Trịnh Khải
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trịnh Khải | |
---|---|
Tên húy | Trịnh Khải |
Sinh | 1763 |
Mất | 1786 |
Cầm quyền | 1782 - 1786 |
Thời vua | Lê Hiển Tông |
Đoan Nam Vương Trịnh Khải (1763 - 1786) là vị chúa thứ 11 của dõng dõi chúa Trịnh, cầm quyền từ năm 1782 tới năm 1786, ở giai đoạn tan rã của tập đoàn phong kiến họ Trịnh.
Mục lục |
[sửa] Thân thế
Trịnh Khải còn có tên khác là Trịnh Tông, là con trai cả của Thánh tổ Thịnh vương Trịnh Sâm với một cung tần tên là Dương Thị Ngọc Hoan, người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Chị của Ngọc Hoan là ái phi chúa Trịnh Doanh, cha của Trịnh Sâm, nhờ vậy bà cũng được đưa vào cung, song không được chúa đoái thương.
Một đêm nọ, Ngọc Hoan mơ thấy có thần cho tấm vải có vẽ hình đầu rồng, bèn nói với hoạn quan Khê Trung Hầu, hai người đều cho rằng đấy là điềm báo sinh ra con thánh. Trịnh Sâm sai Khê Trung Hầu gọi cung tần Ngọc Khoan, nhưng Khê Trung hầu vờ nghe nhãng tai, sắp xếp đưa Hoan vào thay cho Khoan hầu hạ chúa. Chúa biết mà không nỡ đuổi ra. Sau đó, Ngọc Hoan đã có mang, sinh ra Khải năm 1763.
[sửa] Giành giật ngôi vị
Khải lớn lên khôi ngô, tuấn tú nhưng chúa không hề yêu quý do chúa cũng không yêu Ngọc Hoan. Hơn nữa, Trịnh Sâm cho rằng, giấc mơ rồng là điềm làm vua, nhưng rồng vẽ không phải là rồng thật, lại không có đuôi, ắt là cơ nghiệp không bền. Trịnh Sâm không muốn phong cho Khải làm thế tử, việc học tập được giao cả cho các quan; đến khi Khải đủ tuổi ra ở riêng, chúa cũng lờ luôn.
Tuyên phi Đặng Thị Huệ là người được chúa yêu chiều, sinh được con trai Trịnh Cán năm 1777. Vì thế lực của Tuyên phi, nhiều triều thần ngả theo, thế lực rất lớn. Tuyên phi muốn giành ngôi Thế tử cho con trai, khiến nội bộ triều đình chia rẽ, một bên là phe Trịnh Cán, bên kia là phe Trịnh Khải.
Khải biết được âm mưu của Đặng Thị Huệ, lại nghe tin Trịnh Sâm có bệnh, sợ cha chết mà Tuyên phi ở gần thì mình sẽ bị gạt ra ngoài, bèn chiêu binh làm binh biến. Mọi việc bị bại lộ, Khải bị Sâm truất làm con út, cho là đứa con bất hiếu, một loạt triều thần ủng hộ Khải bị xử tử. Đó chính là Vụ án năm Canh Tý (1780) liên quan tới một loạt đại thần. Sau đó, do tác động Đặng Thị Huệ cùng nhiều quan lại, Trịnh Sâm lập Cán làm thái tử khi Cán được 5 tuổi [1]. Quận Huy được dùng làm thày dạy cho Cán.
Năm 1782, bệnh trĩ của Sâm nặng thêm và qua đời. Thị Huệ cùng với Quận Huy Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi chúa, chính là chúa thứ 10 Điện Đô vương Trịnh Cán khi mới được 5 tuổi, dùng Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Bọn binh lính tam phủ, đứng đầu là Dự Vũ, nổi loạn, giết chết Hoàng Đình Bảo và truất ngôi Cán, đưa Khải lên thay, tức là Đoan Nam Vương. Ít lâu sau Cán qua đời.
[sửa] Chết theo cơ nghiệp
Khi Trịnh Khải lên ngôi, bọn kiêu binh có công tôn phò trở nên lộng hành khắp nơi, đập phá cướp bóc không chỉ nhà dân mà cả nhà các quan lại làm trái ý, khiến dân chúng vô cùng lo sợ.
Một thủ hạ của Hoàng Đình Bảo là Nguyễn Hữu Chỉnh không chịu theo Trịnh Khải, bỏ vào nam theo Tây Sơn để mượn quân báo thù. Vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc tin dùng Chỉnh. Chỉnh hiến kế đánh Thuận Hoá, Nguyễn Nhạc nghe theo, sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng Chỉnh mang quân bắc tiến.
Chiếm được Thuận Hoá, Chỉnh lại xui Nguyễn Huệ bắc tiến để đánh ra Thăng Long, diệt họ Trịnh. Nguyễn Huệ dù chưa có lệnh của Nguyễn Nhạc, vẫn cùng Chỉnh đánh ra bắc.
Tháng 6 năm 1786, nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy kéo ra Bắc Hà, lấy danh nghĩa Diệt Trịnh phù Lê. Quân Trịnh chỉ chống cự một cách yếu ớt, các tướng như Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Lệ rút chạy lên phía Bắc. Trịnh Khải phải mặc nhung phục, ngồi lên voi, cầm cờ lệnh trực tiếp chỉ huy, song quân sĩ lúc đó đã mất hết nhuệ khí nhanh chóng tan rã. Trịnh Khải một mình chạy lên Sơn Tây, đến nhờ văn thần Lý Trần Quán ở xã Hạ Lôi.
Trần Quán lại nhờ học trò Nguyễn Trang, nói dối là giúp tham tụng Bùi Huy Bích. Trong khi hành lễ, Trịnh Khải và Quán để lộ chân tướng chúa tôi, Trang nhận ra ngay là chúa Trịnh, bèn bắt trói, đem nộp cho quân Tây Sơn[2]. Lý Trần Quán ân hận vì đã làm chúa bị bắt liền tìm đến cái chết, tự chui vào quan tài, nhờ người nhà chôn cất.
Trên đường bị áp giải dừng lại ở quán nước, Trịnh Khải vớ con dao trên bàn đâm cổ tự vẫn. Dao vừa đâm vào cổ, vết thương chưa sâu, người áp giải vội giằng lấy con dao, ông bèn lấy ngón tay chọc vào cổ mà xé vết thương rộng ra để chết. Sau đó ông được Nguyễn Huệ khâm liệm tống táng chu đáo. Năm đó Đoan Nam vương 24 tuổi, ở ngôi chúa được 4 năm, đúng như dự liệu của Trịnh Sâm, cơ nghiệp không bền.
Sau khi Trịnh Khải chết, nhân lúc Tây Sơn rút về, phe cánh họ Trịnh bèn tìm lập bác Trịnh Khải là Trịnh Bồng làm chúa nhưng chẳng bao lâu thì lại bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp, chính thức chấm dứt nghiệp họ Trịnh.
[sửa] Chú thích
- ^ Ở đây đều tính theo tuổi ta
- ^ Trang theo Tây Sơn, được giữ chức Trấn thủ Sơn Tây, tước Tráng Liệt hầu
[sửa] Xem thêm
- Nhà Hậu Lê
- Chúa Trịnh
- Trịnh Sâm
- Trịnh Cán
- Hoàng Đình Bảo
- Nguyễn Hữu Chỉnh
- Nhà Tây Sơn
- Nguyễn Huệ
- Ngô Thì Sĩ
- Ngô Thì Nhậm
- Vụ án năm Canh Tý
Chúa Trịnh |
---|
Trịnh Kiểm • Trịnh Tùng • Trịnh Tráng • Trịnh Tạc • Trịnh Căn • Trịnh Cương • Trịnh Giang • Trịnh Doanh • Trịnh Sâm • Trịnh Cán • Trịnh Khải • Trịnh Bồng |