Thường Tín
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
|
Thường Tín là một huyện nằm phía đông nam của tỉnh Hà Tây, Việt Nam
[sửa] Vị trí
Thường Tín có phía bắc giáp thủ đô Hà Nội, phía đông giáp tỉnh Hưng Yên ngăn cách bởi sông Hồng, phía nam giáp huyện Phú Xuyên, phía tây giáp huyện Thanh Oai.
[sửa] Diện tích và dân số
- Diện tích 12.770 ha,
- Dân số 208.000 người.
- Dân tộc:đa số là Kinh
[sửa] Hành chính
Huyện Thường Tín có:
- Thị trấn Thường Tín.
- 28 xã: Nhị Khê, Duyên Thái, Ninh Sở, Hồng Vân, Tự Nhiên, Thư Phú, Vân Tảo, Liên Phương, Văn Bình, Hà Hồi, Chương Dương, Quất Động, Lê Lợi, Thắng Lợi, Tô Hiệu, Văn Tự, Thống Nhất, Vạn Điểm, Minh Cường, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Nguyễn Trãi, Tân Minh, Tiền Phong, Văn Phú, Hiền Giang, Hòa Bình và xã Khánh Hà.
[sửa] Giao thông
Thường Tín có hệ thống đường giao thông thuận lợi với hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện là quốc lộ 1A và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; chạy ngang huyện là tuyến quốc lộ 71. Trên Huyện có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua với 2 ga là ga Thường Tín và ga Tía. Đường thủy có sông Hồng với cảng Hồng Vân.
[sửa] Cơ cấu kinh tế
- Công nghiệp - xây dựng: 46%
- Thương mại dịch vụ: 29%
- Nông nghiệp: 25%
[sửa] Làng nghề
Thường Tín là huyện có nhiều làng nghề lâu đời với những sản phẩm nổi tiếng như: tiện gỗ ở Nhị Khê, sơn mài ở Duyên Thái, thêu ren ở Quất Động, Thắng Lợi, bánh dày ở Quan Gánh, mây tre đan ở Ninh Sở. Một số nghề mới phát triển mấy chục năm trở lại đây như: xương sừng mỹ Nghệ ở Thụy Ứng, bông len ở Trát Cầu, điêu khắc gỗ đá ở Hiền Giang, mộc cao cấp ở Vạn Điểm. Hiện đã có 43 làng nghề được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là danh hiệu làng nghề.
[sửa] Làng văn hóa
Huyện có 126 làng cổ, hiện thời được phân thành 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố tại 28 xã và 1 thị trấn. Được thừa hưởng truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc của vùng ven đô. Trong các cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, vùng đất này có nhiều dấu ấn đi vào lịch sử.
Huyện đã có nhiều di chỉ khảo cổ học của thời ký đồ đá mới, thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Tình cờ, trong quá trình sản xuất người dân xã Thắng Lợi đã tìm được những hiện vật gồm 21 rìu đá được chế tác khá tinh xảo trong một ngôi mộ bên dòng sông Kim Ngưu. Cách đó 3 km, họ đào được nhiều mộ thuyền tương tự như các hiện vật tại di chỉ xã Châu Can huyện Phú Xuyên chứa đựng các đồ tùy táng bằng đồng: mũ, lá chắn, giáo, tên... Tất cả đã được Bảo tàng tỉnh đưa về bảo quản và trưng bày.
Nhiều địa danh đã được sử sách ghi lại như Chương Dương Độ, diễn ra trận chiến 1285 của nhà Trần dẫn đến chiến thắng cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của nhà Nguyên. Hà Hồi nơi mở màn chiến thắng giặc Mãn Thanh của vua Quang Trung trên đường tiến đánh thành Thăng Long.
