Nhà Chu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lịch sử Trung Quốc | ||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
CỔ ĐẠI | ||||||||||
Tam Hoàng Ngũ Đế | ||||||||||
Nhà Hạ 2205–1767 TCN | ||||||||||
Nhà Thương 1766–1122 TCN | ||||||||||
Nhà Chu 1122–256 TCN | ||||||||||
Nhà Tây Chu | ||||||||||
Nhà Đông Chu | ||||||||||
Xuân Thu | ||||||||||
Chiến Quốc | ||||||||||
ĐẾ QUỐC | ||||||||||
Nhà Tần 221 TCN –206 TCN | ||||||||||
Nhà Hán 206 TCN–220 CN | ||||||||||
Nhà Tây Hán | ||||||||||
Nhà Tân | ||||||||||
Nhà Đông Hán | ||||||||||
Tam Quốc 220–280 | ||||||||||
Ngụy, Thục & Ngô | ||||||||||
Nhà Tấn 265–420 | ||||||||||
Nhà Tây Tấn | ||||||||||
Nhà Đông Tấn | Ngũ Hồ thập lục quốc 304–439 |
|||||||||
Nam Bắc Triều 420–589 | ||||||||||
Nhà Tùy 581–619 | ||||||||||
Nhà Đường 618–907 | ||||||||||
(Nhà Vũ Chu 690–705) | ||||||||||
Ngũ Đại Thập Quốc 907–960 |
Nhà Liêu 907–1125 | |||||||||
Nhà Tống 960–1279 | ||||||||||
Nhà Bắc Tống | Nhà Tây Hạ | |||||||||
Nhà Nam Tống | Nhà Kim | |||||||||
Nhà Nguyên 1271–1368 | ||||||||||
Nhà Minh 1368–1644 | ||||||||||
Nhà Thanh 1644–1911 | ||||||||||
HIỆN ĐẠI | ||||||||||
Trung Hoa Dân Quốc 1912–1949 | ||||||||||
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1949–ngày nay |
Trung Hoa Dân Quốc |
|||||||||
Triều đại Trung Quốc Lịch sử quân sự Trung Quốc |
||||||||||
Nhà Chu (tiếng Trung Quốc: 周朝; bính âm: zhōu cháo; Wades-Gile: chou c'hao; thế kỷ 11 TCN đến 256 TCN) nối tiếp sau nhà Thương và trước nhà Tần ở Trung Quốc. Nhà Chu tồn tại lâu hơn bất cứ một triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc, và việc sử dụng đồ sắt cũng đã xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ này. Nhà Chu cũng là khoảng thời gian khi hệ thống chữ viết cổ xuất hiện trên các đỉnh đồng thời Tây Chu bắt đầu chuyển sang giai đoạn hiện đại, dưới hình thức những văn bản ghi chép cổ cuối Thời chiến quốc.
Mục lục |
[sửa] Nguồn gốc
Nhà Chu khởi nguồn ở sông Vị (Wei), phía tây nền văn minh Thương. Tổ tiên bộ tộc Chu khởi nghiệp từ đất Thai (nay thuộc tây Vũ Công, Thiểm Tây), tương truyền có tên là Khí, còn gọi là Hậu Tắc. Về sau, Chu phát triển thành một bộ lạc lớn và bắt đầu di cư về đất Mân (nay thuộc tây nam huyện Tuần Ấp, Thiểm Tây). Tại đây, bộ lạc Chu bắt đầu mở rộng ảnh hưởng và trở thành thủ lĩnh một liên minh gồm các bộ lạc gần nền văn minh Thương, đóng đô tại đất Kỳ (nay là Kỳ Sơn, Thiểm Tây). Tới đời Tây bá Cơ Xương, liên minh bộ lạc này phát triển thành một tiểu quốc Chu hùng mạnh, với kinh đô tại đất Phong (nay thuộc tây Tràng An, Thiểm Tây), uy hiếp mạnh mẽ sự tồn tại của triều Thương. Khi vị vua Thương, Trụ Tân (Zhouxin) bị bắt giữ trong một cuộc chiến chống lại ông ta ở phía đông nam, những kẻ nổi loạn dấy lên từ những bộ tộc mà nhà Thương đã chinh phục trước đó. Nhà Chu và đồng minh coi việc rối loạn này của nhà Thương là một cơ hội để chống lại họ, và vào năm 1066 trước Công Nguyên[1] họ chiến thắng vua nhà Thương là Trụ trong trận chiến Mục Dã (Mu-ye) và chặt đầu ông ta[2]. Từ đó, vương triều Chu bắt đầu cai trị ở vùng đất trước đó thuộc nền văn minh Thương.
