng chỉ có thông báo của hãng thông tấn Tass rằng còn có những sự khác biệt trong cuộc đàm phán giữa Nga và Anh-Pháp. Đấy là dấu hiệu cho Hitler thấy vẫn còn có thời gian – và hy vọng.
Và rồi, lúc 7:10 giờ tối, bức điện mà họ nôn nóng trông chờ đã đến: Chính phủ Liên Xô đồng ý tiếp Ngoại trưởng Đức một tuần sau khi loan báo việc ký kết hiệp ước kinh tế.
Sau cuộc hội đàm giữa Schulenburg và Molotov, Nga trao cho phía Đức bản thảo hiệp ước bất tương xâm.
Churchill sau này kể lại rằng đúng ba năm sau, tháng 8/1942, khi ông đến Moskva với tư cách Thủ tướng Anh, Stalin cho ông biết lý do.
- Stalin nói: Chúng tôi có cảm tưởng là hai Chính phủ Anh và Pháp không muốn tham chiến nếu Ba Lan bị tấn công, nhưng họ muốn liên minh Anh, Pháp và Nga sẽ chặn đứng Hitler. Chúng tôi tin chắc không thể nào được. Stalin đã hỏi “Nước Pháp sẽ điều bao nhiêu sư đoàn để chống Đức?” Câu trả lời là: “Khoảng một trăm.” Rồi ông hỏi: “Nước Anh sẽ điều bao nhiêu?” Câu trả lời là: “Hai, và sau đấy thêm hai.” Stalin nói: “À, hai, và thêm hai. Ông có biết chúng tôi sẽ điều bao nhiêu sư đoàn đến biên giới Nga nếu chúng tôi lâm chiến với Đức?” Ông ngưng một lúc. “Trên ba trăm.”
Trong khi Ủy viên Ngoại giao lưỡng lự việc tiếp đón Ribbentrop, Hitler đích thân gửi công hàm cho Stalin:
- ...Tôi chấp nhận bản thảo hiệp ước bất tương xâm mà Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Ông Molotov, trao cho, nhưng xét thấy cần thiết phải khẩn cấp làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan càng sớm càng tốt.
- Tôi tin rằng trong một thời gian ngắn nhất sẽ có thể làm rõ nội dung của nghị định thư như Liên Xô mong ước nếu một chính khách Đức có đủ trách nhiệm đi đến Moskva để đàm phán...
- Sự căng thẳng giữa Đức và Ba Lan đã đến mức không thể chấp nhận được... Khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ ngày nào. Từ bây giờ trở đi, Đức quyết chí bảo vệ những quyền lợi của mình với mọi khả năng hiện có.
- Theo ý tôi, xét qua những dự định của hai quốc gia muốn đi đến mối quan hệ mới, thì không nên làm mất thời gian thêm nữa. Vì thế, tôi đề nghị là ông tiếp kiến Bộ trưởng Ngoại giao của tôi ngày Thứ Ba 22/8, nhưng chậm nhất là ngày Thứ Tư 23/8. Bộ trưởng Ngoại giao Đế chế có đủ quyền hạn để soạn thảo và ký kết hiệp ước bất tương xâm cũng như nghị định thư. Xét qua tình hình quốc tế, ông Bộ trưởng Ngoại giao không thể lưu lại Moskva quá một hoặc hai ngày. Tôi sẽ rất vui được câu trả lời sớm của ông.
Trong 24 tiếng đồng hồ kế tiếp, Hitler gần đi đến tình trạng suy sụp thần kinh. Ông không thể ngủ được. Đại sứ Đức nhắc Bộ Ngoại giao nhớ là “Điện tín chính thức từ Berlin đến Moskva mất 4 đến 5 tiếng đồng hồ, kể cả 2 tiếng do khác múi giờ. Thêm vào đấy là thời gian để giải mã.”
Cuối cùng, lúc 9:35 giờ tối ngày 21 tháng 8, phúc đáp của Stalin được gửi qua đường điện tín đến Berlin.
- ... Tôi hy vọng rằng hiệp ước bất tương xâm Đức-Nga sẽ dẫn đến khúc ngoặt để cải thiện mối quan hệ chính trị giữa hai đất nước chúng ta.
- Nhân dân hai quốc gia cần có mối quan hệ hòa bình với nhau. Việc Chính phủ Đức đồng ý kết thúc hiệp ước bất tương xâm tạo nên nền tảng nhằm giảm bớt mối căng thẳng chính trị và thiết lập hòa bình cùng hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta.
- Chính phủ Liên Xô đã chỉ thị cho tôi thông báo với ông rằng họ đồng ý Ông von Ribbentrop đến Moskva ngày 23/8.
Ngày kế, sau khi đã được chính Stalin trấn an rằng Liên Xô sẽ đứng trung lập, Hitler triệu các tướng lĩnh quân đội hàng đầu đến báo cho họ biết có lẽ ông sẽ ra lệnh tấn công Ba Lan bốn ngày sau, 26 tháng 8, tức sáu ngày trước hạn định. Stalin, kẻ thù sống chết của Lãnh tụ, đã tạo ra khả năng ấy.
[sửa] Đồng minh bế tắc ở Moskva
Giữa tháng 8/1939, những cuộc đối thoại quân sự tại Moskva giữa các nước dân chủ phương Tây và Liên Xô đã hoàn toàn bế tắc – và đấy là do người Ba Lan thiếu khoan nhượng.
Hai phái bộ Anh-Pháp được gửi đi không phải để thảo luận chi tiết mà là bàn về “những nguyên tắc đại cương.” Ngược lại, phía Nga muốn đi đến những sự kiện cụ thể – mà phía Đồng minh cho là rắc rối.
Nguyên soái Voroshilov của Nga đặt ra những câu hỏi rất rõ ràng: Ba Lan sẽ hành động như thế nào? Bao nhiêu binh sĩ Anh có thể tăng cường cho Quân đội Pháp? Bỉ sẽ làm gì? Ông không yên tâm lắm với những câu trả lời ông nhận được. Pháp và Anh trả lời một cách mơ hồ. Khi bị chất vấn thêm, Tướng Heywood của Anh trả lời: “Lúc này hiện có 5 sư đoàn chính quy và 1 sư đoàn cơ giới ở Anh.” Những con số nhỏ nhoi này khiến cho phía Nga ngạc nhiên và khó chịu, vì họ nói đã chuẩn bị điều 120 sư đoàn ngay khi chiến sự bùng nổ.
Nguyên soái Voroshilov nói vấn đề cốt lõi là liệu Ba Lan có sẵn lòng cho phép quân Nga xâm nhập vào lãnh thổ Ba Lan để đối đầu với Đức hay không. Nếu không, làm thế nào Đồng minh có thể ngăn chặn Đức tràn ngập nhanh chóng Ba Lan? Nếu không có câu trả lời chính xác và dứt khoát thì tiếp tục thảo luận là vô ích...
Phía Anh và Pháp vẫn nói quanh co. Họ cho rằng, vì Ba Lan là nước có chủ quyền, chính phủ Ba Lan trước nhất sẽ phải cho phép quân Nga tiến vào đất họ. Còn Ba Lan thì vẫn khăng khăng từ chối cho Hồng quân hoạt động trên đất Ba Lan.
Đến đây, mọi việc thảo luận tiếp giữa Nga, Anh-Pháp và Ba Lan đều đã quá muộn: Ribbentrop đang trên đường sang Moskva để ký kết hiệp ước bất tương xâm giữa Đức Quốc xã và Liên Xô.
[sửa] Ký kết Hiệp ước
Phái đoàn Đức đến Moskva vào trưa ngày 23 tháng 8 để hội kiến với nhà lãnh đạo và Ngoại trưởng Liên Xô. Phía Liên Xô đòi Đức công nhận các cảng nhỏ Libau và Windau ở Latvia nằm trong khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Vì lẽ cả Latvia nằm bên phía Liên Xô của đường phân chia ranh giới quyền lợi Nga-Đức, Hitler nhanh chóng chấp nhận.
Công việc chủ chốt – hiệp ước bất tương xâm và nghị định thư bí mật – được ký kết trong phiên họp thứ hai tại Kremlin vào buổi tối. Hai bên đạt thỏa thuận một cách dễ dàng đến nỗi buổi họp kéo dài quá nửa đêm không phải để thương lượng căng thẳng, mà để thảo luận một cách thân mật tình hình thế giới, tình hình từng quốc gia, và với những lần nâng cốc theo thông lệ. Một bản ghi nhớ của một thành viên phái đoàn Đức hiện diện cho thấy quang cảnh khó tin.
Đáp lại câu hỏi của Stalin về tham vọng của bạn bè của Đức – Ý và Nhật – Ribbentrop trả lời một cách thông suốt và tạo sự an tâm. Đối với Anh quốc, hai bên có những nhận định giống nhau. Stalin thổ lộ với đoàn khách rằng phái bộ quân sự Anh “chưa bao giờ nói cho chính phủ Liên Xô biết họ muốn gì.” Ribbentrop đáp lại bằng cách nhấn mạnh rằng nước Anh luôn nỗ lực gây rối cho mối quan hệ Liên Xô-Đức. Ông khoác lác rằng “Anh là nước yếu đuối, và muốn để mặc cho các nước khác đánh nhau để họ thống trị thế giới.”
