Lê dương Pháp
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Xin xem các mục từ khác có tên tương tự ở Lê dương (định hướng).
Légion étrangère Lê dương Pháp |
|
---|---|
Biểu trưng của Lê dương Pháp: Cờ hiệu và lựu đạn |
|
Hoạt động | 10 tháng 3 năm 1831 — nay |
Quốc gia | Pháp |
Binh chủng | Quân đội Pháp |
Quy mô | 8 trung đoàn, 1 bán lữ đoàn và 1 phân đội |
Bộ chỉ huy | Aubagne |
Khẩu hiệu | "Legio Patria Nostra - La Légion est Notre Patrie" |
Hành khúc | Le Boudin |
Lễ kỷ niệm | Ngày Camerone (30 tháng 4) và Giáng sinh |
Tướng chỉ huy | |
Chỉ huy hiện thời |
Louis Pichot de Champfleury |
Lê dương Pháp (tiếng Pháp: Légion étrangère) là một đội quân tinh nhuệ của Lục quân Pháp. Được thành lập năm 1831, đây là đơn vị đặc biệt của quân đội Pháp vì các binh sĩ của nó là những người nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho nước Pháp (việc tuyển lính nước ngoài cho quân đội Pháp đã bị cấm từ sau năm 1830). Nhiệm vụ ban đầu của Lê dương Pháp là bảo vệ và mở rộng các thuộc địa của Pháp, nhưng sau đó đội quân này đã trở thành một lực lượng quan trọng của quân đội Pháp tham chiến trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới cũng như nhiều cuộc xung đột khác.
Các binh sĩ của đơn vị Lê dương Pháp được gọi là các légionnaire.
Mục lục |
[sửa] Thành lập
Lịch sử của Lê dương Pháp bắt đầu vào ngày 15 tháng 8 năm 1830 khi tổng tư lệnh quân Pháp xâm lược Alger là Louis Auguste Victor de Ghaisne de Bourmont tuyển 500 lính bộ binh người bản địa (những zouave) theo lời đề nghị và một bản ghi nhớ của đại tá Alfred d'Aubignosc. Đội quân người nước ngoài này được chính thức thành lập bởi một sắc lệnh ra ngày 10 tháng 3 năm 1831 của vua Pháp Louis-Philippe, đây là kết quả cuộc vận động của bộ trưởng Bộ chiến tranh Pháp khi đó là thống chế Nicolas Jean-de-Dieu Soult. Nhiệm vụ đầu tiên của Lê dương Pháp là tham chiến trong cuộc xâm lược Algérie, theo nguyên tắc thì đội quân này chỉ được tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở hải ngoại trừ trường hợp mẫu quốc Pháp bị tấn công.
Các địa điểm đồn trú đầu tiên của Lê dương Pháp là ở Langres, Bar-le-Duc, Agen và Auxerre. Để thành lập Lê dương, người ta đã tập hợp các đơn vị người nước ngoài trong quân đội Pháp. Các đơn vị của Lê dương bao gồm:
- Tiểu đoàn 1: Đơn vị lính gác Thụy Sĩ và trung đoàn Hohenlohe của các binh sĩ Đức
- Tiểu đoàn số 2 và số 3: Lính Thụy Sĩ và Đức
- Tiểu đoàn 4: Lính Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
- Tiểu đoàn 5: Lính Sardegna và Ý
- Tiểu đoàn 6: Lính Bỉ và Hà Lan
- Tiểu đoàn 7: Lính Ba Lan
Vào thời điểm ban đầu Lê dương là một đội quân ô hợp nơi tập trung các thành phần "khó ưa" nhất của xã hội Pháp, đó là những tội phạm giết người, tù vượt ngục, người ăn xin, người nhập cư bất hợp pháp,... Binh lính của đơn vị này được huấn luyện tồi, trả lương thấp, thiếu thốn cả về quân trang và quân nhu. Tình trạng này dẫn tới tinh thần của các tiểu đoàn Lê dương cũng xuống rất thấp, binh lính chán nản và đơn vị thì thường xuyên thiệt hại nặng trong các chiến dịch ban đầu. Sau khi tình trạng đào ngũ bắt đầu xuất hiện thì các chỉ huy của Lê dương bắt đầu thiết lập một chế độ kỷ luật thép với mức độ khắc nghiệt vượt xa so với quân đội chính quy của Pháp.
[sửa] Các chiến dịch
[sửa] Algérie
Cuộc xâm lược Algérie của Đế quốc Pháp là chiến dịch đầu tiên Lê dương tham chiến. Tiểu đoàn 4 là đơn vị Lê dương nổ súng đầu tiên vào ngày 11 tháng 11 năm 1832 trong trận chiến ở Sidi-Chabal (gần Oran) chống lại đội quân của Abd El-Kader.
Năm 1834, các binh sĩ người Tây Ban Nha của tiểu đoàn 4 được giải ngũ để trở về tổ quốc, phiên hiệu tiểu đoàn 4 được tiểu đoàn 5 tiếp nhận. Ngày 16 tháng 12 năm 1836 vua Louis-Philippe cho thành lập Lê dương thứ 2 để tiếp viện cho quân đội Pháp tại Algérie, 3 tiểu đoàn mới được thành lập để lấp vào chỗ trống của những đơn vị lính Tây Ban Nha đã trở về nước. Năm 1840, hai tiểu đoàn 4 và 5 tiếp tục được thành lập tại Pau và Perpignan.
[sửa] Chiến tranh Crimea (1854-1856)
Ngày 20 tháng 9 năm 1854, 2 trung đoàn Lê dương đã tham chiến ở trận Alma và sau đó tham gia Cuộc bao vây Sevastopol trong mùa đông 1854-1855. Ngày 21 tháng 6 năm 1855, đại đội Lê dương tinh nhuệ của tiểu đoàn 3 cũng rời đảo Corse tới bán đảo Crimea. Ngày 8 tháng 9 cùng năm trung đoàn Lê dương số 2 tham chiến trận cuối cùng của chiến tranh Crimea.
[sửa] Chiến dịch Ý
Là một bộ phận của quân đội châu Phi, Lê dương Pháp đã tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập thứ hai của Ý. Họ đã tham gia vào hai trận đánh lớn là trận Magenta ngày 4 tháng 6 và trận Solférino ngày 24 tháng 6 năm 1859.
[sửa] Chinh phục Mexico
Ngày 25 tháng 3 năm 1863 trung đoàn Lê dương Pháp đặt chân tới Mexico với nhiệm vụ hộ tống đoàn vận tải từ Veracruz đến Puebla. Tuy vậy đại đội 3 của trung đoàn này đã tham gia nổ súng trong trận Camerone. Năm 1864 trung đoàn Lê dương tại Mexico được tái cơ cấu lại thành 4 tiểu đoàn, toàn bộ đơn vị cũng rời Sidi bel Abbès về Aix-en-Provence để tuyển mộ thêm lính và tiếp viện cho lực lượng Pháp tại Mexico. Từ tháng 12 năm 1864 đến tháng 2 năm 1865, một số đơn vị của Lê dương đã tham gia cuộc bao vây Oaxaca. Ngày 3 tháng 7 năm 1866, đại đội 3 và 5 của tiểu đoàn 4 gồm 125 lính Lê dương dưới sự chỉ huy của đại úy Frenet đã giữ vững trận địa sau 48 giờ tấn công của một lực lượng áp đảo 600 lính Mexico. Sau khi cuộc chinh phục của người Pháp thất bại, các đơn vị Lê dương cũng quay trở lại Pháp.
[sửa] Chiến tranh Pháp-Phổ (1870)
Ngày 19 tháng 7 năm 1870, chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ trên đất Pháp. Không thể dùng những người Đức của Lê dương để chống lại chính tổ quốc của họ (nước Phổ), quân đội Pháp buộc phải gọi 2 tiểu đoàn Lê dương từ châu Phi về Pháp. Tuy vậy nước Pháp vẫn không tránh khỏi thất bại và chính các đơn vị này lại tham gia cuộc đàn áp Công xã Paris vào tháng 4 và tháng 5 năm 1871.