Huyện là vùng đất khoa bảng, trong danh sách ghi tên những người đỗ tiến sỹ qua các triều đại phong kiến, Thường Tín là huyện đứng ở tốp đầu về con số đăng khoa {gần 70 người}. Nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt, làng Nghiêm Xá xã Nghiêm Xuyên được dân gian tôn vinh là "Làng Tiến sỹ". Họ Từ ở làng Khê Hồi xã Hà Hồi được gọi là "Họ Tiến sỹ" vì có đông người đỗ khoa bảng. Tiêu biểu là Gia đình Nguyễn Phi Khanh làng Nhị Khê, cả cha và con đều đỗ Thái Học Sinh (tương đương Tiến sỹ). Sau này Nguyễn Trãi với tài văn võ song toàn đã có công lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh thắng nhà Minh. Sáu trăm năm sau ngày sinh Nguyễn Trãi được UNESCO đưa vào danh sách những nhân vật kiệt suất nhất của lịch sử nhân loại.
Trong hệ thống các di tích cổ, toàn huyện có 385 điểm được Nhà nước Việt Nam xếp hạng gần 100 điểm, một số điểm được đề nghị xếp hạng đặc biệt như: Chùa Đậu thuộc xã Nguyễn Trãi, nơi lưu giữ di hài theo phương thức "Tượng táng" như cách gọi của GS-TS Nguyễn Lân Cường; chùa Mui xã Tô Hiệu, một cụm kiến trúc còn khá nguyên bản cuối thế kỷ 14; đền thờ Nguyễn Trãi làng Nhị Khê...
Về di sản văn hóa phi vật thể, huyện còn lưu giữ nhiều tục ngữ, dân ca địa phương, các sinh hoạt lễ hội các tích trò cổ: kéo lửa nấu cơm thi Từ Vân xã Lê Lợi, các cuộc thi võ cổ truyền, hát trống quân...
Huyện đã triển khai có hiệu quả Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thực thiện nếp sống văn minh trong nếp sống xã hội như cưới, tang, hội hè, và các lễ thức khác. Đã có 78% số hộ đạt Gia đình văn hoá, 58 làng đạt danh hiệu Làng văn hoá, 58 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hoá.
[sửa] Di tích lịch sử
Thường Tín thì đây thực sự là một vùng quê tươi đẹp với những di tích lịch sử khá nổi tiếng đó là Đền Thờ Nguyễn Trãi, chùa Đậu, đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên bên dòng sông Hồng.Chùa Mui (Xã Tô Hiệu). Đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất),Đình Là (Xã Tân Minh), Lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo), Bến và Đền, chùa Chương Dương (xã Chương Dương), Khu đền Lộ, Xâm Dương, đình chùa đền,lăng Bồ Tát Ninh Xá (xã Ninh Sở), đền, chùa, đình Vân Trai, Yên Phú (xã Văn Phú),Đình Đan Nhiễm (xã Khánh Hà), Đình Thượng Cung, Ngọc Động (xã Tiền Phong) Chùa Pháp Vân, Đình Bình Vọng, Chùa Văn Hội xã Văn Bình, Đình Vĩnh Lộc, Phú Mỹ (xã Thư Phú), đình Tự Nhiên, Bãi Nổi sông Hồng nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung...
[sửa] Giáo dục và đào tạo
Huyện có:
- Phòng giáo dục huyện
- Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây;
- Trường Cao đẳng Truyền hình;
- 5 trường THPT: Thường Tín; Nguyễn Trãi; Tô Hiệu; Vân Tảo; Lý Tử Tấn.
- 30 trường THCS;
- 29 trường tiểu học;
[sửa] Danh nhân
- Lý Tử Tấn người làng Triều Đông, xã Tân Minh, cùng đỗ Thái học sinh và cùng tham gia chống giặc Minh dưới cờ Lê Lợi và Nguyễn Trãi
- Lê Công Hành (làng Quất Động)- là ông tổ nghề thêu ren...
- Lương Văn Can người (làng) xã Nhị Khê, nhà cách mạng Việt Nam, khởi xướng phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
Các đơn vị hành chính cấp huyện thị trực thuộc tỉnh Hà Tây-Việt Nam | ||||||
|