Gia Long
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Gia Long | |
---|---|
Tên húy | Nguyễn Phúc Ánh |
Sinh | 1762 |
Mất | 1820 |
Trị vì | 1802 - 1820 |
Triều đại | Nhà Nguyễn |
Niên hiệu | Gia Long (1802 - 1820) |
Miếu hiệu | Thế Tổ |
Thụy hiệu | Cao Hoàng Đế |
Lăng | Thiên Thọ Lăng |
Nguyễn Phúc Ánh (chữ Hán: 阮福映; 1762–1820), là người đã lập ra triều đại nhà Nguyễn, lên ngôi ngày 1 tháng 6 âm lịch năm 1802, đặt niên hiệu là Gia Long (嘉隆). Ông phong cho trọng thần Nguyễn Văn Thành về Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay) làm Tổng trấn Bắc Thành còn mình thì trở về kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay), đặt quốc hiệu là Việt Nam một cách chính thức[1]. Ông cũng là người lập ra hệ nhất chánh Nguyễn Phước.
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Ông là con trai thứ 3 của Nguyễn Phúc Luân, cháu gọi Chúa Nguyễn Phúc Thuần là chú ruột. Lúc còn tuổi thơ ấu, ông rất được Chúa Nguyễn Phúc Thuần thương yêu, nên được ở trong học đường Vương phủ. Vào tuổi thiếu niên, ông đã tỏ ra là người tài trí, khôn ngoan với đức tính khoan hòa, đầy nghị lực của người có khả năng lập nghiệp lớn.
Năm 1777 khi Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, cùng với cháu là Hoàng thân Nguyễn Phúc Đồng (con Nguyễn Phúc Luân - anh Phúc Ánh) và Tống Phước Thuận, Nguyễn Doanh Khoảng... bị Nguyễn Huệ bắt tại Long Xuyên và đem về Sài Gòn giết, thì chỉ có một mình hoàng thân Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn. Ông chạy ra đảo Thổ Chu (trấn Hà Tiên) và từ đó mọi quyền hành quốc sự của các chúa Nguyễn do ông thống lĩnh.
Năm 1778, khi 16 tuổi ông được ba quân suy tôn lên làm nguyên soái nhiếp chính quốc và khởi binh chiếm lại Gia Định.
Trong 24 năm, được sự giúp đỡ của dân chúng vùng đất mới khai hoá từ Gia Định đến Phú Quốc, từ Cà Mau đến Hà Tiên, ông đã cùng với các tướng lĩnh vượt qua mọi gian nguy, bao phen vào sinh ra tử, kiên cường chống lại quân Tây Sơn. Cuối cùng, với sự hậu thuẫn của người Pháp cũng như nhờ có các mâu thuẫn nội bộ của nhà Tây Sơn, ông đã khôi phục lại xứ Đàng Trong của các Tiên Chúa. Năm 1801 ông tiến quân ra Bắc Hà, đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn; năm 1802 lập nên nước Việt Nam thống nhất từ Nam chí Bắc, từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan như ngày nay.
Sau 18 năm ở ngôi, ông băng hà năm 1820 và được đặt miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Đế (世祖高皇帝). Lăng của ông hiệu Thiên Thọ, tại làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Tôn thờ ông tại Chánh Án Miếu ở Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
Sách Hoàng tộc lược biên có viết:
- Lăng của Ngài là lăng Diên Thọ, thuộc địa phận làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Lăng Bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và Bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, nguyên phối và đệ nhị phối của Ngài cũng đều táng tại vùng ấy cả. Ngài và hai Bà đều thờ tại Chánh án Thế Miếu và tại Chánh án điện Phụng Tiên ở Kinh Thành Nội.
[sửa] Quá trình thống nhất đất nước
[sửa] Xưng vương
Trong gần 10 năm (từ 1776 đến 1783) quân Tây Sơn nhiều lần vào đánh chiếm Gia Định. Năm 1777, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn bắt được cả Định vương Thuần lẫn Hoàng tôn Dương đem xử tử. Một cháu trai là Nguyễn Ánh, con của Nguyễn Phúc Luân, lúc đó 15 tuổi, chạy thoát ra đảo Thổ Chu. Sau khi quân chủ lực của Tây Sơn rút về giao lại cho một bộ tướng coi giữ, chỉ một thời gian sau lực lượng họ Nguyễn lại tụ tập và nhanh chóng chiếm lại vùng Nam Bộ. Nguyễn Ánh được tướng Đỗ Thành Nhân (Nhơn) đón và lập làm chúa Nguyễn mới (1778). Ánh tụ tập lại lực lượng trung thành, khởi binh từ đất Long Xuyên, đánh đuổi quân trấn thủ Tây Sơn tại Gia Định, lấy lại thành Sài Côn. Bấy giờ Nguyễn Ánh mới được các tướng tôn làm Đại nguyên súy, Nhiếp quốc chính. Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương.
Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ cùng vua Thái Đức mang quân thuỷ bộ Nam tiến, phá tan quân Nguyễn, giết chết cai cơ người Pháp là Manuel (Mạn Hoè). Nguyễn Ánh bỏ chạy về Hậu Giang. Vua Thái Đức chiếm lại Nam bộ, sai người giao hảo với Chân Lạp (Campuchia) và đề nghị hợp tác đánh Nguyễn Ánh. Chân Lạp chia quân đón bắt được đoàn cầu viện Xiêm La của Nguyễn Ánh và suýt bắt được ông. Nguyễn Ánh trốn ra đảo Phú Quốc.
Anh em Tây Sơn rút quân về Bắc, Chu Văn Tiếp lại từ Bình Thuận mang quân vào đánh chiếm được Gia Định và đón Nguyễn Ánh trở về. Tháng 2 năm 1783, Nguyễn Nhạc lại sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mang quân Nam tiến. Dù Nguyễn Ánh đã lập tuyến phòng thủ trước[2] vẫn bị quân Tây Sơn phá tan và Ánh buộc phải bỏ chạy về Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ đánh phá Đồng Tuyên, Nguyễn Ánh lại bỏ chạy ra Hà Tiên rồi trốn ra đảo Phú Quốc. Tháng 8 năm 1783, quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Ánh chạy một vòng ra các đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi lại quay về Phú Quốc. Quân Tây Sơn vây đánh nhưng lúc đó có bão biển, các thuyền Tây Sơn phải giãn ra, sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, Nguyễn Ánh thừa cơ lại trốn thoát, chạy hẳn ra đảo Thổ Chu cách xa đất liền rồi đầu năm sau tự mình sang Xiêm cầu viện.
[sửa] Liên hệ với người Pháp
Trong quá trình vào miền Nam để lẩn tránh cuộc tìm kiếm của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã có dịp làm quen với một giáo sĩ người Pháp trong "Hội truyền đạo nước ngoài" là Pigneau de Béhaine (tức Bá-đa-lộc). Mối quan hệ của Nguyễn Ánh và Pigneau de Béhaine ngày càng thắt chặt và hình ảnh nước Pháp ngày càng lớn dần trong tâm trí của Nguyễn Ánh, ông nảy sinh ý định cầu viện các nước phương Tây.
Vào cuối năm 1783, giám mục Pigneau de Béhaine được giao nhiệm vụ làm sứ thần thay mặt Nguyễn Ánh sang Pháp cầu viện triều đình vua Louis XVI. Sinh mạng của vị hoàng tử trưởng 4 tuổi Nguyễn Phúc Cảnh đã bị đưa ra "thế chấp" trong cuộc cầu viện này[3].
Sau một năm chuẩn bị, ngày 25 tháng 11 năm 1784 giám mục Pigneau de Béhaine đã cùng Hoàng tử Cảnh và phái đoàn đem quốc thư của Nguyễn Ánh xuống thuyền đi Malacca rồi sang Pondichéry ở Ấn Độ (thuộc Pháp). Tại đây có một số vấn đề rắc rối nên hành trình sang Pháp bị trì hoãn. Mãi đến giữa năm 1786 phái đoàn mới rời khỏi Pondichéry và sang hải cảng Lorient ở Pháp vào tháng 2 năm 1787. Mất một thời gian vận động khá lâu thì đến đầu tháng 5 năm 1787 Pigneau de Béhaine cùng Hoàng tử Cảnh mới tiếp kiến được vua Louis XVI. Ngày 28 tháng 11 năm 1787, tại cung điện Versailles Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc, Bá tước de Montmorin, thay mặt vua Pháp ký với đại diện của Nguyễn Ánh là giám mục Pigneau de Béhaine bản hiệp ước "Tương trợ tấn công và phòng thủ" (thường gọi là Hiệp ước Versailles). Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến loại frégaté cùng 1.650 binh sĩ và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông.
Hiệp ước Versailles 1787 chính thức đánh dấu mối quan hệ ràng buộc giữa hai chính quyền Louis XVI và Nguyễn Ánh, cho phép nước Pháp có cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lợi ở Việt Nam một cách hợp lý về sau và khẳng định trước thế giới phương Tây quyền thâm nhập Việt Nam của tư bản Pháp[4]. Dù vậy, Đức Giám mục Pigneau de Béhaine chỉ vận động được một nhóm nhỏ 19 người Pháp thuộc nhiều thành phần cùng 1000 khẩu súng trường và hai khẩu đại bác để giúp chúa Nguyễn Ánh. Như thế đây là sự trợ giúp có tính cách cá nhân chứ không thể nói là viện trợ chính thức nhân danh nước Pháp và chính ông Giám mục Pigneau de Béhaine và các người Pháp tình nguyện này đã được vua Gia Long trả công, ban thưởng, phong tước và bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp trong triều sau khi chúa Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi vua. Lý luận “đòi nợ hộ cho người khác này” của chính quyền Pháp hiển nhiên là một duyên cớ xem ra không kém phần khôi hài và không có một căn bản vững chắc nào cả.[1]
[sửa] Cầu viện Xiêm La
Sau khi có những liên hệ với người Pháp, khi chưa có hồi âm thì Nguyễn Ánh liên tiếp gặp những thất bại trước quân Tây Sơn, do đó Nguyễn Ánh có ý chuyển sang cầu viện ở Xiêm La. Tháng 2 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Ánh từ Hà Tiên sang Xiêm La hội kiến với vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Đánh giá hành động như thế này của Nguyễn Ánh, cầu viện quân đội nước ngoài vì lợi ích gia tộc, người đời sau gọi là: "rước voi về giày mả tổ" và “cõng rắn cắn gà nhà”.
Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiến thuyền. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, thực chất với ý đồ tạo gọng kìm phía Tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn[5]. Quân Xiêm nhanh chóng lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa, thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo. Vua Tây Sơn sai Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem quân vào đánh và đã chiến thắng lẫy lừng trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm, chỉ sót được vài nghìn người, chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Các tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Ánh phải bỏ chạy theo đường bộ về Xiêm La.
[sửa] Phản công quân Tây Sơn
[sửa] Về nước
Sau 3 năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh trở về vào tháng 8 năm 1787 nhận để tập hợp lực lượng. Với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), Nguyễn Ánh quay trở lại Gia Định. Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó với quân Thanh tại Bắc Hà (1788), Nguyễn Lữ nghe tin Nguyễn Ánh trở về vội vã tránh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham giữ. Sau đó thế quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh khiến Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Quân Tây Sơn đã mỏng lại càng mỏng. Mặc dù sau đó Phạm Văn Tham đã nỗ lực chống trả nhưng vì không được viện binh trợ lực nên tháng 8 năm 1788 đã để Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định. Phạm Văn Tham rút chạy ra ngoài vẫn cố đơn độc chiến đấu để chờ viện binh nhưng lúc đó Nguyễn Nhạc chỉ lo phòng bị vua em Bắc Bình vương ở phía bắc mà không đoái hoài đến việc cứu phía nam nữa. Thế cùng sức kiệt, đầu năm 1789 Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh vây chặt, lại bịt đường ra biển về Quy Nhơn nên buộc phải đầu hàng. Tây Sơn lại mất Nam Bộ. Sau một thời gian để mất Gia Định trở về Quy Nhơn, Đông Định vương Nguyễn Lữ lâm bệnh qua đời. Trong thời gian này, khi nghe tin quân Thanh giúp Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh từng sai người chở 50 vạn cân gạo ra giúp nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết.
