Anh Thơ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Xin xem các mục từ khác có tên tương tự ở Anh Thơ (định hướng).
Anh Thơ, tên thật là Vương Kiều Ân (sinh 25 tháng 1năm 1921[1] tại Bắc Giang, mất 14 tháng 3 năm 2005 tại Hà Nội), là một nhà thơ nữ Việt Nam.
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Anh Thơ sinh tại thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; quê quán: thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Cha bà là một nhà nho đậu tú tài và ra làm công chức cho Pháp nên phải thuyên chuyển nhiều nơi, Anh Thơ cũng phải đổi trường học từ Hải Dương sang Thái Bình rồi về lại Bắc Giang mà vẫn chưa qua bậc tiểu học.
Anh Thơ sáng tác từ sớm, năm 17 tuổi với tập Bức Tranh quê bà được nhận giải khuyến thích của Tự Lực Văn Đoàn. Sau đó bà tham gia viết bài cho báo Đông Tây và một vài báo khác.
Anh Thơ tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng là Bí thư huyện Hội phụ nữ 4 huyện thời đó: Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng (tỉnh Bắc Giang), ủy viên thường vụ Tỉnh Hội phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 1 và 2).
Từ năm 1971 đến năm 1975 bà làm biên tập viên tạp chí Tác phẩm mới. Bà cũng là ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ban đầu, bà lấy bút danh Hồng Anh, sau mới đổi thành Anh Thơ.
Bà mất tại Hà nội do bệnh ung thư phổi.
Anh Thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.
[sửa] Tác phẩm
- Bức tranh quê (thơ, 1939)[2]
- Xưa (thơ, in chung, 1942)
- Răng đen (tiểu thuyết, 1943)
- Hương xuân (thơ, in chung, 1944)
- Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957)
- Theo cánh chim câu (thơ, 1960)
- Ðảo ngọc (thơ, 1964)
- Hoa dứa trắng (thơ, 1967)
- Quê chồng (thơ, 1979)
- Lệ sương (thơ, 1995)
- Hồi ký Anh Thơ (hồi ký, 2002, gồm 3 tập: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng sông chia cắt)
[sửa] Thành tựu nghệ thuật
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết: "Khi chị đến thì phong trào Thơ mới đã ổn định với các tên tuổi tiêu biểu của nó, nhưng chị vẫn có đóng góp riêng: những bức tranh thôn quê xứ Bắc. Cùng với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân... Anh Thơ làm giàu thêm lòng yêu quê hương làng nước của người Việt Nam mình" [3]. Những cảnh quê như:
- "...Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
- Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay..."
- (Sang thu)
hay
- "...Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
- Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời..."
- (Chiều xuân)
sẽ còn tiếp tục được yêu mến. Ngoài thơ, tập Hồi ký Anh Thơ của bà cũng được đánh giá cao trong thể loại hồi ký.
[sửa] Chú thích
- ^ Có tài liệu ghi sinh năm 1918, hoặc 1919, bài viết theo thông tin trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam
- ^ Có tài liệu ghi năm 1941
- ^ Danh nhân xứ Bắc, báo Bắc Giang
[sửa] Liên kết ngoài
Thơ Anh Thơ trên Thi viện