Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (viết tắt là GHPGVNTN) là tổ chức Phật giáo tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Mục lục |
[sửa] Lịch sử thành lập
Giáo hội hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Vì chính sách nhiều người cho là ưu đãi đạo Công giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, Phật tử miền Nam Việt Nam đã xuống đường đông đảo ủng hộ Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. Sự kiện Phật Đản, 1963 khi Phật tử ở Huế công khai trương cờ Phật giáo ngày 8 tháng 5 bất chấp lệnh cấm treo cờ là ngòi thuốc nổ cho một chuỗi xung đột liên tục giữa chính quyền và các hội đoàn Phật giáo. Nhiều vụ vây chùa và bắt bớ tăng ni xảy ra trong cơn "Pháp nạn". Đến ngày 11 tháng 6 thì Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách bất bình đẳng của chính phủ. Sự kiện này gây chấn động khắp trong và ngoài nước khiến chính phủ Ngô Đình Diệm bị mất tín nhiệm. Năm tháng sau phe quân nhân đảo chính. Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết.
Trong thời gian sôi động đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức khai sanh tháng giêng năm 1964 nhằm quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật giáo về một mối. Đại đa số các tổ chức Phật giáo miền Nam và miền Trung thuộc Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) lẫn Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) đều gia nhập Giáo hội. Chùa Ấn Quang tại Sài Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội.
Vì quan điểm trung lập chính trị, kêu gọi tái lập hòa bình tại Việt Nam, Giáo hội tuy được hoạt động đã gặp nhiều khó khăn với các chính phủ quân sự của tướng Nguyễn Khánh rồi Nguyễn Cao Kỳ trong những năm 1964-1967 và cả sau năm 1968 khi chiến tranh leo thang. Dù trong hoàn cảnh đó Giáo hội hoạt động mạnh trong cả hai lãnh vực Phật sự lẫn xã hội.
[sửa] Sinh hoạt xã hội
Sinh hoạt dân sự của Giáo hội là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa Phật giáo Việt Nam trong tinh thần nhập thế. Trường Đại học Vạn Hạnh thành lập năm 1964[1], nhà xuất bản Lá Bối cùng những trường trung tiểu học, cô nhi viện, bệnh xá và các tổ chức thanh thiếu niên Phật giáo là thành quả của Giáo hội.
[sửa] Phân hóa
Ngay từ giữa thập niên 1960 Giáo hội đã có sự rạn nứt trong giới lãnh đạo. Hàng giáo phẩm ngả thành hai khối: khối Ấn Quang và khối Việt Nam Quốc tự. Khối Ấn Quang (do Thượng tọa Thích Trí Quang và Đại đức Thích Nhất Hạnh lãnh đạo) có khuynh hướng thiên tả nên bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa thu hồi giấy phép pháp lý. Khối Ấn Quang từ đó hoạt động quyết liệt hơn trong việc ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Khối Việt Nam Quốc tự do Hòa thượng Thích Tâm Châu chủ trương thì chọn đường lối đấu tranh ôn hòa hơn.
[sửa] Thời kỳ 1975-1982
Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo hội bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tịch thu các cơ sở. Khối Ấn Quang mặc dù đã ủng hộ Mặt trận Giải phóng cũng không được chính quyền mới chiếu cố. Sang tháng 3 năm 1977 khi nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đòi trưng dụng Cô nhi viện Quách Thị Trang, Giáo hội phản kháng mạnh mẽ kêu gọi Phật tử xuống đường phản đối. Ban lãnh đạo Giáo hội cũng gửi thư đòi thực thi tự do tôn giáo. Chính phủ phản ứng với lệnh bắt giam sáu thành viên hội đồng trị sự, trong đó có Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, và Thích Thiện Minh. Để phản đối hành động áp bức này Đức Tăng thống Thích Đôn Hậu tuyên bố rút ra khỏi Mặt trận Tổ quốc và từ chức đại biểu Quốc hội[2][3].
Năm 1981, nhằm thống nhất các hệ phái Phật giáo, sau ba năm vận động chính phủ cho thành lập một tổ chức mới mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc[4]. Giáo hội Thống nhất không nhìn nhận tổ chức này và bị chính phủ giải tán. Ban lãnh đạo Giáo hội bị quản thúc và trụ sở tại chùa Ấn Quang bị giải tỏa. Mất trụ sở và nhân sự Giáo hội Thống nhất ngưng hoạt động hoàn toàn.
[sửa] Thời kỳ khôi phục
Bước sang thời kỳ Đổi Mới của thập niên 1990 tại Việt Nam, Đức Tăng thống Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Thiên Mụ hiệu triệu Phật tử Việt Nam toàn cầu khôi phục lại Giáo hội dưới hiến chương 1964. Hòa thượng Thích Huyền Quang tiếp nhiệm năm 1991 làm Đệ tứ Tăng thống lại càng phấn đấu để phục hoạt Giáo hội kể cả việc đối đầu với chính phủ. Giáo hội đòi hỏi toàn quyền hoạt động ngoài sự chỉ đạo của chính phủ. Vì đã mất cơ sở cũ, Giáo hội lấy tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, nơi trụ trì của Đức Tăng thống và thiền viện Thanh Minh ở Phú Nhuận, nơi trụ trì của Viện trưởng Viện Hóa đạo để điều hành sinh hoạt. Ngày 13 tháng 7 năm 2007 Giáo hội cũng đặt thêm Văn phòng II Hải ngoại tại California, Hoa Kỳ để điều hành nhiệm vụ ngoài nước.
[sửa] Tổ chức
Giáo hội được chia thành hai bộ phận: 1) Viện Tăng thống trông coi hàng giáo phẩm, có thể coi như ban nội vụ, 2) Viện Hóa đạo đảm nhiệm liên hệ với Phật tử, tức ban ngoại vụ. Hội đồng Lưỡng viện giám sát cả hai.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì Phật giáo Việt Nam thời hiện đại đã có bốn vị tăng thống. Địa vị tăng thống sau thời Pháp thuộc không còn do triều đình ban bố nữa mà do chính đoàn tăng già suy tôn là vị lãnh đạo Phật giáo.
- Đệ nhất Tăng thống (1964-1973) Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973)[5]
- Đệ nhị Tăng thống (1973-1979) Hòa thượng Thích Giác Nhiên (1878-1979)[6]
- Đệ tam Tăng thống (1979-1991) Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1991)[7]
- Đệ tứ Tăng thống (1991-) Hòa thượng Thích Huyền Quang (1919-)
[sửa] Xem thêm
[sửa] Chú thích
- ^ http://www.nguyenhuynhmai.com/default.asp?FAQID=2160&page=1
- ^ http://www.hrw.org/reports/1995/Vietnam.htm
- ^ http://www.tudamhaingoai.org/vbio.php?Level_ID=3&id=14
- ^ http://www.asia.msu.edu/seasia/Vietnam/religion.html
- ^ http://www.thuvienhoasen.org/danhtang1-giaidoan4-51.htm
- ^ http://www.quangduc.com/English/figure/17mostvengiacnhien.html
- ^ http://linhmu.com/httdh.htm
[sửa] Liên kết & Tham khảo
- http://www.wwrn.org/int.php?sec=52&con=31 Bản tin Tín ngưỡng Toàn cầu về Phật giáo Việt Nam Worldwide Religious News on Buddhism in Vietnam
- http://www.quangduc.com/lichsu/06pgvn1.html Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20
- http://www.vietfederation.ca/newsletters/tqdoeng.htm
- http://www.fva.org/0599/story08.htm Thông cáo Đại hội Kỳ 8 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
- http://www.hrw.org/reports/1995/Vietnam.htm Tường trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền 1995
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |