Sông Tô Lịch
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sông Tô Lịch chảy trong địa phận Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua quận Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Tên sông tương truyền lấy từ tên một vị thần sống vào thời nhà Tấn đô hộ xứ Giao Chỉ. Đến thời nhà Đường, nơi đây là vị trí xây dựng thành Đại La.
Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ. Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn giữa thế kỷ 19) có viết: "Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ."
Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi, nay đã bị lấp, chỉ còn lại một vài dấu tích như ở Thụy Khuê. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: từ Cầu Gỗ ngược lên (cống chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt bắc thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ.
Sông Tô Lịch là một sông cổ của Thăng Long. Ngày trước, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sách và chống lấn chiếm.
[sửa] Sông Tô Lịch trong văn học dân gian
- Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
- Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
- Sông Tô nước chảy quanh co
- Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya
- Sông Tô nước chảy trong ngần
- Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa
- Thon thon hai mũi chèo hoa
- Lướt đi lướt lại như là bướm gieo
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |