Thế giới thứ ba
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Những từ ngữ "Thế giới thứ nhất", "Thế giới thứ hai", "Thế giới thứ tư" và đặc biệt "Thế giới thứ ba" được dùng để phân chia các quốc gia trên thế giới thành ba nhóm lớn. Từ "Thế giới thứ ba" được sử dụng lần đầu tiên năm 1952 bởi nhà nhân khẩu học Pháp Alfred Sauvy đặt ra khi liên tưởng đến Đẳng cấp thứ ba trong Cách mạng Pháp
- "... bởi vì, cuối cùng thì, cái Thế giới thứ ba vốn bị khinh miệt, bị lờ đi và bị bóc lột sẽ như Đẳng cấp thứ ba, muốn trở thành một cái gì tương tự".
Thế giới thứ ba sau đó trở thành từ ngữ chỉ các nước không thuộc thế giới phương Tây, cũng không thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh. Những nước này tham gia Phong trào không liên kết thành lập năm 1955 sau Hội nghị Bandung (Indonesia).
Tuy vậy, ngày nay, từ ngữ này để chỉ các nước đang phát triển, bất kể hình thức chính trị ra sao. Mặc dù không có định nghĩa khách quan về Thế giới thứ ba hoặc "nước thuộc Thế giới thứ ba", thuật ngữ này vẫn được sử dụng rộng rãi. Đôi khi từ này không được ưa chuộng vì nó có thể ám chỉ ý kiến sai lạc rằng các quốc gia này không phải là một phần của hệ thống kinh tế toàn cầu. Mặc dù bị chỉ trích là lỗi thời, thực dân, phân biệt và không chính xác, thuật ngữ này vẫn được sử dụng thường xuyên. Thực vậy, nhà lý luận chính trị Hannah Arendt chỉ ra rằng, "Thế giới thứ ba không phải là một cái gì thực sự mà là một ý thức hệ".
Nói chung, các nước thế giới thứ ba chưa tiến hành công nghiệp hóa và chưa có trình độ tiến bộ khoa học kỹ thuật như các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), do đó từ ngữ hiện tại hay dùng là "các nước đang phát triển". Những thuật ngữ như Nam bán cầu, các nước đang phát triển, các nước chậm phát triển, các nước kém phát phát triển, v.v. trở thành phổ biến để thay thế thuật ngữ Thế giới thứ ba.
Ngày nay, thuật ngữ "Các nước mới công nghiệp hóa" (Newly Industrialized Countries - NICs) được dùng khi để cập đến các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Thế giới thứ ba nhưng chưa đạt được mức độ phát triển cao như các nước thuộc khối OECD. Các quốc gia này gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi, Brasil, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Philippines và các nước Ả Rập tại Trung Đông.