Lê Văn Khôi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lê Văn Khôi (? – 1834) tên thật là Bế - Nguyễn Nghê , còn được gọi là Hai Khôi[1], Nguyễn Hựu Khôi[2] hay Bế Khôi, là con nuôi, là thuộc tướng của Lê Văn Duyệt và là người lãnh đạo cuộc khởi binh chống lại nhà Nguyễn ở thành Phiên An (tức vùng Gia Định cũ, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam)
Mục lục |
[sửa] Gia thế
Căn cứ Tộc phả Bế - Nguyễn, ông tổ đời thứ 9 của Lê Văn Khôi, vốn họ Nguyễn tức Nguyễn Tông Thái. Đời ông tổ đời thứ 8 đổi theo họ tỗ mẫu (họ mẹ), gọi là Bế Công. Đến ông tổ đời thứ 5, vì có công dẹp nhà Mạc nên đời đời tập chức phiên thần, cai quản địa phương và trở thành dòng họ lớn ở Cao Bằng...
Đến tháng 9 năm Canh Thân (1740), năm đầu Cảnh Hưng, vua Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế lại cho đổi làm họ Bế - Nguyễn. [1]
Cũng theo tộc phả này, Lê Văn Khôi là con trai Bế Kiện. Và Khôi là một người cao lớn, dũng mãnh, ăn nhiều, tính hay khôi hài, tài võ xuất chúng...[3]
[sửa] Thân thế
[sửa] Theo Lê Văn Duyệt
Liệt truyện ghi: “năm Gia Long thứ 18 (1819), ở hai trấn Thanh Nghệ và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình), Thiên Quan (tên phủ, nay đổi là Nho Quan), những lưu dân, thổ phỉ tụ họp nhau làm giặc, quan sở tại không kiềm chế nổi, vua sai tả quân Lê Văn Duyệt tới đó kinh lược. (Khi ấy) Khôi mộ quân lệ thuộc dưới trướng, đánh dẹp thường có công. Duyệt yêu mến dùng làm nanh vuốt”.
Trần Trọng Kim cho biết chi tiết hơn:“ Lê Văn Khôi, khởi binh làm loạn, bị quan quân đuổi đánh, mới chạy vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn Duyệt xin đầu thú. Ông Duyệt tin dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê Văn Khôi, rồi đem về Gia Định cất nhắc cho làm đến phó vệ úy.”[4].
Nhưng theo Nguyễn Phan Quang tìm hiểu thì “rất có thể Lê Văn Khôi rời Cao Bằng đi đến vùng thượng du Hòa Bình, Thanh Hóa (nơi vốn có mối quan hệ lâu đời với dòng họ của Lê Văn Khôi), nhằm liên kết với cuộc đấu tranh của các lang đạo họ Đinh, họ Quách của dân tộc Mường. Và Lê Văn Khôi đã đi theo Lê Văn Duyệt vào khoảng thời gian lãnh tụ Quách Tất Thúc và 2 con đầu hàng Duyệt và được Duyệt cho theo quân thứ." [1]
[sửa] Khởi binh chống nhà Nguyễn
Năm 1832, Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất vì bệnh, vua Minh Mạng vốn không bằng lòng ông Duyệt từ trước, liền cho bãi chức Tổng trấn thành Gia Định, chia vùng đất miền Nam do ông Duyệt cai quản ra làm 6 tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh), cắt đặt quan lại vào thay và dựng lên vụ án Lê Văn Duyệt… [5]
Trong những quan lại ấy có Nguyễn Văn Quế làm tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm bố chính, Nguyễn Chương Đạt làm án sát. Và “ vốn là người tham lam, tàn ác; nên khi đến làm bố chính ở Phiên An, Bạch Xuân Nguyên nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cớ, trị tội bọn tôi tớ của ông Duyệt ngày trước" (trong số đó có Lê Văn Khôi bị cầm tù).[4].
Ở trong tù, Lê Văn Khôi ngầm liên hệ được với binh lính bên ngoài, nên vào đêm 18 tháng 5 Quý Tỵ (1833), Khôi cùng 27 người lính đồng mưu đột nhập dinh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên, người trực tiếp lo vụ án Lê Văn Duyệt. Nguyễn Văn Quế đem quân đến cứu cũng bị giết...
Chiếm được thành Phiên An (và chỉ trong vòng một tháng, Khôi chiếm luôn 6 tỉnh Nam Kỳ), Lê Văn Khôi cho mở cửa tù, thả hết phạm nhân và phát khí giới cho họ. Khôi tự xưng là Đại nguyên súy, phong quan tước cho thuộc hạ, rồi cùng lập một triều đình riêng.
[sửa] Thành Phiên An thất thủ
Hay tin, vua Minh Mạng liền cử Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng đem thủy bộ binh tượng vào đánh Khôi.
