See also ebooksgratis.com: no banners, no cookies, totally FREE.

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Lang Công – Wikipedia tiếng Việt

Lang Công

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguyễn Danh Lang hoặc Nguyễn Danh Lương tên hiệu Lang Công quê ở trang Nam Trì (nay là thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) thuộc quận Giao Chỉ (có sách cho là Dương Tuyền) là tướng ba đời vua nhà Triệu nước Nam Việt, anh em kết nghĩa với Tể tướng Lữ Gia.

Mục lục

[sửa] Cuộc đời

Thời khởi đầu nhà Triệu nước Nam Việt, trang Nam Trì có một người là Nguyễn Tuyên 51 tuổi, vợ là Trần Thị Huyền 42 tuổi ở trang Đoài (Thổ Hoàng) bên cạnh, ăn ở trung hậu, thành phần phú nông vi bản chưa có con trai. Một hôm Nguyễn công than thở với bà Trần Thị: Nhà ta cả đời tích đức tu thân, đời đời làm ruộng, không bao giờ làm điều gian tà bất nghĩa mà hiếm hoi thế này, hay phải kêu cầu, Trời Đất mới cho con trai, được thế mới mãn nguyện. Sau đó lập đàn cầu tế ba ngày liền. Sau đó ít lâu, bà Trần Thị tựa lan can quán Ngọc Khê thiu thiu ngủ, mơ thấy có hổ vàng từ trên trời lao xuống nằm cạnh, bà quàng tay bắt được. Về nhà có mang 11 tháng, đến ngày 9/3 năm Nhâm Thân sinh hạ được một con trai có tướng mạo kỳ lạ, cao lớn khác thường, cằm én, đầu hổ, lưỡng quyền cao, chân tay dài, bụng có bảy sợi lông (có sách nói lòng bàn tay bàn chân đều có bảy sợi lông). Vì chiêm bao thấy hổ nên sau bách nhật đặt tên là Danh Lương, thường gọi là Lang (chữ Lương, Lang là một, có hai cách đọc, Lương nghĩa là lương thực, Lang nghĩa là lang sói). Nguyễn Danh Lương văn võ toàn tài, học vấn uyên bác; anh hùng cái thế, dũng lược quả đoán; giọng nói hổ gầm nhưng lòng dạ trong sáng.

Cùng thời, ở huyện Lôi Dương (huyện Thọ Xuân, Thường Xuân tỉnh Thanh Hoá) quận Cửu Chân (Thanh Nghệ Tĩnh) có hào trưởng họ Lữ Tạo (chữ Lữ, Lã là một, đồng nghĩa, có hai cách đọc) là người lương thiện, ăn ở phúc hậu làm nghề lang y có vợ tài sắc công dung là Trương Vĩ - con gái hào trưởng ở bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh). Năm ông 51 tuổi, một hôm hai vợ chồng trò chuyện: nhà mình phúc đức sinh được bảy đứa con trai nhưng xem chừng đều tầm thường, có lẽ chúng ta ăn ở còn có điều gì thiếu sót, phải làm lễ cầu Trời khấn Phật cho quí tử giáng sinh hẳn cũng là an ủi tuổi già. Thế rồi ông bà đến cầu tự ở núi Kiên Sơn huyện Kim Yến. Một thời gian sau, bà Trương Vĩ chiêm bao thấy rồng vàng hoá thành chim khổng tước chui vào bụng, bà túm được đầu rồi giật mình tỉnh dậy mới biết là chiêm bao. Bà liền lể lại với ông, ông bảo: nhà chiêm bao thấy điềm Trời báo ứng, nhà ta thế nào cũng được quí tử giáng sinh. Một trăm ngày sau bà có mang. 14 tháng sau, nhằm ngày 10/3 năm Tân Hợi sinh hạ được người con trai mặt mũi khôi ngô, kỳ vĩ, lông mày dài xanh như con tằm, mắt dài sáng như chim phượng, cằm đầy như cằm chim én, đầu tròn như hổ, tay dài chấm gối, bụng có bảy nốt ruồi hình chòm sao Bắc Đẩu, bàn chân có bảy sợi lông. Tròn bách nhật đặt tên là Gia. Gia đầy năm đã nói sõi, ba tuổi đã thông âm luật nên gọi là Bảo. Tám tuổi đi học tại trường của tiên sinh họ Dương ở khu Khổng Tước đã thông cả BÁCH GIA CHƯ TỬ. Dương tiên sinh thấy Bảo là thần đồng xuất thế, ắt là Thiên Thánh giáng trần nên gọi là Bảo Công và nói: nhà này có con trai thế này, thế nào ngài mai cũng lầm nên sự nghiệp hiển hách, trên đời hiếm có người như vậy. Bạn bè đều kính phục Bảo, Bảo nói: Nam tử mày râu nếu không có tài như Y, Lã, Quản, Nhạc (tướng tài thời thượng cổ) đời xưa, thà rằng da ngựa bọc thây còn hơn. Ba năm sau Dương tiên sinh qua đời, Bảo đành phải thôi học.

