Ân Phú
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ân Phú là một xã thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh nằm bên bờ sông Ngàn Sâu - thượng nguồn Sông La - và dưới chân núi Mồng Gà. Ân Phú có tên từ thời Tự Đức, vốn là xã Trại Đầu thuộc huyện Hương Sơn, có thời kỳ chuyển sang thuộc huyện Đức Thọ. Ân Phú còn có các tên là Đồng Công và Đức Ân trong khoảng thời gian thập niên 1950, 1960. Nay thuộc huyện Vũ Quang từ khi thành lập huyện Vũ Quang năm 2000.
Ân Phú cũng là mảnh đất có nhiều di tích văn hoá về thờ cúng các vị thần linh, trong đó được các vua nhà Nguyễn phong sắc. Trong các vị thần nhân dân Ân Phú thờ phụng có 5 vị là người thực trong lịch sử đời nhà Trần, nhà Lê - gọi là nhân thần. Một là Lê Triều Hoàng Hậu, người họ Ngô đầu đời nhà Lê (7 sắc), hai là Trần triều Trạng nguyên Kim Tử Vinh Lộc đại phu (2 sắc), ba là tiền Lê đô chỉ huy sử Lê Ngọc Xán (1 sắc), bốn là Kim Quy Sơn Tiền Trần Trạng nguyên và năm là Tiền Lê Quốc tử giám giám sinh Lê tiên sinh đại lang.
Hiện nay, trên đất Ân Phú còn có 2 di sản văn hoá thờ cúng các vị thần hộ quốc giúp dân đã được các triều vua ban tặng đó là Đền Nhà Bà, hay gọi là Đền Vại, và Điện xóm Dênh dưới chân núi Mồng Gà. Còn các di danh những đền khác thờ các vị nhiên thần hộ quốc giúp dân hiển ứng trên núi Mồng Gà, đã được các vua nhà Nguyễn ban sắc tặng, các sắc này hiện đang lưu giữ tại Chùa Am (Đức Hoà-Đức Thọ), bao gồm 19 sắc phong.
Ân Phú là nơi chiêu dân lập ấp và lưu sống cuối đời của hai cha con nhà sử học Sử Hy Nhan và Sử Đức Hy, cha con ông có công khai khẩn lên một phần xã Ân Phú hiện nay. Hậu duệ của dòng tộc Trần do Sử Hy Nhan truyền lại (họ chính của Sử Hy Nhan) đang là một dòng họ lớn ở Ân Phú. Dòng tộc này đang thờ tự, quản lý hai ngôi mộ và gia phổ của hai cha con ông.
Ân Phú là quê hương của nhà thơ Huy Cận. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên của Việt Nam, giữ chức Thứ truởng Bộ Văn hóa, sau đó giữ chức Bộ trưởng đặc trách văn hóa-nghệ thuật. Ân Phú là làng quê mà nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu, khi còn sống, Ông cũng đã nhiều lần đặt chân đến Ân Phú để thăm làng quê này cùng với người bạn lớn của Ông là nhà thơ Huy Cận.
Một số bài thơ về Ân Phú (tên cũ là xã Đức Ân) đã được đưa vào trong các tác phẩm văn học.
- VỀ THĂM QUÊ XÃ ĐỨC ÂN[1]
- Huy Cận
- Về thăm quê xã Đức Ân.
- Êm êm đất cát bước lần bãi sông.
- Ngô non lá mướt màu nhung
- Mía ken san sát, khoai vồng rậm dây.
- Trống hồi trường học cấp hai
- Đàn em tan lớp như bầy bướm non.
- Qua từng ngõ gặp bà con
- Biết sau trận lụt hãy còn khó khăn.
- Nhưng bao công việc làm ăn
- Cũng lo thu xếp trong năm cả rồi.
- Quen tên nhưng chửa biết người
- Các em xúm xít nô cười hỏi han.
- Cụ già mời bát lạc rang
- Lâu năm gặp mặt bàn sang truyện Kiều.
- Ra về sau núi trăng treo
- Ai còn buộc đó chiếc diều tuổi thơ ...
- Hà Tĩnh, 1971.
[sửa] Chú thích
- ^ Nay lấy lại tên cũ là xã Ân Phú.
THĂM QUÊ
Huy Cận
Ai về Ân Phú quê Cha
Sông La uốn khúc, Mồng Ga núi gần
Ai về quê Mẹ quen chân
Tam Soa(*) bến cũ mấy lần đò xuôi
Bởi vì sao quê hương ơi !
Sông gương bóng núi, một đời vấn vương
Một đời mòn gót ngàn đường
Bước vào đầu xóm rưng rưng lệ nhòa.
(*) Bến Tam Soa: Linh Cảm