Miyazaki Hayao
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Đây là một tên người Nhật; họ tên được viết theo thứ tự Á Đông (họ trước tên sau): họ là Miyazaki. Tuy nhiên, tên người Nhật hiện đại trong ký tự Latin thường được viết theo thứ tự Tây phương (tên trước họ sau).
Miyazaki Hayao | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Tự họa của Miyazaki |
|||||||
Ngày sinh | 5 tháng 1 năm 1941 (66 tuổi) | ||||||
Nơi sinh | Tokyo, Nhật Bản | ||||||
Vợ/chồng | Akemi Ôta | ||||||
|
Miyazaki Hayao (tiếng Nhật: 宮崎 駿, sinh ngày 5 tháng 1 năm 1941 tại Tokyo, Nhật Bản) là đạo diễn phim hoạt hình và là người đồng sáng lập hãng phim hoạt hình Ghibli.
Miyazaki là tác giả của rất nhiều phim hoạt hình Nhật Bản (anime) và truyện tranh Nhật Bản (manga) nổi tiếng trong đó bộ phim Spirited Away (Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn) là bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử Nhật Bản và giành giải Oscar lần thứ 75 giành cho phim hoạt hình hay nhất.
Nét đặc trưng trong các bộ phim của Miyazaki là sự xuất hiện thường xuyên của các chủ đề như mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và công nghệ. Nhân vật chính trong các tác phẩm của ông thường là những cô gái hoặc những phụ nữ trẻ mạnh mẽ, độc lập.
Các bộ phim của Miyazaki thường thành công về mặt thương mại, và điều này dẫn đến sự so sánh giữa ông và đạo diễn hoạt hình người Mỹ nổi tiếng Walt Disney. Tuy nhiên, bản thân Miyazaki không coi mình như một ông trùm trong lĩnh vực hoạt hình, ông chỉ tự nhận là một đạo diễn may mắn khi có thể tự do sáng tạo ra các bộ phim theo ý mình.
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Miyazaki sinh ra tại thị trấn Akebono-cho thuộc Tokyo, bố của ông, Katsuji là giám đốc của xưởng máy bay Miyazaki Airplane chuyên làm bánh lái cho máy bay chiến đấu A6M Zero. Vì vậy từ nhỏ, Miyazaki đã hình thành niềm đam mê suốt đời với ngành hàng không, chủ đề xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm sau này của ông.
Khi còn nhỏ, Miyazaki thường phải chuyển nhà, một phần vì mẹ ông phải chữa bệnh lao xương từ năm 1947 đến tận năm 1955. Sau này bộ phim Người bạn hàng xóm Totoro của tôi có một nhân vật bà mẹ mắc phải một căn bệnh tương tự.
Sau khi học xong trung học, Miyazaki vào trường đại học Gakushuin University, ông tốt nghiệp năm 1963 với bằng khoa học chính trị và kinh tế học. Tháng 4 năm 1963, Miyazaki vào làm việc tại hãng phim hoạt hình Toei. Tháng 10 năm 1965, ông cưới một họa sĩ đồng nghiệp là bà Akemi Ota, hai người sau đó có hai con trai là Gorō và Keisuke. Hiện nay, Goro cũng đã trở thành một đạo diễn phim hoạt hình với bộ phim Tales from Earthsea của hãng Ghibli.
[sửa] Sự nghiệp
Tài năng của Miyazaki bắt đầu được thừa nhận từ khi ông còn là họa sĩ thực hiện cho bộ phim Cuộc du hành của Gulliver ra ngoài Mặt trăng (Garibā no Uchuu Ryokou, 1965). Khi đó ông không cảm thấy hài lòng với cái kết phim gốc và đã đưa ra kết phim của riêng mình mà sau đó đã được dùng chính thức trong bộ phim này.
Sau đó, Miyazaki trở thành họa sĩ chính, phụ trách ý tưởng và dựng cảnh cho bộ phim Hols: Hoàng tử Thái dương (1968), một tác phẩm quan trọng của đạo diễn Takahata Isao, người sau đó đã trở thành cộng tác thân thiết của Myazaki trong hơn ba thập kỉ. Miyazaki rời hãng Toei năm 1971 để đến hãng phim A Pro, nơi ông đồng đạo diễn với Isao Takahara sáu tập đầu của loạt phim Lupin III. Bộ phim đầu tiên do Miyazaki đạo diễn hoàn toàn là Lâu đài Cagliostro (1979).
Tác phẩm tiếp theo của Miyazaki, Nausicaä của Thung lũng gió, là một bộ phim phiêu lưu mang rất nhiều những chủ đề sẽ xuất hiện thường xuyên sau này trong tác phẩm của ông như mối quan tâm tới sinh thái, sự say mê với ngành hàng không, sự mô tả tính cách nhân vật đa diện về mặt đạo đức, nhất là với những nhân vật phản diện. Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà Miyazaki vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn, kịch bản được ông dựa trên loạt truyện tranh cùng tên do ông sáng tác và minh họa 2 năm trước đó.
Tiếp theo sự thành công của Nausicaä của Thung lũng gió, năm 1985 Miyazaki đã cùng với Takahara thành lập hãng phim hoạt hình Ghibli, nơi ra đời hầu như tất cả các tác phẩm sau này của ông.
Miyazaki tiếp tục thành công với ba phim hoạt hình tiếp theo của mình là Laputa: Lâu đài trên không trung (1986) kể lại cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ mồ côi trên một hòn đảo thần thoại trong không trung; Người bạn hàng xóm Totoro của tôi (1988) nói về hai cô bé với những linh hồn của rừng xanh; và Kiki cô phù thủy nhỏ (1989), dựa theo tiểu thuyết của Eiko Kadono. Sự say mê của Miyazaki với những chuyến bay thể hiện rất rõ qua những bộ phim này, từ những chiếc máy bay có cánh như chim trong của nhóm cướp trong Laputa: Lâu đài trên không trung đến cô bé Kiki với chiếc chổi bay thần kì.
Porco Rosso (1992) là sự chuyển hướng sáng tác đáng chú ý của Miyazaki, khi nhân vật chính là một người đàn ông - một phi công chống phát xít nhưng lại mang khuôn mặt của một chú lợn. Bộ phim được đặt vào những năm 1920 ở Italy kể về Porco Rosso, một tay phi công săn tiền thưởng chống lại bọn không tặc và những tên lính đánh thuê người Mỹ.
Bộ phim sau đó của Miyazaki, Công chúa Mononoke 1997 quay trở lại với chủ đề sinh thái và xung đột của Nausicaä của Thung lũng gió. Cốt truyện của phim tập trung vào sự xung đột giữa những linh hồn của thú vật sống trong rừng và những người muốn khai thác rừng để làm công nghiệp. Bộ phim là một thành công lớn về mặt thương mại khi trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử Nhật Bản, kỉ lục chỉ bị phá sau đó bởi bộ phim nổi tiếng Titanic và giành luôn giải Phim hay nhất tại lễ trao giải của Viện hàn lâm điện ảnh Nhật Bản (Japanese Academy Awards). Sau bộ phim này Miyazaki đã tuyên bố từ giã sự nghiệp đạo diễn.
Tuy nhiên sau đó, trong một kì nghỉ, Miyazaki đã gặp con gái của một người bạn, người tạo cảm hứng cho tác phẩm tiếp theo của ông Spirited Away - Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn. Spirited Away kể lại câu chuyện của một cô bé bị rơi vào một thế giới kì lạ, cô phải làm việc trong nhà tắm của những linh hồn sau khi bố mẹ cô bị biến thành lợn bởi mụ phù thủy chủ nhà tắm. Công chiếu tại Nhật Bản tháng 7 năm 2001, bộ phim đã phá vỡ kỉ lục cả về lượng người xem và doanh thu khi thu được tới 30.4 tỷ Yen (xấp xỉ 300 triệu USD) với 23 triệu lượt người xem. Bộ phim cũng giành rất nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải Phim hay nhất của Viện hàn lâm điện ảnh Nhật Bản năm 2001, giải Gấu vàng năm 2002 tại Liên hoan phim Berlin, và giải Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 75.
Tháng 7 năm 2004, Miyazaki hoàn thành tác phẩm tiếp theo của ông, Lâu đài di động của Howl, dựa theo tiểu thuyết của Diana Wynne Jones. Bộ phim công chiếu tại Nhật ngày 20 tháng 11 năm 2004 và thu về 1.4 tỷ Yen chỉ sau hai ngày đầu trình chiếu.
Năm 2005, Miyazaki đã được trao tặng Giải thưởng thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Venice.
[sửa] Quá trình sáng tác và phong cách làm phim
Miyazaki luôn giữ vị trí then chốt trong quá trình làm các bộ phim của mình, ông thường kiêm luôn hai vị trí biên kịch và đạo diễn. Ở những bộ phim ở thời kì đầu, Miyazaki luôn tự mình kiểm tra lại từng bức vẽ sẽ được dùng cho phim, tuy nhiên một mình ông không thể đủ sức khỏe để làm việc này nên ở các tác phẩm sau này ông chia sẻ một phần việc kiểm tra cho các đồng nghiệp ở hãng Ghibli. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1999, Miyazaki đã nói, "ở vào tuổi này, tôi không thể làm việc được nhiều như trước kia. Nếu các đồng nghiệp có thể giúp đỡ tôi và tôi có thể tập trung vào việc đạo diễn, thì vẫn còn nhiều bộ phim mà tôi muốn làm."[1]
Miyazaki sử dụng cách làm phim hoạt hình truyền thống (vẽ tay) trong suốt quá trình làm phim. Tuy nhiên, việc tạo hình bằng đồ họa vi tính cũng đã được sử dụng trong bộ phim Công chúa Mononoke để mang lại cho vài cảnh phim "hiệu quả hình ảnh của kỹ thuật số."[2]. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times, Miyazaki trả lời rằng "với tôi việc giữ được tỉ lệ hợp lý giữa việc sáng tác bằng tay và bằng máy tính là rất quan trọng. Tôi đã nhận ra được cách cân bằng giữa chúng và cách nào để tôi vừa có thể sử dụng cả hai và vừa có thể vẫn gọi những bộ phim của mình là hoạt hình 2 chiều (2D)"[3]. Việc vẽ trên máy tính cũng đã được thực hiện lần đầu tiên cho vài phần của Công chúa Mononoke để kịp tiến độ phát hành phim. Ở các bộ phim sau của Miyazaki, việc này được coi là bình thường.
[sửa] Tính cách
Miyazaki rất quan tâm tới thuyết môi trường luận, chủ đề được khai thác trong nhiều bộ phim của ông. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Người New York (The New Yorker), Miyazaki đã cho rằng đa phần văn hóa đương đại là "nhạt nhẽo, hời hợt và giả dối"[4]. Tuy vậy ông không truyền tải chủ nghĩa bi quan của mình vào các bộ phim, bởi theo đạo diễn, người lớn không nên "áp đặt cách nhìn thế giới của mình cho trẻ con"[5].
Hayao Miyazaki là người cầu toàn và tham công tiếc việc. Việc dành quá nhiều thời gian cho công việc đã ảnh hưởng xấu tới vai trò làm bố của ông, con trai ông, Gorō Miyazaki, đã nhận xét về cha mình "0 điểm với vai trò một người cha, điểm tuyệt đối với vai trò một đạo diễn".[6]
[sửa] Truyện tranh
Bắt đầu từ năm 1969, Miyazaki đã bắt đầu minh hoạt cho một vài bộ manga như Chú mèo đi hia (Nagakutsu wo Haita Neko). Tác phẩm chính của ông ở thể loại này là phiên bản manga của bộ phim Nausicaä của Thung lũng gió, 7 tập của bộ manga này được ông sáng tác từ năm 1982 đến năm 1994 đã bán được 2 triệu bản trên toàn Thế giới. Các bộ manga khác có thể kể tới là Sabaku no Tami, Shuna no Tabi, Zassō Nōto và Thời đại của những chiếc thuyền bay - The Age of the Flying Boat, tác phẩm tạo nên cơ sở cho bộ phim của Miyazaki Porco Rosso.
[sửa] Tác phẩm chính
- Đạo diễn, biên kịch và dựng phim
- Conan, cậu bé của tương lai (tiếng Nhật:Mirai Shōnen Kona, tiếng Anh: Future Boy Conan) (1978)
- Lâu đài của Cagliostro (tiếng Nhật:Rupan Sansei: Kariosutoro no Shiro, tiếng Anh: The Castle of Cagliostro) (1979)
- Thám tử Sherlock Holmes (tiếng Nhật:Meitantei Hōmuzu, tiếng Anh: Sherlock Hound) (1982)
- Nausicaä của Thung lũng gió (tiếng Nhật:Kaze no tani no Naushika, tiếng Anh: Nausicaä of the Valley of the Wind) (1984)
- Laputa: Lâu đài trên không trung (tiếng Nhật:Tenkū no Shiro Rapyuta, tiếng Anh: Laputa: Castle in the Sky) (1986)
- Người bạn hàng xóm Totoro của tôi (tiếng Nhật:Tonari no Totoro, tiếng Anh: My Neighbor Totoro ) (1988)
- Kiki cô phù thủy nhỏ (tiếng Nhật:Majo no Takkyūbin, tiếng Anh: Kiki's Delivery Service) (1989)
- Porco Rosso (tiếng Nhật:Kurenai no Buta, tiếng Anh: Porco Rosso) (1992)
- On Your Mark, đoạn phim minh họa cho bài hát của nhóm Chage and Aska, 1995.
- Công chúa Mononoke (tiếng Nhật:Mononoke Hime, tiếng Anh: Princess Mononoke) (1997)
- Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn (tiếng Nhật:Sen to Chihiro no Kamikakushi, tiếng Anh: Spirited Away) (2001)
- Lâu đài di động của Howl (tiếng Nhật:Hauru no Ugoku Shiro, tiếng Anh: Howl's Moving Castle) (2004)
- Đồng đạo diễn (cùng Isao Takahata)
- Lupin III, 1971.
- Biên kịch, dựng phim, giám đốc sản xuất
- Lời thì thầm của trái tim (tiếng Nhật:Mimi wo Sumaseba, tiếng Anh: Whisper of the Heart) (1995)
- Pom Poko (tiếng Nhật:Heisei Tanuki Gassen Ponpoko, tiếng Anh: Pom Poko) (1994)
[sửa] Giải thưởng và đánh giá
Miyazaki là một trong những đạo diễn dành nhiều giải thưởng nhất của điện ảnh Nhật Bản:
- Giải Noburō Ōfuji cho phim hoạt hình:
- 1979, Lâu đài của Cagliostro
- 1984, Nausicaä của Thung lũng gió
- 1986, Laputa: Lâu đài trên không trung
- 1988, Người bạn hàng xóm Totoro của tôi
- Giải thưởng lớn Mainichi:
- 1989, Kiki cô phù thủy nhỏ
- 1992, Porco Rosso
- 1994, Pom Poko (với vai trò ý tưởng và nhà sản xuất)
- 1997, Công chúa Mononoke
- 2001, Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn
- Giải Phim hay nhất của Viện hàn lâm điện ảnh Nhật Bản:
- 1998, Công chúa Mononoke
- 2002, Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn
- Giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin:
- 2002, Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn (phim hoạt hình duy nhất từ trước đến nay đạt được giải này)
- Giải Phim hoạt hình hay nhất của Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ (giải Oscar)
- 2002, Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn
- Giải Thành tựu chọn đời tại Liên hoan phim Venice 2005
Theo bầu chọn của trang web uy tín IMDB (Internet Movie Database), trong top 20 phim hoạt hình hay nhất có tới 6 phim do Miyazaki đạo diễn trong đó hai phim Cuộc phiêu lưu của Chihiro vào thế giới linh hồn và Công chúa Mononoke lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai.[7].
Năm 2006, tạp chí Time đã bầu chọn Miyazaki là một trong những người Châu Á có ảnh hưởng nhất trong 60 năm qua[8].
[sửa] Tham khảo
- ^ Phỏng vấn của Nippon TV
- ^ Tạp chí Nhật Bản ngày nay (Japan Today)
- ^ Phỏng vấn của tập chí Financial Times số ngày 20 tháng 9 năm 2005
- ^ Báo The New Yorker
- ^ Phỏng vấn Miyazaki trên Midnighteye.com
- ^ Blog của Goro Miyazaki
- ^ Best/Worst Animation in IMDB
- ^ Tạp chí Time Asia số ngày 19 tháng 2 năm 2007 (tiếng Anh)
[sửa] Liên kết ngoài