[sửa] Sự giúp đỡ của người Pháp
Ngày 27 tháng 12 năm 1787, Pigneau de Béhaine rời nước Pháp cùng Hoàng tử Cảnh và trở lại Pondichéry để đợi sự chi viện từ phía chính quyền Louis, nhưng ngày 14 tháng 7 năm 1789 giai cấp tư sản Pháp đã làm cuộc cách mạng lật đổ triều đại phong kiến Louis, thiết lập nền cộng hòa tư sản. Chờ mãi mà không nhận được sự chi viện, giám mục Pigneau de Béhaine đã quyên góp tiền từ các thương gia có mưu đồ đặt cơ sở buôn bán ở Việt Nam cùng với số tiền 15.000 franc Pháp của gia đình mình cho, đem mua súng đạn và tàu chiến. Tháng 7 thì giám mục Pigneau de Béhaine cùng Hoàng tử Cảnh về đến Gia Định. Các hoạt động quyên góp sau này về tiền hay xây dựng, sửa sang thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa, huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện tập binh lính theo lối châu Âu,... đều có sự góp sức của những người Pháp mà do Pigneau de Béhaine chiêu mộ, kêu gọi.
Các hoạt động giúp đỡ Nguyễn Ánh về mặt quân sự của giám mục Pigneau de Béhaine không phải là sự trợ giúp chính thức của chính phủ Pháp mà chỉ là hành động tự nguyện của một nhóm người theo sự vận động cá nhân của giám mục. Thực tế này đã bị cuộc cách mạng 1789 ở Pháp biến thành một "sự nhập nhằng không rõ ràng" và những biến động liên tục của nước Pháp từ cuộc cách mạng này khiến hơn nửa thế kỷ sau nước Pháp luôn phải hoài nghi và nuôi hy vọng hão huyền về những quyền lợi tại Việt Nam mà họ nghĩ lý ra là họ phải được nhận. Chính phủ Pháp chỉ còn ghi nhớ hiệp ước 1787 và công cuộc trợ giúp của người Pháp đối với Nguyễn Ánh ở Việt Nam, ngoài ra không còn một bằng cớ xác đáng nào về vấn đề đó[4].
[sửa] Sự sụp đổ của nhà Tây Sơn
Sau khi chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung đang định chuẩn bị phối hợp với vua anh đem quân vào Nam đánh Gia Định thì đột ngột qua đời (1792), con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh. Nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên.
Năm 1793, Nguyễn Ánh đem quân đánh Nguyễn Nhạc. Vua Thái Đức cầu cứu Phú Xuân. Quang Toản sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng đem 17.000 quân và 80 thớt voi vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại đánh chiếm luôn đất đai của vua Thái Đức. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin cơ nghiệp của con mình là Quang Bảo bị chiếm mất uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản an trí Quang Bảo ra huyện Phù Ly và cai quản toàn bộ đất đai của vua bác.
Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn lại mâu thuẫn, các tướng tranh quyền. Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở (1795), Quang Toản không làm gì được. Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin bị nghi oan đành rút quân về, định cùng với Lê Văn Trung phế Quang Toản lập Quang Thiệu. Việc không xong, Quang Thiệu và Trung bị giết, Trần Quang Diệu hòa giải với Vũ Văn Dũng.
[sửa] Chiến thắng Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế
Biến loạn tạm thời dẹp yên nhưng đã làm chính quyền Tây Sơn suy sụp. Một bộ phận tướng lĩnh bất mãn đã bỏ sang theo Nguyễn Ánh. Ánh nhân thời cơ đó ra sức Bắc tiến.
Năm 1800, Nguyễn Ánh chiếm được Quy Nhơn, tướng Vũ Tuấn đầu hàng. Quang Toản sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem quân vào chiếm lại. Tướng của Nguyễn Ánh là Võ Tính tử thủ cầm chân hai danh tướng Tây Sơn trong hơn một năm. Năm 1801, Nguyễn Ánh nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc.
Đầu năm 1802, Tây Sơn chiếm lại thành Quy Nhơn, Võ Tính tự vẫn. Nhưng lúc đó Nguyễn Ánh đã ồ ạt Bắc tiến tới Nghệ An. Trần Quang Diệu vội mang quân ra cứu, bị quân Nguyễn chặn đường, phải vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Tới Nghệ An thì thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân bị bắt, Vũ Văn Dũng không biết trốn đi đâu[6].
Giữa năm 1802 Nguyễn Ánh tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và bị bắt. Nguyễn Ánh đã trả thù gia đình Quang Toản những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo[7]
Sau khi chiến thắng hoàn toàn quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế ngày 1 tháng 6 (âm lịch) năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long.
[sửa] Cai trị đất nước
[sửa] Các chính sách với người Pháp
Sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long và vẫn tiếp tục những biểu hiện tỏ ra thân mật với người Pháp. Ông trả công hậu hĩ cho những người đã từng theo giúp mình, một số sĩ quan người Pháp cũng được làm quan trong triều đình Huế với những ưu đãi đặc biệt. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo không bị cấm đoán và tự do đi truyền đạo khắp nơi. Về mặt hình thức vua Gia Long là người có những quan hệ tốt với nước Pháp, đối xử với họ như những kẻ phải mang ơn. Chính những biểu hiện đó khiến người ta thường đánh giá Gia Long trong bản chất Nguyễn Ánh, phê phán Gia Long về những hành động khi ông đang còn là Nguyễn Ánh. Do vậy, hình ảnh Gia Long trở nên không tốt đẹp vì sự tồi tệ mà Nguyễn Ánh đã tạo ra trong lịch sử dân tộc[4].
Gia Long mặc dù rất hậu đãi với người Pháp nhưng ông chỉ cho bổng lộc, chức tước mà không ban quyền hạn, do đó họ không chi phối được chính sự nhà Nguyễn. Nhà vua thường cảnh tỉnh các triều thần về mối đe dọa sự an nguy của quốc gia từ sự thông thương và truyền đạo của Pháp. Nhà vua đã nhiều lần tỏ ra rất hài lòng về việc trước kia không nhận được cứu viện của triều đình Louis XVI[8]. Ông vẫn giữ gìn không thắt chặt mối liên lạc chính thức cũng như các cam kết chính trị với chính phủ phương Tây để khỏi sa vào những lỗi lầm dẫn đến số phận như Ấn Độ[9].
[sửa] Các chính sách cai trị trong nước
Ông đã xếp đặt lại cơ cấu điều hành quốc gia, cho soạn bộ luật mới có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là "luật Gia Long"), do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ biên, bộ luật này gần như lấy nguyên mẫu là luật nhà Thanh cho nên nhìn tổng thể khá khắc nghiệt và không được tiến bộ như bộ Luật Hồng Đức của nhà Lê, thành lập Quốc Tử Giám ở kinh đô, ấn định học hiệu và các loại thuế. Công cuộc cai trị đất nước được thuận lợi sau khi thực hiện các việc lớn như: tổ chức triều đình gồm có lục bộ là: Lại, Công, Lễ, Hộ, Binh, Hình do thượng thư (tương đương nhự bộ trưởng ngày nay) đứng đầu và đô sát viện do Tả, Hữu đô ngự sử đứng đầu với hoạt động giống như của các cơ quan thanh tra, giám sát hiện nay; ông phân chia khu vực hành chính thành các tổng trấn (vùng), trấn (doanh), phủ, huyện, xã; ấn định quyền hạn các chức tước, lương bổng, văn võ theo các cấp bậc (cả văn và võ đều có chín bậc), tu soạn sách sử, văn truyện, địa lý (nổi tiếng nhất là Nhất thống địa dư chí), lập dinh Điền Sứ trông coi việc khai khẩn ruộng đất. Ở các trấn, ông cho lập kho dự trữ thóc để đề phòng mất mùa. Ông cũng cho thi hành chế độ tiền dưỡng liêm để phòng trừ tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại nhà Nguyễn.
[sửa] Phân chia hành chính
Nguyễn Phúc Ánh phân chia đất nước thành 2 tổng trấn: (Bắc Hà, Nam Hà), 2 vùng (miền Trung và Kinh kỳ). Cụ thể như sau:
- Tổng trấn Bắc Hà có 11 trấn là:
- 5 nội trấn: Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ, Sơn Tây.
- 6 ngoại trấn: Cao Bằng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Quảng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
- Tổng trấn Nam Hà có 5 trấn là: Biên Hòa, Hà Tiên, Phiên An (Gia Định cũ), Vĩnh Thanh (Vĩnh Long-An Giang), Vĩnh Tường.
- Vùng miền Trung có 7 trấn là: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận.
- Vùng Kinh kỳ có 4 doanh là: Trực Lệ Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế ngày nay), Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Trị.
[sửa] Việc truyền ngôi và gia đình riêng
[sửa] Việc truyền ngôi
Trong việc truyền ngôi, vua Gia Long đã không chọn đích tôn của mình (tức con của Hoàng tử Cảnh) vì sợ những ảnh hưởng của Pháp len đến tận ngai vàng. Mặc dù có nhiều đình thần phản đối nhưng ông vẫn chọn vị hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị. Hoàng tử Đảm vốn là người hay bài xích đạo Thiên Chúa và không có chút cảm tình nào với người Pháp. Gia Long đã dặn trong di chiếu rất rõ với Minh Mạng rằng hãy đối xử tử tế với người Âu nhưng hết sức cảnh giác trước các tham vọng của họ[4].
[sửa] Gia đình riêng
Trong dòng họ, ông ban dụ Quốc thúc Tôn Thất Thăng lo viêc gia huấn trong thân tộc, làm phả hệ Tôn Thất, đặt chức Tôn Nhân Lệnh, Tôn Nhân Phủ quản trị quốc tộc.
- Vợ
Ông không đặt hoàng hậu, mà chỉ cao nhất là hoàng phi. Các tước hiệu của các bà vợ nói dưới đây đều là được phong sau khi mất.
- Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, húy Tống Thị, con ông Thái Bảo Khuông Quận Công, huý Tống Phước Khuông và bà Quốc Phu Nhân Lê Thị. Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu băng hà năm 1814, hiệp táng tại lăng Thiên Thọ, làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
- Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, huý Trần Thị, con ông Lễ Bộ Tham Tri Trần Hưng Đạt. Bà băng hà năm 1846. Lăng của bà là Thiên Thọ Hữu, trong khu vực Thiên Thọ Lăng.
Hai bà đều tôn thờ tại Án Chánh Miếu ở Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
- Con cái
Vua Gia Long có 15 hoàng tử và 18 công chúa.
- Hoàng tử
|
|
- Công chúa
|
|
[sửa] Nhận định
Nguyễn Quang Trung Tiến có nhận xét về Nguyễn Ánh như sau:
- "Từ Nguyễn Ánh đến Gia Long - hai tên gọi của một con người - nhãn quan chính trị của ông đối với người Pháp có sự thay đổi rõ rệt. Trong hoàn cảnh mới của lịch sử, ở con người Gia Long chỉ có thái độ hòa dịu với người Pháp do phải biẻu hiện sự hàm ơn một cách miễn cưỡng, chứ hoàn toàn không có sự thỏa hiệp và bán rẻ quyền lợi quốc gia cho ngoại bang. Gia Long còn là người hết sức cảnh giác trước mưu đồ thâm nhập Việt Nam của tư bản Pháp và Tây Âu là người quyết tâm bảo vệ vẹn toàn lợi ích quốc gia - dân tộc trước sức ép của chủ nghĩa tư bản Pháp mà các chính sách của Minh Mạng là bằng chứng biện minh hết sức thuyết phục"[4].
Nguyễn Ánh là người có công khi thống nhất Việt Nam sau gần 300 năm chia cắt và chiến tranh kể từ thời Nam Bắc triều tới hết thời Tây Sơn (1533-1802).
Tuy nhiên, ông cũng là người bị hậu thế chê trách ở 2 điểm chính:
- Những lần thua trận ông đều cầu xin người ngoài vào giúp sức nhưng cũng là gián tiếp "đưa hổ vào nhà", gây ra hậu quả và tiền lệ xấu cho vận mệnh dân tộc: cầu cứu Xiêm, cầu cứu Pháp. Hành động của ông là hành động tiếp nối của Kiều Công Tiễn (cuối thời Tự chủ) - cầu Nam Hán, Ngô Nhật Khánh (đời nhà Đinh) - cầu Champa, Lê Chiêu Thống (cuối đời nhà Lê) - cầu Mãn Thanh[cần chú thích] (ai đưa ra nhận định?)
- Hận thù cá nhân của ông với nhà Tây Sơn quá mạnh nên khi thắng trận, ông đã trả thù quá tàn bạo những người thân Tây Sơn. Những câu chuyện về ông xử tử man rợ những người bại trận và đặc biệt là cho quật mồ anh em Nguyễn Huệ lấy đầu lâu giam vào ngục cho quân lính tiểu tiện lên đó đã để lại một tai tiếng xấu về một hoàng đế có công thống nhất nhất nước, mở đầu một triều đại mới.
Người ta thường bảo ông khắc nghiệt đối với công thần, đặt luật lệ với dân quá hà khắc, nhưng trong giai đoạn trung hưng lòng người ly tán, muốn lập kỷ cương, xếp việc cai trị mang lại an vui ấm no cho dân, nếu phép tắc không rõ ràng, thưởng phạt không nghiêm minh thì làm sao giữ được nước. Ngài đã nhìn xa thấy rộng khi lập Hoàng tử thứ tư lên kế vị, vì hiểu việc dựng nước đã khó nhưng việc giữ nước lại càng khó. Bởi thế không những ngài khôi phịc được nghiệp cũ, thống nhất đất nước mà còn sửa sang được mọi việc khiến nước ta trở thành một cường quốc trong vùng vào thời bấy giờ. Công nghiệp của ngài quả thật lớn lao.[10]
[sửa] Chú thích
- ^ Quốc hiệu "Việt Nam" có chính thức từ thời vua Gia Long, nhưng tên gọi này đã xuất hiện từ trước đó rất lâu, có thể từ cuối thế kỷ 14. Xem bài quốc hiệu Việt Nam.
- ^ Theo "Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ"
- ^ Quốc triều chánh biên toát yếu. Nhóm nghiên cứu Sử Địa xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.12
- ^ a b c d e Nguyễn Quang Trung Tiến. Hệ quả cuộc cách mạng 1789 đối với tiến trình thâm nhập Việt Nam của chủ nghĩa tư bản Pháp và "tấn bi kịch Gia Long". Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1 (23).1999
- ^ Nguyễn Phan Quang, tr. 82
- ^ Có thuyết nói Vũ Văn Dũng trốn thoát và ẩn náu ở vùng Tây Nguyên, sống đến 90 tuổi, mất vào đời Thiệu Trị (1841-1847)
- ^ Quang Toản bị 5 ngựa xé xác. Mộ của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã thành bột nhồi vào thuốc súng và bắn đi, sọ dừa bị bỏ vào vò và giam trong ngục. Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, Trần Quang Diệu do thờ mẹ già 80 tuổi có hiếu nên chỉ bị chém đầu...
- ^ Maybon.Histoire Moderne du Pays d' Annam. Paris.1919, tr. 398
- ^ Cao Huy Thuần. Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ quốc gia. Đại học Paris, 1988. tr. 49-50
- ^ Tôn Thất Bình Kể Chuyện Các Vua Nguyễn-Vua Gia Long IV
[sửa] Liên kết ngoài
Tiền nhiệm: Quang Toản (nhà Tây Sơn) |
Vua nhà Nguyễn | Kế nhiệm: Minh Mạng |
Chúa Nguyễn |
---|
Nguyễn Hoàng • Nguyễn Phúc Nguyên • Nguyễn Phúc Lan • Nguyễn Phúc Tần • Nguyễn Phúc Trăn • Nguyễn Phúc Chu • Nguyễn Phúc Chú • Nguyễn Phúc Khoát • Nguyễn Phúc Thuần • Nguyễn Ánh |
Vua nhà Nguyễn |
---|
Gia Long • Minh Mạng • Thiệu Trị • Tự Đức • Dục Đức • Hiệp Hòa • Kiến Phúc • Hàm Nghi • Đồng Khánh • Thành Thái • Duy Tân • Khải Định • Bảo Đại |