Hồ Tây
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hồ Tây – hay còn có tên hồ Mù Sương (Dâm Đàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), Đầm Xác Cáo,Tây Hồ;– là một hồ lớn nhất ở nội thành Hà Nội (với diện tích hơn 500 ha). Con đường đi vòng quanh hồ dài tới 17 km. Hồ nằm ở phía tây bắc Hà Nội. Có giả thuyết cho rằng hồ là một đoạn sông Hồng cũ còn sót lại sau khi sông đã đổi dòng.
Mục lục |
[sửa] Nguồn gốc tên gọi
Đã xuất hiện nhiều truyền thuyết về hồ và tên gọi của hồ.
- Theo truyện "Hồ Tinh"[1] thì hồ có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo vì truyện kể là có con cáo chín đuôi ẩn nấp ở đây làm hại dân. Long Quân dâng nước lên phá hang cáo, cáo chết nôn ra nước thành hồ tây bây giờ.
- Theo truyện "Khổng Lồ đúc chuông"[2] thì hồ lại có tên là Trâu Vàng. Truyện kể rằng ông Khổng Lồ có tài thu hết đồng đen của phương Bắc đem đúc thành chuông. Chuông đánh lên tiếng vang sang bên Bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền chạy đi tìm mẹ. Tới đây nó quần thảo mãi khiến chân bị chảy máu thành hồ tây
Theo sách xưa ghi chép thì thế kỷ 11, hồ này mang tên hồ Dâm Đàm (đầm Mù Sương). Tới thế kỷ 18 thì đã gọi là Tây Hồ.
[sửa] Di tích lịch sử văn hóa
Hồ Tây từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng. Từ thời Lý-Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thuý Hoa đời nhà Lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An.
Xung quanh hồ cũng có nhiều di tích văn hoá, lịch sử như
- làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ Bà huyện Thanh Quan với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo;
- làng Nhật Tân với chùa Tào Sách và nghề trồng hoa đào, quất cảnh nổi tiếng;
- làng Xuân Đỉnh với đền Sóc thờ Thánh Gióng;
- làng Xuân La với chùa Thiên Niên (Thiên Niên cổ tự) thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô thứ phi của vua Lê Thánh Tông;
- làng Kẻ Bưởi (An Thái) với nghề làm giấy (giấy dó) cổ truyền, với đền Đồng Cổ (hiện nằm trên đường Thụy Khuê) nơi bách quan hội thề đời nhà Lý;
- làng Thuỵ Khuê với chùa bà Đanh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc,
- phủ Tây Hồ nổi tiếng là thắng cảnh không chỉ của quận Tây Hồ mà còn của cả Thăng Long ngàn năm văn hiến.
- Đường Thanh niên: Trước gọi là đường Cổ Ngư, hình thành từ một con đê hẹp đắp ngăn một góc Hồ Tây. Năm 1957 - 1958 theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường được thanh niên học sinh Hà Nội lao động trong những ngày thứ bảy cộng sản mở rộng như ngày nay, sau đó con đường được đổi tên thành Đường Thanh Niên. Vào những ngày đẹp trời, rất đông người dân Hà Nội đi dạo quanh hồ hoặc chèo thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp.
- Trường Chu Văn An
[sửa] Hồ Tây trong thi văn
[sửa] Ca dao
-
- Gió đưa cành trúc la đà
- Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
- Mịt mù khói tỏa ngàn sương
- Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
[sửa] Câu đối
Trên một cổng làng Yên Thái tại phía đường Thụy Khuê còn một đôi câu đối:
- Mỹ tục thuần phong, vĩnh chiếu Tây hồ minh kính
- Thiện ngôn hảo sự, trường lưu mạt lị danh hương
(Tạm dịch: Mỹ tục thuần phong mãi mãi chiếu trên gương nước hồ Tây, Lời hay việc tốt lưu truyền dài lâu như hương thơm của hoa nhài).
[sửa] Xem thêm
- Hồ Trúc Bạch
- Phủ Tây Hồ
- Đền Sóc thờ Thánh Gióng
- Chùa Thiên Niên
- Làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy dó cổ truyền
- Đền Đồng Cổ
- Làng Thụy Khuê với chùa Bà Đanh
[sửa] Tham khảo
- Sổ tay văn hoá Việt Nam, Đặng Đức Siêu, Nhà Xuất bản Lao Động 2006
[sửa] Liên kết ngoài
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |