Odysseas Elytis
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Odysseas Elytis (tiếng Hy Lạp: Οδυσσέας Ελύτης, tên thật: Odysseus Alepoudhiéis; 2 tháng 11 năm 1911 – 18 tháng 3 năm 1996) là nhà thơ Hy Lạp đoạt giải Nobel Văn học năm 1979.
[sửa] Tiểu sử
Odysseas Elytis sinh ở Heraklion (Candia) trên đảo Crete trong một gia đình người Hy Lạp cổ từ đảo Lesbos chuyển đến. Năm Elytis lên sáu tuổi, cả gia đình chuyển về thủ đô Athena. Tại đây Elytis học tiểu học và trung học, rồi từ năm 1930-1935 học luật tại Đại học Athena nhưng bỏ giữa chừng. Elytis yêu thích thơ ca, hâm mộ nhà thơ Pháp Paul Eluard và chủ nghĩa siêu thực. Khi bắt đầu làm thơ ông bỏ họ của mình đã nổi tiếng trong giới kinh doanh để lấy bút danh là Elytis - gốc từ Hellas (Ελλάς, nước Hy Lạp), Elpida (Ελπδα, hi vọng), Eiefteria (Ελευθερια, tự do), Eleni (Ἑλένη hay Helen, nữ thần sắc đẹp). Năm 1935, ông đăng các bài thơ đầu tiên trên tờ Νέα Γράμματα (Tổng quan văn học mới) và tham gia một cuộc triển lãm siêu thực tổ chức tại Athena. Năm 1936 và 1937, tạp chí Ngày Macedonia in thành sách tập thơ Προσανατολισμοί (Định hướng). Năm 1939, tập Klepsidhres tou ahnóstou (Đồng hồ cát của người vô danh) và vào năm 1943, Ηλιος ο πρώτος, παραλλαγές πάνω σε μιαν αχτίδα (Ánh nắng mặt trời đầu tiên) lần lượt được xuất bản. Năm 1940 Hy Lạp bị Ý xâm chiếm, Elytis phục vụ trong quân đội với cấp bậc hạ sĩ. Trong thời gian này ông viết tác phẩm mang lại cho ông danh hiệu là một trong các nhà thơ nổi tiếng nhất của cuộc kháng chiến ở Hy Lạp và đấu tranh vì tự do: Άσμα ηρωικό και πένθιμο για τον χαμένο ανθυπολοχαγό της Αλβανίας (Bản anh hùng ca bi tráng tặng người trung úy hi sinh trong chiến dịch Albania, 1945).
Sau chiến tranh, Odysseas Elytis đảm đương nhiều nhiệm vụ xã hội (ông là người phụ trách nhiều chương trình trên đài phát thanh) và ngoài việc viết phê bình văn chương và nghệ thuật, trong 10 năm tiếp đó ông sáng tác rất ít. Thời gian 1948-1952, ông sống ở Pháp và đi du lịch nhiều nơi, quen biết với nhiều nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Tập thơ Το Άξιον Εστί (Điều xứng đáng, bắt đầu viết năm 1948, nhưng đến 1959 mới hoàn thành và xuất bản) được nhìn nhận như tác phẩm lớn nhất của Elytis, được dịch ra nhiều thứ tiếng và năm 1960 đã đoạt giải thưởng quốc gia về thơ ca. Các năm 1961, 1962, Elytis có chuyến đi dài ngày đến Mỹ và Liên Xô; sau năm 1967 ông sống hai năm lưu đày tự nguyện tại Pháp để phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Hy Lạp. Năm 1978 ra đời trường ca Μαρία Νεφέλη (Maria Neféli) được ông viết trong thời gian khá dài. Sau khi ông gặp một phụ nữ trẻ, sáng tác của ông đã chuyển hướng sang phản ánh trực tiếp và trung thực lối sống và quan điểm của thế hệ mình. Năm sau Elytis nhận giải Nobel; trong bài phát biểu tại lễ trao giải, ông coi đây không chỉ là vinh dự của riêng mình, mà "cho cả đất nước Hy Lạp với lịch sử nhiều thế kỷ". Elytis còn là một họa sĩ tài năng; ông được nhà nước Hy Lạp trao tặng Giải thưởng Quốc gia Hy Lạp trong lĩnh vực thơ ca và Huân chương Phượng Hoàng. Nhà thơ sống độc thân đến tuổi 85, mất năm 1996 ở Athena.
[sửa] Tác phẩm
- Προσανατολισμοί (Định hướng, 1936-1937), thơ
- Klepsidhres tou ahnóstou (Đồng hồ cát của người vô danh, 1939), thơ
- Ηλιος ο πρώτος, παραλλαγές πάνω σε μιαν αχτίδα (Ánh nắng mặt trời đầu tiên, 1943), thơ
- Άσμα ηρωικό και πένθιμο για τον χαμένο ανθυπολοχαγό της Αλβανίας (Bản anh hùng ca bi tráng tặng người trung úy hi sinh trong chiến dịch Albania, 1945), thơ
- Το Άξιον Εστί (Điều xứng đáng, 1959), thơ
- Έξη και μια τύψεις για τον ουρανό (Sáu và một lời ăn năn cho thiên cung, 1960), thơ
- Ο ήλιος ο ηλιάτορας (Vua Mặt Trời, 1971), thơ
- Το φωτόδεντρο και η δέκατη τέταρτη ομορφιά (Cây ánh sáng và vẻ đẹp thứ mười bốn, 1971), thơ
- Το Μονόγραμμα (Chữ lồng, 1971), thơ
- Τα Ρω του Έρωτα (Thần Tình yêu, 1972), thơ
- Villa Natacha (1973), thơ
- Μαρία Νεφέλη (Maria Nefeli, 1979), trường ca
- O. Elytis: Selected poems (O. Elytis: Tuyển tập thơ, 1981), thơ
[sửa] Liên kết ngoài
- Books in Greek about Elytis
- Official site of Nobel Prize
- Site dedicated to Elytis
- Biography
- Biography in the site of Greek National Book Centre
1976: Bellow | 1977: Aleixandre | 1978: Singer | 1979: Elytis | 1980: Miłosz | 1981: Canetti | 1982: García Márquez | 1983: Golding | 1984: Seifert | 1985: Simon | 1986: Soyinka | 1987: Brodsky | 1988: Mahfouz | 1989: Cela | 1990: Paz | 1991: Gordimer | 1992: Walcott | 1993: Morrison | 1994: Oe | 1995: Heaney | 1996: Szymborska | 1997: Fo | 1998: Saramago | 1999: Grass | 2000: Cao Hành Kiện |