Địa chủ, phú hào các nơi dao động, không dám ủng hộ Khôi nữa. Tiếp đó, một tướng giỏi của Khôi là Thái Công Triều (người Thừa Thiên, nguyên là vệ úy coi vệ biền binh ỏ Phiên An) cũng đầu hàng triều đình, khiến lực lượng nổi dậy suy yếu nhanh chóng.[6]
Lúng túng trước tỉnh thế, Lê Văn Khôi dựa vào giáo sĩ phương Tây, nhờ họ đi cầu viện quân Xiêm (tức Thái Lan ngày nay), làm cho tinh thần quân dân càng bất đồng và nao núng. Nhân cơ hội này, các tướng nhà Nguyễn nhanh chóng thu phục lại các tỉnh đã mất. Lê Văn Khôi phải rút vào thành Phiên An cố thủ.
Đầu năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh phù thủng, chết ở trong thành.[7] Con trai Khôi là Lê Văn Cù mới 8 tuổi[8] được cử lên thay. Bấy giờ, hiện trạng rất nguy ngập: Thành bị bao vây, dịch tả hoành hành, súng đạn hư hỏng vơi cạn dần, lương thực tuy nhiều nhưng bị ẩm mốc, quân Xiêm kéo sang giúp bị đánh bại, hàng ngũ binh lính và nhân dân ly tán…
Ngày 16 tháng 7 năm 1835, quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành Phiên An. Quân của Khôi chống cự không nổi. Thành Phiên An thất thủ, 1.831 người gồm cả già trẻ, gái trai đều bị chém chết [9] chông chung một chỗ, sau này gọi là “ Mả Ngụy."[10]
Riêng 6 người bị kết tội "chủ mưu" bị đóng cũi giải về Huế và nhận lãnh án lăng trì, trong đó có con trai của Lê Văn Khôi mới 8 tuổi, một linh mục người Pháp là Marchand, một người Hoa là Mạch Tấn Giai. [11].
[sửa] Nhận xét
Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi là cuộc nổi dậy không thành công to lớn nhất của Nam Kỳ. Nó quy tụ được nhiều thành phần của Sài Gòn đương thời. Họ bất mãn với sự thay đổi chính sách thống trị của Minh Mạng ngay sau khi Lê Văn Duyệt chết. Họ cùng bị bách hại, kết tội, bóc lột bởi nhóm quan lại mới đến. Nhưng họ chỉ biết kết hợp chống đối, mà thiếu hẳn một đường lối để tạo thành một sức mạnh gắn bó, cuốn hút được những người còn ở xa.
Chỉ nội cái việc Lê Văn Khôi tức tốc cầu viện quân Xiêm đã đủ cho nhân dân lục tỉnh phản đối rồi, nên suốt thời gian bị bao vây, không có một cuộc nổi dậy nào của dân ở các tỉnh, nhằm chia sẻ lực lượng quân triều. Điều đó đã nói lên mức độ bị cô lập của một cuộc binh biến… [12]
Và cuộc binh biến này, thực chất chỉ là một cuộc đảo chính quân sự của một tầng lớp thống trị địa phương, nhằm chống lại nhà nước phong kiến trung ương, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa của nhân dân, mặc dù nó đã lôi cuốn được nhiều thành phần, như: giáo dân Thiên chúa, một số Hoa kiều, một số dân tộc ít người vùng Tây Ninh, binh lính quê ở miền Bắc, miền Trung, một số địa chủ, dòng dõi công thần và một số quan lại dưới quyền Lê Văn Duyệt...Nhưng cuộc binh biến chưa có biểu hiện nào cho thấy nó đã nổ ra vì nguyện vọng và vì lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân...[13]
Đầu thế kỷ 20, nhớ đến hậu quả của cuộc binh biến này, Nguyễn Liên Phong có thơ:
- Minh Mạng thập lục niên trung,
- Phan An thành hãm người trong hơn ngàn.
- Nam phụ lão ấu cả đoàn,
- Tội lây vạ tràn vua chẳng thứ dung.
- Biền tru hạ chiếu ngai rồng,
- Thành trung tặc đảng chôn chung một hầm.
- Giặc loàn chết đã quan tâm
- Rủi ro xích tử lỗi lầm vì đâu?
- Oan hồn ăn thảm uống sầu,
- Suối vàng lạnh lẽo ai cầu cho siêu?[14]
[sửa] Chú thích
- ^ a b c Theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX, NXB TP. HCM, 2002, tr. 230-237
- ^ Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, ghi Nguyễn Hữu Khôi.