[sửa] Cai trị
Nhà Chu coi tất cả đất đai thuộc về thần thánh, và họ là những đứa con của thần thánh vì vậy tất cả đất đai và dân cư đều thuộc về họ. Thấy rằng đất đai mình chinh phục được quá rộng lớn để một người có thể cai trị, các vua nhà Chu đã chia đất đai thành những vùng và chỉ định một người nào đó để cai trị vùng đó dưới danh nghĩa của mình (chư hầu), lựa chọn một người thân trong họ, một người có thể tin tưởng trong bè cánh, hay vị thủ lĩnh một bộ lạc đã cùng họ chống lại nhà Thương. Mỗi vị thủ lĩnh địa phương có quyền sắp đặt mọi vùng đất quanh mình và có lực lượng dân phòng riêng. Và nhà Chu ban cho họ những quà tặng như xe ngựa, vũ khí bằng đồng, người hầu và súc vật. Các vị tù trưởng này được phong các tước vị và cai quản vùng lãnh địa của mình như một tiểu quốc thần phục nhà Chu. Những vị vua địa phương này truyền ngôi cho con trai mình và tước vị của họ là cha truyền con nối. Và để cai trị vùng đất của mình tốt hơn, vị chư hầu đó lại phong những tước nhỏ hơn cho những người đã từng cầm đầu các nhóm dân ở nơi đó trước khi họ đến. Một hệ thống thứ bậc địa vị và trách nhiệm xuất hiện giữa và bên trong các gia đình, với việc anh lớn thì có quyền cao hơn em, với quy tắc kế tục theo đó những người đàn ông sẽ làm chủ gia đình. Nếu một người quý tộc đã có gia đình mà lại thích một người đàn bà khác, thay vì đuổi vợ khỏi nhà, ông ta có thể đưa người đàn bà kia vào trong gia đình với tư cách vợ lẽ, với cấp bậc thấp hơn vợ mình.
Các vị vua sáng lập nhà Chu đã tuyên truyền với những người bị mình chinh phục rằng nhà Chu đã đuổi tiền nhân các vua nhà Thương khỏi thiên đường và thiên đường đã bị vị thần tối cao của họ chiếm, vị thần mà họ gọi là “Thượng đế”, người, theo họ nói, đã ra lệnh cho sự sụp đổ của nhà Thương. Giống như ở vùng Tây Á, các vua Chu tuyên bố rằng họ cai trị bằng quyền lực thần thánh. Họ cho rằng họ là hiện thân trên mặt đất của “Thượng đế” và nhiệm vụ của họ là làm trung gian với Thượng đế, để thực hiện các cuộc hiến tế thích đáng và giữ gìn quan hệ tốt giữa thiên đường và thần dân của họ. Họ tuyên bố rằng bất kỳ một sự chống đối nào với sự cai trị của họ là chống đối lại ý muốn của trời. Bắt đầu từ thời các vua nhà Chu, các vị thủ lĩnh địa phương nhận được quyền hành động như các thầy tế: để thực hiện hiến tế, để cho phép hát một số loại bài hát và một số điệu nhảy, quyền cúng tế các vị thần núi sông ở địa phương, các dòng suối và đất và mùa màng. Tuy nhiên, các quý tộc địa phương tiếp tục đi theo di sản của ông cha để lại. Họ lấy vợ bằng những nghi thức tôn giáo và sự ủng hộ trong khi người dân thường vẫn tiếp tục không có kiểu lấy vợ như vậy, không có họ hay có gia phả. Họ chỉ đơn giản sống với nhau và được công nhận là một cặp bởi những người hàng xóm. Giống như ở Ấn Độ và Tây Á, cùng với thời gian có một sự pha trộn giữa các tôn giáo của kẻ chinh phục và kẻ bị chinh phục. Những vị cai trị nhà Chu chấp nhận vào danh sách thần thánh của mình một số vị thần của nền văn minh Thương. Sự cúng tế nhiều vị thần từ thời nhà Thương vẫn được tiếp tục, gồm cả vị thần mùa màng, mưa và nông nghiệp - một trong những vị thần này được tin rằng được sinh ra từ một bà mẹ trinh trắng. Trong số các vị thần đó có vị thần sông Hoàng Hà, người có thân cá nhưng có mặt người. Trong nền văn minh Chu, con người tiếp tục cố gắng làm dịu các vị thần bằng cách cúng tế. Những người có khả năng thì hiến tế bằng gia súc, cừu, lợn hay ngựa. Việc hiến tế bằng người giảm bớt so với thời nhà Thương, nhưng nhà Chu có cả vợ và bạn bè ở trong mộ, và mỗi năm một cô gái trẻ bị cúng làm cô dâu cho thần sông. Việc hiến tế này bắt đầu bằng việc những bà đồng cốt lựa chọn một cô gái đẹp nhất có thể. Mặc cho cô ta đồ satin, tơ và đeo trang sức và đặt lên một cái giường cưới trên một cái bè. Họ tống cái bè xuống sông. Cái bè sẽ chìm và cô gái chết đuối, coi như là một đồ hiến tế cho thế giới vô hình của vị thần sông.
