Bộ Guốc lẻ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bộ Guốc lẻ Thời điểm hóa thạch: Cuối thế Paleocen - gần đây |
||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Phân loại khoa học | ||||||||
|
||||||||
Các họ | ||||||||
Equidae |
Bộ Guốc lẻ hay bộ Móng guốc ngón lẻ hoặc bộ Ngón lẻ (danh pháp khoa học: Perissodactyla) là các động vật có vú gặm cỏ hay các cành, chồi non. Chúng là các động vật có móng guốc ngón lẻ (tức là các động vật có số lượng ngón chân là số lẻ trên mỗi móng guốc), thông thường là các động vật to lớn hay rất to lớn và chúng có dạ dày tương đối đơn giản cũng như ngón chân giữa to hơn.
[sửa] Tiến hóa
Động vật móng guốc ngón lẻ đã phát sinh tại khu vực mà ngày nay là Bắc Mỹ vào cuối thế Paleocen, chưa tới 10 triệu năm sau sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng-phân đại đệ Tam, mà trong sự kiện đó các loài khủng long đã bị tuyệt chủng. Vào đầu thế Eocen (55 triệu năm trước) chúng đã đa dạng hóa và tản ra để chiếm lĩnh vài lục địa. Các loài ngựa và heo vòi cùng tiến hóa tại Bắc Mỹ; trong khi các loài tê giác dường như đã phát triển tại châu Á từ các động vật tương tự như heo vòi và sau đó tái chiếm châu Mỹ trong thời kỳ giữa thế Eocen (khoảng 45 triệu năm trước). Có khoảng 12 họ trong bộ này, nhưng còn tồn tại đến ngày nay chỉ còn ba họ. Các họ này là rất đa dạng về hình dáng và kích thước; chúng bao gồm các động vật khổng lồ trong họ Brontotheriidae và các động vật kỳ quái trong họ Chalicotheriidae. Loài động vật móng guốc ngón lẻ to lớn nhất là tê giác không sừng châu Á (chi Paraceratherium họ Hyracodontidae, đã tuyệt chủng), nặng tới 12 tấn, vào khoảng hai lần nặng hơn voi.
Các động vật móng guốc ngón lẻ đã từng là nhóm thống trị trong số các động vật lớn sống trên đất liền và gặm cành, chồi cây cho tới tận thế Oligocen. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của các loài cỏ trong thế Miocen (khoảng 20 triệu năm trước) sđã tạo ra sự thay đổi lớn: các loài động vật móng guốc ngón chẵn với các dạ dày phức tạp hơn đã có khả năng thích nghi tốt hơn với các thức ăn thô và ít dinh dưỡng hơn và chúng nhanh chóng trở thành nhóm thống lĩnh. Tuy nhiên, nhiều loài động vật ngón lẻ cũng đã sống sót và còn thịnh vượng cho đến tận cuối thế Pleistocen (khoảng 10.000 năm trước) khi chúng phải đối mặt với áp lực từ sự săn bắt của con người và sự thay đổi môi trường sống.
[sửa] Phân loại
Các thành viên trong bộ này được chia thành hai phân bộ:
- Hippomorpha là các động vật móng guốc ngón lẻ có khả năng chạy nhanh với các chân dài và chỉ có một ngón chân; phân bộ này có một họ duy nhất là họ Ngựa (Equidae) (chỉ có một chi là Equus), bao gồm các loài ngựa, ngựa vằn, lừa, lừa rừng Trung Á và các loài đồng minh khác.
- Ceratomorpha là các động vật móng guốc ngón lẻ có vài ngón chân hoạt động, chúng nặng nề và di chuyển chậm hơn các loài trong nhóm Hippomorpha. Phân bộ này bao gồm hai họ là: Tapiridae (heo vòi) và Rhinocerotidae (tê giác)
Ba họ với các chi còn tồn tại đến ngày nay của động vật móng guốc ngón lẻ được phân loại như sau.
- Bộ PERISSODACTYLA
- Phân bộ Hippomorpha
- Họ Equidae: Ngựa và các loài đồng minh, khoảng 9 loài trong 1 chi
- Lừa hoang châu Phi, Equus africanus
- Lừa hay Lừa châu Phi, Equus asinus
- Ngựa nhà, Equus caballus (xem thêm ngựa hoang)
- Ngựa vằn Grevy, Equus grevyi
- Lừa rừng Trung Á hay lừa châu Á Equus hemionus
- Lừa hoang Tây Tạng, Equus kiang
- Ngựa Przewalski, Equus przewalskii
- Ngựa vằn đồng bằng, Equus quagga
- Ngựa vằn núi, Equus zebra
- Họ Equidae: Ngựa và các loài đồng minh, khoảng 9 loài trong 1 chi
- Phân bộ Ceratomorpha
- Họ Tapiridae: 4 loài heo vòi trong 1 chi
- Heo vòi Brasil, Tapirus terrestris
- Heo vòi núi, Tapirus pinchaque
- Heo vòi Baird, Tapirus bairdii
- Heo vòi Malaya, Tapirus indicus
- Họ Rhinocerotidae: 5 loài tê giác trong 4 chi
- Tê giác đen, Diceros bicornis
- Tê giác trắng, Ceratotherium simum
- Tê giác Ấn Độ, Rhinoceros unicornis
- Tê giác Java, Rhinoceros sondaicus
- Tê giác Sumatra, Dicerorhinus sumatrensis
- Họ Tapiridae: 4 loài heo vòi trong 1 chi
- Phân bộ Hippomorpha