[sửa] Xâm lược Việt Nam (1883)
Ngày 18 tháng 11 năm 1883, 600 lính Lê dương Pháp đổ bộ xuống Bắc Kỳ của Việt Nam. Họ là lực lượng bổ sung cho quân đội viễn chinh Pháp do đô đốc Amédée Courbet chỉ huy lúc này đang xung đột với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc. Ngày 16 tháng 12 năm 1883, Lê dương Pháp nổ súng lần đầu tiên trên đất châu Á trong cuộc đánh chiếm thành Sơn Tây. Được tiểu đoàn 2 tiếp viện tháng 2 năm 1884, các đơn vị Lê dương đã tiếp tục chiếm thành Bắc Ninh, các đơn vị này cũng tham gia trận chiến tại thành Tuyên Quang từ 26 tháng 1 đến 3 tháng 3 năm 1885. Ngày 1 tháng 2 năm 1885, các tiểu đoàn 3 và 4 của trung đoàn nước ngoài số 1 tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Tiểu đoàn 3 đã tham gia cuộc đánh chiếm thành Lạng Sơn ngày 4 tháng 2. Riêng tiểu đoàn 4 của trung đoàn 2 đã tiến sang đảo Đài Loan vào tháng 1 năm 1885 để tham chiến chống lại lực lượng Trung Quốc, họ ở lại đây cho đến khi hòa ước Pháp-Thanh được ký ngày 21 tháng 6 năm 1885 thì quay trở lại Bắc Kỳ. Sau khi Bắc Kỳ hoàn toàn rơi vào tay quân Pháp, các lực lượng Lê dương bắt đầu phải tham gia dẹp các cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra liên tiếp tại đây.
[sửa] Thế chiến thứ nhất
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, bắt đầu từ tháng 8 năm 1914, hàng nghìn người nước ngoài đã tham gia chiến đấu vì nước Pháp. Tổng cộng đã có 42.883 người tình nguyện thuộc 52 quốc tịch khác nhau trong đó phần đông là người Nga, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ và Anh. Họ đã được tập hợp trong 5 trung đoàn bộ binh. Tuy vậy do những thiệt hại lớn trong giai đoạn đầu của cuộc chiến cũng như nhiều binh sĩ trở về chiến đấu cho tổ quốc của họ, ngày 11 tháng 11 năm 1915 bộ chỉ huy quân đội Pháp đã quyết định thành lập Trung đoàn bộ binh Lê dương (Régiment de marche de la Légion étrangère - RMLE). Đơn vị này đã tham chiến trong các trận đánh lớn nhất ở Thế chiến như trận Somme, trận Verdun và trở thành một trong những đơn vị có nhiều danh hiệu nhất của quân đội Pháp.
Bên cạnh đó, một đơn vị Lê dương khác cũng được thành lập ở châu Phi, đó là Trung đoàn bộ binh Algérie (Régiment de Marche d'Algérie - RMA) gồm những người zouave và lính bản xứ người Algérie. Đơn vị này đã tham gia trận Dardanelles (1915) và chiến đấu trong quân đội Viễn Đông Pháp trên mặt trận Salonique giai đoạn 1916-1918.
Tổng cộng đã có trên 6.000 légionnaire tử trận trên chiến trường Pháp và Balkan. Tính riêng RMLE đã có 115 sĩ quan bị giết, bao gồm 2 đại tá, 12 thiếu tá và 21 đại úy.
[sửa] Thế chiến thứ hai
Khi Thế chiến thứ hai nổ ra ngày 3 tháng 9 năm 1939, do những xung đột chính trị ở nhiều nước châu Âu, số lượng tình nguyện tham gia Lê dương tăng vọt lên tới 48.924 người (tính đến ngày 9 tháng 5 năm 1940). Số lượng người tình nguyện lớn đã cho phép đội quân Lê dương Pháp thành lập thêm các đơn vị mới, các đơn vị này tham chiến chủ yếu ở chiến trường châu Phi, họ đã có mặt trong nhiều trận đánh lớn như Bir Hakeim, trận El Alamein thứ hai. Trong giai đoạn 1944-1945, Lê dương Pháp cũng tham gia việc giải phóng Pháp và đánh bại lực lượng phát xít ở Ý và Đức.