- ^ Về võ nghệ, tương truyền khi vào Gia Định, có lần Lê Văn Khôi dùng tay không chống lại cọp dữ, cho sứ thần nước Xiêm coi. Về tài văn, bổn tuồng San hậu, có nhiều đoạn do Khôi nhuận sắc. (Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ men lam (Huế), NXB Mỹ thuật, 1994, tr. 208)
- ^ a b Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, 1968, tr.445
- ^ Lê Văn Duyệt bị vu nhiều tội, nên mồ mả bị xiềng, tài sản bị tịch thu, vợ và các thuộc hạ thân tín đều bị bắt giam. (xem thêm Lê Văn Duyệt).
- ^ Lê Văn Khôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng là cắt đôi đất Nam Kỳ, giao một nữa cho Thái Công Triều trực tiếp quản lĩnh. (Theo Nguyễn Phan Quang, sách đã dẫn.)
- ^ Sách Sài Gòn - TP. HCM do TS. Quách Thu Nguyệt chủ biên, ghi Lê Văn Khôi mất năm 1835. (NXB Trẻ, 2006, tr. 100)
- ^ Nguyễn Quang Thắng, sách đã dẫn, ghi Lê Văn Câu. Sách Sài Gòn - TP. HCM do TS. Quách Thu Nguyệt chủ biên, ghi Lê Văn Cú. Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, ghi 7 tuổi.
- ^ Ghi theo Trần Trọng Kim (sách đã dẫn), Nguyễn Quang Thắng (Từ điền nhân vật lịch sử Viêt Nam). Riêng sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam ghi 1.737 người (NXB Trẻ, 2007). Nguyển Phan Quang (sách đã dẫn) cho biết căn cứ vào những bản mật tấu thì con số bị bắt giết là 1.284 người. Phần quân triều đình, con số bị thương hơn ngàn và bị chết trong công cuộc đánh dẹp là 2431 người.
- ^ . Mả Ngụy ở gần Mô súng, khoảng gần Ngã Sáu công trường Dân chủ. Theo Địa chí văn hóa TP. HCM, phần lịch sử, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình cùng chủ biên, xuất bản năm 1987. Xem thêm bài viết về đồng Mả Ngụy [1] và [2]
- ^ Theo A. Schneiner - Revue Indochinoise - (số 7-8 năm 1915, dẫn lại từ Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim). Nguyễn Phan Quang (sách đã dẫn) ghi rõ tên các tội nhân là: Nguyễn Văn Cù (con Khôi), giáo sĩ Marchand (Cố Du), Bốn Bang, Nguyễn Văn Hoành, Nguyễn Văn Trấm, Nguyễn Văn Bột. Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam không ghi Bốn Bang mà ghi Mạch Tấn Giai. Có người cho biết thêm rằng lúc thành Phiên An bị chiếm, số người Hoa bị bắt tại chỗ hơn 800, trong số đó có một người tên Bốn Bang. Ông này trước khi bị giết có soạn một truyện dài bằng thơ lục bát được gọi là Bốn Bang thư gồm 308 câu kể lại cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi. Sáu người cầm đầu bị đem về Huế xử lăng trì, trong đó có hai thủ lãnh gốc Hoa tên Mạch Tấn Giai (người Tiều), Lưu Hằng Tín (người Quảng)... Ở trang web này còn ghi thêm một chi tiết: Bốn Bang không phải là tên của một người mà là bốn bang lớn của người Hoa, đại diện cho tất cả người Hoa tại miền Nam, tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi. Do vậy,từ đó người Hoa không còn được nhà Nguyễn ưu đãi như trước.(theo [3]) Ngoài ra, theo Vương Hồng Sển, sách đã dẫn, còn có 2 người bị giết nữa, một là Hoàng Tôn Đản, con trai Nguyễn Phúc Cảnh, “vì lời nói của Khôi để dụ nhiểu người theo mình, rằng sẽ lập Đản lên ngôi báu, báo hại ông này bị chú là Minh Mạng sai giết luôn”. Và người thứ hai là Thái Công Triều vì tội “ lội qua phe Khôi, rồi lội trở qua phe triều đình mà cũng cứu không khỏi rụng đầu”. (Nhưng theo lời đốc phủ Trần Văn Vị, một nhân vật kỳ cựu, biết nhiều về vụ việc của Khôi, đã thuật lại với ông Sylvestre, thì Thái Công Triều bất đắc dĩ phải theo Khôi, nên thường lén đưa thư cho các bạn đồng liêu ở triều đình.)
- ^ Theo Địa chí văn hóa TP. HCM, phần lịch sử, sách đã dẫn.
- ^ Theo Sài Gòn - TP. HCM do TS. Quách Thu Nguyệt chủ biên (NXB Trẻ, 2006, tr. 100)
- ^ Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, cuốn thứ nhứt, Sài Gòn, 1906
[sửa] Liên kết ngoài
-
- Đoạn viết về Lê Văn Khôi trong Việt Nam sử lược Trên web Quê hương.
-
- Tài liệu về Lê Văn Khôi Trên web Quận 10, TP.HCM.