Tại quận Cửu Chân có tên họ Hàn hung nghịch, tàn bạo vốn là hào trưởng thấy Bảo chí khí hơn người nên muốn thu nạp làm tay chân. Bảo không chịu khuất phục nên gã họ Hàn này thâm thù, tập trung phường đầu trâu mặt ngựa đến cướp phá, hành hung, hãm hại gia quyến Bảo. Biết không thể sống được ở quê, toàn gia quyến đã chuyển đến huyện Thiên Thi. Khi đến Nam Trì thấy khu đất nơi ngã ba sông Kim Ngưu, Nguyệt Đức và khe nước chảy vòng chín khúc; trước sau có ấp, có làng nên ở lại lập quán ở đất ranh giới giữa hai khu có thế Phượng Hoàng Hàm thư hành nghề lang y giúp dân. Thấy dân ở đây thuần hậu lại yêu quý mình nên gia đình Bảo ở lại đây luôn. Là người ăn ở phúc đức nên những người nghèo đói cần chữa bệnh, Lã công đều dốc lòng cứu chữa mà không nhận tiền nên dân Nam Trì đối xử với ông ơn sau nghĩa nặng. Được một thời gian, nghe tin tên họ Hàn độc ác bị nhân dân căm thù giết chết, Bảo cùng gia quyến lại trở về quê. Được hơn tháng sau thì chẳng may phụ mẫu đều đột ngột từ trần. Các anh thì đã có gia đình, còn Bảo vẫn một thân một mình nên từ biệt các anh đến quê ngoại ở với người cậu là Trương Công Đàm. Được một năm, người cậu bị tên Đào Hoan giết chết. Bảo rất muốn trả thù nhưng thân cô, thế cô nên đành lánh mặt đi nơi khác.

