Lý Quốc Sư
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Xem các mục từ có tên tương tự tại bài Lý Quốc Sư (định hướng)
Lý Quốc Sư hay thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không (15 tháng 10 năm 1065-?) là một nhân vật nổi tiếng thời nhà Lý được người Việt gọi là thánh. Ông tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh tại xã Đàm Xá, phủ Trường An nay là làng Điền Xá, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
[sửa] Giai thoại
Vào thời nhà Lý, ở thôn Điềm Xá có ông Nguyễn Sùng, kết duyên cùng bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Gia cảnh hai vợ chồng Sùng rất nghèo nhưng luôn luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành.
Cha mẹ mất sớm, cậu bé mò cua, bắt cá, sinh sống qua ngày. Nguyễn Chí Thành lớn lên sang Tây Trúc học đạo và kết nghĩa anh em với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải là hai vị chân sư có uy tín đương thời. Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lại sang quê mẹ ở Phả Lại và Giao Thủy (Nam Định),Vũ Thư (Thái Bình) dựng chùa, tu hành, lấy vị hiệu là Minh Không.
Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh lẫy lừng. Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và được phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Ông còn được mệnh danh là ông tổ đúc đồng, người tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, tượng phật Quỳnh Lâm và Vạc Phổ Minh. Những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời đều thờ ông là ông tổ đúc đồng.
[sửa] Đền thờ
Là một thiền sư giỏi về Phật pháp, giỏi cả pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng... Ông được tôn là bậc Thánh. Tục ngữ có câu:
Đại Hữu sinh Vương
Điềm Giang sinh Thánh
Trong hai câu tục ngữ ca trên thì vương ở đây chỉ vua Đinh Tiên Hoàng, Thánh chỉ Nguyễn Minh Không.
Tên tuổi của Nguyễn Minh Không đã gắn liền với bao truyền thuyết, nhiều đền, chùa trên đất nước thờ như tại nơi ông sinh ra thuộc hai xã Gia Thắng, Gia Tiến; chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng ở huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình.
Ở Nam Định cũng có khá nhiều chùa thờ đức thánh Nguyễn: Chùa Cổ Lễ thuộc tỉnh Nam Định, Tương truyền chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý sáng lập. Chùa Cổ Lễ là một danh thắng đẹp, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Nơi đây còn nhiều di vật quý hiếm như đại hồng chung, một trống đồng thời Lý và một túi đựng đồng. Lễ hội chùa Cổ Lễ mở từ ngày 15 đến 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. Tại chùa Keo ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, lễ hội diễn ra vào 13 - 15/9 âm lịch.
Ở Thái Bình, Nguyễn Minh Không cũng được thờ tại Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lễ hội chùa Keo diễn ra trong 3 ngày từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch để suy tôn Đức thiền sư Không Lộ, lễ hội với nhiều nghi lễ tôn giáo và một số tập tục cổ truyền để tưởng nhớ vị thiền sư đã có công với nước. Tại chùa Am xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cũng có thờ và lễ hội suy tôn vào thời gian: 2/9 âm lịch. Đức thánh Nguyễn cũng được thờ ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình, lễ hội đền ở đây diễn ra vào 20/3 âm lịch.
Ngày nay ở Hà Nội còn có phố mang tên Lý Quốc Sư và đền thờ ông được vua Lý Anh Tông cho xây dựng khi ông mất.
[sửa] Liên kết ngoài
Bài này còn sơ khai. Bạn có thể góp sức viết bổ sung cho bài được hoàn thiện hơn. Xem phần trợ giúp để biết thêm về cách sửa đổi bài. |