Tùy Dạng đế
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tùy Dạng Đế | |
---|---|
Họ: | Dương (楊|杨) |
Tên: | Quảng (廣) |
Thời gian trị vì: | 5/12/ 604–11/3/617 |
Niên hiệu: | Đại Nghiệp (大業) |
Thời gian niên hiệu | 16/11/ 605–11/3/617 |
Miếu hiệu: | Thế tổ (世祖) |
Thụy hiệu: | Dạng đế (煬帝) |
Tùy Dạng đế (569 - 11 tháng 3 năm 617), tên thật là Dương Quảng (楊廣), cũng có tên là Anh (英), thường gọi là A Ma (阿摩), con thứ hai của Tùy Văn đế Dương Kiên, là hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc, ở ngôi từ năm 604 đến năm 617.
Mục lục |
[sửa] Sơ lược tiểu sử
Dương Quảng từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, khôi ngô tuấn tú, là một trong những người con được vua cha thương yêu nhất. Từ nhỏ đã hiếu học, thông thuộc sử sách, giỏi làm thơ văn. Năm 12 tuổi, được phong làm Tấn Vương, nhận chức tổng quản Tĩnh Châu. Năm 588, khi mới 20 tuổi, Dương Quảng đã thống lĩnh quân đội đánh dẹp nhà Trần, đóng quân tại Giang Nam, lập được công to. Năm 600, Dương Quảng lại đại phá sự xâm nhập của quân Đột Quyết, chém đầu mấy ngàn quân địch.
Dương Quảng trong lòng đã có tính toán, theo phò mẫu hậu, kết giao với các đại thần có quyền lực, đoạt lấy quyền nối ngôi của con trưởng, tiếp đến lại giết cha để đoạt ngôi. Ông đã cho xây cất rất nhiều công trình lớn, ba lần chinh phạt Cao Ly, tuần du khắp nơi, lãng phí vô độ, trưng dụng phu dịch nặng nề, dân không biết dựa vào đâu mà sống, khiến cho dân chúng đứng lên chống lại, cơ nghiệp nhà Tùy tan rã. Năm Đại Nghiệp thứ 13, cuối cùng ông bi tướng lĩnh Cấm Vệ quân là Vũ Văn Hóa Cập thắt cổ chết tại Giang Đô, nhà Tùy diệt vong.
[sửa] Soán ngôi thái tử
Con trưởng của Tùy Văn đế là Dương Dũng đã được lập làm thái tử ngay từ buổi đầu lập nước của nhà Tùy vào năm Khai Hoàng đầu tiên năm (581), không mắc lỗi gì lớn. Tính cách Dương Dũng rất thẳng thắn, làm việc không câu nệ việc nhỏ nhặt. Văn Đế thì tiết kiệm, Dương Dũng lại rộng rãi phóng khoáng nên không được vua cha yêu thích. Dương Dũng lại không yêu người được mẫu hậu là hoàng hậu Độc Cô chọn cưới cho ông để làm nguyên phi, mà lại sủng ái Văn Chiêu Huấn, người mà Độc Cô thù ghét. Cha mẹ đều không thích Dương Dũng, Tấn vương Dương Quảng thấy vậy liền ra sức tỏ ra chiều chuộng để láy lòng cha mẹ, nuôi mộng đoạt ngôi.
Dương Quảng vốn rất háo sắc, ông ta chấp nhận giả đò chỉ ở với Tiêu phi, không chăm nom đứa con do người thiếp sinh. Dương Quảng còn cố ý cho treo mấy cây đàn đứt dây bám đầy bụi bặm, cố ra vẻ ta đây tiết kiệm. Tùy Văn đế và Hoàng hậu Độc Cô đều bị ông ta che mắt, ngày càng yêu thương Dương Quảng hơn. Người được Hoàng đế, Hoàng hậu phái đến, bất kể sang hèn đều được biếu lễ vật trọng hậu, làm cho những người này cứ truyền miệng nhau mà tán tụng. Dương Quảng còn giao du với các đại thần trong triều như Dương Tố, Vũ Văn Thuật, Trương Hành... để kết thành phe cánh.
Hoàng hậu Độc Cô có chút tài trị quốc, rất được Văn đế kính trọng. Dương Quảng đã lợi dụng mối quan hệ như vậy giữa cha mẹ, trước mặt mẹ mình đã đem lời gièm pha rằng Thái tử Dương Dũng muốn ngầm sát hại mình, làm cho Độc Cô vô cùng giận dữ, khuyên Văn đế nên phế Thái tử lập Tấn vương lên thay. Năm 600, Dương Quảng đã thành công trong việc phế trưởng lập thứ, được lập làm Thái tử.
[sửa] Bạo chúa
Năm 604, Tùy Văn đế bệnh nặng, Thái tử Dương Quảng đã hiện nguyên hình, ông muốn cưỡng bức Tuyên Hoa phu nhân là sủng phi của Văn đế. Khi ấy Hoàng hậu Độc Cô dã qua đời. Văn đế nằm liệt trên giường, sau đó biết được tức tối không thôi, cho triệu Liễu Thuật, Nguyên Nham đến bên giường bệnh viết chiếu phế Dương Quảng, đổi lại ngôi Thái tử cho Dương Dũng. Dương Quảng biết được, giả chiếu Liễu Thuật, Nguyên Nham, dẫn đám vệ sĩ Đông cung vào cung, giết chết Văn đế, tự lập lên ngôi vua.
Dương Quảng giết cha tự lập làm Hoàng đế, quyền hành nằm trong tay, không kiêng kỵ việc gì, thích gì làm nấy. Lên ngôi xong liền cho xây dựng Đông đô, đào Đại Vận hà, sửa sang vườn Ngự Uyển trong Hoàng cung, xây dựng Trường thành, lại ba lần đi chinh phạt Cao Ly, năm này qua năm khác tuần du không ngừng nghỉ. Quân dịch, dao dịch đại quy mô đã vượt quá sức chịu đựng của xã hội, đã khiến cho triều Tùy giàu có nhanh chóng đi đến lụn bại. lấy năm 605 là năm xây dựng Đông đô làm ví dụ, ta sẽ thấy được sự thống trị tàn bạo của Tùy Dạng Đế.
Tháng 3 năm 605, thừa tướng Dương Tố, nạp ngôn Dương Đạt và Tương tác Đại tượng Vũ Văn Khải nhận lệnh xây dựng Đông đô Lạc Dương, yêu cầu tháng giêng năm sau phải hoàn thành. Thành Đông đô được chia làm ba khu chính là Cung thành (chỗ Hoàng cung), Hoàng thành (phủ nha của các bá quan), Ngoại quách thành (khu nhà ở của quan và dân). Chu vi Ngoại quách thành dài hơn 50 dặm, trong thành có nơi cư trú cho quan và dân hơn 1000 phường, ngoài ra còn có ba chợ buôn bán lớn là chợ Phong Đô, chợ Đại Đồng, chợ Thông Viễn. Riêng chợ Phong Đô có 120 dãy, hơn 3000 cửa hiệu, hơn 400 căn khách sạn. Công trình to lớn như thế mà thời hạn hoàn thành không đến một năm, nhân công dùng mỗi tháng cần hơn 2.000.000 người, do đôn đốc lao dịch quá gấp gáp khắt khe nên phu dịch cứ 10 người thì chết đến 4, 5 người, đội thu xác chết phải dùng xe chở tử thi, chết ở hương đông thì đem chôn ở Thành Cao, chết ở hướng tây thì chôn ở Hà Dương, liên tiếp không dứt.
Trong lúc xây dựng Đông đô cũng đồng thời cho đào Đại Vận hà, trưng dụng đi phu hơn 1.000.000 người. Dạng đế lại cho sửa chữa cung uyển (tức cung điện, vườn hoa), ở Hà Nam có cung Hiển Nhân, ở Thái Nguyên có cung Tấn Dương, ở Sơn Tây có cung Phần Dương, ở Dương Châu có Giang Đô... hàng loạt các tòa cung uyển mọc lên, quy mô rộng lớn, lãng phí vô cùng. Lại cho xây vườn Tây uyển ở Đông đô, chu vi dài hơn 200 dặm. Trong vườn cho xây biển nhân tạo, chu vi hơn 10 dặm, bên trong biển nhân tạo cho dựng "các núi Bồng lai, Phương trượng, Doanh châu, vượt cao khỏi mặt nước hơn trăm thước, đền đài miếu vũ la liệt trên núi", bất luận nhìn từ hướng nào đều thấy thần kỳ không sao kể xiết, Phía bắc biển nhân tạo có suối nước rồng rắn uốn lượn đổ vào bên trong biển. Ven suối xây 16 tòa lầu gác, hết sức hoa lệ. Để xây dựng những tòa cung uyển kia và cả sưu tầm, vận chuyển thì số phu dịch lên tới cả chục triệu người.
Dạng đế lại còn cho xây Trường thành, đào hào dài, xây kho, xây thành Đại Hưng ở Tràng An. Nếu như nói xây dựng Đông đô, sửa kênh đào, đắp thành quách thì còn có ý nghĩa nhất định về mặt chính trị, kinh tế, quân sự, nhưng còn đại tu cung thất vườn hoa, hoàn toàn chỉ là sưu tầm lạc thú. Nhất là trong mỗi hạng mục công trình, đều ép buộc khẩn trương về thời gian, không đếm xỉa gì đến thời vụ nông nghiệp, phá hoại nghiêm trọng việc sản xuất. Lúc đó cả nước có 8.900.000 hộ, nhân khẩu khoảng 50 triệu, trong đó thanh niên trai tráng ước chừng 10 triệu người, mà đã thường xuyên trưng thu lao dịch trên 2, 3 triệu người, chiếm 1/3 tổng số thanh niên.
Tùy Dạng đế đã dùng thủ đoạn không chính đáng để đoạt ngôi Thái tử, thậm chí giết cả cha để tự lập, bởi thế vừa lên làm vua thiên hạ thì sinh ra nghi kỵ, độc đoán chuyên quyền, tin lời nịnh hót ghét bỏ hiền tài, trọng dụng gian thần, tàn hại người trung lương, tự hủy diệt trụ cột quốc gia, giết hại các công thần Cao Quýnh, Hạ Nhược Bật, Vũ Văn Bật...
Dạng đế có tài văn chương, có sáng tác thơ văn. Sau khi đọc Tùy Dạng đế tập, Đường Thái Tông hết sức khen ngợi là "văn chương uyên bác", luận về thơ văn đúng là minh chúa kiểu vua Nghiêu Thuấn, rồi than thở về Dạng đế rằng:
- "sao hành sự lại ngược lại như vây?".
Ngụy Trưng nói:
- "Dạng đế dựa vào tài năng, kiêu căng tự tác, cho nên miệng thì nói lời Nghiêu Thuấn mà thân lại đi làm những hành vi của Kiệt Trụ".
Lời của Ngụy Trưng thật là xác đáng. Dạng đế cho rằng mình không phải người thường, huênh hoang tự đắc, vốn không cho phép triều thần làm trái ý mình. Ông ta bảo rằng "tính không thích ai can gián". Ai đã có quan cao lộc hậu mà vẫn còn muốn can gián để nổi danh thì sẽ lấy mạng kẻ ấy. Tô Uy, Tiêu Vũ, Tiết Đạo Hành... do có lời khuyên can, nếu không mất đầu, thì cũng mất chức. Ngay cả Trương Hành là thân tín cũng không thể may mắn thoát khỏi.
Dạng đế rất háo công, ba lần đi chinh phạt Cao Ly, càng làm cho nhà Tùy đi nhanh đến chỗ diệt vong. Tháng giêng năm Đại Nghiệp thứ 8 (612), Dạng đế không nghe lời khuyên can, đã cho điều động 1,3 triệu đại quân tề tập tại quận Trác, trên danh nghĩa là 2 triệu, hạ chiếu thân chinh. Dân phu vận chuyển lương thực ở hậu phương là 2 triệu người. Chiến dịch này trưng dụng nông phu toàn quốc 3 triệu người, làm chấn động thiên hạ. Do đại quân quá đông, đồn trú dưới chân thành Bình Nhưỡng kiên cố, hậu phương vận chuyển lương thực không đủ, quân Tùy thua to. Tuyến thứ nhất gồm 30 vạn người thì chỉ có 2700 người sống sót chạy về. Dạng đế không những không nhận lấy bài học, ngược lại càng dấn sâu thêm. Liên tiếp 2 năm tiếp theo, năm nào cũng điều quân ra trận, làm cho thiên hạ náo loạn, Trung Quốc hết sức khó khăn mệt nhọc. Sau đại chiến, tất có mất mùa, Năm Đại Nghiệp thứ 7 (611), lũ lụt hàng loạt ở Sơn Đông, Hà Nam, tiếp theo năm sau thì xảy ra đại hạn, dân chúng chết vài trăm nghìn người, người phải ăn thịt lẫn nhau.
[sửa] Kết cục
Trong tình trạng như thế, cuối thời nhà Tùy đã bùng nổ các cuộc đại khởi nghĩa nông dân. Tháng 7 năm Đại Nghiệp thứ 12 (616), triều Tùy đã ở tình trạng lung lay tận gốc rễ, mà Dạng đế đến chết còn chưa chịu nhận ra, lại một lần nữa tuần hành Giang Đô, đây là lần thứ 3 Dạng đế xuống Giang Nam. Thuyền rồng của Dạng đế còn chưa về đến Giang Đô, thì đường quay về ở phía bắc đã bị cắt đứt. Năm Đại Nghiệp thứ 13 (617), Dạng đế bị thống lĩnh Cấm vệ quân là Vũ Văn Hóa Cập sát hại. Vương triều Tùy dựng được 38 năm bị diệt vong.
[sửa] Nhận xét
Tùy Dạng đế văn võ song toàn, khôi ngô tuấn tú, từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng về thơ văn, năm 20 tuổi đã lập công diệt nhà Trần, ông ta vốn có thể làm một vị vua anh minh văn võ nổi danh, nhưng những gì ông ta đã làm thật không khác vết xe đổ của vua Trụ.
Nhà Tùy thống nhất Nam Bắc, là một vương triều đang lên, Tùy Văn đế cởi mở tiếp thu can gián, lập nên thời thịnh trị Khai Hoàng, quốc thái dân an. Tiếp đến là Dạng đế thông minh cái thế, vương triều Tùy lẽ ra phải tiến lên giàu mạnh, nhưng cuối cùng lại trở thành vị vua mất nước.
Tiền nhiệm: Tùy Văn đế |
Hoàng đế nhà Tùy 605-617 |
Kế nhiệm: Tùy Cung Đế |