Bảo đến tá túc tại chùa Thiên Quang ở châu Ô Lý (Hà Tĩnh, Quảng Bình), nuôi chí trả thù. Một hôm đi dạo trên núi Bằng Sơn (Hà Tĩnh), Bảo thấy một người con gái rất đẹp cùng mấy thị nữ dạo chơi, Bảo nghĩ: Tại sao nơi sơn cùng thuỷ tận lại có khách lầu trang như thể bầy tiên nữ thế kia. Bèn đánh bạo hỏi: Không ngờ may mắn gặp được nàng Tiên, biết đâu một lần gặp gỡ lại nên duyên Trời. Người con gái không trả lời, bầy tiên nữ kéo nhau xuống núi, khuất sau khu rừng rậm chẳng biết về đâu. Là người khí phách anh hùng nên chẳng mê trăng gió, má hồng nên Bảo quyết đi chiêu mộ hào kiệt bốn phương, trả mối cừu thù. Là người nghĩa hiệp, chí lớn nên đã chiêu mộ được vài trăm nghĩa binh. Thấy quân binh chưa đủ nên Bảo lại về Nam Trì để chiêu mộ các hào mục, chờ thời cơ khởi sự. Khi đến đầu làng thì chiều đã xế bóng chưa biết trọ nhà ai, Bảo bèn ở lại quán đầu làng xưa kia. Cả đêm hôm đó, mưa to gió lớn, chó cả làng đều ngửa mặt lên trời sủa, dân chúng cả làng đều mơ thấy một vị tướng đem mấy trăm quân về đóng doanh trại ở làng và phán rằng: Ta vốn là Thiên thần được quyền cai quản sinh mệnh của dân, nay ta đến đây, mọi người đến ta bảo cho đều hay lẽ phải. Dân đều sụp lạy và tỉnh dậy. Sáng ra mọi người đều kể lại giấc mơ và thấy như hệt như nhau nên đổ nhau ra quán đầu làng. Khi ra đến quán, mọi người nhìn thấy Bảo đang ngồi ở đó rồi. Thấy Bảo có dung mạo giống như vị tướng trong mơ nên mọi người cung kính hỏi: Ngài ở đâu đến. Bảo trả lời: Ta vốn trước kia đã từng ở đây chứ đâu phải người xa lạ. Dân bèn đón Bảo vào làng. Từ ngày về Nam Trì ở, dân làng được yên ổn, mạnh khoẻ; Bảo ra sức chiêu mộ quân sĩ, phủ dụ dân tình. Thấy Bảo là người tài chí khác thường, khoan dung độ lượng nên dân làng đều tâm phục, khẩu phục. Khi Bảo quay lại Nam Trì chiêu mộ quân sĩ ở quán đầu làng, gặp Nguyễn Danh Lang thì anh hùng tương ngộ, kết vi bằng hữu, tương ái tương thân, như tâm như phúc, nhất bào huynh đệ; sinh tử cùng nhau, đặt tên hiệu là Bảo Công và Lang Công. Hai người được nhân dân Nam Trì tôn kính, nghe theo. Một hôm Bảo Công tâm sự, than thở cùng Lang Công: ta nhớ ân tình của ông cậu bị tên Đào Hoan giết hại nên muốn rửa mối hận, trả thù cho cậu, chỉ hiềm thế lực còn yếu, chưa đủ sức đương đầu, may sao anh em mình kết nghĩa trông cậy nhau, như môi với răng, thế mới biết lộ trường trì mã lực (đường dài mới hay sức ngựa), chúng ta đã hiểu nhau thì bày mưu tính kế cho nhau. Nghe xong Lang Công bừng bừng nổi giận: chúng ta từ tình bạn thành tình nghiã anh em, thề đồng cam cộng khổ, sống chết chẳng sờn, em thề cùng anh quyết tâm rửa hận. Thế là hai anh em cùng lập doanh trại, nhất tâm báo thù và đã chiêu mộ trong làng, trong huyện được 459 quân sĩ.