Bản ghi nhớ của Đức ghi “Stalin đồng ý một cách hăm hở,” và ông nhận xét: “Nếu Anh thống trị thế giới, thì đấy là do những nước khác đã ngu xuẩn để cho bị lừa bịp.”
Sau những lần chạm cốc và chúc tụng lẫn nhau giữa hai bên cho đến gần đây còn là hai kẻ thù không đội trời chung, dường như Stalin có vài lo nghĩ về việc Quốc xã tôn trọng hiệp ước. Khi Ribbentrop chuẩn bị ra về, Stalin nói riêng với ông:
- Chính phủ Liên Xô có ý định rất nghiêm túc đối với hiệp ước mới. Ông có thể đảm bảo bằng lời nói danh dự của mình rằng Liên Xô sẽ không phản bội bên liên minh với mình.
[sửa] Nội dung Hiệp ước
Hiệp ước như được phổ biến quy định rằng bên này sẽ không tấn công bên kia. Nếu một bên trở thành “đối tượng của hành động thù địch” do bên thứ ba gây ra, bên kia sẽ “không hỗ trợ cho bên thứ ba bằng bất cứ cách nào.” Cả Đức và Liên Xô sẽ không “gia nhập bất kỳ phe nhóm nào trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm đến bên kia”.
Ngôn từ của những điều khoản chủ chốt hầu như giống y bản thảo của Nga mà Molotov đã trao cho Schulenburg ngày 19 tháng 8 và Hitler điện cho Stalin biết phía Đức chấp thuận. Bản thảo của Nga quy định rằng hiệp ước bất tương xâm chỉ có hiệu lực nếu một “nghị định thư đặc biệt” được ký kết cùng lúc và là một phần không thể thiếu của hiệp ước.
Ribbentrop muốn đưa vào phần mở đầu nhấn mạnh sự thành lập quan hệ hữu nghị Liên Xô-Đức, nhưng Stalin nhất quyết loại bỏ. Nhà độc tài Liên Xô phàn nàn rằng “Chính phủ Xô Viết không thể bất thình lình đưa ra cho công chúng sự cam kết về tình hữu nghị sau khi đã bị Quốc xã bôi tro giát trấu trong sáu năm.”
Thế là, cuối cùng Hitler đã đạt đến điều ông mong muốn: Liên Xô đồng ý không tham gia Anh và Pháp nếu hai nước này hỗ trợ Ba Lan.
Cái giá mà Hitler phải trả trong “Nghị định thư Phụ lục Bí mật” cho hiệp ước là:
- 1. Trong trường hợp có sự chuyển biến về lãnh thổ và chính trị ở những quốc gia vùng Baltic (Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania), biên giới phía bắc của Lithuania sẽ thể hiện biên giới giữa các vùng ảnh hưởng của Đức và Cộng hòa Liên bang Xô viết.
- 2. Trong trường hợp có sự chuyển biến về lãnh thổ và chính trị ở những lãnh thổ thuộc Ba Lan, các vùng ảnh hưởng của Đức và Cộng hòa Liên bang Xô viết sẽ được phân định ranh giới phỏng chừng bằng các con sông Narew, Wistla và San.
- ... Trong bất cứ trường hợp nào, cả hai Chính phủ sẽ giải quyết theo cách thức thông cảm hữu nghị.
Cũng giống như trong những giai đoạn thời xưa của các vua Đức và Sa hoàng Nga, một lần nữa Đức và Nga đã đồng ý phân chia Ba Lan. Và Hitler đã cho Nga được toàn quyền hành động ở vùng đông Baltic.
Cuối cùng, ở đông-nam Châu Âu, phía Liên Xô nhấn mạnh họ quan tâm đến Bessarabia, lãnh thổ mà Liên Xô mất về tay Rumani năm 1919, và Đức tuyên bố họ không quan tâm đến lãnh thổ này. Đây là nhượng bộ mà sau này Đức sẽ lấy làm hối tiếc: họ mất nguồn dầu hỏa quan trọng.
Văn bản kết luận: “Nghị định thư này sẽ được hai bên xem là tối mật.” Thật thế: nội dung của nghị định thư chỉ được biết đến sau chiến tranh với việc tịch thu các tài liệu mật của Đức.
[sửa] Hệ lụy của Hiệp ước
Hai năm sau, khi quân đội Đức tràn sang tấn công Liên Xô trong sự vi phạm hiệp ước bất tương xâm, Stalin vẫn còn biện minh cho việc thỏa hiệp với Hitler, được thực hiện sau lưng các phái bộ quân sự Đồng minh đang đàm phán ở Moskva. Trong bài diễn văn truyền thanh gửi đến nhân dân Nga ngày 3 tháng 7 năm 1941, Stalin phát biểu:
- Ta đã tranh thủ được nền hòa bình cho đất nước ta trong một năm rưỡi, cũng như đã tạo cơ hội chuẩn bị cho các lực lượng của ta nhằm chống lại phát-xít Đức vi phạm hiệp ước mà tấn công ta. Đây là cái được của đất nước ta và cái mất của phát-xít Đức.
Nhưng có đúng thế không? Từ lúc bấy giờ cho đến nay, tranh luận đã nổ ra về điểm này. Sự kiện là hiệp ước đã cho Stalin một thời gian để thở là hiển nhiên. Chỉ trong một thời gian ngắn, hiệp ước đã tạo cho Liên Xô vị thế quốc phòng vững mạnh chống lại Đức phía bên trong biên giới Nga, kể cả những căn cứ quân sự ở các quốc gia vùng Baltic – với phần thiệt thuộc về các dân tộc Ba Lan, Latvia, Estonia và Phần Lan. Và quan trọng nhất, hiệp ước đảm bảo cho Điện Kremlin là nếu sau này Liên Xô bị Đức tấn công thì các cường quốc phương Tây lúc ấy đã tỏ rõ đường lối chống Đức, và Liên Xô sẽ không phải đơn độc chống chọi với Đức như Stalin đã lo sợ suốt mùa hè 1939.
Tất cả điều trên là sự thật. Nhưng có lập luận theo cách khác. Vào lúc Hitler tấn công Liên Xô, các quân đội của Ba Lan và Pháp cùng Lực lượng Viễn chinh Anh trên lục địa Châu Âu đã bị tiêu diệt, và Đức có mọi nguồn lực toàn Châu Âu để huy động mà không bị trói tay vào mặt trận nào của phương Tây. Suốt các năm 1941, 1942 và 1943, Stalin than phiền một cách cay đắng rằng không có mặt trận khác chống lại Đức và rằng Liên Xô phải hứng chịu hầu như toàn bộ sức mạnh của Quân lực Đức. Trong khoảng thời gian 1939-1940, còn có một mặt trận của phương Tây để chia bớt sức mạnh của Đức. Và Ba Lan không thể bị tràn ngập trong nửa tháng nếu Liên Xô hỗ trợ cho họ thay vì đâm sau lưng họ.
Hơn nữa, có lẽ không có chiến tranh nếu Hitler biết sẽ phải đương đầu với cả Liên Xô, Ba Lan, Anh và Pháp. Xét qua lời khai của các tướng lĩnh Đức trước Tòa án Nürnberg, ngay cả họ tuy hiền hòa về chính trị nhưng vẫn có thể ngăn chặn cuộc chiến chống lại một liên minh hùng mạnh như thế. Theo báo cáo của đại sứ Pháp tại Đức, cả Keitel và Brauchitsch đều cảnh báo với Hitler rằng Đức ít có cơ may chiến thắng nếu Liên Xô đứng về phe kẻ thù của Đức.
Không có chính khách nào, ngay cả các nhà độc tài, có thể tiên đoán chiều hướng của chiến tranh trong lâu dài. Có thể biện luận giống như Churchill rằng động thái của Stalin “vào lúc ấy có tính thực tế cao.” Giống như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác, mối ưu tư hàng đầu của Stalin là nền an ninh cho đất nước của ông. Sau này ông thổ lộ với Churchill rằng, vào mùa hè 1939, ông tin chắc rằng Hitler đang khởi động chiến tranh. Ông đã quyết định không để cho Liên Xô bị lâm vào vị thế tệ hại là đơn độc đối phó với Đức. Khi không thể tạo mối liên minh vững chắc với phương Tây, thế thì tại sao lại không quay sang Hitler lúc ấy đang bất ngờ gõ cửa Liên Xô?
Vào cuối tháng 7/1939, hiển nhiên Stalin đã bắt đầu tin chắc rằng Anh- Pháp không muốn đi đến mối liên minh có tính ràng buộc, và rằng mục đích của Anh còn là dẫn dụ cho Hitler khởi động chiến tranh ở Đông Âu. Dường như Stalin đã rất ngờ vực Anh, và mọi hành động của phương Tây trong hai năm vừa qua càng khiến cho ông thêm ngờ vực: sau khi Đức thôn tính Áo và Tiệp Khắc, Chamberlain từ chối đề nghị của Liên Xô nhằm đặt ra kế hoạch ngăn chặn bước tiến kế tiếp của Quốc xã; Chamberlain trì hoãn và lưỡng lự trong việc đàm phán cho liên minh phòng thủ chống lại Hitler.
Một điều mà hầu như ai cũng biết chắc – ngoại trừ Chamberlain – là chính sách ngoại giao Anh-Pháp, vốn đã chập choạng mỗi khi Hitler có một động thái, giờ đã phá sản.
Hai cường quốc phương Tây, Anh và Pháp, từng bước đã đi thụt lùi: khi Hitler thách thức họ mà ra lệnh tổng động viên, khi ông xâm chiếm lãnh thổ Rhineland năm 1936, rồi thôn tính Áo năm 1938 và cùng năm này chiếm Sudetenland; và họ vẫn bình chân như vại khi Hitler thôn tính Tiệp Khắc tháng 3/1939. Khi Liên Xô ở về phe mình, họ vẫn còn có thể khiến cho nhà độc tài Đức nản lòng mà không dám khởi động chiến tranh hoặc, nếu không được, thì đã có thể nhanh chóng đánh bại Đức trong cuộc xung đột vũ trang. Nhưng họ đã để cho cơ hội cuối cùng vuột khỏi tầm tay, dù đã có nhiều cảnh báo rằng Hitler sẽ gây hấn nếu không phải chiến đấu chống Nga.
Cả Anh và Pháp đều lớn tiếng kết tội Stalin. Họ cho rằng trong nhiều năm Stalin đã cảnh báo về “những con thú phát-xít” và đề nghị mọi quốc gia yêu chuộng hòa bình kết hợp lại nhằm ngăn chặn Quốc xã gây hấn, nhưng bây giờ lại về phe với Quốc xã. Điện Kremlin biện luận rằng họ làm giống như Anh-Pháp đã làm năm trước ở đối với Tiệp Khắc: nhằm duy trì hòa bình và có thêm thời gian tái vũ trang chống lại Đức tuy phải hy sinh một nước nhỏ. Nếu Chamberlain tỏ ra là đúng đắn và có danh dự khi xoa dịu Hitler mà hy sinh Tiệp Khắc, không lẽ Stalin lại là sai trái và mất danh dự khi xoa dịu Hitler mà hy sinh Ba Lan?
Sự thỏa hiệp bí mật của Stalin với Đức nhằm phân chia Ba Lan và được toàn quyền hành động để nuốt chửng Latvia, Estonia, Phần Lan và Bessarabia chẳng bao lâu được thể hiện qua những động thái của Liên Xô, và khiến cho hầu hết thế giới bị sốc ngay cả cho đến giờ. Người Nga nói rằng họ chỉ thu hồi những lãnh thổ đã bị rứt ra khỏi tay họ sau Thế chiến I. Nhưng những dân tộc sinh sống trên lãnh thổ này không phải là người Nga và không muốn quay về với Liên Xô. Chỉ có vũ lực mới khiến họ phải chịu sáp nhập trở lại vào Liên Xô.
Từ khi gia nhập Hội Quốc liên, Liên Xô đã gây dựng một sức mạnh tinh thần cổ súy cho hòa bình và đứng đầu việc chống lại phát-xít gây hấn. Bây giờ, trung tâm tinh thần ấy đã hoàn toàn vỡ vụn.
Trên tất cả, qua việc thỏa hiệp một cách lôi thôi với Hitler, Stalin đã phát pháo lệnh bắt đầu một cuộc chiến chắc chắn rồi sẽ mở rộng thành cuộc xung đột thế giới. Ông hiểu rõ điều này. Nhiều năm trước, Hitler đã dự trù trong quyển Mein Kampf: “Việc ký kết mối liên minh với Nga chỉ là kế hoạch cho cuộc chiến kế tiếp.” Nhờ Hiệp ước này, Đức được rảnh tay với Nga để chú tâm thôn tính Ba Lan mà không còn e ngại mối liên minh Anh-Pháp-Nga vốn hợp lực lại mạnh hơn Đức rất nhiều. Sau khi đã hạ tiếp Anh-Pháp, Hitler xé bỏ Hiệp ước mà xâm lăng Nga.
Theo William L. Shirer: "Lịch sử cho thấy Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô là lỗi lầm lớn nhất trong đời của Stalin".
[sửa] Tham khảo
- The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany, của William L. Shirer. NXB: Simon and Schuster, Inc., New York, N.Y., 1960.