[sửa] Chiến tranh Đông Dương
Trong Chiến tranh Đông Dương từ năm 1946 đến năm 1954, đã có khoảng 72.833 légionnaire tham chiến tại chiến trường Đông Dương, trong số này hơn 10.283 người đã chết bao gồm 309 sĩ quan, 1.082 hạ sĩ quan và 9092 légionnaire. Phần lớn thiệt hại của lực lượng Lê dương là trong trận Điện Biên Phủ.
[sửa] Chiến tranh Algérie
Sau thất bại trong Chiến tranh Algérie, người Pháp buộc phải rút khỏi đất nước Bắc Phi này, kéo theo đó đội quân Lê dương cũng mất đi một trong những căn cứ chính của họ là Sidi-Bel-Abbès vốn được thành lập từ năm 1842.
[sửa] Từ năm 1962
Sau Chiến tranh Algérie, lực lượng của Lê dương Pháp giảm từ 40.000 xuống còn khoảng 8.000 người. Đơn vị này đã tham gia một số cuộc xung đột tại Tchad (1969-1971), giải cứu con tin tại Kolwezi (Zaire, năm 1978), giải cứu Yasser Arafat tại Beyrouth đầu thập niên 1980, hỗ trợ người Pháp sơ tán trong các cuộc Chiến tranh vùng Vịnh (1991), Chiến tranh Bosna (1993), xung đột ở Rwanda (1995) và Côte d’Ivoire (2002).
[sửa] Tổ chức
[sửa] Các đơn vị
Các đơn vị của Lê dương Pháp bao gồm:
- Bộ chỉ huy Lê dương Pháp (Commandement de la Légion étrangère - COMLE) đóng tại Aubagne
- Trung đoàn nước ngoài số 1 (1er régiment étranger - 1er RE) đóng tại Aubagne (800 người)
- Trung đoàn nước ngoài số 4 (4e RE) đóng tại Castelnaudary (570 người)
- Trung đoàn nhảy dù nước ngoài số 2 (2e régiment étranger de parachutistes - 2e REP) đóng tại Calvi (Corse) (1.234 người)
- Trung đoàn kỵ binh nước ngoài số 1 (1er régiment étranger de cavalerie - 1er REC) đóng tại Orange (950 người)
- Trung đoàn công binh nước ngoài số 1 (1er régiment étranger de génie - 1er REG) đóng tại Laudun (Gard) (1000 người)
- Trung đoàn công binh nước ngoài số 2 (2e REG) đóng tại Saint-Christol (Vaucluse) (870 người)
- Trung đoàn bộ binh nước ngoài số 2 (2e régiment étranger d’infanterie - 2e REI) đóng tại Nîmes (1.300 người)
- Trung đoàn bộ binh nước ngoài số 3 (3e REI) đóng tại Kourou (Guyane) (250 légionnaire và 380 lính quay vòng). Đây là đơn vị kế thừa của Trung đoàn bộ binh Lê dương (RMLE) nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất.
- Bán lữ đoàn Lê dương số 13 (13e demi-brigade de Légion étrangère - 13e DBLE) đóng tại Djibouti (740 người trong đó có 580 légionnaire)
- Phân đội Lê dương tại Mayotte (Détachement de Légion étrangère de Mayotte - DLEM) đóng tại Dzaoudzi (240 người trong đó có 80 légionnaire)
- Đơn vị tuyển quân của Lê dương Pháp (Groupement du recrutement de la Légion étrangère - GRLE) đóng tại Nogent-sur-Marne
[sửa] Thành phần
Dưới đây là danh sách các quốc gia có người tình nguyện tham gia Lê dương Pháp trong giai đoạn 1831-1961 (với tổng cộng khoảng 600.000 légionnaire). Rất nhiều người trong số này tình nguyện tham gia Lê dương vì các lý do chính trị hoặc chiến tranh ở tổ quốc họ. Chính vì điều này mà danh sách có sự áp đảo của những người Đức vốn ra nhập Lê dương rất nhiều sau Thế chiến thứ hai do bản thân họ đã là cựu chiến binh của lực lượng Waffen-SS và Wehrmacht[cần dẫn chứng]:
Thứ tự | Quốc gia | Số lượng |
---|---|---|
1 | Đức | 210000 |
2 | Ý | 60000 |
3 | Bỉ | 50000 |
4 | Pháp | 50000 |
5 | Tây Ban Nha | 40000 |
6 | Thụy Sĩ | 30000 |
7 | Ba Lan | 10000 |
8 | Nga | 6000 |
9 | Áo | 5000 |
10 | Hungary | 4000 |
11 | Hy Lạp | 4000 |
12 | Tiệp Khắc | 4000 |
13 | Hà Lan | 3000 |
14 | Nam Tư | 3000 |
15 | Luxembourg | 2300 |
16 | Đại Anh | 1500 |
17 | Romania | 1500 |
18 | Bồ Đào Nha | 1300 |
19 | Đan Mạch | 1000 |
20 | Thổ Nhĩ Kỳ | 1000 |
21 | Hoa Kỳ | 700 |
22 | Bulgaria | 500 |
23 | Phần Lan | 500 |
24 | Thụy Điển | 500 |
25 | Algérie | 500 |
26 | Việt Nam | 200 |
27 | Maroc | 200 |
28 | Tunisia | 200 |
29 | Argentina | 100 |
30 | Brasil | 100 |
31 | Nhật Bản | 100 |
32 | Canada | 100 |
33 | Litva | 100 |
34 | Latvia | 100 |
35 | Na Uy | 100 |
36 | Ai Cập | 100 |
[sửa] Các truyền thống
Được thành lập từ binh lính của nhiều quốc gia, vì vậy bên cạnh yếu tố huấn luyện, yếu tố tinh thần của Lê dương cũng rất được chú trọng để đảm bảo sự thống nhất và sức mạnh trong hành động của toàn đơn vị. Điều này được thể hiện qua các truyền thống đa dạng của Lê dương Pháp. Các truyền thống này được ấn định chính thức thông qua quyển sách "Truyền thống của Lê dương Pháp" (Recueil des traditions de la Légion étrangère) và thường xuyên được lặp lại trong quá trình huấn luyện.
[sửa] Khẩu hiệu
Để thể hiện tinh thần chiến đấu vì đơn vị trên hết, Lê dương Pháp có khẩu hiệu:
“ | Legio Patria Nostra - La Légion est Notre Patrie | ” |
có nghĩa: "Lê dương là Tổ quốc của chúng ta".
Từng trung đoàn của Lê dương cũng có khẩu hiệu riêng. Ví dụ Trung đoàn công binh nước ngoài số 1 là Ad unum (Đến người cuối cùng - tiếng Latin), Trung đoàn công binh nước ngoài số 2 là Rien n'empêche (Không gì ngăn cản - tiếng Pháp).
[sửa] Trang phục
Hai màu truyền thống của Lê dương Pháp là màu xanh lá cây và màu đỏ. Loại mũ truyền thống của binh lính Lê dương Pháp là mũ kê-pi trắng. Các hạ sĩ quan và sĩ quan đội mũ kê-pi đen. Trong điều kiện chiến đấu kê-pi được thay bằng mũ nồi xanh lá cây. Từ năm 1868 lính Lê dương bắt đầu đeo ngù vai đặc trưng gồm hai màu đỏ và xanh lá cây. Lính Lê dương tại châu Phi bắt đầu dùng loại thắt lưng len xanh lam từ năm 1862. Thắt lưng này dài tới 4,2 m, rộng 40 cm có tác dụng giữ ấm và bảo vệ vùng bụng. Từ năm 1946 lính Lê dương thống nhất dùng loại cà vạt màu xanh lá cây đồng màu với tất.
[sửa] Truyền thống khác
Trong các cuộc diễu binh ngày 14 tháng 7, Lê dương Pháp luôn là đơn vị bộ binh diễu hành cuối cùng, đơn vị này cũng được phép diễu hành với nhạc hiệu riêng của Lê dương Pháp và không phải tách ra khi đến trước lễ đài của tổng thống, việc này bắt nguồn từ truyền thống là đơn vị không thể bị chia cắt của Lê dương. Nhịp diễu binh của Lê dương Pháp cũng nhanh hơn các đơn vị bình thường với 88 bước/phút, đặc điểm này thừa hưởng từ thói quen của các đơn vị nước ngoài từ thời Đệ nhất đế chế.
Bản hành khúc chính thức của Lê dương Pháp là Le Boudin (sáng tác năm 1870).