Sau đó Bảo Công lại trở về Ô Lý, đem số quân đã chiêu mộ được về Nam Trì hội cùng quân sĩ do Lang Công thống lĩnh. Hai ông dẫn quân qua cửa sông Bạch Đằng. Chẳng ngờ khi buông thuyền lên bờ, trời xui đất khiến thế nào, hai ông lại gặp Đào Hoan đang hoành hành ở đó. Hai bên giao chiến, kết cục đã giết được Đào Hoan tại trận. Hai ông về Vũ Ninh tế lễ vong hồn người cậu xong liền khao thưởng quân sĩ rồi quay lại Nam Trì. Oai danh chấn động gần xa nên nhân dân kính nể, thần phục hai ông. Hai ông truyền cho quân sĩ và dân làng dựng lại quán đầu làng chỗ trước kia thân mẫu Lang Công tựa lan can chiêm bao tháy hổ vàng, rồi Bảo Công ngủ lại đêm đó làm trung tâm hội đồng, họp mặt. Hơn một tháng sau, anh em từ biệt, Bảo Công lại trở về Ô Lý. Lại nói về châu Ô Lý, cuối triều Hùng Vương có 1 chi phái lánh nạn nhà Triệu về đây làm chúa tể một phương, đứng đầu là Hùng Lã. Vị quân chưởng Hùng Lã có 1 cô con gái diệu vừa xinh đẹp lại vừa có võ lực, có tài săn bắn tên gọi Công chúa Lâu Lương. Bảo Công thì tiếng tăm lẫy lừng, dân lâm ấp kính phục; Công chúa Lâu Lương lại chưa tìm được người xứng đôi, vừa lứa. Nghe tiếng anh hùng mưu lược của Bảo Công nên Hùng Lã sai người mời đến mở tiệc trọng đãi. Thấy diện mạo Bảo Công, Hùng Lã thầm nghĩ đây là con người phi thường nên có ý gả con gái diệu cho nên nói với Bảo Công: Ngài từ muôn dặm tới đây, làm quí khách của vùng sơn cước này, ta muốn Ngài chọn người nâng khăn, sửa áo, chẳng hay ý Ngài thế nào ? Bảo Công lúc đầu từ chối, song thấy Hùng Lã khẩn khoản nên bèn nhận lời. Hùng Lã cho gọi con gái ra. Thật là nhân duyên Trời định, Công chúa Lâu Lương lại chính là cô gái yêu kiều như tiên nữ giáng trần mà Bảo Công đã gặp trên núi Bằng Sơn ngày nào. Thế rồi ngày lành tháng tốt, uyên ương đôi lứa một nhà, mặn nồng sớm tối. Rồi lại nhớ đất cũ quê xưa, Bảo Công xin Hùng Lã về quê, Hùng Lã cho mười chiếc thuyền để vợ chồng về quê và khen: Lòng người hiếu thảo khác gì vua Thuấn thương cha mẹ khóc giữa Trời cao lồng lộng. Một tháng sau thì về đến quê, bái yết gia tiên, thăm mộ mẹ cha, thăm hỏi anh em, họ hàng tình nghĩa hiếu chung.

Ở quê được năm, sáu tháng, Bảo Công lại nhớ đất xưa, người anh em kết nghĩa, dân Nam Trì nghĩa nặng tình sâu nên lại về khu đất Phượng Hoàng Hàm thư thăm Lang Công trong mười ngày. Khi ấy thân phụ Lang Công nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ, mũ áo chỉnh tề từ trên không bước xuống trước mặt mà phán rằng: Nhà họ Nguyễn phúc hậu nên thiên đình cho nhân tài giáng sinh giúp nước. Bảo Công, Lang công tuy mỗi người sinh ra mỗi nơi nhưng chí khí thì giống nhau, cho nên vừa là bạn bè vừa là anh em; rồi đây cá gặp nước, rồng gặp mây, cả hai người gặp vận thời, hiển hách công danh. Ông già nói chưa dứt lời, thì ông tỉnh dậy và mời Bảo Công vào, ân cần nói: anh với em nó, kết bạn bè bằng hữu, xem nhau như anh em ruột một nhà, đồng cam cộng khổ, sống chết một lòng, lão nhờ vào hai anh em đấy. Hai anh em đi xem địa thế, bèn truyền lập doanh trại ở giữa khu, chỗ kiểu đất rốn rồng rất quí, làm nhà hội đồng họp bàn việc nước.

[sửa] Sự nghiệp

Khi Triệu Vũ đế (hay Vũ vương tức Triệu Đà từ 197-137 TCN) chết, Triệu Văn đế (hay Văn vương tức Triệu Hồ hoặc Triệu Mạt, Triệu Muội, con của Trọng Thuỷ) nối ngôi (136-125 TCN) đã lệnh cho các châu, huyện đề cử người hiền lương đoan chính, văn võ toàn tài, học vấn uyên bác ra giúp nước. Bảo Công, Lang Công đều trúng. Đến khi vào Triều bệ kiến, ứng đối trôi chảy, nhà vua khen ngợi bèn phong Bảo Công chức THỊ TỤNG THAM QUAN (quân sư), Lang Công chức ĐIỂN QUÂN (hoặc ĐIỂN BINH tức trông coi việc binh). Bảo Công là người có công sắp đặt lại kỷ cương trật tự triều chính nên năm Văn vương thứ 6, Bảo Công được phong làm TỂ TƯỚNG; Lang Công được cử đốc lĩnh Ái Châu, Hoan Châu ba đời vua Triệu (Văn vương, Minh vương, Ai vương). Thời kỳ này, quân thần hiệp đức nên thiên hạ được thái bình, nhân dân thì phú túc.

Văn vương chết, Minh vương (124-113) nối ngôi. Minh vương rất ưu đãi Bảo Công, Lang Công, hai họ của hai ông có hơn bốn mươi người làm quan. 11 năm sau, Minh vương chết, Thái hậu Cù Thị (người Hán) không đưa con trai cả Kiến Đức (con vợ cả người Việt) mà đưa Triệu Hưng nối ngôi hiệu là Ai vương (113-112 TCN). Ai vương nhỏ tuổi nên Cù Thị nhiếp chính. Hán Vũ đế (Lưu Triệt hoặc Lưu Thông, 141-87 TCN) hoàng đế thứ 5 của triều Tây Hán thấy nước Nam Việt yếu muốn sát nhập vào Tây Hán nên cử tướng An quốc Thiếu Quý người Bá Lăng sang tư thông với Cù Thị để mẹ con Ai vương dâng Nam Việt cho Tây Hán. Cù Thị nhiều lần khuyên quân thần xin nội phụ Tây Hán nhưng Bảo Công không nghe. Mẹ con Ai vương tư thông Tây Hán hãm hại Bảo Công nhưng không thành.

Bảo Công là Tể tướng lại đông con cháu, thông gia với các bậc đế vương, người trong tôn thất và cả với Tần vương quận Thương Ngô nhà Hán nên rất có quyền uy. Ông là người nắm chính trường Nam Việt thời gian này. Ông được lòng dân hơn Vua và Thái hậu, nhiều lần can ngăn mẹ con Ai vương không được nên ra tuyên cáo: Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu vốn là người Hán lại cùng sứ giả người Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ vào nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem nhiều người đến Trường an để bán làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái hoài gì đến xã tắc họ Triệu, lo kế muôn đời. Thấy vậy, nhà Hán dùng tiền vàng mua chuộc cận thần nhà Triệu là Ngô Quyền và Lý Ước, vu cho Bảo Công, Lang Công có âm mưu phản quốc. Vì vậy, Lang Công bị giáng chức làm huyện lệnh Thiên Thi, Bảo Công bị giáng chức làm huyện lệnh Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phúc). Khi Lang Công, trên đường về làm huyện lệnh Thiên Thi, đến Nam Trì thì trời mưa gió mịt mùng, có tiếng hổ gầm và Ngài đã hoá ở đây ngay hôm đó.

Do vậy, Bảo Công quyết làm binh biến, giết Ai vương, Cù Thị. Tháng 11 năm 112 TCN, Bảo Công tôn con trưởng của Văn vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức lên làm vua, hiệu Triệu Dương Vương (Vệ Dương Vương) và tâu Kiến Đức Dương vương phong cho Lang Công làm THƯỢNG ĐẲNG THẦN và cùng dân làng dựng miếu, lập đền thờ phụng.

Bảo công làm binh biến, nhà Hán liền cử tướng Hàn Thiên Thu và em Cù Thị sang đánh Nam Việt. Khi Hàn Thiên Thu cách Phiên Ngung 40 dặm, Bảo Công xuất quân giết được Hàn Thiên Thu. Hán vương bèn hạ lệnh ba tướng dẫn ba đạo quân từ ba hướng tiến về Phiên Ngung và đánh Nam Việt.

Bảo Công phải rút về Phong Châu cố thủ, truyền hịch chiêu mộ quân sĩ ở các vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thao Giang, Đà Giang và Sơn Nam, tấn công kinh thành làm quân Hán thua nhiều trận. Năm 111 TCN, Nhà Hán tập hợp lại được hai mươi vạn quân bao vây thành gọi Kiến Đức Dương vương, Bảo Công ra hàng. Kiến Đức Dương vương, Bảo Công mở thành giao chiến với quân Hán nhưng không được nên phải bỏ thành rút về Sơn Tây. Đến huyện Đà Giang, tướng nhà Hán là Hiếu uý Tư mã Tô Hoằng bắt được Kiến Đức Dương vương. Bảo Công quay lại vùng núi cao Tuyên Quang lập doanh trại, truyền hịch cáo dụ quân sĩ ở các vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá tiếp tục chống quân Hán và xây thành Phong Châu cố thủ.

Lộ Bác Đức lại dùng tiền bạc, mua chuộc, dụ dỗ tỳ tướng của Bảo Công là Chu Năng để làm nội phản, hứa nếu phản được Bảo Công thì cho trị nhậm nước Nam mãi mãi. Chu Năng nội phản, hai bên giao chiến ở Bạch Lưu, Lô Giang, quan lang Việt là Tôn Đô (Đô Kê) bao vây và chém được đầu Bảo Công. Ngài thét lên một tiếng rất to, trời đất bỗng tối mịt mùng, sấm sét nổi lên dữ dội, mưa gió ầm ầm, quân Tây Hán hãi hùng bỏ chạy. Không đầu, thân vẫn trên lưng ngựa Ngài chạy về Tuyên Quang và đi các xứ có thuộc hạ của mình.

Tại tư gia, nghe thấy tiếng Bảo Công gọi vang vang trên không trung: ta bị tên tỳ tướng Chu Năng câu kết nhà Hán phản bội, ta chết trận ngày 10/4 rồi. Công chúa Lâu Lương nức nở, thương xót, đã chiêu mộ được năm trăm thuộc hạ của ông và nghĩa binh. Bà cải trang thành con trai, dẫn quân đến Phong Châu thì gặp Chu Năng và quân Hán đóng đồn ở đây. Khi hai bên giao chiến, trời đất bỗng tối mịt mùng, Bảo Công lại dẫn quân từ trên trời đánh xuống chửi rủa thậm tệ, chém chết Chu Chu Năng. Quân Hán tan dã, bà tiếp tục truy kích chém được vài trăm đầu nữa. Thần tướng, Thần binh của Bảo Công cũng biết mất.

Tại trang Nam Trì, dân làng thấy Ngài phi ngựa về đến chỗ dựng miếu sau này thì dừng lại, nhân dân kéo đến sụp lạy, Ngài phán rằng: duệ hiệu của ta là Trung Thiên Bảo Quốc cứ thế mà thờ. Dân làng Nam Trì bái lĩnh lệnh Ngài. Lúc đó, trời đất bỗng tối sầm, tiếng sấm ầm vang. Rồi vẫn trên lưng ngựa, Ngài về trang Động Phi, phủ Ứng Thiên, xứ Sơn Nam gặp một bà cụ già, Ngài hỏi: người chỉ có mình không có đầu liệu có sống được không? Cụ già nói: Tôi chỉ biết người nào hoàn toàn thân thể mới sống được, có thân mà không có đầu thì sống được cũng khó. Thế là Ngài thét lên ba tiếng và than thở. Trời đất bỗng tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội, Ngài lao xuống đất mà hoá nhằm ngày 1/12. Dân làng nơi Ngài hoá đã an táng, lập mộ, lập đền thờ Ngài bên sông. Dọc đường, ngựa của Ngài đến đâu, có máu hồng thấm xuống đất là nơi ấy dân lập miếu thờ Ngài. Dân Nam Trì đã thờ Ngài trong đền thờ Đức Lang Công.

Còn về Công chúa Lâu Lương, đã cưỡi ngựa đi các xứ để tìm thi hài Ngài, khi đến chỗ mộ phần cũng gieo mình xuống sông tự tử. Dân làng đưa Công chúa vào miếu thờ chung với Ngài. Còn các tướng sĩ của Ngài quê Nam Trì thì về quê tế lễ Ngài xong đều tự vẫn trên bờ sông Kim Ngưu. Dân làng đưa xác về chôn chung tại bên phải đền thờ hai vị Tướng và dựng miếu riêng để thờ.

[sửa] Nhận định

Theo ngọc phả Thần tích của Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính: Đến đời Ai vương thì triều chính suy tàn. Một hôm Ai vương ngồi trên điện Thái Hoà thấy đám mây đen hình con chó bay từ phía tây bắc về, bèn hỏi thị vệ, song không ai biết là điềm gì, Bảo Công bèn trả lời: Đây là điềm Trời báo sắp có tai biến, hiện Hán Vũ đế đang gây chiến với các nước láng giềng và sẽ xâm lăng nước Việt ta, Bệ hạ nên cho tăng cường phòng thủ biên thuỳ, đề phòng bất trắc. Bọn Lý Ước lại tâu với vua là nước Hán thì ở xa, lại có núi Ngũ Lĩnh án ngữ nên không sợ nhà Hán xâm lăng. Sau đó nhà Hán cử hai tướng Lộ Bác Đức và Dương Bộc đưa năm đạo binh, hai mươi vạn quân. Quân thuỷ qua sông Lục Đầu và cửa biển Thần Phù, tiến vào châu Ái, châu Hoan. Quân bộ qua đường núi xâm lăng Nam Việt. Bảo Công cầm quân đường bộ, Lang Công cầm quân đường thuỷ đến châu Đại Điền hội quân, đánh cho quân Tây Hán thua hơn mười trận. Thấy vậy, Lộ Bác Đức tâu với nhà Hán: nước Nam Việt chỉ có Bảo Công, Lang Công hai tướng tài, mưu lược trí dũng như Thánh như Thần, quân ta khó mà thắng được. Kế tốt nhất là dùng mưu chứ không thể dùng vũ lực. Lộ Bác Đức bèn sai quân mang nghìn nén vàng đến đút lót bọn cận thần của Ai vương, dùng kế ly gián vua tôi. Bọn gian thần Ngô Quyền, Lý Ước tâu Ai vương: Hai tướng Bảo, Lang bắt được tướng Hán lại tha không giết là vì có âm mưu phản quốc, giảng hoà với nhà Hán.. Ai vương nổi giận, triệu hai ông về triều, giáng Lang Công làm huyện lệnh Thiên Thi, Bảo Công làm huyện lệnh Phong Châu. Lang Công về triều thấy Ai vương tín nhiệm bọn gian thần liền vâng lệnh làm huyện lệnh Thiên Thi. Khi dẫn quân về đến quê Nam Trì thì trời mưa gió mịt mùng, có ba tiếng hổ gầm và Ngài hoá ngay hôm đó. Thuộc hạ của ông bèn tâu triều đình việc ông đã hoá. Tuy cả giận nhưng xét ông có công lớn, Ai vương vẫn phong ông làm Phúc thần và truyền cho dân Nam Trì thờ phụng.