[sửa] Mệnh Trời (Thiên Mệnh)
Nhà Chu cũng phải tranh đấu với tính hợp thức về sự cai trị của họ. Để thuyết phục thần dân, đặc biệt là các quý tộc, về tính chính đáng của quyền lực của mình, nhà Chu lập ra một hệ thống quyền lực mới mà họ gọi là "thiên mệnh" (t’ien ming), hay “Sự uỷ nhiệm của Trời”. Khái niệm này vẫn là một phần trong bề ngoài của những lý thuyết về quyền lực ở Trung Quốc. Nhà Chu định nghĩa quyền làm vua như một vị trí trung gian giữa trời và đất; đặc tính của vua hay lord, “vương” (ti) thể hiện hùng hồn điều này. Chữ biểu ý của nghĩa này gồm ba đường ngang và một nét sổ dọc. Điều này thể hiện sự kết nỗi giữa trời (ở trên) và đất (ở dưới). Mối quan hệ này được thể hiện gián tiếp bởi lord hay nhà vua (đường ngang ở giữa). Trời (“thiên”) muốn rằng con người sẽ có được mọi thứ nhu cầu của mình, và vị vua, theo ý của “thiên mệnh” được chỉ định bởi trời để coi sóc sự thịnh vượng của mọi người dân. Đây là một “Chiếu chỉ” hay “Sự uỷ nhiệm” của trời. Nếu vị vua chúa trở nên ích kỷ hay không thể chấp nhận được, không thể chăm sóc người dân, trời bãi bỏ sự uỷ nhiệm của mình và trao cho người khác. Cách duy nhất để biết được sự uỷ nhiệm đã được thông qua là lật đổ vị vua chúa đó; nếu việc lật đổ thành công, thì sự uỷ nhiệm đã được trao cho người kia, nhưng nếu thất bại, thì sự uỷ nhiệm vẫn thuộc về nhà vua. Mệnh Trời có thể là khái niệm về mặt chính trị và xã hội bị chỉ trích nhiều nhất trong văn hoá Trung Quốc. Nó giải thích những thay đổi trong lịch sử, nhưng cũng cung cấp một lý thuyết đạo đức sâu sắc về triều đình dựa trên sự vị tha cống hiến của người cai trị đối với lợi ích đại chúng. Quan niệm này cũng tái tạo lại quan niệm Trung Quốc về Trời, vốn bắt nguồn từ khái niệm trước đó về một “Thượng đế”, (hay “Shang-Ti”) thành một lực lượng cai trị vũ trụ đạo đức. Chính khía cạnh đạo đức này của Trời và “Mệnh Trời”, đã ảnh hưởng đến khuynh hướng chung của văn hoá và triết học Trung Quốc, có lẽ chú trọng tới đạo đức và các vấn đề xã hội – hơn là những nền văn hoá cổ khác.
[sửa] Nhà Đông Chu
Năm 771 TCN, khi Chu U Vương phế truất Thân hậu để đưa Bao Tự lên thay thế, kinh đô nhà Chu đã bị các lực lượng du mục phía đông bắc tràn vào cướp phá do sự xui giục của Thân Hầu (cha Thân hậu). U vương bị giết và con cả là thái tử Nghi Cữu được các quý tộc chư hầu Trịnh, Tấn, Tần đưa lên làm vua, tức là Chu Bình Vương, dời đô về phía đông năm 722 TCN tới Lạc Dương, tỉnh Hà Nam hiện nay. Từ đây bắt đầu giai đoạn Đông Chu, và chỉ kết thúc khi bị nhà Tần lật đổ vào năm 256 trước Công Nguyên; trong lịch sử Trung Quốc, giai đoạn này được gọi là “Thời Xuân Thu” (771-403 TCN) và “Thời chiến quốc” (403-256 TCN). Thời kỳ này của nhà Đông Chu cũng được coi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của tư tưởng và văn hoá Trung Quốc trong lịch sử. Chính trong giai đoạn cai trị này của nhà Đông Chu mà những nhà tư tưởng lớn nhất đã sáng tạo ra những quan niệm khởi đầu về triết học, đạo đức, học thuyết chính trị và văn hoá Trung Quốc. Ở giai đoạn Xuân Thu (771-401 TCN), Trung Quốc gồm phần lớn là một nhóm các tiểu vương quốc; chính nhà Chu cũng không bao giờ có đủ quyền lực quân sự và chính trị để tái chiếm phía tây hay thậm chí là giữ được quyền kiểm soát các tiểu quốc của mình. Bởi vì sự không ổn định của các tiểu quốc đó, và bởi vì sự xâm lấn lãnh thổ của các rợ du mục phía nam, các tiểu quốc phải liên minh với nhau và chấp nhận một số vị bá chủ trên “lãnh thổ” của họ. Vì vậy thời Xuân Thu là một giai đoạn nguy hiểm và không chắc chắn nhất, trong đó lãnh thổ bị chuyển dịch tới lui, các cuộc xâm lấn thường xuyên xảy ra và các liên minh được lập lên rồi lại giải tán với sự nhanh chóng đáng kinh ngạc.
[sửa] Suy tàn
- Xem chi tiết: Xuân Thu, Chiến Quốc
Từ khi dời đô sang phía Đông, quyền lực của triều đình Chu dần giảm sút: tốc độ tan rã các vương quốc tăng lên. Từ thời Bình Vương về sau, các vua nhà Chu chỉ còn cai trị trên danh nghĩa, quyền lực thực sự nằm trong tay các chư hầu hùng mạnh. Các chư hầu đánh nhau để giành lấy ngôi bá chủ, điều khiển các chư hầu khác thay vai trò của nhà Chu, dù trên danh nghĩa họ vẫn mượn tiếng nhà Chu để điều khiển các chư hầu khuất phục. Trong thời Xuân Thu xuất hiện các chư hầu mạnh nối nhau làm bá chủ, gọi là Ngũ Bá (có vài thuyết khác nhau quan niệm về Ngũ Bá).
Tới cuối thời nhà Chu, các chư hầu thậm chí còn không cần biết tới sự cai trị chỉ mang tính biểu tượng của các vua Chu và tự xưng vương (như nhà Chu). Chiến tranh giữa các chư hầu tàn khốc hơn, quy mô lớn hơn vì một loạt nước nhỏ thời Xuân Thu đã bị tiêu diệt, còn lại chỉ khoảng 10 nước, trong đó có 7 nước lớn gọi là Thất hùng: Tề, Yên, Tần, Sở, Hàn, Triệu, Nguỵ. Nhà Chu khi đó chỉ còn cai quản vùng đất nhỏ bé như các nước chư hầu bé khác còn sót lại chưa bị diệt như Lỗ, Vệ. Các chư hầu lớn muốn trở thành Vua của những ông vua.
Tới thế kỷ 3 TCN, một nhà Chu nhỏ bé cũng lại nảy sinh lục đục. Hai nước Hàn và Triệu mang quân can thiệp, chia lãnh thổ nhỏ bé làm đôi, giao cho hai vị tông thất cai quản, gọi là Tây Chu công và Đông Chu công. "Thiên tử" nhà Chu ở chung với Tây Chu công. Từ đây Tây Chu và Đông Chu chỉ mang nghĩa phân chia trong phạm vi hẹp của vùng đất nhà Đông Chu xung quanh Lạc Dương mà thôi, không phải địa phận nhà Tây Chu xưa kia, lúc đó đã thuộc về Tần.
Tới năm 257 TCN, hưởng ứng phong trào "hợp tung" do Sở và Yên phát động để chống nước Tần hùng mạnh và hung hãn đang lấn đất chư hầu như tằm ăn lá dâu, thiên tử nhà Chu cũng mộ binh đánh Tần. Nhưng lúc đó nhà Chu đã kiệt quệ tới mức thiên tử không có đủ tiền chiêu binh mà phải đi vay tiền. Tây Chu công tự làm tướng cùng hợp binh với quân Yên và quân Sở. Thế nhưng, phong trào hợp tung cũng như những lần trước, đúng như đánh giá của Trương Nghi (hợp tung như đống cát, dễ hợp mà dễ tan), chưa đánh Tần trận nào ra trò mà hợp tung lại tan rã vì quân các nước khác không tới. Hàn đang bị Tần vây, không cựa quậy được, Triệu vừa thua trận Trường Bình mất hết gần hết nhân sự và sinh khí, còn Tề lại thông hiếu với Tần không ra quân. Quân Sở và Yên cô thế đành tự rút. Lấy cớ nhà Chu gây hấn, năm 256 TCN, Tần Chiêu Tương vương sai Trương Đường mang quân đánh vào đất Tây Chu, bắt Chu Noãn vương đem về Hàm Dương.
Năm 250 TCN, Tần Chiêu Tương vương chết, liền sau đó con là Hiếu Văn vương lên ngôi 3 ngày cũng chết. Cháu là Tử Sở lên ngôi, tức là Trang Tương vương. Đông Chu quân thấy nước Tần mất liền 2 vua, lại sai người đi bàn với các nước hợp tung đánh Tần lần nữa, thành ra chọc giận nước Tần. Năm 249 TCN, vua Tần bèn sai Lã Bất Vi mang 10 vạn quân đi đánh Đông Chu, bắt nốt Đông Chu quân mang về. Từ đó nhà Chu mất hẳn.
Nhà Chu tính từ Chu Vũ vương đến Đông Chu quân có 37 vua, nếu tính từ năm 1122 TCN thì kéo dài 873 năm, nếu tính từ 1066 TCN thì kéo dài 797 năm. Dù là con số nào, nhà Chu vẫn là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
[sửa] Nông nghiệp
Nông nghiệp thời nhà Chu đã rất tập trung và trong nhiều trường hợp được chỉ đạo từ nhà nước. Tất cả đất đai trồng trọt đều thuộc sở hữu quý tộc, các quý tộc trao lại đất đai cho các nông nô của mình. Ví dụ, một mảnh đất được chia làm chín miếng vuông, hình chữ tỉnh (井), gọi là phép tỉnh điền, thu hoạch từ mảnh đất nằm chính giữa thuộc về nhà nước, ở những mảnh xung quanh thuộc về các nông dân. Theo cách này, nhà nước có thể tích trữ lương thực thặng dư (như gạo) và phân phối chúng ở thời đói kém hay mất mùa. Một số lĩnh vực sản xuất quan trọng thời kỳ này gồm chế tạo đồng, vũ khí và công cụ sản xuất nông nghiệp. Những ngành này thuộc quyền quản lý của tầng lớp quý tộc. ````
[sửa] Các vua nhà Chu
Tên riêng | Tên thuỵ | Năm cai trị1 | |
---|---|---|---|
Cơ Phát 姬發 |
Vũ Vương 武王 |
1046 TCN-1043 TCN1 | |
Cơ Tụng 姬誦 |
Thành Vương 成王 |
1042 TCN-1021 TCN1 | |
Cơ Chiêu 姬釗 |
Khang Vương 康王 |
1020 TCN-996 TCN1 | |
Cơ Hà 姬瑕 |
Chiêu Vương 昭王 |
995 TCN-977 TCN1 | |
Cơ Mãn 姬滿 |
Mục Vương 穆王 |
976 TCN-922 TCN1 | |
Cơ Ê Hỗ 姬繄扈 |
Cộng Vương 共王 |
922 TCN-900 TCN1 | |
Cơ Kiên 姬囏 |
Ý Vương 懿王 |
899 TCN-892 TCN1 | |
Cơ Tích Phương 姬辟方 |
Hiếu Vương 孝王 |
891 TCN-886 TCN1 | |
Cơ Tiếp 姬燮 |
Di Vương 夷王 |
885 TCN-878 TCN1 | |
Cơ Hồ 姬胡 |
Lệ Vương 厲王 |
877 TCN-842 TCN1 | |
Cộng Hoà 共和 |
(nhiếp chính) | 841 TCN-828 TCN | |
Cơ Tĩnh 姬靜 |
Tuyên Vương 宣王 |
827 TCN-782 TCN | |
Cơ Cung Sanh /Tinh 姬宮湦 |
U Vương 幽王 |
781 TCN-771 TCN | |
Kết thúc Tây Chu / Bắt đầu Đông Chu | |||
Cơ Nghi Cữu 姬宜臼 |
Bình Vương 平王 |
770 TCN-720 TCN | |
Cơ Lâm 姬林 |
Hoàn Vương 桓王 |
719 TCN-697 TCN | |
Cơ Đà 姬佗 |
Trang Vương 莊王 |
696 TCN-682 TCN | |
Cơ Hồ Tề 姬胡齊 |
Ly Vương 釐王 |
681 TCN-677 TCN | |
Cơ Lang /Lãng 姬閬 |
Huệ Vương 惠王 |
676 TCN-652 TCN | |
Cơ Trịnh 姬鄭 |
Tương Vương 襄王 |
651 TCN-619 TCN | |
Cơ Nhâm Thần 姬壬臣 |
Khoảnh Vương 頃王 |
618 TCN-613 TCN | |
Cơ Ban 姬班 |
Khuông Vương 匡王 |
612 TCN-607 TCN | |
Cơ Du 姬瑜 |
Định Vương 定王 |
606 TCN-586 TCN | |
Cơ Di 姬夷 |
Giản Vương 簡王 |
585 TCN-572 TCN | |
Cơ Tiết Tâm 姬泄心 |
Linh Vương 靈王 |
571 TCN-545 TCN | |
Cơ Quý 姬貴 |
Cảnh Vương 景王 |
544 TCN-521 TCN | |
Cơ Mãnh 姬猛 |
Điệu Vương 悼王 |
520 TCN | |
Cơ Cái 姬丐 |
Kính Vương 敬王 |
519 TCN-476 TCN | |
Cơ Nhân 姬仁 |
Nguyên Vương 元王 |
475 TCN-469 TCN | |
Cơ Giới 姬介 |
Trịnh Định Vương 貞定王 |
468 TCN-442 TCN | |
Cơ Khứ Tật 姬去疾 |
Ai Vương 哀王 |
441 TCN | |
Cơ Thúc 姬叔 |
Tư Vương 思王 |
441 TCN | |
Cơ Ngôi /Nguy 姬嵬 |
Khảo Vương 考王 |
440 TCN-426 TCN | |
Cơ Ngọ 姬午 |
Uy Liệt Vương 威烈王 |
425 TCN-402 TCN | |
Cơ Kiêu 姬驕 |
An Vương 安王 |
401 TCN-376 TCN | |
Cơ Hỉ 姬喜 |
Liệt Vương 烈王 |
375 TCN-369 TCN | |
Cơ Biển 姬扁 |
Hiển Vương 顯王 |
368 TCN-321 TCN | |
Cơ Định 姬定 |
Thận Tĩnh Vương 慎靚王 |
320 TCN-315 TCN | |
Cơ Diên 姬延 |
Noãn Vương 赧王 |
314 TCN-256 TCN | |
Cơ Căn 姬根 |
Huệ Công 惠公2 |
255 TCN-249 TCN | |
1 Niên đại bắt đầu lịch sử Trung Quốc được chấp nhận chung là năm 841 TCN, khởi đầu thời nhiếp chính Cộng Hoà. Tất cả niên đại trước đó đều còn gây nhiều tranh cãi. Những niên đại ở đây lấy theo Dự án Biên niên Hạ-Thương-Chu, của các học giả do chính phủ Trung Quốc tài trợ và hoàn thành năm 2000. Chúng chỉ có tính tham khảo. | |||
2 Các quý tộc họ Cơ cho rằng Huệ Công là người kế vị Noãn Vương sau khi kinh đô Lạc Dương bị các quân Tần chiếm năm 256 TCN. Tuy nhiên danh vị nhà Chu không kéo dài thêm được bao lâu và Huệ Công cũng không dám xưng vương, vì thế số đông cho rằng Noãn Vương là vua cuối cùng nhà Chu. |
[sửa] Chú thích
- ^ Có một thuyết khác cho rằng thời điểm bắt đầu nhà Chu là 1122 TCN
- ^ Có thuyết nói rằng Trụ tự thiêu
[sửa] Xem thêm
- Đông Chu Liệt Quốc
- Xuân Thu
- Chiến Quốc
- Hung Nô
- Các bộ tộc trong lịch sử Trung Quốc
- Sử ký Tư Mã Thiên
- Khương Tử Nha