Còn Bảo Công về làm huyện lệnh Phong Châu quân Hán không dám xâm phạm. Sau đó, Bảo Công tôn con trưởng của Văn vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức lên làm vua, tâu Kiến Đức Dương vương phong cho Lang Công làm THƯỢNG ĐẲNG THẦN và về Nam Trì cùng dân làng sửa miếu lập đền thờ phụng. Phụ mẫu của Lang Công thấy Bảo Công về bái yết từ đường thì rất đau buồn nên hoá cùng một tháng (Nguyễn công hoá ngày 10/7). Bảo Công làm lễ an táng trọng thể và trở lại Phong Châu. Biết đã ly gián được vua tôi nên nhà Hán lại mang quân xâm lăng và Ai vương phải tự vẫn. Rồi sứ giả nhà lại tư thông với Cù Thái hậu, Bảo Công bèn truyền hịch chiêu mộ quân sĩ ở các vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thao Giang, Đà Giang và Sơn Nam được hơn 2000 tấn công thẳng vào dinh luỹ quân Hán chém được hơn nghìn đầu, buộc quân Hán phải rút lui. Lộ Bác Đức lại dùng tiền bạc, phẩm tước mua chuộc, dụ dỗ tỳ tướng Chu Năng của Bảo Công để làm nội phản. Quân Hán và Bảo Công giao chiến ở Bạch Lưu, Lô Giang. Chu Năng nội phản, dẫn quân mai phục ở núi Thiết Sơn. Không địch được quân Hán, Bảo Công rút về núi Thiết Sơn, thấy Chu Năng cùng quân Hán bao vây bốn mặt, lại phải rút về thành Dương Châu. Quân Hán lại truy kích, bao vây thành, quân lính tan rã chỉ còn vài chục thuộc hạ thân tín. Hai bên đánh nhau giáp mặt, ngựa của ông không thể tiến được, ông múa siêu đao chém được một tên tướng và mười tên lính, phá được vòng vây. Song quân Hán lại tràn lên, tiếp tục bao vây. Suốt một ngày giao chiến, người ngựa rã rời, đơn thương độc mã, ông đánh rơi siêu đao nên bị viên tướng Hán chém một nhát gươm vào cổ.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Gia nhiều lần dâng thư can vua, vua không nghe, nhân thế có lòng muốn làm phản, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều chú ý đến Gia, nhưng thế chưa thể giết được. Vua và thái hậu cũng sợ bọn Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết bọn Gia. Bèn đặt tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu bảo Gia rằng: "Nam Việt nội thuộc (Tây Hán) là điều lợi cho nước, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện là tại sao?", cốt để chọc tức sứ giả. Sứ giả còn đương hồ nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm Gia, vua ngăn lại. Gia bèn ra chia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả, ngầm cùng các đại thần mưu làm loạn. Vua vốn không có ý giết Gia, Gia cũng biết thế, vì vậy đến mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Gia nhưng sức không làm nổi"."...em Gia làm tướng" phải chăng chính là Lang Công. Vì lẽ, Bảo Công có 7 anh trai nhưng đều "tầm thường" nên phải cầu tự mới sinh ra Bảo. Còn Lang Công là người "học vấn uyên bác, văn võ toàn tài" cơ mà.

[sửa] Đền thờ

Lang Công bị giáng chức làm Huyện lệnh Thiên Thi; Bảo Công bị giáng chức làm Huyện lệnh Phong Châu. Khi về đến Thiên Thi nhận chức thì chết. Do có công và do Lữ Gia trình nên Ai Vương vẫn phong Thần cho Lang Công và cho dân Nam Trì lập đền thờ. Đến khi Lữ Gia chết, dân đã thờ cùng với Lang Công. Sau này còn thờ cả Cao vương Thiên tử - Cao Biền, Thánh địa lý Tả Ao - Vũ Đức Huyền cùng Công chúa Hùng vương Lâu Lương (phu nhân của Tể tướng Lữ Gia) cùng hai vị phu nhân của Cao Biền là Lữ Lương, Lự Lương .

[sửa] Tham khảo

[sửa] Xem thêm


aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -